Nỗi nhớ hoa mai

06:02, 04/02/2021

Nỗi nhớ hoa mai...

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Những ngày cuối đông, gió rét căm căm, nhưng ông Sơn dậy rất sớm. Nhấp tách trà Tân Cương, hơi ấm và hương thơm làm cho ông phấn chấn. Ông bước ra cuối sân, lại gần cây mai, giống mai vàng được ông nâng niu, đem từ chuyến đi “về nguồn”, thăm đồng đội ở Trường Sơn, trồng trước sân nhà.
 
Ngày cuối năm, những cơn mưa lất phất mang hơi ấm của trời đất, cũng là lúc mai vàng vào mùa khoe sắc báo hiệu xuân về. 
 
Hơn mười năm, cây mai này đã cho tám mùa hoa. Bất giác, ý thơ ùa về, ông ngâm như ru mình:
 
“Qua một năm tích tụ
Chỉ đợi sáng xuân về
Gốc cành chi chít nụ
Tung cánh vàng hả hệ.”
 
Nhìn cây mai đầy sức sống, chuẩn bị đón chào xuân. Từ sâu thẳm ký ức, nhắc ông một thời để nhớ, đôi mắt ông cay cay. Cứ để cho dòng lệ rơi, chảy đưa ông vào quá khứ…
 
* * *
 
Những năm học Tổng hợp văn Hà Nội, chàng sinh viên trẻ Vũ Thành Sơn quen rồi yêu một bạn gái cùng làng, tên Hồng Ninh, học Khoa Sinh vật, Đại học Tự nhiên. Chiến tranh đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Đâu đâu cũng hừng hực khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. 
 
Một đêm cuối thu, ngồi bên nhau ven đê sông Hồng lộng gió, Sơn bàn với Ninh:
 
- Em ạ, bạn mình nhiều đứa xung phong ra trận. Chiến tranh sắp kết thúc rồi, không còn cơ hội nữa đâu, hay là…
 
- Mình cũng “xếp bút nghiên” phải không anh…
 
- Đúng! “Trường Sơn đông nắng, tây mưa… ai chưa đến đó thì chưa biết nình” mà em. Thơ của Tố Hữu đấy.
 
- Đúng là… giọng của “Dân Tổng hợp văn”…
 
Sơn kéo Ninh dậy, ôm chặt lấy cô, nhấc bổng lên, đính một nụ hôn lên má, quay một vòng:
 
- Hoan hô em, hoan hô em…
 
- Bỏ ra anh, người ta thấy kìa…
 
- Kệ…
 
* * *
 
Một tháng sau, Sơn nhập ngũ. Anh được biên chế vào Đội tuyên truyền xung kích thuộc Sư đoàn 2 - đóng quân tại Đại Lộc - Quảng Đà (nay là Quảng Nam - Đà nẵng). Nhiệm vụ là làm thơ, viết báo, ca hát và phục vụ chiến đấu.
 
 Ba tháng sau ngày Sơn vào B2, Ninh cũng nhập ngũ và được chọn đào tạo cấp tốc ba tháng, làm lính quân y, rồi đi chiến trường phục vụ các chiến dịch quan trọng. Từ đó hai người vắng tin nhau, nhưng nỗi nhớ thì chất đầy…
 
Vào giữa năm 1974, Sư đoàn 2 (địa bàn Khu V) phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, tập trung tiêu diệt căn cứ quân sự Thượng Đức nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 40 km. Thượng Đức là tiểu đồn bảo vệ căn cứ Liên hiệp Quân sự Đà Nẵng. Tại đây Quân lực Việt Nam Cộng hòa dựa vào thế hiểm yếu của địa hình, xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn vững chắc, có chiều sâu. Toàn bộ cơ quan chỉ huy, thông tin, hệ thống kho đều nằm sâu trong lòng đất bởi bê tông cốt thép bao bọc dày 20 cm. Các năm 1968, 1969, rồi năm 1970, Quân Giải phóng Khu 5 đã 3 lần tiến công Thượng Đức đều bất thành. Cứ sau mỗi lần bị đánh, Quân lực Việt Nam Cộng hòa lại rút kinh nghiệm, hệ thống phòng thủ kiên cố, liên hoàn hơn. Nhổ được “cái gai” Thượng Đức là chặt một mắt xích quan trọng, tạo thế và lực cho quân ta giải phóng Quảng Đà. Phối hợp với các chiến trường, đẩy mạnh tấn công giành thắng lợi cuối cùng.
 
