Sơn ca còn ngân mãi

06:01, 04/01/2021

Sơn ca còn ngân mãi...

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Mùa Hè năm1972, không ngày nào, giờ nào, kể cả ban đêm mà người Mỹ không cho máy bay ném bom xuống dọc tuyến đường Trường Sơn - nơi mà có bộ đội pháo 37 ly, công binh của ta cùng các đại đội thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến quyết bám chặt mặt đường. Đoạn đường nào hỏng hóc do bom phá của Mỹ, đã có thanh niên xung phong nhanh chóng san lấp, trái bom nào nổ chậm, đã có công binh ta, đoạn đường nào có cầu phà - là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ, đã có các trận địa pháo 37 ly của ta đón đánh khi chúng bổ nhào. Đường Trường Sơn phải luôn luôn thông thoáng để xe và người của ta đêm ngày ra trận.
 
Cũng trong những tháng hè 1972 ấy, đội văn công xung kích mang tên “Trường Sơn” được thành lập tại Hà Nội và nhanh chóng hành quân vào phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Các diễn viên, nhạc công được lấy từ Đoàn văn công Tổng Cục chính trị, văn công Quân khu 3 và Thành đội Thủ đô. Tôi, Thượng úy Trần Quân được giao làm Đội trưởng của 23 diễn viên, nhạc công. Trang bị rất gọn nhẹ: Đàn bầu, sáo trúc, Ắccoócđêôn và một số nhạc cụ dân tộc. Chương trình phục vụ gồm múa, kịch ngắn, đơn ca, song ca, hợp ca toàn đội.
 
Trong đội, anh chị em nào cũng đẹp trai, xinh gái, hát hay, múa dẻo. Nhất là nữ Thượng sỹ Kim Sơn, khi biểu diễn, lấy nghệ danh Sơn ca. Sơn ca có thể múa, đóng kịch, ngoài nhiệm vụ chính là hát đơn ca - hát quan họ, hát chèo, nhạc cách mạng, còn có cả dân ca Nga v.v...
 
Chúng tôi biểu diễn phục vụ tại các trận địa pháo, các đơn vị thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Một tổ phá bom 3 người ở độc lập, chúng tôi cũng phục vụ, Sơn ca được các cán bộ, chiến sỹ nhớ về hình thức xinh đẹp và hát hay múa dẻo. Nhiều chiến sỹ yêu cầu hát bài nào, Sơn ca hát ngay bài ấy. Đáng nhớ nhất là những lần phục vụ thương binh tại các bệnh viện dã chiến đóng trong hang núi. Chúng tôi đi đến từng giường bệnh hát cho thương binh nghe. Ở đây không thể có chỗ diễn kịch hoặc múa, mà chỉ hát và độc tấu đàn bầu, tấu sáo, hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
 
Một lần phục vụ bệnh viện dã chiến của Binh trạm 6, một chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Đó là buổi biểu diễn thứ 8 - kể từ lúc bắt đầu ở Trường Sơn. Một thương binh rất nặng, khi nghe Sơn ca hát “Người ở đừng về” xong, anh mới phều phào:
 
- Tôi, 24 tuổi, vào Trường Sơn 6 năm rồi, chưa một lần nắm tay một thiếu nữ, chưa một lần được hôn... đồng chí hãy cho tôi hôn...xin đồng chí đấy.
 
Không hiểu vì sao Sơn ca òa khóc và bỏ chạy ra ngoài. Lúc đó chỉ có tôi và Bình - kéo đàn Ắccoócđêôn chứng kiến. Đồng chí thương binh vẫn mấp máy môi, khoảng 5 phút sau, đồng chí ra đi. Các y, bác sỹ xúm lại, nhưng không kịp rồi.
 
Tôi chạy ra cửa hang, thấy Sơn ca đi ra bờ suối, nước mắt vẫn chảy. Tôi cũng không hiểu vì sao mà lớn tiếng, nói với Sơn ca cái giọng như hét:
 
- Đồng chí thương binh ấy đã đi rồi, sao Sơn ca, cô hài lòng chưa? Hôn một đồng đội có mất mát gì cơ chứ!
 
Sơn ca lau nước mắt, giọng còn nghèn nghẹn:
 
- Xin đội trưởng hãy hiểu cho, đó chỉ là phản xạ tự nhiên rất nhanh, tôi chưa kịp suy nghĩ gì nên...
 
- Đồng chí đừng bao biện nữa - Tôi lại gắt lên: Muộn mất rồi, đồng chí ấy đã đi rồi. Sơn ca bật khóc hu hu, thì tôi lại bảo, đừng... nước mắt cá sấu nữa.
 
Bữa cơm trưa và cả bữa chiều hôm ấy, Sơn ca chỉ ăn vài miếng rồi đứng dậy về hầm chữ A...
 
Đã có công văn từ Bộ Tư lệnh đường 559 trước khi chúng tôi đến, nên khi phục vụ đơn vị nào, cứ hai người ở một hầm chắc chắn. Hầm do bộ đội lấy gỗ trong rừng làm gấp.
 
Sáng hôm sau, cặp mắt Sơn ca sưng đỏ, tôi lại hét:
 
- Nếu đồng chí không muốn ở đây, tôi trả về hậu phương. Nên nhớ, hát cũng là một nhiệm vụ, đã quán triệt từ ngoài Bắc rồi.
 
Sơn ca nói:
 
- Tôi xin hứa, sẽ không có chuyện như hôm qua nữa, nếu gặp trường hợp như thế, tôi sẽ sẵn sàng.
 
