Nơi khởi đầu những giai điệu

07:07, 24/07/2021

(LĐ online) - Từ ngày 09/7 đến ngày 24/7/202, tại Đà Lạt Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Trại sáng tác và biểu diễn âm nhạc năm 2021.

(LĐ online) - Từ ngày 09/7 đến ngày 24/7/202, tại Đà Lạt Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Trại sáng tác và biểu diễn âm nhạc năm 2021.
 
Đây là một trong những chương trình hoạt động của Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện kế hoạch số 04/KH-VHNT ngày 05/7/2021 của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Trại sáng tác lần này được tổ chức nhằm khuyến khích hội viên sáng tạo, phát huy khả năng chuyên môn thông qua hoạt động sáng tác và biểu diễn hướng đến ngợi ca cuộc sống tươi đẹp đang ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp riêng của âm nhạc, vũ điệu bản địa. 
 
Các nhạc sĩ, nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác và biểu diễn âm nhạc năm 2021
Các nhạc sĩ, nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác
 
Với chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, cùng với đó là các đề tài ngợi ca quê hương đất nước, con người, tình yêu đôi lứa... Trại sáng tác âm nhạc lần này có sự tham gia của 15 hội viên, trong đó gồm 11 nhạc sỹ chuyên ngành sáng tác, 4 nghệ sĩ chuyên ngành biểu diễn. Tham dự Trại sáng tác, các nhạc sĩ, nghệ sĩ luôn ý thức rằng phải sáng tạo như thế nào để âm nhạc luôn gắn bó, gần gũi với con người và thực tiễn cuộc sống; điểm thêm vẻ đẹp, nâng cao giá trị đời sống tinh thần trở nên ý nghĩa hơn, nhân văn hơn. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 và đang trong thời gian giãn cách, nên các hội viên tham gia Trại sáng tác trao đổi với nhau chủ yếu thông qua phương tiện trực tuyến. 
 
 Thành quả sau 15 ngày tích cực lao động nghệ thuật là 18 tác phẩm gồm 15 ca khúc, 02 kịch bản múa và 01 kịch ngắn với nhiều đề tài và nội dung phong phú như: nhớ về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ca ngợi Đà Lạt, Lâm Đồng đổi mới, về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa; kịch ngắn phòng chống Covid - 19 và đề tài thiếu nhi... Trong đó có một số ca khúc đã được dàn dựng, thu âm thành file audio. Có thể kể đến như: Nghiêng bờ xa xăm - Đình Nghĩ; Dáng thông - Nhạc: Dương Toàn Thiên, Thơ: Vũ Dậu; Kèn đội ta hoà nhịp chiêng ngân - Cao Nguyên; Thông điệp rừng xanh - Tuấn Anh; Câu hỏi giản đơn - Nhạc: Xuân Thùy, Thơ: Hữu Thỉnh; Kỷ niệm của đồng đội - Mạnh Đương; Em mơ về nơi xa - Nhạc: Ngọc Lợi, Thơ: Thanh Thủy; Không thể nguôi ngoai - Văn Mỹ; Tổ quốc nhìn từ biển - Nhạc: Vi Quốc Hiệp, Thơ: Nguyễn Việt Chiến; Đà Lạt tình phố -  Minh Thu... Hội trại cũng vui mừng đón nhận 3 tác phẩm của 2 nhạc sĩ và một nghệ sĩ sân khấu là hội viên của chi hội Âm nhạc Lâm Đồng tham gia hưởng ứng, đó là nhạc sĩ Krazan Dick, nhạc sĩ Vũ Uy và nghệ sĩ Trần Phạm Lợi.
 
Trại sáng tác là một trong những dịp để các nhạc sĩ trao đổi kinh nghiệm, sẻ chia về việc khai thác chất liệu âm nhạc, vũ điệu bản địa trong sáng tạo. Trại trưởng, nhạc sĩ Nguyễn Cao Nguyên cho biết: “Hội trại diễn ra trong thời gian dịch bệnh Covid -19 phức tạp, nên việc đi thực tế sáng tác không thực hiện được, khai mạc và bế mạc trại cũng phải thực hiện thông qua trực tuyến. Nhưng thực sự phải ghi nhận, biểu dương thành quả đạt được của Trại. Bởi các nhạc sĩ đã dốc hết tinh thần, trí lực cho việc sáng tạo, nên chỉ trong thời gian ngắn đã cho ra đời những đứa con tinh thần có nội dung và tính nghệ thuật tương đối tốt. Nhiều trại viên đã bứt phá bằng bút pháp thể hiện mới, ngôn ngữ âm nhạc mới, nội dung, đề tài hướng đến thực tiễn cuộc sống với nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau. Một Đà Lạt, Lâm Đồng với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú cùng với thiên nhiên rừng núi, đất trời bao la và tình cảm thiết tha, sâu lắng của con người là những gam màu chủ đạo để các nghệ sĩ tìm cảm hứng vẽ nên một miền đất bằng âm nhạc và vũ điệu một cách đa chiều, đầy màu sắc và nhiều cung bậc. Dưới vòm trời đầy thanh âm ấy, người thì cảm được cung bậc trầm bổng xao xuyến, người thì lắng đọng xa xăm như tiếng vọng từ suối khe, cũng có khi là chút tâm tình, tự sự về phận đời, phận người trong quá khứ lẫn hiện tại, tạo nên một bức tranh đa sắc màu, đa âm thể, dạt dào cảm xúc”. 
 
