57 tác phẩm văn, thơ dành cho quê hương Đà Lạt - Lâm Đồng

08:09, 30/09/2021

(LĐ online) - Chiều 30/9, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác Văn học trực tuyến tại Đà Lạt với sự tham dự của đại diện các nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo Hội.

(LĐ online) - Chiều 30/9, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác Văn học trực tuyến tại Đà Lạt với sự tham dự của đại diện các nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo Hội.
 
Trao bản thảo tác phẩm của Trại sáng tác cho lãnh đạo Hội VHNT Lâm Đồng
Trao bản thảo tác phẩm của Trại sáng tác cho lãnh đạo Hội VHNT Lâm Đồng
 
Trong 10 ngày, bằng tinh thần lao động sáng tạo đầy trách nhiệm, 15 nhà văn, nhà thơ đã sáng tạo nên 57 tác phẩm gồm: 40 bài thơ, 4 truyện ngắn, 5 bút ký, 4 tùy bút - tản văn, 4 tổng luận. Các tác phẩm đã bám sát chủ đề "Lâm Đồng trên đường đổi mới, phát triển", "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", “Hướng tới kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển”. Đó là những trang viết phản ánh sống động sự phát triển đi lên của quê hương Lâm Đồng - Đà Lạt. Dù dịch bệnh, không thể thâm nhập thực tế, nhưng bằng sự trải nghiệm, vốn sống, các nhà văn nhà thơ đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp của mảnh đất và và người Nam Tây Nguyên. Có thể kể các tác phẩm: Tự sự, Ranh giới (Nguyễn Mộng Sinh), Lâu rồi em không về Đà Lạt, Người vẫn lên đường (Thanh Dương Hồng), Thương nhớ tìm về, Ngày trở về lặng lẽ (Uông Thái Biểu); Sắc hồng quê mới Đam Rông (Lê Bá Cảnh), Giấc mơ màu xanh (Phạm Xuân Quang), Những tâm hồn áo trắng, Rồi mai Đà Lạt em về (Đặng Thanh Liễu), Cái quần thâm, Đêm thức (Chu Bá Nam), Đêm thu đại ngàn (Ngũ Hành Sơn), Đất ấm mùa thương (Hoàng Lâm)... Nhiều cây bút đã cao tuổi nhưng vẫn dồi dào sức sáng tạo như nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh với 15 tác phẩm, nhà thơ Lê Bá Cảnh 7 tác phẩm. 
 
Trại diễn ra trong điều kiện thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, mọi trao đổi đều qua mạng Zalo, những các trại viên đã luôn giữ sự kết nối, cùng “truyền lửa” để cho ra đời tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng, nghệ thuật. Phát biểu tại lễ bế mạc, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã nhấn mạnh: Tất cả các tác phẩm sáng tác từ trại viết thể hiện tình yêu của các nhà văn, nhà thơ dành cho quê hương Đà Lạt – Lâm Đồng; đó là sự tri ân sâu sắc dành cho mảnh đất mình đang sống. Nhiều cây bút đã tìm tòi, khám phá cách thể hiện, thủ pháp nghệ thuật mới; nội dung tác phẩm không chỉ là sự trải nghiệm, sự chiêm nghiệm mà còn là sự dự báo. Chi hội văn học luôn được coi là mảng xương sống, nòng cốt của Hội VHNT Lâm Đồng, tuy nhiên đã 10 năm trở lại đây văn học chưa tạo được bước đột phá, không có tác phẩm nào đoạt giải thưởng tầm Quốc gia. Nguyên nhân là do: đa số các cây bút đã lớn tuổi, sức sáng tạo giảm sút; do vị trí địa lý khá cách biệt, sự giao lưu văn hóa, sự tiếp thu, học hỏi giữa các văn sĩ Lâm Đồng và các tỉnh, thành trong nước còn hạn chế; mảng lý luận phê bình văn học vừa ít vừa thiếu chuyên nghiệp; các cây bút trẻ ít được phát hiện và chưa được quan tâm bồi dưỡng đúng mức. Trại sáng tác này không chỉ dừng lại ở những tác phẩm đã đạt được, mà còn tạo nên môi trường sáng tạo để các nhà văn, nhà thơ giữ lửa đam mê, tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm có sức sống lâu bền.
 
QUỲNH UYỂN