Hội thảo ''Nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật''

09:01, 11/01/2021

(LĐ online) - Với mục tiêu phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng về số lượng, mạnh về chất lượng, có năng lực sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) chất lượng cao, đoàn kết gắn bó trong tổ chức Hội, ngày 10/1/2021, Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng sáng tác VHNT với sự tham dự của hơn 200 văn nghệ sĩ là hội viên của Hội.

(LĐ online) - Với mục tiêu phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng về số lượng, mạnh về chất lượng, có năng lực sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) chất lượng cao, đoàn kết gắn bó trong tổ chức Hội, ngày 10/1/2021, Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng sáng tác VHNT với sự tham dự của hơn 200 văn nghệ sĩ là hội viên của Hội.
 
NSNA Hà Hữu Nết – Phó Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng phát biểu đề dẫn hội thảo
NSNA Hà Hữu Nết – Phó Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng phát biểu đề dẫn hội thảo
 
Phát biểu đề dẫn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết – Phó Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng nhấn mạnh: “Việc không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác VHNT là một yêu cầu bức thiết. Tạp chí Lang Bian có ngày càng hay, đúng, đẹp, hấp dẫn hay không, các cuộc thi VHNT trong và ngoài nước có xướng tên văn nghệ sĩ Lâm Đồng lên bục nhận giải hay không, công chúng địa phương và cả nước có nồng nhiệt đón nhận, có được hưởng thụ những tác phẩm VHNT để đời do văn nghệ sĩ Lâm Đồng sáng tác lay động lòng người hay không chính là nhờ sự đổi mới nâng cao chất lượng sáng tác VHNT của từng văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Những ý kiến hay, sáng tạo, thiết thực, bổ ích tại hội thảo sẽ là cú huých mạnh mẽ đưa “con tàu” VHNT Lâm Đồng tiếp tục lao về đích vinh quang, trách nhiệm, tự hào”. 
 
Nhiều ý kiến tham luận  của các văn nghệ sĩ đã đề cập đến việc nâng cao chất lượng tác phẩm truyện ngắn, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… ở cả 2 mặt lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm sáng tác. Có thể kể: Để có một truyện ngắn hay (Nguyễn Thanh Hương), Thơ Lâm Đồng trên Tạp chí Lang Bian (Huỳnh Thanh Tâm), Mỹ thuật Lâm Đồng – thuận lợi và khắc phục khó khăn (Đinh Thanh), Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật để tạo sự hấp dẫn cho Tạp chí Lang Bian (Ninh Thế Hùng), Làm gì để kết nạp hội viên trẻ (Lê Đình Trọng), Nâng cao chất lượng tác phẩm thơ (Dương Thành Thái), Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi (Thu Hường)... 
 
Báo Lâm Đồng xin trích dẫn một số ý kiến tâm huyết cùng bạn đọc:
 
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương
 
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương: Một truyện ngắn hay, trước hết nó phải phản ánh trúng những vấn đề mà người đọc quan tâm trên cơ sở của ngôn ngữ truyền tải, của kết cấu tác phẩm, mà dù người không biết chữ, nghe người khác đọc cũng cảm nhận được vấn đề tác giả nói. Để viết được truyện ngắn hay, người cầm bút cần có chủ đề tư tưởng rõ ràng, xuyên suốt, không thể đang viết về cái này lại lồng thêm cái khác không phù hợp với chủ đề đặt ra. Như thế sẽ loãng, không tập trung vào vấn đề chủ đạo. 
 
Kết cấu truyện phải chặt chẽ, chọn chi tiết đắt, sát với chủ đề muốn viết, không có chi tiết thừa, vụn vặt. Phải xây dựng đề cương trước khi viết, cái gì viết trước, cái gì viết sau để khi đặt bút chỉ cần nhìn vào đề cương sẽ tránh được sự vòng vo, rườm rà, thừa hoặc thiếu chi tiết. Phải thận trọng khi đặt nhân vật vào không gian, thời gian của truyện xảy ra một cách hợp lý, logic. Nhưng để đạt đến độ hay, độ đẹp của tác phẩm còn thuộc về khả năng của người cầm bút; có khả năng lại cộng với đam mê thì chắc chắn sẽ tạo ra tác phẩm phẩm hay, đẹp.  
 
