Một thời hoa lửa và ngày hạnh ngộ

12:05, 03/05/2021

Xin phép được mượn lời giới thiệu của Cố Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam để nói về những cảm xúc hào hùng, chân thật trong cuốn hồi ký "Từ chiến trường đến nhà trường" của Thiếu tướng, Phó GS-TS Nguyễn Hữu Mão...

Xin phép được mượn lời giới thiệu của Cố Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam để nói về những cảm xúc hào hùng, chân thật trong cuốn hồi ký “Từ chiến trường đến nhà trường” của Thiếu tướng, Phó GS-TS Nguyễn Hữu Mão: “... Cuốn hồi ký ghi lại những sự kiện, những trận đánh, những chiến dịch mà đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão trực tiếp tham dự, trong đó có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Quảng Trị, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp. Đó là vinh dự của một quân nhân trong thời đại ngày nay. Đây không còn là hồi tưởng, cảm xúc của cá nhân mà là sự kiện đã đi vào lịch sử quân đội ta, dân tộc ta. Cũng như rất nhiều hồi ký, hồi ức của cán bộ quân đội ta, cuốn hồi ức này đáng quý về mặt tư liệu, rất cần cho công tác nghiên cứu và học tập của thanh niên, nhất là chiến sĩ trẻ trong lực lượng vũ trang”.
 
Cuốn hồi ký “Từ chiến trường đến nhà trường” của Thiếu tướng, Phó GS-TS Nguyễn Hữu Mão, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân
Cuốn hồi ký “Từ chiến trường đến nhà trường” của Thiếu tướng, Phó GS-TS Nguyễn Hữu Mão, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân
 
Ngắn gọn và cảm xúc, cô đọng nhưng đầy trân trọng như tác phong và tình cảm của người lính. Những chia sẻ của Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về cuốn hồi ký của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão đã cho thế hệ lớn lên trong thời bình một cái nhìn chân thực và khách quan nhất về trang sử chói lòa của dân tộc, về những mất mát đau thương mà đất nước, con người Việt Nam đã trải qua. Đất nước tri ân những người đã từng kinh qua đạn bom cho niềm vui độc lập, cho ngày thống nhất bằng tất cả nhiệt huyết thanh xuân như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão, nhưng không hề có sự vị kỷ, cái tôi nào lớn hơn lý tưởng của dân tộc. 
 
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân ta đã kết thúc... sự nghiệp giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng đã hoàn thành ba mươi năm, nhưng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ từng tham dự cuộc kháng chiến thần thánh ấy vẫn còn nguyên những kỷ niệm, đó là tình cảm quân dân, tình cảm đồng chí, đồng đội. Đấy cũng là tài sản quý của mỗi người để vươn lên trong cuộc sống, phục vụ Nhân dân, phục đất nước tốt hơn”, những dòng kết trong lời giới thiệu của đồng chí Lê Khả Phiêu về cuốn hồi ký “Từ chiến trường đến nhà trường” đã đủ cho tất cả chúng ta thấu hiểu hơn về những điều cao đẹp ấy.
 
Với thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên qua câu chuyện kể về những người anh hùng của dân tộc trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thì đơn giản hơn, những trang viết trong “Từ chiến trường đến nhà trường” như thước phim chiếu chậm, mỗi khi soi chiếu vào đó, lại thấy trân trọng hơn với máu xương của ông cha, thấy tự hào hơn với dũng khí của dân tộc. 
 
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão cũng có tuổi thơ êm đềm như bất kỳ đứa trẻ làng quê Bắc Bộ nào đó lúc bấy giờ, sáng đi học, chiều chăn trâu, cắt cỏ. Đan Phượng (Hà Nội) quê ông là đất cổ của nền văn minh sông Hồng. Tuổi thơ ngọt ngào của ông được thấm đẫm trong những lễ hội văn hóa dân gian, hội thi cơm Dày, chèo Tầu hội Gối, thả diều Bá Giang, rước cây bông Trung Hà, trò chơi đánh đạp suốt cả tuần trăng ở Kẻ Phùng, tài nói Trạng làng Đại... Các lễ hội giàu bản sắc ấy đã làm nên tính cách lịch thiệp, hay hát, thương người, hòa đồng... Mà nói như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão thì tình người Đan Phượng luôn tồn tại trong làng, giữa phố, có ở nơi xa xôi nào đó vẫn giữ được cốt cách của quê hương. 
 
