Người thơ cả nghĩ

05:10, 14/10/2021

Phàm là con người, chứ chưa nói đến nhà thơ, thì tất tật đều phải nghĩ. Tất nhiên, nghĩ ít hay nghĩ nhiều, nghĩ nông hoặc nghĩ sâu, nghĩ xa hay nghĩ gần, nghĩ phổ quát hay nghĩ vụn vặt... lại là chuyện khác. Nó tùy ở hoàn cảnh, tâm tính, sức vóc văn hóa nền, cùng tuệ căn và sự mẫn tiệp từng người.

Phàm là con người, chứ chưa nói đến nhà thơ, thì tất tật đều phải nghĩ. Tất nhiên, nghĩ ít hay nghĩ nhiều, nghĩ nông hoặc nghĩ sâu, nghĩ xa hay nghĩ gần, nghĩ phổ quát hay nghĩ vụn vặt... lại là chuyện khác. Nó tùy ở hoàn cảnh, tâm tính, sức vóc văn hóa nền, cùng tuệ căn và sự mẫn tiệp từng người.
 
Cố nhà thơ Vũ Từ Trang
Cố nhà thơ Vũ Từ Trang
 
Nghĩ, khởi thủy đã là phổ tính của loài hữu tình. Nhà thơ thì lại càng phải nghĩ. Sức nghĩ càng lớn, tài thơ càng lớn. Nhưng nghĩ đến mức trở thành “bệnh”, bệnh cả nghĩ, mà cố nhà thơ Vũ Từ Trang, cựu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã tự nhận trong bài thơ Trong phòng khám bệnh thì quả là ca hiếm gặp: “Người đứng người ngồi đợi chờ mệt mỏi/ trĩu nặng lo âu/ tôi giữa tiếng thở dài/ - Anh có bệnh gì đâu, toàn thân khỏe mạnh!/ - Bác sĩ ơi,/ khám giùm tôi căn bệnh cả nghĩ!/ những ý nghĩ lung tung vỡ vụn thủy tinh/ những ý nghĩ không định hướng/ những ý nghĩ/ như cánh chim khắc khoải/ muốn cất cánh khỏi mặt đất phiền muộn”. Người cả nghĩ, người có bệnh cả nghĩ, ắt hẳn thơ sẽ nghiêng về phía siêu nghiệm, hoặc chí ít cũng lộ sáng cái nhìn kinh nghiệm, hoặc dẫy đầy những ngầm ẩn, thách thức khả tri. Thì đây, cách ông tri nhận thế giới qua bài thơ Tranh siêu thực: “Những mặt người vằn từng mạch máu/ những con đường chồng chéo đan nhau/ những ngọn lửa vụt hiện vụt tắt/ những âm thanh nhọn sắc trong đầu/ những cặp mắt mở to trách móc/ những bàn tay mệt mỏi buông lơi/ những bàn chân rã rời dò dẫm/ những khát vọng không còn đất sống/ người thêm cô đơn giữa vòng tay người”. Cái khó của những người làm loại thơ này (thơ siêu nghiệm, thơ kinh nghiệm) là làm sao để thơ vẫn là thơ, tránh cho thơ rơi vào những luận đề triết học kiểu triết gia. Vũ Từ Trang thấu rõ điều đó, và đã tìm được cho mình một thi pháp thích hợp, khi gợi nhắc một kỷ niệm: “Ta uống cạn một ly kỷ niệm/ và uống cạn một ly hẹn hò/ rồi chia tay/ Lá vẫn rơi cà phê Lối cũ/ Con đường ấy giờ không qua nữa/ em đi rồi/ anh cũng ra đi/ chỉ còn nắng dùng dằng như muốn nói/ lối hồn xưa sao lỡ không về” (Cà phê lối cũ), hay đơn giản hơn chỉ là sự cảm phục về một nhà văn khác: “Rũ bỏ bon chen thường nhật/ bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi như manh áo chật/ bỏ hết khen chê/ để sống đúng mình/ muốn viết về cái đẹp không bao giờ bị/ khuất phục/ không sợ kẻ nghênh ngang trọc phú/ chỉ biết đem tấm lòng chia sẻ/ và chịu hệ lụy bởi con tim đa cảm của mình// có lúc tôi tự hỏi/ mình có dám sống như ông?/ hoặc cuộc đời xô đẩy như ông/ liệu có biết cỏ sau mưa điềm nhiên đứng dậy?// sống đúng mình vẫn là khó nhất/ kìa, ánh trăng/ lặng lẽ chảy mê man ngõ nhỏ” (Về một nhà văn). Có lúc, ông chợt tư lự khi nghĩ về một người bạn: “Tôi đến, chừng đã muộn/ dã quỳ qua mất rồi/ nước trôi, mùa trôi/ thông cùng tôi tư lự/ đâu, người nằm nơi đâu?/ đáy hồ sâu thẳm!// chừng nghe như em khóc/ vỗ tay vào hư không// ngỡ băng qua gió đông/ ngỡ quay về nắng hạ/ ước vọng hoa và đá/ ôi, người xa quá rồi!// tôi đến, mùa đã muộn/ đời mãi muộn phần tôi/ chút hoa vàng sót lại/ tấy đau bao nỗi người” (Muộn), hoặc thoảng buồn thê thiết khi nghĩ về một bến Sông mê: “Con sông cô độc âm thầm chảy/ có ghé về thăm bến ven làng?/ mưa đổ tư mùa, ùa gió thốc/ trời xanh đường vắng, nắng ngân vang// Ở đấy, cỏ cây ta thương lắm/ lối mòn mây ướt mướt chân em/ hãy nghe giun dế đầy tâm sự/ tấu lên một khúc lúc độc hành// Này sông mệt mỏi đừng trôi nữa/ uẩn ức tim ta muốn vỡ òa/ còn còn mất mất là muôn thuở/ sỏi đá vì ai hóa ngọc ngà?”.
 
Con người cả nghĩ ấy, con người đã thừa nhận sự mất - còn là chuyện muôn thuở và muôn đời ấy, thì không lẽ gì lại không thấy: “Trong trùng trùng điệp điệp rừng cây/ tôi vẫn nhận ra cây của tôi đây/ cái cây cọc còi lưng chừng đá dốc// cây âm thầm quặn thắt/ vân cây mơ hồ”, hay như: “Mình có là gì đâu một tia nắng mong manh/ Một lá cỏ rưng rưng đằm sương trong suốt/ Một ngọn khói chiều bảng lảng vị rạ rơm/ Một mũi cày thèm hương đất mới/ Một hơi ấm mơ hồ khi tay nắm tay”. Tuy vậy, với Vũ Từ Trang, đó vẫn là những điểm tựa yêu tin trên hành trình ông đi tìm cho mình một thi pháp nặng tính nghiệm sinh nhưng vẫn ánh ỏi sự tươi mới. Và Vũ Từ Trang luôn tin rằng: “Dẫu dông bão vạn ngàn bất trắc/ Cây vẫn chuyển mùa, chồi lá lại tươi non”.
 
TRỊNH CHU