Nhà thơ Huỳnh Túy Tâm
Nhà thơ Huỳnh Túy Tâm
 
Nhà thơ Huỳnh Túy Tâm: Muốn viết hay hơn, khác hơn thì mỗi nhà thơ phải tự nâng mình lên trước, phải vượt qua cái bóng của chính mình, không giẫm lên vết mòn, lối cũ. Buộc mỗi chúng ta phải không ngừng học hỏi, dành thời gian đọc tác phẩm của bạn bè gần xa để mở mang tầm nhìn. Đừng nên lấy tác phẩm quá khứ của mình để thỏa mãn, cần ly khai sự dễ dãi, sáo mòn và lối thơ dàn trải, kể lể. Đa số nhà thơ Lâm Đồng cầm bút bằng khả năng bẩm sinh và đam mê sáng tác, không qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào. Độ tuổi trung bình của hội viên là 59 tuổi, nhiều hội viên cựu trào không còn đam mê sáng tác, già cỗi cảm xúc. 
 
Thơ Lâm Đồng nói riêng hiện nay hầu như thiên về ngợi ca và khai thác kiệt dĩ vãng, né tránh đụng chạm những vấn đề thời cuộc nóng bỏng, ít tác phẩm mạnh dạn đấu tranh phê phán những tiêu cực, bất công. Thơ không thể thờ ơ, tách rời cuộc sống xã hội, không thể tách rời những sự kiện nóng bỏng của quê hương, đất nước. Sao chúng ta không học theo khí phách của cha ông xưa, không mạnh dạn bứt phá. 
 
Muốn nâng cao chất lượng sáng tác thì những nhà thơ của Hội phải hòa mình với hơi thở cuộc sống sôi động từng ngày; biết đau cùng nỗi đau mất mát như đau từng con chữ mình trở dạ khai sinh. Thơ là chưng cất ngôn từ, là rút lòng, rút ruột, là vắt từ trái tim những giọt máu tươi hồng cảm xúc thì mới có tác phẩm hay. 
 
Nhà văn Ninh Thế Hùng
Nhà văn Ninh Thế Hùng
 
Nhà văn Ninh Thế Hùng: Một thực tế cho thấy Tạp chí Lang Bian không mấy người ngoài Hội biết đến. Để Lang Bian trở thành Tạp chí VHNT chất lượng, có nhiều bạn đọc thì tất yếu phải nâng cao chất lượng tác phẩm. Có nhiều minh chứng cho thấy Tạp chí Lang Bian đang lấn sân sang báo chính trị. Lang Bian làm chính trị bằng nghệ thuật chứ không phải bằng cách tuyên truyền, cổ động, nêu gương. Lang Bian nên tuyển chọn đăng các tác phẩm văn học đúng nghĩa, có chất lượng cao, không kể ngắn dài, đừng giới hạn độ dài của ký, truyện ngắn, vì như thế ký văn học sẽ trở thành ký báo chí, truyện ngắn sẽ chỉ còn là cốt truyện. 
 
Nên thay đổi quan niệm “dài là lấn sân của người khác” vì đăng bài ngắn mà giá trị nghệ thuật thấp thì vẫn là “chiếm sân chơi”. Các trang bìa của Tạp chí phản ánh mức độ thẩm mỹ, vì vậy bìa 1 nên giao cho Chi hội Mỹ thuật chịu trách nhiệm thiết kế; bìa 3, 4 nên giao cho nhiếp ảnh. Riêng nhiếp ảnh nên tập trung theo chủ đề hoặc tác giả và không nhất thiết phải nhiều ảnh trên một trang, vì số lượng không phải là chỉ dấu của nghệ thuật. 
 
