"Nợ" duyên phái đẹp

05:05, 06/05/2021

"Em cứ ngồi lặng lẽ/Hồ thu nước trong veo/Đôi mắt lành như lá/Mà nghiêng cả nắng chiều/Em cứ ngồi như thế/Mặc đất trời nổi trôi/Mặc hao gầy trăng, gió/Mặc sông nước đầy vơi/ Em vẫn ngồi lặng lẽ/Mà xiêu cả đất trời"

“Em cứ ngồi lặng lẽ/Hồ thu nước trong veo/Đôi mắt lành như lá/Mà nghiêng cả nắng chiều/Em cứ ngồi như thế/Mặc đất trời nổi trôi/Mặc hao gầy trăng, gió/Mặc sông nước đầy vơi/ Em vẫn ngồi lặng lẽ/Mà xiêu cả đất trời” - Đó là những vần thơ của họa sĩ Vi Quốc Hiệp bật lên trong một lần vẽ người đẹp vào năm 2006. Cảm xúc thật ấy luôn dội về, trào dâng, thăng hoa mỗi khi ông đưa phấn màu lên nền giấy roki vẽ phái đẹp. 
 
Người đẹp luôn hài lòng về tác phẩm và ngưỡng mộ tài năng của họa sĩ
Người đẹp luôn hài lòng về tác phẩm và ngưỡng mộ tài năng của họa sĩ
 
Từ tác phẩm đầu tiên vẽ phụ nữ
 
Với họa sĩ Vi Quốc Hiệp, phái đẹp - những người phụ nữ luôn mang đến cho ông niềm rung cảm, thăng hoa trong sáng tạo. Bằng vẻ đẹp muôn sắc, những người phụ nữ đã “cộng hưởng” làm nên một mảng màu rực rỡ trong sự nghiệp nghệ thuật của họa sĩ Vi Quốc Hiệp. 
 
Nhớ lại tác phẩm đầu tiên vẽ phụ nữ, họa sĩ Vi Quốc Hiệp kể: Cách đây 50 năm, vào tháng 9/1971, khi đó vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin (lúc bấy giờ) phân công về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin (VHTT) Hà Giang. Ở tuổi 23 đầy nhiệt huyết, đặt chân lên Hà Giang mới được hơn một tuần, Vi Quốc Hiệp đã xin lên huyện Đồng Văn, chợ Phó Bảng để đi thực tế vẽ. Đến Đồng Văn, vào thăm nhà một người bạn thân, họa sĩ đã gặp một người phụ nữ trên 20 tuổi là chị Hoàng Thị Phiên (vợ của họa sĩ Hoàng Quốc Cứu học ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc). Bắt gặp chị Hoàng Thị Phiên với khuôn mặt ửng hồng khi vừa đi cày về, mặc áo chàm hơi bạc... hình ảnh quá đẹp. Lúc đó đang cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị Phiên cũng là dân quân của xã Đồng Văn. Vi Quốc Hiệp đã xin chị cho vẽ chân dung. Trên chiếc khung có sẵn toan mang theo và mấy tuýp sơn dầu của Đức họa sĩ dành dụm từ khi còn ở Trường Mỹ thuật. Trong nguồn cảm hứng, chỉ hai tiếng, Vi Quốc Hiệp đã vẽ xong bức chân dung sơn dầu chị Phiên với màu áo chàm và đặt tên “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn”. Tranh đã triển lãm lần đầu ở Hà Nội vào năm 1974 được đánh giá cao, được ghi vào sách lịch sử Mỹ thuật Việt Nam là một tác phẩm sơn dầu đẹp. Tiếp đó được triển lãm ở Thái Nguyên năm 1976 và năm 1990, Vi Quốc Hiệp treo ở triển lãm đầu tiên của riêng ông tại Đà Lạt. Bức tranh đã lọt vào tầm ngắm và theo chân nhà sưu tập là đại diện lãnh sự quán Pháp ở TP Hồ Chí Minh về nước Pháp xa xôi.
 
