Phù thủy của buồng tối

07:02, 19/02/2021

Với kỹ thuật xử lý sắc độ thượng thặng trong buồng tối, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu (1928 - 1990), cựu hội viên Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh quốc, đã tạo cho những tác phẩm ảnh của mình như những tác phẩm hội họa...

Với kỹ thuật xử lý sắc độ thượng thặng trong buồng tối, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu (1928 - 1990), cựu hội viên Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh quốc, đã tạo cho những tác phẩm ảnh của mình như những tác phẩm hội họa, khiến người xem ngỡ đấy là những bức tranh khắc gỗ, hoặc những bức tranh phong cảnh thủy mặc, thậm chí như những bức phù điêu trên đá.
 
Ngọ môn Huế - cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
Ngọ môn Huế - cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
 
Khám phá Đà Lạt qua ống kính
 
19 tuổi, Nguyễn Bá Mậu theo gia đình từ Tháp Chàm (Ninh Thuận) lên Đà Lạt (Lâm Đồng) định cư. Tại căn nhà số 188 phố Trương Công Định, ông bắt đầu hành trình khám phá ảnh nghệ thuật và mưu sinh bằng nghề nhiếp ảnh. Tự mày mò học hỏi qua những tư liệu ít ỏi có trong sách, Nguyễn Bá Mậu đã chụp những bức ảnh đầu tiên bằng chiếc máy ảnh Rollei cũ. Bền chí đi từng bước một với kỹ thuật nhiếp ảnh, ông dần nhận ra niềm vui từ những bức ảnh lần lần hiện lên qua thuốc giấy. Ban ngày, Nguyễn Bá Mậu cầm chiếc máy ảnh để mưu sinh, chọn chụp các phong cảnh đẹp ở Đà Lạt, với góc nhìn thơ mộng và mới lạ, người thường khó nhìn thấy, rồi bán cho du khách. Buổi tối, ông lại vùi đầu vào buồng tối miệt mài pha thuốc, tráng rửa phim, rọi ảnh, cắt cúp ảnh, cũng như tìm tòi và sáng tạo kỹ thuật chớp sáng, phân sắc độ. Bằng những kỹ thuật này, Nguyễn Bá Mậu đã điềm nhiên bước chân vào cánh cửa ảnh nghệ thuật, với nhiều tác phẩm ảnh độc đáo, gây thích thú cho người xem và nhận được sự thán phục của đồng nghiệp. “Ngày nay, với sự hỗ trợ từ khoa học công nghệ, người cầm máy trẻ chỉ cần một cú click chuột máy tính sẽ có ngay bức ảnh với những hiệu ứng mảng màu như ý muốn. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử những thập niên 50 - 60 và 70 thế kỷ 20, thì những kỹ thuật của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu trong buồng tối là những sáng tạo đặc biệt. Chưa kể, những bức ảnh của ông về Đà Lạt thuở hoang sơ đã vượt khỏi phạm trù bức ảnh bình thường, trở thành nguồn tư liệu quý, mang giá trị lịch sử, đưa chúng ta nhìn về Đà Lạt, nhìn lại hình hài Đà Lạt và con người Đà Lạt trong quá khứ”, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Phước, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, chia sẻ.
 
Dáng ngoại - cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
Dáng ngoại - cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
 
