Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba...

05:04, 22/04/2021

Từ thuở nhỏ hay hiện tại chắc chắn ai cũng học thuộc làu câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3"...

Từ thuở nhỏ hay hiện tại chắc chắn ai cũng học thuộc làu câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3" hoặc trong trường ca "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm “Hàng năm ăn đâu, làm đâu - Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”. Tôi tin chắc rằng trong lòng mỗi người dân đất Việt lại nao nức hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với một niềm thành kính tri ân công đức tổ tiên, nhớ về nguồn cội. 
 
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Âu Lạc thuộc Khu du lịch thác Prenn thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia. Ảnh: PV
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Âu Lạc thuộc Khu du lịch thác Prenn thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia. Ảnh: PV
 
Tôi thầm nghĩ, trên thế giới hẳn không một dân tộc nào lại có cùng chung gốc gác tổ tiên, một ngày Giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Thật tự hào bởi mình là dòng giống con Rồng cháu Tiên. Tôi vẫn hay kể cho các con tôi nghe về truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng với trăm người con trong cùng một bọc. Thậm chí tôi còn bày thuộc bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên có câu "Xưa mẹ Âu Cơ sinh được trăm con, năm mươi xuống biển, năm mươi lên non...". Truyền thuyết xưa đã đi sâu vào tiềm thức, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gắn với khái niệm “đồng bào”, một sự tròn đầy viên mãn, gắn kết cộng đồng thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức mạnh dân tộc đã được minh chứng qua suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước. 
 
Mới thấy rằng không phải đơn giản mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi đây là nét đẹp văn hóa tâm linh, hội tụ tình đoàn kết, đã ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước.
 
Đền Hùng được đặt trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hy Cương. Nơi đây tương truyền các Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng đến đây với các nghi lễ tôn giáo phồn thực nông nghiệp lúa nước cầu cho mưa nắng thuận hòa, muôn dân ấm no hạnh phúc. Hình ảnh nhà vua đi cày, dạy dân cày ruộng là một tập quán đẹp. 
 
Từ thuở là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, sự tích về bánh chưng, bánh dày và câu chuyện về hoàng tử Lang Liêu đã in đậm trong ký ức tôi. Lang Liêu vốn có cuộc sống gắn bó với ruộng nương, làm bạn cùng thiên nhiên xanh mát, đây chính là hiện thân của người nông dân nghèo khổ, vất vả lam lũ, nhưng lại có tấm lòng thơm thảo hiếu nghĩa với mẹ cha. Bỏ qua bao sơn hào hải vị được dâng lên, Vua Hùng đã chọn thức quà giản dị của chàng hoàng tử nghèo khó ấy để dâng cúng tổ tiên. Chiếc bánh dân dã chứa trong đó triết lý nhân sinh của đất trời, là lời nhắc nhở của thần linh về vương đạo trị quốc khiến dân an thái bình.
 
Người có tổ, có tông như sông có nguồn, cây có cội. Bởi thế mà kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong dịp này cũng luôn hướng về Đền Hùng, cái nôi của đất Tổ, nơi của bốn phương tụ hội, thể hiện sự nối kết cộng đồng.
 
Ngày 10/3 Âm lịch này, tôi chọn mua hoa, trái, thắp nén nhang thơm hướng về tổ tiên, nhớ về cội nguồn. Nén hương gói ghém lòng biết ơn. Nén hương của lòng hiếu thảo, nhớ về ơn trên, về quê cha đất tổ lòng thầm thì khấn nguyện. Cầu mong các bậc tiền nhân độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi sự được vuông tròn như những chiếc bánh dày, bánh chưng kia.
 
THÙY HƯƠNG