Phan Quang vẫn tím ngát tuổi hai mươi

06:06, 14/06/2020

Nhà báo Phan Quang (Phan Quang Diêu), sinh năm 1928 tại làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông là một tên tuổi lớn của làng báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà hoạt động xã hội, gánh vác nhiều trọng trách...

 

 

Nhà báo Phan Quang (Phan Quang Diêu), sinh năm 1928 tại làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông là một tên tuổi lớn của làng báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà hoạt động xã hội, gánh vác nhiều trọng trách: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Viết báo từ năm 20 tuổi, đến nay ở độ tuổi 92, Phan Quang đã có 72 năm cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu, dịch thuật, sưu tầm, ghi chép, sáng tác... Những thế hệ làm báo ngưỡng mộ, nể trọng Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, dường như chưa lúc nào ông ngơi nghỉ việc đi, đọc, viết, ngòi bút của tác giả vẫn còn sung sức. “Trong văn có báo, trong báo có văn”, báo và văn hòa lẫn, quyện chặt trong từng trang viết của ông. Làm báo ông sát sao, thức thả với thời cuộc, thời đại. Viết văn ông trăn trở vui buồn, xót thương, dằn vặt với sự đời, với thân phận con người. Các tác phẩm của ông hướng đến thế giới tinh thần rạng rỡ, một cuộc sống nhân văn, mang đậm dư vị ấm áp tươi sáng của tình người, tình đời.

Phan Quang có một khối lượng sách báo, văn chương... khá đồ sộ. Ông thử sức qua nhiều thể loại, thể tài: Thể loại báo chí, văn học, xã luận, chuyên luận, tiểu luận, bình luận, phóng sự, điều tra, tùy bút, bút ký, hồi ký, chân dung, khảo luận... Và đọc các tác phẩm của ông chúng ta cảm nhận được chất tươi mới, sự trẻ trung trong cuộc đời lao động sáng tạo của ông. Tác phẩm của ông là kết tinh của một quá trình tích lũy vốn sống sâu dày từ thời ông làm các báo và thành quả của quá trình tích lũy từ những chuyến đi. Tới đâu, ông cũng sưu tầm tài liệu, ghi chép bền bỉ, lấy chất liệu để viết. Sau khi về hưu, ông vẫn miệt mài viết lách, mỗi năm ông đều đặn xuất bản ba bốn cuốn sách, ông vẫn viết báo và tham gia nhiều sự kiện chính trị - văn hóa. Phan Quang còn là một dịch giả của “Nghìn lẻ một đêm” dịch khá nhiều, tác giả hơn 50 cuốn sách đã ấn hành. 
 
Các tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa trong Tuyển tập truyện ngắn “Tím ngát tuổi hai mươi” (Nhà xuất bản Văn học, 2020) của nhà văn Phan Quang đều đã công bố cách đây hơn nửa thế kỷ khi ông mới đang ở lứa tuổi hai mươi trong những năm kháng chiến gian khổ và hào hùng của đất nước. Thời gian đã trôi về dĩ vãng mà các tác phẩm của Phan Quang vẫn tươi nguyên hiện thực cuộc sống, tính thời sự nóng hổi không thể trộn lẫn. Tuyển tập “Tím ngát tuổi hai mươi” gồm 11 truyện ngắn và truyện vừa: Lửa hồng, Vô du kích, Đất rừng, Bên phá Tam Giang, Chiếc khăn tang, Anh bạn thợ dép của tôi, Ông lão làm vườn trong Nhà Chung, Đêm và ba truyện nước ngoài: Trong quán cà phê (Mohammed Did), Một đời người (Suah Dervish), Tìm đâu ra chim én trắng (Yordan Yorkov)... mang cho người đọc phải suy ngẫm, nghĩ ngợi, liên tưởng gần xa, đặt mình vào nhân vật, yêu ghét, giận hờn trồi vọt trong lòng, mang cảm giác như cùng tác giả đang sống những ngày kháng chiến, cùng hành quân đêm với bộ đội... Cách viết của Phan Quang thường là tường thuật và trần thuật, tư tưởng nghệ thuật, ngôn từ và thủ pháp nghệ thuật để truyền tải dụng ý sâu xa của mình.
 
"Tím ngát tuổi hai mươi" là cuốn truyện ngắn vừa được xuất bản khi nhà báo Phan Quang đã ngoài 90 nhưng tâm hồn ông vẫn tỏa nắng, rực rỡ như khi đôi mươi. Mở đầu tuyển tập là “Lời thưa” của tác giả, sau là “Mấy lời mở sách” của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Kể cũng thú vị thật! Bấy lâu nay, khi nhắc đến Phan Quang, chúng ta vẫn hình dung ông là nhà báo lớn, nhà hoạt động xã hội xuất sắc, quên mất rằng Phan Quang còn là một nhà văn. Ông viết văn còn sớm hơn cả viết báo và dịch sách”.
 