Bậc thầy ảnh kỹ thuật phân sắc độ
 
Theo ông Hà Hữu Nết, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, với việc đi sâu tìm hiểu khám phá Đà Lạt qua những thể nghiệm kỹ thuật trong buồng tối, tạo sự tương phản giữa các sắc độ và đường nét; cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu đã làm cho hình ảnh Đà Lạt trở nên thanh thoát, thi vị. Các tác phẩm ảnh xử lý kỹ thuật phân sắc độ và chớp sáng của ông đã mang giá trị Việt, văn hóa Việt đến cùng bạn bè quốc tế, làm rạng danh nhiếp ảnh Việt Nam bằng những giải thưởng quốc tế danh giá. Trong khi đó, họa sĩ Đặng Ngọc Trân, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nói sâu về kỹ thuật phân tích sắc độ: “Thoạt nhìn, các tác phẩm ảnh của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu rất giống các tác phẩm mỹ thuật bởi đường nét, mảng màu và độ tương phản. Ông đã rất kỳ công trong việc kết hợp giữa âm bản và dương bản cùng một kỹ thuật phân tích sắc độ bậc thầy, xử lý 4 sắc độ: màu cực tối (màu đen), màu cực sáng (màu trắng), màu xám đậm và màu xám nhạt (màu trung gian giữa màu cực tối và màu cực sáng) một cách hoàn hảo, tạo cho bức ảnh mang một vẻ đẹp độc đáo, gần với tác phẩm hội họa hoặc điêu khắc”. Ông Lê Xuân Thăng, cựu Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cho biết thêm: “Ảnh xử lý kỹ thuật tạo tương phản và nêu lên những điểm mạnh trong tác phẩm ảnh của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu từng gây chấn động trong giới nhiếp ảnh. Năm 1968, tác phẩm Dáng ngoại mang về cho ông giải danh dự nhiếp ảnh Việt - Mỹ, Huy chương Vàng Việt - Mỹ, Cúp Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Cúp Cao Đàm - Cao Lĩnh. Tháng 6 năm 1969, tại Salon Monlesson - Pháp, tác phẩm Dáng ngoại tiếp tục mang lại cho Nguyễn Bá Mậu giải Nhất, trên cả bậc danh tài về ảnh kỹ thuật phân sắc độ đương thời Leopold Fischer người Áo. Sau này, ông còn đoạt thêm 30 Huy chương Vàng cũng với kỹ thuật phân sắc độ và chớp sáng, thể hiện trình độ siêu đẳng qua các biến thể khác nhau trên cùng một bức ảnh”.
 
Chân dung cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
Chân dung cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
 
Tôn vinh nhan sắc miền hoa mai anh đào
 
Cựu Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Lê Xuân Thăng đánh giá: “Nếu nhạc sĩ Hoàng Nguyên, người đã đội vương miện về giai điệu cho Đà Lạt qua ca khúc Ai lên xứ hoa đào, thì phù thủy của buồng tối Nguyễn Bá Mậu đã góp phần tôn vinh nhan sắc miền hoa mai đào bằng các bức ảnh Hồi tưởng (Huy chương Bạc - Italia - năm 1969), Buổi chợ ban mai (Huy chương Vàng - Văn học Nghệ thuật Việt Nam - năm 1970), Núi đồi mờ sương (Huy chương Đồng - Hàn Quốc - năm 1972)”.
 
Hồ Xuân Hương - cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
Hồ Xuân Hương - cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu. Ảnh do gia đình cung cấp
 
Thật vậy, những tác phẩm nhiếp ảnh của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu không những đã lưu lại những khung cảnh mộc mạc, mù sương của một Đà Lạt xưa, với những rừng thông, những thác nước, những mặt hồ phẳng lặng, những góc phố, những con người Đà Lạt thanh lịch một thời, mà còn đi xa hơn những gì hiện hữu trong bức ảnh bởi sự chân thành trong cảm xúc và tính nhân văn trong từng tác phẩm. 
 
Khán giả xem triển lãm ảnh. Ảnh do gia đình cung cấp
Khán giả xem triển lãm ảnh. Ảnh do gia đình cung cấp
 
“Ngoài mảnh đất và con người Đà Lạt, nơi Nguyễn Bá Mậu đã dành cả tuổi thanh xuân của mình khám phá vẻ đẹp của miền đất và con người xứ lạnh qua ống kính, ông còn dành thời gian đến với Phan Rang, Nha Trang, Huế... chụp những bức ảnh về những địa danh này. Qua kỹ thuật phân sắc độ và chớp sáng, Nguyễn Bá Mậu đã tạo nên những tác phẩm ảnh hết sức đặc sắc”, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông, người cùng thời với cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu, tâm sự.
 
Tri ân bậc thầy ảnh kỹ thuật phân sắc độ Nguyễn Bá Mậu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Phước bày tỏ: “Bây giờ, những tác phẩm ảnh của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu đã trở thành di sản ký ức của những người sinh sống tại Đà Lạt và cả những người từng đến với Đà Lạt. Ngắm nhìn những tác phẩm ảnh của ông, chúng ta như được trở về một thời xa xưa đầy kỷ niệm, về một quá khứ bình yên, trong lành của thiên nhiên và con người Đà Lạt khiêm tốn, giản dị”.
 
Mới đây, tại Đà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng và gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu đã tổ chức triển lãm, giới thiệu 124 bức ảnh của ông để lại, sau 30 năm nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu qua đời. Các tác phẩm triển lãm phần đa là những tác phẩm đã đoạt những giải thưởng cao trong nước và quốc tế trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1975.
 
TRỊNH CHU