Năm 1978, họa sĩ Vi Quốc Hiệp cùng gia đình chuyển vào Đà Lạt, rồi nghe tin họa sĩ Hoàng Quốc Cứu (lúc ấy đã là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Giang) qua đời do bệnh nặng. Dù tiếc thương bạn, nhưng ở xa quá, không thể viếng thăm. Mãi đến năm 2012, sau 41 năm, họa sĩ Vi Quốc Hiệp làm một hành trình từ Đà Lạt đến Lũng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc... Ở Đồng Văn 2 ngày, ông đã tới thăm nhà chị Phiên (bà đã trên 60 tuổi), bà rất cảm động. Khi trở về, ông đã chụp lại bức tranh “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn” trên giấy lãnh gửi tặng bà Phiên treo làm kỷ niệm. 
 
Từ người mẫu chị Phiên - người phụ nữ vùng cao đảm đang, trung hậu; vẻ đẹp phụ nữ luôn theo ông suốt những chặng đường sáng tạo. Vẽ gì thì vẽ, có khi là biệt thự cổ, là hoa lá cỏ cây Đà Lạt, rồi cũng quay về vẽ phái đẹp. Ông vẽ phụ nữ mọi lúc, mọi nơi, mọi miền, mọi lứa tuổi bằng niềm thương quý, trân trọng, nâng niu. Để rồi chỉ trong chưa đến 20 năm qua, từ năm 2002 ông dành đến 5 cuộc triển lãm cho hoa và phái đẹp, trong đó 2 triển lãm được tổ chức tại Hà Nội.
 
Tác phẩm vẽ phụ nữ đầu tiên “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn” bên cạnh nguyên mẫu bà Phiên đã hơn 70 tuổi.
Tác phẩm vẽ phụ nữ đầu tiên “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn” bên cạnh nguyên mẫu bà Phiên đã hơn 70 tuổi.
 
Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt
 
5 ngày qua không gian triển lãm “Vẽ phái đẹp” của họa sĩ Vi Quốc Hiệp tại số 42 Yết Kiêu - Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật nơi ông từng học tập 7 năm, bao trùm bởi vẻ đẹp và cái đẹp. 70 tác phẩm tranh chân dung phái đẹp được chọn lọc trong 200 chân dung là thành quả ông đã vẽ trong 20 năm qua, mỗi người một vẻ được ông gặp và vẽ bằng phấn màu trên mọi miền đất nước. Đến dự triển lãm của ông có nhiều họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, công chúng yêu tranh chân dung, thầy giáo dạy họa sĩ từ thuở đầu đời; và rất nhiều người đẹp là nguyên mẫu làm nên những tác phẩm. Chị Hoàng Trà My (người mẫu tranh) đã xúc cảm bằng những câu thơ khi thấy mình trong “vườn hoa hương sắc” tại triển lãm: “Rồi một ngày anh đến/Hà Nội ngàn năm văn hiến/Thành phố mùa hè/Anh say vẽ phái đẹp yêu kiều/ Thả hồn vào tranh mê đắm, phiêu diêu”.
 