Và rồi, Sơn ca vẫn hát cùng đồng đội, chỉ có điều là cô ít nói hẳn đi, không vui vẻ, nhí nhảnh như lúc mới tập hợp thành lập đội và những ngày mới vào Trường Sơn. Và cô cố ý tránh gặp mặt tôi, thậm chí không thèm nhìn tôi.Trong tôi, xuất hiện ý nghĩ cảnh giác với Sơn ca.
 
...Buổi biểu diễn thứ 28, kể từ ngày vào Trường Sơn là phục vụ Đại đội pháo 37 ly thuộc Binh trạm 7. Đơn vị có 12 khẩu, bố trí cách nhau 50 m và cách mặt đường 100 m. Mỗi khẩu đội có 9 đồng chí, trực chiến 24/24 giờ.
 
Chúng tôi phục vụ từng khẩu đội, chương trình 45 phút, sau giải lao lại đến khẩu đội khác.
 
Bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, 11 giờ 30 nghỉ ăn trưa với các đồng chí pháo binh. 13 giờ, tiếp tục phục vụ khẩu đội cuối cùng, kết thúc vào 6 giờ tối.
 
Cán bộ, chiến sỹ các khẩu đội đều xin địa chỉ của mỗi chúng tôi, hẹn ngày chiến thắng gặp nhau tại Hà Nội.
 
Rất lạ là, hôm ấy, ở đoạn đường thuộc Binh trạm 7, không có máy bay Mỹ bắn phá như mọi hôm. Nhưng đúng 19 giờ 30, bom nổ ầm ầm, trên trời pháo sáng Mỹ sáng rực. Bom nổ gần một giờ đồng hồ mới dứt, đạn phòng không của ta bắn lên, hai máy bay Mỹ bốc cháy như cuộn giẻ rách to tướng tẩm dầu mà đốt.
 
Ngớt bom đạn, tôi đang ở trong hầm trú ẩn, bỗng Bình - người sử dụng đàn Ắccóocđêôn, lao vào nói lạc cả giọng:
 
- Đội trưởng Trần Quân... Sơn ca... Sơn ca...
 
- Sơn ca thế nào?
 
- Sơn ca... hy sinh rồi.
 
Tôi theo Bình lao ra khỏi hầm, hướng về hầm trú ẩn của các chiến sỹ nữ. Thấy tôi, mọi người đang xúm quanh vòng tròn, họ giãn ra. Tôi há miệng kinh ngạc khi Sơn ca nằm đấy, mắt mở to, từ giữa trán, một lỗ sâu, to bằng trái táo, máu còn rỉ ra.
 
Sơn ca bị bom bi của Mỹ. Họ ném xuống mặt đường, ném vung vãi xuống rừng Trường Sơn, đúng lúc Sơn ca ra suối tắm. Ngớt tiếng bom, Ngân, ở cùng hầm với Sơn ca có linh cảm điều gì đó, đã chạy ngay ra suối cùng Dung, Hà, hai diễn viên múa. Họ ra đoạn suối mà trưa hôm qua họ đã tắm giặt ở đó. Họ tìm thấy Sơn ca vẫn chưa kịp tắm, đầu gối lên gốc cây ven suối...
 
Biên chế trong đội chúng tôi có quân y Lê Đáng, anh kiểm tra khắp người Sơn ca, rồi lắc đầu.
 
Đám diễn viên nữ òa khóc, gọi tên Sơn ca. Đất dưới chân tôi như sụp xuống. Như có tấm vải đen từ đâu trùm vào mắt tôi. Tôi hét to: Không, không, Sơn ca, Sơn ca, em không thể chết. Rồi tôi ngồi bên Sơn ca trắng một đêm cùng với Ngân, Dung và Hà. Hà Nội điện vào, hãy tổ chức lễ truy điệu cho Sơn ca thật long trọng.
 
Mười một giờ trưa hôm sau, chúng tôi làm lễ truy điệu Sơn ca. Đại diện Binh trạm 7, đại diện Tiểu đoàn pháo 37 ly, một số anh em công binh ở gần đó cũng có mặt đưa tiễn đồng đội tôi về cõi vĩnh hằng.
 
Tôi đọc diễn văn, giọng nghẹn ngào đứt quãng vì thương tiếc Sơn ca:
 
- Lúc còn sống, đồng chí Kim Sơn - Sơn ca luôn gương mẫu học tập, rèn luyện, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình...
 
Điếu văn nói lên niềm thương tiếc nữ nghệ sỹ tài hoa và lòng căm thù giặc xâm lược, đồng thời kêu gọi mọi người đoàn kết hơn nữa, để tiếng hát chúng ta phải át tiếng bom thù.
 
Sau lời điếu, hai mươi mốt phát súng trường nổ đanh, tiễn đưa người con anh dũng về lòng đất mẹ - Tổ quốc. Tiếng khóc của cả đội và những đại biểu có mặt bật lên. Cả khu rừng Trường Sơn trầm mặc. Gió như ngừng thổi, cây rừng thôi rụng lá, con suối như cũng tắt tiếng...
 
... Bốn mươi lăm năm đã qua, chúng tôi ai cũng đã lên chức ông bà, nội ngoại, nhưng những kỷ niệm về Trường Sơn, về đồng đội tôi trong đội văn công xung kích ngày ấy vẫn còn tươi nguyên. Sơn ca đã ra đi, nhưng tiếng hát của nữ đồng chí vẫn còn ngân mãi đến hôm nay và mai sau, bởi đó là tiếng hát của những người con ở một dân tộc yêu tha thiết hòa bình, độc lập, tự do, tiếng hát của những người nghệ sỹ - chiến sỹ một thời làm át cả bom đạn quân thù.
 
NGUYỄN THANH HƯƠNG