Những thanh niên nông thôn yêu văn chương

05:04, 22/04/2021

Họ là những thanh niên nông thôn yêu lao động sáng tạo, yêu văn chương, yêu vẻ đẹp tâm hồn giữa guồng quay hối hả và bộn bề của cuộc sống thời 4.0...

Họ là những thanh niên nông thôn yêu lao động sáng tạo, yêu văn chương, yêu vẻ đẹp tâm hồn giữa guồng quay hối hả và bộn bề của cuộc sống thời 4.0. Tuy mỗi người một hoàn cảnh, mỗi công việc khác nhau trong cuộc mưu sinh, thế nhưng những bạn trẻ ở vùng quê cửa ngõ phía Nam Lâm Đồng lại có cùng niềm đam mê yêu thích văn chương, thật đáng quý. Họ là những ai trong cuộc “độc hành” lao động sáng tạo trên mảnh đất văn chương đầy ắp chữ nghĩa? 
 
Nhà thơ Hồ Minh Hoài Bảo, Nguyễn Thành Thiện và Trần Nguyễn Thu Thủy (từ trái sang) trong một buổi sinh hoạt văn chương ở thị trấn ĐạM’ri, huyện Đạ Huoai
Nhà thơ Hồ Minh Hoài Bảo, Nguyễn Thành Thiện và Trần Nguyễn Thu Thủy (từ trái sang) trong một buổi sinh hoạt văn chương ở thị trấn ĐạM’ri, huyện Đạ Huoai
 
Trước mắt chúng tôi, chẳng phải một cuộc trao đổi, bàn bạc xung quanh câu chuyện nhà nông, về câu chuyện “Được mùa, mất giá - Được giá, mất mùa”... Lại càng không phải là một cuộc gặp gỡ để “tám chuyện” trong những lúc nông nhàn... mà là một buổi sinh hoạt văn chương đúng nghĩa của những thanh niên nông thôn có cùng niềm đam mê, yêu thích thơ-văn ở thị trấn ĐạM’ri, huyện Đạ Huoai - một vùng quê xa xôi ở cửa ngõ phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi công việc khác nhau trong cuộc hành trình mưu sinh. Thế nhưng, những bạn trẻ vùng quê nơi đây lại tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc thật giản đơn giữa đời thường khi được cùng nhau sẻ chia những tứ thơ, những con chữ mộc mạc trong cuộc “độc hành” trên con đường lao động sáng tạo nghệ thuật làm nên những lát cắt đời thường.
 
Bắt đầu cầm bút “thử sức” mình cách đây chưa lâu, song Nguyễn Thành Thiện - một thanh niên nông thôn chuyên sửa chữa điện cơ - điện gia dụng cũng đã kịp “Trình làng” và để lại dấu ấn ban đầu với khoảng 20 bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Có lẽ, niềm đam mê yêu thích văn chương đã thôi thúc Thành Thiện cầm bút sáng tác và mượn con chữ để tỏ bày nỗi niềm thầm kín của lòng mình. Thật vậy, nếu như chịu khó “nhặt nhạnh” một chút, bạn đọc sẽ không khó bắt gặp những câu thơ mộc mạc nhưng cũng đầy thổn thức của tuổi đang yêu: “Ta chợt nhớ mùa Thu xưa xóm núi/ Chiều bên em trong nắng đổ lưng đồi/ Tóc man dại cơn gió lùa chợt rối/ Đẹp thật nhiều nhưng ngắn ngủi, xa xôi...” (“Nhớ” - Nguyễn Thành Thiện).
 
Là giáo viên giảng dạy bộ môn Văn tại Trường THPT thị trấn ĐạM’ri hàng ngày luôn bận rộn với trang giáo án, với sự nghiệp “trồng người” tại địa phương, cô giáo Trần Nguyễn Thu Thủy cũng đau đáu những nỗi niềm riêng khi nghĩ về trường lớp, về các em học sinh thân yêu hay trước những số phận, những mảnh đời kém may mắn. Để rồi, từ trong sâu thẳm lòng mình bật lên những con chữ, “ký gởi” qua từng trang viết như nói hộ bao người những suy tư, trăn trở đời thường. Bắt đầu cầm bút “ngọ nguậy” viết tản văn, tùy bút đăng báo từ khi còn học phổ thông trung học, đến nay tuy số lượng tác phẩm sáng tác chưa nhiều như một số cây bút khác của CLB Sáng tác trẻ Lâm Đồng, thế nhưng một số bài thơ và truyện ngắn gần đây của Thu Thủy cũng phần nào cho thấy thiên hướng sáng tác đã dần được định hình với cá tính sáng tạo rất riêng. “Viết cho ngày gặp lại” là bài thơ mà cô giáo Thu Thủy viết nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trường THPT thị trấn ĐạM’ri. Tuy ý tứ diễn đạt chưa thật hoàn hảo và còn khá “mộc mạc” về mặt ngôn từ, nhưng lời thơ đong đầy những xúc cảm thẩm mỹ, đưa người đọc ngược dòng thời gian trở về với miền ký ức không xa với những lát cắt trữ tình. 
 
Là một trong những cây bút được cho là “gạo cội” của CLB Sáng tác trẻ Lâm Đồng những năm qua, Hồ Minh Hoài Bảo không chỉ âm thầm lao động sáng tạo.trên cả bình diện thơ ca và truyện ngắn với hơn 100 tác phẩm được công bố trên các báo, tạp chí... mà “Anh nông dân miệt vườn yêu văn chương” này còn gặt hái được một số thành quả ban đầu, như: Giải A Cuộc thi Sáng tác văn học - nghệ thuật chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển năm 2013 (Thể loại: truyện ngắn) và được tặng thưởng cho các tác phẩm đạt chất lượng cao trên Tạp chí LangBian vào năm 2012 & 2016. Nhạy cảm với những gì diễn ra nơi miền quê dân dã... Tinh tế trong quan sát... Chắt lọc trong ngôn từ thể hiện... Hồ Minh Hoài Bảo đã “chạm” đến trái tim người đọc bằng những tác phẩm văn chương đầy ắp tính nhân văn. Không chỉ âm thầm khẳng định “thương hiệu văn chương” của mình trên thi đàn, văn đàn mà Hoài Bảo còn dìu dắt, động viên các bạn trẻ có cùng niềm đam mê tích cực sáng tác. Và rồi, các cây bút trẻ vùng quê nơi đây cũng từng bước trưởng thành và ngày càng tự tin hơn trong việc sáng tác cũng như công bố tác phẩm của mình.
 
Họ là những thanh niên nông thôn yêu lao động sáng tạo, yêu văn chương, yêu vẻ đẹp tâm hồn giữa guồng quay hối hả và bộn bề của cuộc sống thời 4.0 - Điều đó được ví như những cơn mưa mát lành tắm mát “mảnh đất văn chương” vốn dĩ khô cằn ở cửa ngõ phía Nam Lâm Đồng, góp nên suối nguồn mùa xuân trong sáng tác trẻ Nam Tây Nguyên. Thật đáng trân quý!
 
LÊ TRỌNG