Lạc vào ca dao Mạ

06:04, 01/04/2021

Tập khảo cứu "độc, lạ" vừa mới trình làng trong quý 1/2021 - đó là ấn phẩm "Ca dao của người Mạ" của tác giả Ninh Thế Hùng sưu tầm, chú giải do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành...

Tập khảo cứu “độc, lạ” vừa mới trình làng trong quý 1/2021 - đó là ấn phẩm “Ca dao của người Mạ” của tác giả Ninh Thế Hùng sưu tầm, chú giải do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Đọc “Ca dao của người Mạ” để hiểu thêm phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tinh thần bộ tộc Mạ cư trú dọc theo lưu vực hữu ngạn sông Đồng Nai trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
 
Văn hóa của các sắc tộc bản địa gốc Tây Nguyên không thể thiếu văn hóa của người Mạ. Cùng với các bộ tộc khác, cộng đồng người Mạ với khoảng 54 ngàn người sinh sống tập trung chủ yếu ở hữu ngạn sông Đồng Nai trải dài từ Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho đến Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai). Cũng như nhiều dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên, người Mạ có tiếng nói thuộc ngữ hệ Môn - Khmer nhưng không có chữ viết. 
 
Theo tác giả Ninh Thế Hùng, vào cuối thập niên 40 thế kỷ trước, để thuận tiện cho việc truyền giáo, Linh mục Jacques Dournes đã dùng mẫu tự La tinh để ký âm tiếng Kơ Ho Sre và biên soạn quyển tự điển Ser Francais đầu tiên được xuất bản vào năm 1950 tại Paris. Theo đó, bộ mẫu tự này được Jean Boulbet - một nhà dân tộc học chuyên nghiên cứu về người Mạ dùng để ký âm tiếng Mạ nên tiếng Mạ có khoảng 90% số từ chung với tiếng Kơ Ho Sre như hiện nay.
 
Nói đến ca dao theo nghĩa thông thường chỉ bổ đến loại hình sáng tác dân gian theo quy luật luật bằng, trắc câu sáu, câu tám. Nhưng cần nói rõ hơn ở “Ca dao của người Mạ” không theo cấu tứ, niêm luật như cao dao của người Kinh mà đấy chỉ là những câu nói văn vần để người nghe dễ thuộc, dễ nhớ mà truyền từ đời này sang đời khác. Các bài ca dao do tác giả lặn lội nhiều năm điền dã sưu tầm trong vùng định cư sinh sống của người Mạ Tờm và Mạ Chòp từ Bảo Lâm đổ xuống vùng đất Đạ Huoai, Đạ Tẻh - Lâm Đồng. “Điều đáng tiếc là chúng tôi chưa điền dã được những vùng của người Mạ ở huyện Di Linh, huyện Lâm Hà nên không rõ tại đó, ca dao của người Mạ (được đề cập trong tập sách - NV) có khác với ca dao của người Mạ các vùng còn lại hay không” - lời nói đầu của tập sách “Ca dao của người Mạ”, tác giả đề cập. 
 
Hầu hết những bài ca dao được tác giả tuyển lựa trong “Ca dao của người Mạ” cũng như ca dao của các dân tộc khác trong cộng đồng sắc tộc Việt Nam đều thể hiện tính đa dạng từ tín ngưỡng, luật tục, kinh nghiệm sống đến những câu ví, câu hát phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Mạ, tạo nên dòng văn học dân gian truyền khẩu tộc Mạ còn lưu dấu cho đến tận bây giờ. Tác giả Ninh Thế Hùng cũng biện giải rằng “trừ những bài chuyện cổ, hát đối, hát giao duyên, gia phả... thường khá dài” nên tác giả chỉ “tập hợp những bài nói ngắn, có vần” và tạm gọi là ca dao của người Mạ. 
 
Tác giả Ninh Thế Hùng cho biết thêm: Ban đầu, ca dao có lẽ được các già làng, tộc trưởng sáng tạo ra để qua đó điều hành buôn làng, gia tộc, sau đó dần phổ biến rộng ra thành những kiến thức liên quan đến đời sống và được nhiều người thuộc hơn. Và từ cái “túi khôn” ấy được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, được các thế hệ bổ sung, tích lũy thêm kinh nghiệm, hiệu chỉnh, sửa chữa (có chủ ý hoặc vô tình) cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh sống của mỗi vùng đất mà theo đó một bài có thể có nhiều dị bản. Song tựu trung các dị bản dù có bị thay đổi so với bản gốc nhưng nhờ có chúng, ca dao của người Mạ càng phong phú, tính cá nhân mất dần và tính cộng đồng sáng tạo ngày một thấm đẫm hơn. 
 
