Tắt rồi một ngọn lửa

06:11, 05/11/2020

61 năm dấu chân hằn in đời, 41 năm cống hiến đầy đam mê, ngọn lửa của tình yêu nghề, yêu đời, yêu người, lửa của trái tim nồng hậu đã tắt. 

61 năm dấu chân hằn in đời, 41 năm cống hiến đầy đam mê, ngọn lửa của tình yêu nghề, yêu đời, yêu người, lửa của trái tim nồng hậu đã tắt. 
 
Chủ tịch Hội Nguyễn Thanh Đạm đánh giá hoạt động của Hội VHNT trong năm 2019
Chủ tịch Hội Nguyễn Thanh Đạm đánh giá hoạt động của Hội VHNT trong năm 2019
 
Tắt rồi, nhưng vẻ dung dị, giọng nói trầm ấm có sức lay động truyền cảm hứng sống, truyền tình yêu nghề, đam mê sáng tạo vẫn còn thoảng trong gió, trong cây, trong mây trời Đà Lạt. 
 
Tôi được nhận về Báo Lâm Đồng đúng lúc nhà báo Nguyễn Thanh Đạm lên làm Tổng Biên tập. Ở tuổi 41, trở thành Tổng Biên tập trẻ nhất nước lúc bấy giờ, nhưng với bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, sự cứng cỏi, quyết đoán, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm đã tập trung đổi mới tờ báo cả nội dung, hình thức, xây dựng hoàn thiện bộ máy điều hành cấp phòng, quan tâm đào tạo cán bộ, tăng kỳ từ 2 lên 5 kỳ/tuần, cho ra đời các ấn phẩm Dân tộc miền núi Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng điện tử. Là người của công việc, ông tham gia mọi quy trình ra báo, trách nhiệm với từng con chữ, tỉ mẩn với từng số báo. Với các phóng viên non trẻ mới chập chững vào nghề đều nhận được từ ông sự ân cần chỉ bảo, sự điềm đạm, hiền từ, chẳng khi nào nóng giận. Ở con người nhân văn ấy, dường như hành động, lời nói không muốn làm đau ai bao giờ. Cũng con người mang đầy đủ vẻ đẹp nhân văn ấy đã tạo nên một môi trường làm việc nhân văn để thế hệ chúng tôi bước vào nghề được động viên, khích lệ, được sống với nghề.
 
Trong mắt người biên tập, bản thảo tin bài được chia làm 2 dạng: bản thảo biên tập được và bản thảo không biên tập được. Loại biên tập được thì có thể cắt, gọt cho gọn rồi đăng; còn loại không thể biên tập được thì thường thiếu mạch lạc, thiếu logic, nội dung lộn xộn - dạng này thường là của những người mới vào nghề, non nớt trong sự trình bày, diễn đạt, vụng dại trong con chữ, ý tứ, ôm đồm sự việc, chi tiết... Nhưng với tình yêu thương và trách nhiệm của một người đi trước; trong mớ lộn xộn chữ nghĩa ấy, Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Đạm luôn cần mẫn, chắt lọc ý tứ, tóm gọn lại những câu chữ mới mẻ, khéo léo tạo nên những mẩu tin bài vắn, không lỡ đưa bản thảo của ai vào sọt rác. Bởi hơn ai hết ông hiểu nỗi vất vả của người mới vào nghề, người lăn lộn làm nghề, nhất là những năm tháng mà người làm báo phải đi xe đạp, trên những chặng đường đất xa xôi, bản thảo viết tay, phải chép đi chép lại... Dù chỉ còn lại một mẩu tin trên báo thôi, nhưng đó là tấm chân tình, là tài năng, là trách nhiệm, sự độ lượng của một người đi trước dành cho thế hệ đi sau, là cả sự động viên, khích lệ để thế hệ những người mới vào nghề học nghề, cứng cáp dần lên, không ngừng trưởng thành, gắn bó với nghề, yêu nghề. 
 
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm tại triển lãm Đà Lạt trên đường phát triển
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm tại triển lãm Đà Lạt trên đường phát triển
 
Nghề báo thực sự và người cầm bút chân chính phải hào sảng; nói đơn giản dễ hiểu là khó với mình, khắt khe với chính mình, nhưng dễ với mọi người, với đời, làm việc vì đam mê, vì đời, vì người, không vì cái tôi cá nhân, chẳng cầu danh - lợi. Chú Đạm ơi, trong nghề và đời có mấy ai hào sảng như chú! 
 