Trong truyện ngắn Chiếc khăn tang nói về câu chuyện đôi trai gái phải lòng nhau, o Hường có chồng mới cưới là anh Cơ đi bộ đội. Làng quê của hai người có thời gian bị giặc Pháp tạm chiếm. Để che mắt địch, gia đình nhà chồng phao tin anh Cơ chết và chị Hường phải đội khăn trắng để tang cho chồng. Những ngày tháng đội khăn tang, Hường thấy đầu nặng trịch, tim nhói đau khi nghĩ về chồng ở ngoài mặt trận... nếu khăn tang là thật thì sao. Hường lại khóc và sống một mình với bao kỷ niệm thời mới yêu. Bằng lối kể chuyện có trước, có sau lôi cuốn người đọc, cách tái hiện nội tâm nhân vật của người vợ là Hường và nỗi thấp thỏm mong chờ của mẹ Cơ. Tác giả đã mô tả rất sinh động cuộc sống của người dân vùng mới lập tề và cảnh bộ đội về làng sau khi nhổ xong đồn bốt giặc. Chị Hường vứt bỏ chiếc khăn trắng, với niềm hạnh phúc vỡ òa khi đón chồng trở về...
 
Có những truyện hoàn toàn không có cốt truyện, không có tình tiết éo le, li kỳ, khó kể lại thành truyện mà cứ bâng khuâng, bởi mạch truyện được dẫn dắt logic như lẽ đời là thế như truyện: Bên phá Tam Giang hoàn toàn không có cốt truyện, vậy mà mang đến cho người đọc cứ lay lả lòng dạ, tâm can chúng ta về tội ác man rợ của quân thù, về nỗi đau của đứa con thơ mất mẹ vì bị giặc sát hại. Tác giả sử dụng ngôn từ thuật, tả đôi mắt con trẻ mất mẹ làm xao động lòng người... Truyện Vô du kích cách dẫn truyện có “mở nút, thắt nút”, không có tình huống đặc biệt, không xung đột... người đọc thấy cái lý anh Đeo nhất quyết tự rèn luyện để tổ chức tin tưởng, tìm cách thuyết phục mẹ nén lòng cho anh theo kháng chiến nhằm trả thù cho cái chết đau thương, tàn bạo do giặc Pháp gây ra cho vợ anh.
 
Đất rừng với lối kể chuyện có duyên, các tuyến nhân vật được Phan Quang xây dựng kết nối, hòa quyện. Bức tranh thu nhỏ của Bình Trị Thiên thời khói lửa trong những năm kháng chiến chống Pháp. Diễn tả sinh động cảnh bà con tản cư lên Bến Than khai hoang cày cuốc, lập nương rẫy sinh sống, yêu thương giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, tiếp tục tiếp tế cho kháng chiến, tòng quân giết giặc.
 
Trong tập truyện này, nhà văn Phan Quang có truyện ngắn Ông lão làm vườn trong Nhà Chung và truyện ngắn Đêm nói về cải cách ruộng đất ở miền Bắc viết về thân phận khốn khổ, nỗi cơ cực, lam lũ mà ông lão làm vườn, anh Cao, chị Lấm... trải qua. Tác giả nêu nõ những thủ đoạn tinh vi vừa trắng trợn đối với nông dân của tầng lớp địa chủ. Nhưng ý tưởng chủ đạo vẫn là việc cải cách ruộng đất đã mang lại cho những người dân nghèo cuộc đời mới. Nhân vật trong truyện ngắn của Phan Quang dù khốn khổ đến khốn nạn vẫn le lói một lòng yêu, một niềm tin. Bùn đã ngập đến tận cổ vẫn đưa bàn tay khẳng khiu chới với lên trời níu kéo cuộc sống. Bước ra đời đều rắn rỏi và kiên nhẫn với niềm tin yêu phía trước, dù có khi mới còn le lói. Vì con người vốn muốn sống và ham sống. Bản năng là vậy nhưng ở đời phải chống lại cái ác.
 
Truyện ngắn Anh bạn thợ dép của tôi cho bạn đọc sống lại miền hoài niệm về chiếc dép cao su. Khi vỡ mặt trận Huế (1947), quân ta phục kích phá hủy xe hơi của địch, lấy được bộ lốp mới có sáng kiến cắt thành những đôi dép cao su, mang tên “dép Bình Trị Thiên”.
Đọc Tuyển tập truyện ngắn “Tím ngát tuổi hai mươi” của nhà văn Phan Quang đã tái hiện cuộc sống trong những năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. Chúng ta không chỉ cảm nhận được giá trị qua những câu chuyện kể của ông mà còn chứa đựng nhiều bài học đầy tính nhân văn, giản dị và cao quý. Cuốn sách ra đời là món quà rất ý nghĩa cho thế hệ trẻ hiểu thêm thế nào là “chiến tranh nhân dân”, đấu tranh giữ gìn độc lập tự do của dân tộc ta.
 
MA NHUNG