Gác giấc mơ đèn sách, ông đăng ký nhập ngũ khi mới 18 tuổi, giữa lúc làng quê yên bình của ông bị cày xới vì bom đạn của giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc. “Ngày tôi lên đường 28 tháng 4 năm 1967 khi Chi đoàn thanh niên tổ chức liên hoan nhẹ, thì máy bay địch đến dội bom xuống đập Đáy, Đội nữ dân quân trực chiến đánh trả ngoan cường, nhưng một trái bom rơi vào trận địa, cả 9 cô gái đã hy sinh anh dũng...”. Ngày thế hệ thanh niên như ông lên đường cũng là ngày đau thương nhất ở làng quê của ông, hành trang không gì hơn là nỗi căm hờn, “Thế hệ thanh niên chúng tôi nô nức tòng quân, cho dù biết ra trận là hy sinh. Tôi trúng ngay đợt tuyển đầu tiên. Thanh niên thời ấy được vào bộ đội để đánh giặc cứu nước là một vinh dự, không ai có thể ngồi yên khi đất nước có giặc. Đấy là trách nhiệm công dân đối với đất nước và lòng tự trọng của mỗi người”, ông đã bắt đầu viết những dòng đầu tiên trong cuốn hồi ký của mình như thế.
 
Những lời viết giới thiệu cuốn hồi ký của cố Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Những lời viết giới thiệu cuốn hồi ký của cố Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
 
Niềm tự hào đầu tiên của ông là được chiến đấu trong Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thăng Long) của Sư 320 (Sư đoàn Đồng Bằng) anh hùng đầy những chiến công hiển hách trong thời kháng chiến chống Pháp. Trận đánh đầu tiên mà ông trực tiếp cầm súng sát cánh bên đồng đội là khi đơn vị của ông được lệnh tấn công Chi khu quân sự Cam Lộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trận đánh đầu tiên của ông cũng được xem là trận đánh lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực Cửa Việt, tấn công toàn lực xuống phía đông của Quốc lộ 1, đánh cắt đường bộ của tam giác Đông Hà - Quán Ngang - Cửa Việt, buộc địch đối phó, qua đó tạo điều kiện cho quân dân Trị Thiên - Huế tiếp tục tiến công, nổi dậy.
 
Từ một Binh nhì cho đến khi trở thành một vị tướng, từ trận đánh ở Cửa Việt đầu tiên năm 68 cho đến Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; Chiến dịch Xuân Hè 1972; Chiến dịch Tây Nguyên 1975; Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975; Chiến dịch phản công biên giới Tây - Nam Việt Nam 1979 -1989, ông đều đã trải qua. Không ít người trải qua cảm giác như ông, khi có mặt ở hầu hết các chiến trường nóng bỏng nhất lúc bấy giờ, trực tiếp cầm súng ở những trận đánh đã đi vào lịch sử, nhưng cũng không nhiều người có được cảm giác tự hào như ông. 
 
Mất mát vô hạn bởi trận đánh đầu tiên cũng là lúc ông chứng kiến lớp lớp đồng đội ngã xuống. Đi qua rất nhiều trận đánh, rất nhiều trận chiến lớn, hy sinh là không kể xiết, ông và đồng đội dường như đã không còn nước mắt, không còn nỗi nhớ nhà, chỉ còn niềm tin sắt đá và mãnh liệt cho đến ngày thống nhất.
 
