35 năm gây dựng một chiếu chèo

05:06, 24/06/2020

35 năm qua, đất mới Đạ Tẻh luôn vang lên điệu hát í..ì..i..i… của người phụ nữ mê chèo, yêu chèo, mong gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

35 năm qua, đất mới Đạ Tẻh luôn vang lên điệu hát í..ì..i..i… của người phụ nữ mê chèo, yêu chèo, mong gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. 
 
Các tiết mục chèo của CLB chèo xã Hà Đông do bà Thưởng tự biên, dàn dựng đoạt giải B Liên hoan Dân ca toàn tỉnh Lâm Đồng 2019
Các tiết mục chèo của CLB chèo xã Hà Đông do bà Thưởng tự biên, dàn dựng đoạt giải B Liên hoan Dân ca toàn tỉnh Lâm Đồng 2019
 
Bà là bà Đặng Thị Thưởng (65 tuổi, xã Mỹ Đức - Đạ Tẻh), lớn lên trong gia đình yêu nghệ thuật chèo, có bố mẹ, cô, dì, chú bác đều tham gia đội văn nghệ quần chúng, 7 tuổi bà Thưởng đã theo người thân đến chiếu chèo trong làng, trong xã ở quê Chương Mỹ - Hà Nội (Hà Tây cũ). Do mê trống, phách, đàn nhị, say chèo, yêu chèo, đứng ngoài xem người lớn tập văn nghệ, bà hát theo mà thuộc bài, thuộc thoại khi các diễn viên lớn chưa kịp thuộc lời nhân vật mình đóng. Trong trò chơi con trẻ của bà có cả sân khấu là bãi đất trống, có khi là bậc thềm nhà, khán giả chỉ lèo tèo trẻ con trong xóm, diễn viên đôi ba đứa, một mình bà đóng cả ba vai chèo. Hơn 12 tuổi, bà Thưởng biết hát hết các làn điệu, biết các tích chèo cổ, biết cách diễn xướng, giai điệu, hoạt cảnh, trích đoạn, cách đánh trống, gõ phách, giữ nhịp…
 
Gieo nghệ thuật chèo ở quê mới
 
Năm 1984, bà Thưởng đến Đạ Tẻh khi ở tuổi gần 30. Dù những ngày đầu cuộc sống khó khăn, 5 đứa con còn nhỏ, nhưng bà vẫn đau đáu nghĩ về chèo. Ngày cùng chồng khai hoang hơn 2 ha đất trồng bắp, mì, đỗ, rau, lúa; đêm đến bà lại tập tiết mục để tham gia các hội diễn văn nghệ của xã, đem tiếng hát chèo quê nhà biểu diễn trên các sân khấu nghệ thuật quần chúng của huyện với mong muốn đi đến đâu, tiếng hát chèo phải được mang theo đến đó. Ngay từ những ngày đầu huyện Đạ Tẻh mới thành lập, hội diễn văn nghệ nào các tiết mục chèo bà Thưởng biểu diễn đều gây ấn tượng. Bà cùng em gái là hạt nhân nòng cốt hình thành nên “chiếu chèo” Hà Đông, đưa phong trào văn nghệ quần chúng của xã thành một điểm sáng, bà liên tục nhận được nhiều giải thưởng trong liên hoan văn nghệ quần chúng của địa phương. Hát chèo giúp bà vơi đi những gian nan, vượt qua khó khăn những ngày đầu lập nghiệp trên quê mới. 
 
Hết trình diễn các tích tuồng cổ, hát lời ca cổ, bà thổi hồn vào những câu hát, đặt lời mới cho các làn điệu chèo làm cho chèo mang hơi thở mới bằng các tiết mục tự biên, tự diễn. Bà Thưởng biên soạn lời, dùng chèo để chuyển tải thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới Nhân dân. Những làn điệu chèo cổ xưa được bà đặt lời mới, lồng ghép cho phù hợp với thực tiễn, dễ đi vào lòng người. Chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày, bà đã sáng tác hàng trăm ca cảnh chèo, khúc ca chèo chất chứa niềm tự hào, có sức thuyết phục lớn, động viên khích lệ mọi người, hăng say lao động sản xuất xây dựng quê mới. “Quê hương Hà Đông đổi mới từng ngày/ Đường rộng thênh thang cây cao rợp bóng/ Trống rộn sân trường cuộc sống đổi thay/ Ơn Đảng, Bác Hồ mới có hôm nay…” - Ca cảnh “Hà Đông đổi mới” theo làn điệu chèo Đào liễu do bà đặt lời mới, biên đạo múa lụa từng làm nức lòng người. 
 