Năm 2014, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm được nhận trọng trách mới lên làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sau 35 năm gắn bó với Báo Lâm Đồng, 14 năm làm Tổng Biên tập. Nhớ nghề, ông vẫn đau đáu với con chữ, với nghiệp viết như không muốn rời xa, vẫn dõi theo từng bước đi của tờ báo. Nghiệp chữ nghĩa như quẩn vào ông, để rồi 3 năm sau ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ở vị trí mới, nhà văn - nhà báo Nguyễn Thanh Đạm nhanh chóng “nhập cuộc”, củng cố mối đoàn kết gắn bó trong giới văn nghệ sĩ của tỉnh, tổ chức nhiều chuyến thực tế, đưa văn nghệ sĩ thâm nhập thực tiễn cuộc sống. Ông tiếp tục truyền cảm hứng cho các văn nghệ sĩ, quan tâm định hướng sáng tạo cho văn học nghệ thuật Lâm Đồng: Văn học nghệ thuật phải vị nhân sinh, văn học nghệ thuật phải từ cuộc sống mà ra, phản ánh thực tiễn cuộc sống và quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống. Từ đây, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh xác định rõ ràng hơn trách nhiệm công dân - văn nghệ sĩ của mình đối với công cuộc phát triển quê hương - đất nước. 
 
Văn là người. Văn của Nguyễn Thanh Đạm như chính con người ông vậy, những nhân vật của ông như lấy nguyên mẫu từ tác giả: nhiệt thành, bao dung, độ lượng, nhân hậu, cho đi hết mình, cống hiến hết mình, chẳng đề phòng, không do dự, toan tính. Bên cạnh thi ca, nhiều tập bút ký, truyện ngắn lần lượt ra đời: Lửa muộn, Ngọn lửa, Trên sóng nước Trường Sa, Pháo đài thép trên Biển Đông... những trang văn được viết lên từ rung cảm trên những nẻo đường gian nan của người làm báo. Những trải nghiệm từ thực tiễn cuộc sống dội vào mà bật lên thành từ, thành ngữ, thành tác phẩm. Chuyện mình, chuyện đời hiện lên qua trang văn của Nguyễn Thanh Đạm với cái nhìn nhân văn, nhân ái, nhân bản. Tất cả là tình cảm nồng nàn với cuộc đời, với con người, tình quê hương đất nước lớn lao. 
 
Chỉ mới cách đây hơn 2 tháng thôi, sau khi đi khám, đã biết chắc bệnh hiểm nghèo, trở về Đà Lạt phải truyền thuốc hàng ngày theo phác đồ điều trị, những cơn đau bắt đầu; trách nhiệm thôi thúc, ông vẫn đem tác phẩm về nhà biên tập trên giường bệnh lo cho ấn phẩm đặc biệt Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI. Con người của công việc chưa muốn dời xa công việc. Mới chỉ cách đây hơn tuần, khi sức khỏe suy kiệt, thì bên cạnh tiếng rên nhẹ kêu đau là những câu nói mê sảng chỉ xoay quanh công việc để bạn văn, bạn báo đến bên bất chợt nghe mà thấy xót lòng. Nghiệp văn, trận bút còn dang dở, còn đau đáu tình yêu nghề, bao dự định văn chương còn ở phía trước, những con chữ vẫn bám riết không thôi. Ôi, đành khép lại!
 
41 năm một “ngọn lửa” đã hừng hực cháy, không ngừng tỏa sáng ở mảnh đất cao nguyên từ những ngày còn lạnh lẽo hoang sơ. 41 năm gắn bó với nghề, làm nghề, say nghề đến đắm đuối, để anh em, bè bạn, những người cầm bút gần xa đến với Đà Lạt được sưởi ấm bởi con người chí tình chí nghĩa ấy không còn giá lạnh, mà luôn ấm tình ấm nghĩa, chan hòa yêu thương.
 
Ngọn lửa đã tắt. Ngọn lửa của tình yêu đời, yêu người, yêu nghề, ngọn lửa của đam mê, nhiệt huyết, của lòng hào sảng đã tắt rồi. Nhưng nhóm lên trong thế hệ những người làm báo đi sau chúng tôi là cái hay cái đẹp, là tình yêu và trách nhiệm làm nghề. Xin vĩnh biệt chú!
 
QUỲNH UYỂN