Theo Trại trưởng, nhạc sĩ Nguyễn Cao Nguyên thì những tác phẩm của lần Trại sáng tác và biểu diễn âm nhạc 2021, nếu xét về hình thức thì đa số các tác phẩm của những nhạc sĩ nhiều kinh nghiệm đã thể hiện rất tốt với đường nét rõ ràng, logic, diễn đạt được nội dung muốn thể hiện, đồng thời với khả năng phát triển giai điệu đã làm nổi bật motif chủ đạo, tạo được điểm nhấn cho tác phẩm. Tuy vậy, vẫn còn một số tác phẩm viết dàn trải, rơi vào tình trạng lòng vòng, chưa tạo được hiệu quả. Về câu và đoạn nhạc thì đa số các tác phẩm đều rõ ràng, mạch lạc, giúp người nghe cảm nhận một cách dễ dàng, dễ nhớ và dễ hát. Phần lớn các tác phẩm được viết với âm vực vừa phải, đáp ứng tốt những giọng hát phổ thông. Song vẫn còn một số tác phẩm đã sử dụng âm vực quá rộng, xuống nốt thật thấp và lên nốt thật cao, nhảy quãng quá xa, làm cho người hát khó thể hiện trọn vẹn tác phẩm. Các trại viên chuyên ngành biểu diễn đã xây dựng được những kịch bản sân khấu và múa một cách chỉn chu từ kịch bản khái quát, kịch bản văn học đến kịch bản phân cảnh một cách rõ ràng, mạch lạc, thể hiện trách nhiệm cao với công việc chuyên môn và với trại sáng tác.
 
Trong lần trại này thì đề tài chủ đạo của các tác phẩm vẫn là cảm nhận từ Đà Lạt; bởi thiên nhiên, con người nơi đây như trải lòng cho những tâm hồn giàu cảm xúc, để những giai điệu lại trỗi dậy, dạt dào bay lên. Đây cũng là dịp để trao đổi, đánh giá về các nội dung mang tính chuyên môn đối với tác phẩm của mình. Đại diện Hội đồng nghệ thuật, NSUT, NS Đình Nghĩ chia sẻ: “Phần lớn các tác phẩm đã có sự đầu tư về ý tưởng, giai điệu, ca từ một cách kỹ lưỡng. Các tác phẩm sân khấu về kịch và múa cũng thể hiện nội dung gắn với thực tiễn cuộc sống, phục vụ tốt cho đời sống tinh thần, góp phần phát huy bản sắc văn hóa vùng miền về âm nhạc và vũ điệu, tạo sự phong phú trong đời sống văn hóa, nghệ thuật tại địa phương”.
 
Hay, đẹp và bay bổng của những giai điệu là vậy, nhưng Trại sáng tác lần này vẫn còn nhiều điều băn khoăn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các nhạc sĩ viết nên những tác phẩm mới có giá trị trong thời hội nhập, đồng hành với thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đà Lạt, Lâm Đồng. Tin rằng với thành công lần này, các hội viên của Chi hội Âm nhạc sẽ được tiếp thêm niềm đam mê sáng tạo, để ngày càng có nhiều tác phẩm mới chất lượng, đóng góp cho đời sống văn hóa, nghệ thuật nói chung và cho hoạt động Âm nhạc của tỉnh nhà nói riêng. 
 
Trại sáng tác và biểu diễn âm nhạc năm 2021 đã khép lại, đây thực sự là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực của Hội VHNT, của Chi Hội Âm nhạc Lâm Đồng. Âm nhạc nói lên cảm xúc, truyền tải yêu thương. Chính vì vậy mà âm nhạc đã chạm đến được tâm hồn, cũng như giúp con người có thể cảm thông được với chính những điều không thể nói ra. Tin rằng những tác phẩm mới hôm nay sẽ tiếp tục được các nhạc sĩ, nghệ sĩ gọt giũa, hoàn thiện thêm về mặt ca từ, giai điệu, vũ điệu để góp phần định hình rõ hơn nét riêng về nghệ thuật đương đại của miền đất lạnh Đà Lạt Lâm Đồng. Những sáng tác mới sẽ làm dày thêm cuốn nhật ký bằng âm thanh, vũ điệu được viết nên từ các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp nhuần nhuyễn với hơi thở hiện đại. Hi vọng rằng trong thời gian không xa, những ca khúc, vũ điệu này sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa, vươn xa hơn và có sức sống lâu bền với thời gian. Đồng thời những tác phẩm hôm nay cũng sẽ là động lực để người nghệ sỹ luôn vững tin bước đi trên con đường nghệ thuật, sống hết mình với những đam mê sáng tạo đầy kiêu hãnh.
 
TRẦN HOÀNG VŨ NGUYÊN