Cũng bởi tiếng hát chèo có sức thu phục lòng người, bà tích cực tham gia công tác xã hội. Từ Chi hội trưởng phụ nữ, dần trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Phó Chủ tịch HĐND xã đến khi nghỉ hưu vào năm 2007. Từ đó đến nay, bà làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Dưới sự dẫn dắt của bà, Thôn 2 (xã Hà Đông cũ) luôn đi đầu trong mọi phong trào của huyện, năm 2016 được công nhận là Khu dân cư kiểu mẫu và được thưởng 100 triệu đồng làm công trình dân sinh. Ở trọng trách nào bà đều làm hết mình, được mọi người dân ủng hộ. Bận việc là vậy, nhưng bà vẫn tận tình hỗ trợ các tổ chức đoàn thể như: người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, nông dân, thiếu nhi… sáng tác, biên đạo, dàn dựng chương trình tham gia hội diễn cấp tỉnh, toàn quốc. Vừa viết kịch bản tiểu phẩm, vừa dàn dựng, nhiều tiểu phẩm có đề tài về chính sách hậu phương quân đội, phòng, chống tác hại của thuốc lá, ma túy và tệ nạn xã hội, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nông thôn mới... do bà soạn lời, đạo diễn đã đạt giải thưởng tại các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương như: 2017 đoạt giải Nhì hội diễn cấp tỉnh, đoạt giải Ba Hội Nông dân cấp Trung ương tại Nha Trang. 
 
Gây dựng chiếu chèo
 
Sau nhiều năm ấp ủ, gìn giữ các làn điệu chèo, cách đây gần 3 năm, một “chiếu chèo” đúng nghĩa đã ra đời khi bà Đặng Thị Thưởng đứng ra thành lập CLB đàn hát dân ca xã Hà Đông do bà làm Chủ nhiệm. CLB quy tụ 38 thành viên yêu chèo, mê chèo, người cao tuổi nhất 81, nhỏ nhất 22; duy trì sinh hoạt tập luyện đều đặn mỗi tuần một lần vào ngày thứ Sáu. Bà vừa làm đạo diễn, vừa làm biên kịch, vừa làm diễn viên. Các tiết mục của CLB do bà dàn dựng tập trung tuyên truyền, vận động mọi mặt đời sống. Quê hương đổi thay, trong các bài hát tự biên của bà lại là niềm hứng khởi, tự hào bởi thành quả lao động, góp sức của bao con người chung tay xây đắp. Với những vở chèo thích hợp với vai của mình, bà đều hóa thân xuất sắc vào những nhân vật từ các vai chính đến hề chèo… CLB bà hình thành dàn nhạc riêng có đủ các nghệ nhân nhạc công: đàn bầu, trống, nhị (đàn cò), đàn nguyệt, mõ, còn bà là tay phách, người giữ nhịp cho các làn điệu. 
 
Dưới sự dẫn dắt của bà, CLB không ngừng lớn mạnh, tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, phục vụ Nhân dân trong xã vào dịp lễ, tết; tham dự và đoạt giải B trong Liên hoan Dân ca và Nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng lần thứ II - 2019. Bên cạnh việc sáng tác lời mới cho chèo về cuộc sống đổi thay, không ngừng phát triển đi lên, công cuộc xây dựng nông thôn mới, đời sống văn minh cho CLB luyện tập, biểu diễn; tất cả các tích chèo được bà ghi lại, các làn điệu chèo được bà truyền đạt lại cho các thế hệ sau qua các buổi sinh hoạt CLB, tập luyện. Tình yêu nghệ thuật truyền thống của bà có sức lan tỏa đến nhiều người; nhiều tổ chức, cá nhân và cả chính quyền địa phương đều quan tâm hỗ trợ tinh thần, vật chất để CLB có kinh phí hoạt động. 
 
Ở tuổi 65, giọng hát của bà vẫn luyến láy ngọt ngào, nảy, rền khiến người nghe thấy say, thấy đắm: “Từ trong màu mỡ phù sa i..i../ Đất dâng hoa trái i..i.. cho ta i..i.. ngọt i..i.. lành ì. Tự hào Mỹ Đức quê tôi, lòng dân ý Đảng sáng ngời tương lai, vượt qua gian khó chông gai, xây nông thôn mới rạng ngời vẻ vang. Nhớ thời năm xưa i..i… cái i..i.. thuở ban đầu, nắng mưa dãi dầu i..i..ì… Ta không i..i.. quản gian nan, sớm tối khai hoang i..i.. cày sâu cuốc bẫm i..i.. vượt i..i.. lên chính i..i.. mình”. Hát cho chúng tôi nghe bài “Mỹ Đức đổi thay” (khi Hà Đông vừa sáp nhập vào xã Mỹ Đức) bà mới vừa sáng tác, tay làm phách, chân giậm nhịp, bà như thổi hồn vào từng ca từ, càng thấy tình yêu với nghệ thuật chèo của bà không bao giờ vơi cạn. 35 năm qua, chẳng ai đòi ai bắt, việc hát chèo cũng không nhận được bất cứ trợ cấp nào, nhưng bà Thưởng vẫn hát say mê như thế. Tâm sự với tôi, bà cười bảo: “Tôi hát vì yêu chèo, hát vì tình yêu với di sản văn hóa dân tộc”.
 
QUỲNH UYỂN