Nhạc sĩ Thu Hường
Nhạc sĩ Thu Hường
 
Nhạc sĩ Thu Hường: Nhiều người nghĩ viết nhạc cho thiếu nhi thì dễ, giai điệu đơn giản, ca từ không cần hoa mỹ, chỉ vài đoạn đơn thì quá dễ... nhưng thực tế không phải vậy. Người lớn viết nhạc cho thiếu nhi dễ bị khom lưng làm trẻ con, dễ biến các sáng tác thành “ông cụ non”, áp đặt những ca từ khó hiểu, trừu tượng, giai điệu khó hát, không phù hợp với lứa tuổi. Nhiều bài hát kiểu như thế thì người lớn chọn cho các em, yêu cầu các em hát mỗi khi có sự kiện, chứ không phải các em yêu thích nó mà lựa chọn. 
 
Đa số nhạc sĩ là người trưởng thành mang suy nghĩ của người lớn, nên ca từ, giai điệu dễ sa vào khó hát; khi phổ biến tác phẩm giới thiệu trước công chúng cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu kinh phí, phải tập luyện với ca sĩ nhí mất nhiều thời gian, công sức; lợi nhuận viết ca khúc cho thiếu nhi ít hơn người lớn, ít nơi đặt hàng. 
 
Để viết nhạc cho thiếu nhi hay, người nhạc sĩ cần trẻ hóa tâm hồn mình, nhìn mọi vật với trái tim, khối óc hồn nhiên, trong veo, nhận thức, quan sát sự vật hiện tượng quanh mình bằng con mắt trẻ thơ, lạc vào thế giới muôn màu sắc của tuổi thơ thì mới sáng tác cho các em những bài ca hay, phù hợp. Giai điệu trong sáng tác cho thiếu nhi phải vui tươi, hồn nhiên, trong sáng, ca từ phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; câu hát ngắn, tiết tấu đơn giản, không có quá nhiều luyến láy.
 
Nhà thơ Lê Đình Trọng
Nhà thơ Lê Đình Trọng
 
Nhà thơ Lê Đình Trọng: Năm qua, Hội VHNT Lâm Đồng không kết nạp được hội viên mới nào, số lượng giảm 9 hội viên do qua đời vì tuổi cao sức yếu, mắc bệnh hiểm nghèo. “Làm gì để kết nạp hội viên trẻ” luôn là một câu hỏi lớn khó giải đáp với Ban Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ và của Ban Chấp hành Hội. “Măng chưa mọc”, chưa đủ sức vươn vai hay là “Măng không mọc được” trên mảnh đất văn chương Nam Tây Nguyên? Tại sao khá nhiều người cầm bút sáng tác, kể các các bạn trẻ đam mê, yêu thích văn chương không muốn vào hay ngại vào tổ chức Hội? Có điều gì khiến họ không thực sự thiết tha với tổ chức này? Hay là tổ chức Hội – “sân chơi văn nghệ” của chúng ta chưa thật “mở lòng”, chưa đủ hấp lực để họ tìm đến? – Đi tìm câu trả lời quả thật không đơn giản.  
 
Để thu hút, kết nạp hội viên trẻ vào tổ chức Hội, chúng ta phải thực sự là những “bà đỡ mát tay” khơi gợi niềm đam mê sáng tạo văn chương, động viên, khích lệ người trẻ sáng tác; phải giúp họ nhận diện đúng chính mình, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng một cách phù hợp. Thêm vào đó, sự công tâm, khách quan, tính chuyên nghiệp và yếu tố chất lượng từ các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chính là yếu tố tiên quyết để những người trẻ có niềm tin sáng tác. 
 
Phải thực sự coi trọng chất lượng từ khâu chọn đăng tác phẩm trên Tạp chí Lang Bian, hỗ trợ sáng tác và công bố tác phẩm đến các cuộc thi sáng tác; tránh tình trạng “xếp hàng đến lượt” trong việc chọn hỗ trợ sáng tác, in ấn công bố tác phẩm hàng năm. Tổ chức Hội phải thực sự là hạt nhân đoàn kết, tập hợp lực lượng, đội ngũ sáng tác phải thực sự có tâm và có tầm để cùng gánh vác công việc chung, đồng thời tạo dựng niềm tin cho lực lượng sáng tác trẻ tỉnh nhà.
 
QUỲNH UYỂN lược ghi