Không qua trường lớp quân sự nào, những thanh niên như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão đều trưởng thành trực tiếp từ chiến trận, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Được trận mạc tôi luyện, cộng với mưu trí lòng quả cảm đã giúp cho Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão có được sự tin tưởng từ cấp trên. Từ một anh Binh nhì vào trận còn chưa quên mùi bút mực, đến năm 1974 khi mới 25 tuổi ông đã được giao trọng trách giữ cương vị Tham mưu trưởng Trung Đoàn 48 (Sư đoàn 320 - Quân đoàn 3).
 
Trước khi Tổng thống của thể chế Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh chính thức tuyên bố đầu hàng quân giải phóng, Trung đoàn 48 của ông cùng với các đơn vị khác của Sư 320 đã chiến đấu không dưới 20 trận chiến lớn nhỏ, gây nên nỗi khiếp đảm và kinh hoàng cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
 
Đặc biệt, trong đó có cuộc tấn công căn cứ Đồng Dù (Củ Chi - TP Hồ Chí Minh) sáng ngày 29/4/1975. Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Mão được giao nhiệm vụ đi trực tiếp chiến đấu với Tiểu đoàn 3. Sau khi quân giải phóng hy sinh quá nhiều nhưng không mở được chốt, vì những kinh nghiệm đánh mở cửa trước đây ở mặt trận Tây Nguyên ông đã được lệnh trực tiếp của Sư đoàn trưởng chỉ huy một tổ bộc phá lên thông cửa một hướng của căn cứ địch. Trước khi bộc phá nổ tan hàng rào để đồng đội xung phong, chính ông là người nén lại nỗi đau, kịp vuốt mắt cho một chiến sĩ bò ngay phía sau ông vừa trúng đạn hy sinh để tiếp tục bò lên phía trước hoàn thành nhiệm vụ.
 
Vào thời điểm lúc bấy giờ, với cương vị Tham mưu trưởng của một trung đoàn chủ lực có nhiệm vụ đánh chiếm những vị trí, căn cứ quan trọng của Viên Nam Cộng hòa, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão không chỉ giúp Trung đoàn trưởng về công tác tác chiến mà còn lên phương án đánh địch, tổ chức phòng ngự, bố trí đội hình, công tác tham mưu trong chiến đấu có thể được coi là quan trọng số một. Nhưng ông cũng kịp ghi lại những dòng cảm xúc vào trong cuốn sổ nhật ký của mình: “Tâm trạng tôi lúc ấy phấn chấn lạ thường, là cán bộ đã qua chiến đấu, chúng tôi hiểu ngày giải phóng hoàn toàn đất nước không xa nữa. Có thể nói đây sẽ là chiến dịch sau cùng của cuộc chiến tranh 30 năm, ngày đất nước sạch bóng quân xâm lược không còn xa. Ai sẽ là người ngã xuống trong chiến dịch cuối cùng này? Biết vậy, nhưng chúng tôi vẫn không hề nao núng, tất cả sẵn sàng hy sinh cho trận quyết chiến”.
 
Ngày hạnh ngộ giữa Sài Gòn hoa lệ. Hạnh phúc vỡ òa sau những tháng năm nhuốm màu khói súng, đẫm mồ hôi, máu và nước mắt. Nhưng chắc chắn với những người như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão - Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4; Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, Phó Gám đốc Học viện Lục quân chắc chắn sẽ không bao giờ có thể nhạt quên được những tháng năm hoa lửa đó. 
 
“Tôi bỗng nhớ đồng đội mình, những người đã hy sinh vào cái ngày lịch sử đó và những người còn sống hiện giờ đang ở đâu? Tôi ghi lại những hồi ức này với hy vọng, các bạn chiến đấu của tôi ngày ấy, còn sống có thể nhớ lại những giây phút ác liệt của cuộc chiến đấu. Để không bao giờ quên rằng, ngày 30/4 lịch sử biết bao người đã ngã xuống trước một ngày, hai ngày và hàng ngàn ngày. Đó là cả một chặng đường gian nan thử thách và xương máu để đi tới một ngày dân tộc ta toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại”.
 
Ghi chép: TUẤN LINH