Phụ nữ ai cũng muốn mình đẹp và nghĩ mình đẹp. Dưới con mắt của họa sĩ Vi Quốc Hiệp dường như mọi phụ nữ đều đẹp, ông đã luôn ưu ái nhìn phái đẹp với nét duyên nhất, xinh nhất, mà loại đi những vẻ không tròn trịa của tạo hóa. Dưới nét phấn màu của ông, người phụ nữ nào cũng xinh đẹp, lung linh, kiều diễm, bay bổng váy khăn. Ngắm nhìn mình trên tranh, chị em luôn hài lòng, bởi vừa giống mình, mà lại khác mình. Có thể ví, tranh vẽ phái đẹp của họa sĩ Vi Quốc Hiệp giống như những bức ảnh chụp bằng “áp công nghệ” làm cho người đẹp trở nên huyền ảo, không phải mình mà lại chính là mình. Chị Vân Phạm chia sẻ: “Cái đẹp trong tranh Vi Quốc Hiệp vừa hư, vừa thực nhưng tuyệt vời là nó ở ngay tại mảnh đất này, không như kiểu một danh họa vĩ đại quá xa xôi. Tôi thích xem những bức tranh Vi Quốc Hiệp vẽ vì xuyên suốt nó là sự vui vẻ, thoải mái, tích cực, thư giãn, tươi trẻ; đặc biệt tranh vẽ phái đẹp của ông. Những người phụ nữ nhan sắc đã in hằn dấu vết của năm tháng khi rơi vào trong tranh Vi Quốc Hiệp đều trở nên xinh đẹp hơn chính họ ở ngoài đời. Họ tươi vui hơn, trẻ hơn, dịu dàng hơn, như thể họ được nhàn hạ, được thư thái, được trân trọng, được yêu. Những ai may mắn được Vi Quốc Hiệp vẽ chân dung đều yêu thích nét đẹp bay bổng, mềm mại, sống động, uyển chuyển của từng gam màu. Bàn tay tài hoa ấy vung lên vài đường chì mà người xem khó đoán biết, rồi bị cuốn theo trí tưởng tượng và đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Đôi mắt ấy rất tinh anh và cảm giác như có cái nhìn xuyên thấu da thịt, tâm hồn người mẫu để chuyển biến nét đẹp từ giản dị thành cao sang, từ lo âu thành thư thả, từ muộn phiền thành vui vẻ, từ khuyết điểm thành hoàn mỹ mà vẫn giữ nguyên thần thái, dáng vẻ của nhân vật”.
 
Mỗi lần vẽ người đẹp, họa sĩ Vi Quốc Hiệp tay vừa đưa nhanh những nét phấn màu, mắt đầy ắp ánh cười, trìu mến nhìn họ. Không chỉ vẻ đẹp của người mẫu truyền cảm hứng cho ông sáng tạo, mà ngược lại ông cũng là người truyền cảm hứng, khơi gợi để họ tỏa ra vẻ đẹp, toát nên thần thái, và ông là người bắt trúng cái thần nhất, nét tươi trẻ nhất, nét đẹp nhất của mỗi chị, mỗi bà, mỗi em. Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương xem tranh ông đã thốt lên: “Phái đẹp phải trao cho họa sĩ Vi Quốc Hiệp Huy chương Vàng về vẽ tranh cho họ. Các tác phẩm của ông quá đẹp!”.
 
Tác phẩm chân dung phái đẹp tại triển lãm
Tác phẩm chân dung phái đẹp tại triển lãm
 
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp có tốc độ vẽ chân dung phụ nữ cực nhanh, bởi ông đi đến đâu cũng có người đẹp “xếp hàng” đợi đến lượt vẽ, phải vẽ cho nhiều người cùng một lúc, vẽ hàng giờ ở bất cứ đâu, trong bất kỳ không gian nào, không ngưng nghỉ. Và có lẽ như được lập trình sẵn “phụ nữ sinh ra vốn đẹp” cộng với tài năng, niềm đam mê, lòng hào hiệp dành cho cuộc đời và phái đẹp, nên dù vẽ với tốc độ nhanh thì những “người mẫu” luôn hài lòng với tác phẩm của ông “đẹp hơn mẫu, nhưng giống mẫu”. Những người phụ nữ dường như đẹp nhất trong khoảnh khắc đi vào tranh của Vi Quốc Hiệp, vẻ đẹp của họ lên ngôi nhất, phát tiết nhất. Ngắm nhìn mình trong tranh, họ như yêu hơn, thương hơn, biết nâng niu trân trọng chính mình hơn để mỗi ngày càng đẹp hơn. 
 
Triển lãm “Vẽ phái đẹp” của họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã đem niềm vui đến cho những người phụ nữ, những người mẹ, người vợ, người bà và cả thiếu nữ thủ đô; đồng thời, đưa cái đẹp đến gần hơn với những người yêu cái đẹp, truyền tới cho người xem tình yêu cái đẹp. Đặc biệt là vẻ đẹp của người phụ nữ phải luôn được trân trọng, được nâng niu, được yêu chiều, vun đắp.
 
QUỲNH UYỂN