Từ cuối tháng 10 năm 1974, tại các cao điểm 700, 383 và 1062, Sơn cùng đơn vị liên tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất kiên cường. Tới cuối tháng 11 thì Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tái chiếm thành công cao điểm 1062. Cuối năm 1974, sau 3 đợt giao tranh, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Thượng Đức. 
 
Chiến thắngThượng Đức - Quảng Nam đã tạo tiền đề để Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm thế chủ động hoàn toàn trên chiến trường trong năm 1975.
 
Trong một lần phục vụ chiến đấu, Sơn bị mảnh pháo của địch găm vào tay trái. Tuy không gãy xương nhưng máu ra nhiều, anh được chuyển về bệnh xá sư đoàn dưỡng thương gần một tuần nay.
 
Bệnh xá nằm sâu trong rừng, bên cạnh con suối hẹp. Một buổi chiều, cơm nước xong, Sơn lững thững đi dạo. Ngày cuối năm, ven những hốc đá, bên bờ suối, những bông mai rừng đua nhau nở trên hàng trăm gốc mai cổ thụ. 
 
Mai có dáng vẻ thanh cao. Thân cây mềm mại, lá xanh biếc dịu dàng, hoa tươi rực rỡ. Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có năm cánh, cá biệt có hoa tới những chín, mười cánh hoặc hơn thế nữa. Mai khoe bông sáng cả cánh rừng. Chợt nhớ đến Ninh, Sơn lẩm bẩm: 
 
Mai nở hừng như nắng
Cuối đông nghe ấm lòng
Hoa mừng tin chiến thắng
Trận này có em không?
 
Đang mải ngắm hoa, từ phía xa, anh chợt nhận ra một cô gái, mặc bờlu quân y màu xanh, đứng bên một gốc mai, tay ấp iu lên từng nhánh, từng chùm bông rực rỡ. Nắng cuối đông càng làm những bông mai rực vàng, ánh lên khuôn mặt thiếu nữ mơn mởn sức xuân. Sơn khựng lại. Một tiếng reo dội từ trong lồng ngực bật ra vọng cả núi rừng:
 
- Ni…nh…Ninh…
 
Còn Ninh, sau giây phút sững sờ, bỗng bật lên lao tới, ôm choàng lấy anh:
 
- Anh Sơ…ơn…Sơn…
 
- Ối! Đau anh này.
 
Ninh ái ngại nhìn vào cánh tay đầy bông băng. Nước mắt chỉ trực trào qua hàng mi dày và cong. Cô nhẹ nhàng đỡ Sơn ngồi bên gốc mai. Cả hai nhìn sâu vào mắt nhau. Họ xa nhau gần một năm, kể từ cái đêm hẹn nhau ra trận bên con đê ngoại thành.
 
- Ngọn gió lành nào đưa em tới với anh. Em…?
 
- Em mới được điều vào phục vụ thương binh ở bệnh xá trưa nay. Chưa đến ca trực nên em đi ngắm mai nở cho đỡ nhớ nhà. Còn anh, anh bị thương trận nào? Sức khỏe ra sao? Trú quân ở đâu? Anh có đau lắm không ? Anh có…có nhớ em không?...Những câu hỏi liên tiếp bung ra, không cần chờ lời đáp. 
 
Sơn nghe trong lồng ngực như có ai đánh trống. Anh hôn tới tấp lên đôi má bồ quân, lên mái tóc mượt, dài dưới lưng ong, lên đôi bờ vai nhỏ thon, lên đôi môi mời gọi của Ninh. Cô chỉ còn cách chống đỡ bằng việc nói lảng sang chuyện khác:
 
- Kìa… Anh còn nhớ bài hát “Xuân chiến khu” của Xuân Hồng không?
 
- Nhớ. Anh nhớ. Anh thích nhất câu này, Sơn mơ màng hát:
 
“Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi
Chào anh bộ đội thêm một tuổi đời
Mừng anh thêm một tuổi quân
Lập nhiều chiến công toàn dân đang mong…”.
 