 
Chẳng hạn những câu sau dù được thay đổi câu chữ nhưng ý nghĩa gần như hàm chứa nội dung giống nhau:
 
Tôi muốn ăn gà, tôi phải đi gài bẫy.
Tôi muốn không mệt thân, tôi phải đi cưới vợ.
Tôi muốn nói chuyện xưa, tôi phải nuôi con để nối dòng
Ghi từ ông K’ Bròi,bòn Pour. 
 
Muốn ăn gà, đi gài bẫy.
Không mệt thân, đi cưới vợ. 
Muốn nói chuyện xưa, phải nuôi con.
Ghi từ ông K’Tồi, bòn Tơng Klong.
 
Hay: 
Muốn ăn gà, tôi phải đi gài bẫy.
Không muốn mệt thân, thì tôi cưới vợ.
Muốn có chuyện xưa, tôi phải nuôi con.
Ghi từ ông K’Jim bòn B’su Mbrăc. 
 
Như đã nói ở trên, “Ca dao của người Mạ” không giống như ca dao của người Kinh tuân theo quy luật câu 6, câu 8 mà trong tất cả các câu ca dao tác giả sưu tầm được số chữ mỗi câu không cố định mà thay đổi ngay trong câu trước, câu sau, bài này bài khác. Câu ngắn thì 3 chữ, 4 chữ, câu dài có khi lên đến 12 chữ và đa số là 5 hay 6 chữ. Cũng như số chữ, số câu trong mỗi bài ca dao cũng không cố định. Tác giả giải thích rằng: Do được truyền miệng từ người này sang người khác, từ làng này sang làng khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác nên có khi một bài ca dao được thêm vào số câu, cũng có khi một số câu bị bỏ đi được thay thế bởi câu khác. Điều đó có nghĩa là mỗi người tiếp thu lại góp phần mình vào quá trình sáng tạo ca dao Mạ, dù vô tình hay cố ý... Nhưng nhìn chung để người nghe dễ thuộc, dễ nhớ, các bài ca dao được cộng đồng người Mạ sáng tác theo cách nói văn vần. Và “Vì ca dao của người Mạ là tổng kết các sự vật, hiện tượng xảy ra trong thực tiễn của đời sống cộng đồng, nó thể hiện nhân sinh quan của tộc đó, khi sự vật bên ngoài đổi khác thì các câu ca dao có liên quan đến các sự vật đã biến mất rất dễ dàng bị lãng quên đi”. 
 
Nhìn chung từ thế giới nhân sinh quan của tộc Mạ mà “Ca dao của người Mạ” cũng phản chiếu tính đa dạng, sự phong phú của đời sống từ hôn nhân, phạt vạ, ứng xử trong gia đình và dòng tộc, kiêng cữ... cho đến luật tục, quan niệm sống và thế giới bên ngoài được tác giả xếp đặt theo từng chương trong tác phẩm khảo cứu của mình. Và theo như tác giả Ninh Thế Hùng, những bài ca dao nay đã trở thành “tập quán pháp” của cả cộng đồng người Mạ. Đặc biệt, sau một số bài ca dao, tác giả còn chú giải hoặc về từ vựng, hoặc về phong tục, tập quán, về địa danh... có liên quan đến bài ca dao nhằm làm rõ hơn nét đặc trưng văn hóa của người Mạ mà tác giả đề cập đến. 
 
Điều đáng quan tâm, số lượng các câu ca dao này rất lớn, nhưng đến nay đã và đang bị mai một dần do sự đứt gẫy văn hóa đang diễn ra khốc liệt. Vì vậy “Ca dao của người Mạ” là một tuyển lựa khảo cứu “độc, lạ”, nhất là đối với các ấn phẩm về văn hóa của người Mạ nói riêng, của các tộc người bản địa Nam Tây Nguyên nói chung còn rất ít trong đời sống văn hóa, nghệ thuật hiện nay. Với gần 630 bài ca dao được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Việt - Mạ trải dài trong hơn 250 trang sách, sẽ đưa bạn đọc vào thế giới văn hóa của người Mạ bởi những câu ca dao chân chất nhưng không thiếu sự cô đọng, triết lý sống. 
 
Lâm Đồng cuối tuần trân trọng giới thiệu tập khảo cứu “Ca dao của người Mạ” của tác giả Ninh Thế Hùng (còn gọi là Hùng Blao) đến với bạn đọc quan tâm về văn hóa Mạ.
 
HỒ XUÂN TRUNG