Ninh trở nên phấn khích. Những kiến thức được học từ môn Sinh vật trong trường đại học ngày nào như được cày xới. Cô say sưa:
 
- Từ lâu, hoa mai đã được mọi người chiêm ngưỡng. Hoa tượng trưng cho những gì đẹp đẽ thanh tao, cho phẩm đức nhẫn nại và hy sinh cao cả. 
 
Ngưng một lát, đôi tay búp măng vấn vội mái tóc lên đỉnh đầu, để lộ cái cổ cao và trắng như ngó cần. Ninh nhìn Sơn vừa tình tứ vừa ý nhị:
 
- Anh biết không, Mai, Tùng, Cúc thuộc nhóm “Tuế tàn tam hữu”. Ý nói chịu được giá lạnh, chẳng khác bậc trượng phu, khí tiết vững vàng trước mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.
 
Anh ạ, Mãn Giác Thiền sư đã viết:
 
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”.
 
Sơn ôm chặt lấy Ninh, vỗ vỗ vào lưng cô. Cô nhẹ nhàng, luồn hai tay vào nách, nâng Sơn lên, rồi Ninh tựa lưng vào cội mai già, thỏ thẻ: Anh có nghe Mai nói gì không?
 
Sơn nói trong hơi thở gấp “có…có…”. Rồi như ma lực của nam châm, hai người dính vào nhau. Cây mai già rung lên. Những cánh hoa vàng rơi rơi từng nhịp. Đầu và vai họ phủ đầy cánh hoa, trông như cảnh Hoàng tử và Tấm, mặc áo Hoàng bào trong vở chèo cổ “Tấm Cám”.
 
Những cánh mai ngừng rơi. Ninh rời xa Sơn một chút. Sơn kéo lại. Ninh nhí nhảnh chạy sang một gốc mai gần đó, hai tay với cành cao ngang đầu, nhảy lên. Cô thả người như chơi đu ngày xuân nơi chợ quê, vừa như thách thức, vừa như mời gọi.
 
Sơn chưa kịp chạy tới thì một tiếng nổ đanh và gọn. Ninh buông hai tay, rơi tự do xuống mặt đất, đá. Hai chân cô dập nát. Máu tuôn không dứt. Thì ra, một quả bom bi còn vướng trên nhành mai, rơi xuống và phát nổ.
 
Sơn ôm lấy mai, gọi không thành tiếng…Máu đổ ra nhuộm đỏ những cánh mai vàng. Cả rừng đại ngàn xao xác. Những cánh mai lả tả rơi như những đồng tiền vàng bằng giấy, bay táo tác trong giờ ly biệt.
 
Cả bệnh xá sư đoàn lặng đi trong lễ truy điệu Ninh. Ngôi mộ nằm cạnh con suối. Quanh mộ cắm dày đặc những cành mai. Những bông mai vàng khép cánh, rủ xuống như mặc niệm.
 
Sơn cắn môi đến tứa máu. Anh nghĩ, còn giặc thì chết chóc còn rình rập bất cứ nơi đâu. Sự hy sinh của Ninh sẽ tô điểm thêm cho những bông mai vàng rực rỡ hơn những mùa xuân của Tổ quốc. 
 
* * *
 
Trời sáng dần. Đang khoảnh khắc giao mùa. Ông Sơn vẫn đứng lặng bên cây mai trước sân. Những nụ mai bụ bẫm, chờ khi vỏ lụa bung ra (còn gọi là vỏ trấu, bọc quanh nụ mai) thì xuất hiện một chùm hoa con, từ một nụ đến mười nụ, tăng trưởng rất nhanh, độ bảy ngày sau là nở. Và Tết đến, cả cây mai, cả vườn mai, cả rừng mai bung nở…
 
Cứ mỗi chiều ba mươi Tết, ông Sơn lại chọn cành hoa đẹp nhất, có đầy đủ lộc, nụ và hoa đặt vào nơi để di ảnh của Ninh.
 
Những giọt sương sớm đậu trên những cánh mai, long lanh, long lanh. Chúng tựa như những giọt nước mắt của ông dành cho Nỗi Nhớ Hoa Mai.
 
Xuân Tân Sửu 2021
 
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM