Hương trầm

04:11, 11/11/2021

Hương trầm

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Luồng gió từ chiếc quạt điện quay tít mù cũng không xua hết được nỗi bực dọc trong lòng anh. Anh nhìn hai tấm thiệp mời mừng tân gia và mời dự cưới mà ngao ngán. Đồng lương nhà giáo có hạn định mà cuộc sống thì phát sinh bao nhiêu việc phải tốn tiền. Anh bực bội còn vì một lý do khác. Đã ba ngày nay sự khó chịu bỗng đâu ập đến với anh không hẹn trước. Anh càng cố nín nhịn thì như chiếc lò xo, càng nén chặt bao nhiêu càng có nguy cơ bùng mạnh bấy nhiêu. Những lời nói đáng xấu hổ chỉ chực vọt ra khỏi miệng. Anh cố chịu đựng cũng để khỏi làm buồn lòng mẹ đang sống chung với vợ chồng anh. Người mẹ đã có một thời nối nghiệp chồng làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa ban đêm cho bà con dân làng nên được mọi người gọi là bà Giáo.
 
Ba hôm trước, đi dạy về anh gặp Hằng, em vợ anh, vừa ra khỏi cổng. Thấy anh, Hằng bối rối nói:
 
- Anh Hai... Anh mới về.
 
Anh gật đầu:
 
- Chào dì Út. Ra hồi nào? Sao không ở lại ăn với anh chị bữa cơm mà vội về?
 
Hằng nói mau:
 
- Em về cho kịp giờ làm. - Hằng ngập ngừng - Anh Hai... Anh Hai... Thôi để chị Hai nói lại với anh. Em xin phép anh Hai em đi.
 
Bữa cơm trưa có thêm một thành viên mới: bé Phượng con gái Hằng cùng tuổi với bé Nga con gái anh. Hai đứa trẻ được bà chăm chút gắp bỏ thức ăn. Tính mẹ anh vẫn thế. Mẹ thường nói: “Con mình ăn thì hết. Con người ta ăn thì còn”. Mẹ nói với bé Phượng:
 
- Ăn nữa đi cháu! Để bà vẽ cá cho cháu nhé. Ăn nhiều vào để mau lớn đi học với chị Nga.
 
Bé Phượng rươm rướm nước mắt, hỏi:
 
- Bà ơi! Cháu phải ở với ba hay với mẹ?
 
- Ôi cháu tôi! - Bà Giáo để chén cơm xuống, vuốt tóc bé Phượng - Cháu ở với cả ba và mẹ. Ngoan nào, ăn đi cháu.
 
- Nhưng cháu nghe ba nói cháu phải ở với ba, mẹ nói cháu phải ở với mẹ. Ba ở Nha Trang, mẹ ở Ninh Hoà mà cháu chỉ có một mình làm sao ở cả với ba và mẹ được? Bà ơi! Bao giờ mẹ cháu mới ra đón cháu?
 
Một thoáng ngượng ngập trên nét mặt hai người phụ nữ như họ vừa phạm một điều gì lỗi lầm. Bà Giáo vội gắp thức ăn cho hai đứa trẻ nhưng tay run run làm rớt thức ăn xuống mâm trong khi Hoa liếc vội chồng, nói với bé Phượng:
 
- Cháu ngoan. Chủ nhật mẹ sẽ ra thăm cháu. - Chị nói với chồng - Chuyện lôi thôi lắm anh ạ. Tối em kể anh nghe.
 
... Hằng nói trong nước mắt: “Sống như vậy mà ảnh nói ảnh đúng. Vợ chồng phải bình đẳng chớ! Chị nói hộ với bà Giáo và anh Hai cho em gửi nuôi giúp bé Phượng ăn học một năm chứ em bây giờ tiền không, gạo cũng không. Xa con đứt ruột nhưng hoàn cảnh vợ chồng em bây giờ phải đành vậy”. Hoa quá bất ngờ trước việc gửi con của em gái. Chị đã hiểu qua xung đột của vợ chồng Hằng và đã nhiều lần khuyên giải, nhưng không ngờ cơ sự lại đến nỗi này. Chưa biết mẹ chồng và chồng đồng ý không nhưng chị không thể không giúp em gái. Lau nước mắt cho em, chị nói: “Tạm thời cứ để cháu ở đây với anh chị. Chị tin mẹ chồng và chồng chị sẽ thông cảm bởi hai người đều là nhà giáo. Thương em nên chị phải nói với em điều này: Sai lầm lớn nhất của em là hiểu sai về quyền bình đẳng giữa hai vợ chồng. Bình đẳng là tôn trọng giá trị của nhau chứ không phải viện dẫn bình đẳng để phủ nhận đặc quyền của người chồng. Điều này mẹ chị đã dạy khi chị mới về làm dâu mẹ. Em hãy tự kiểm điểm lại mình”.
 
Hoa nói khi kết thúc câu chuyện:
 
- Như vậy đó anh. Chị em ruột thịt khi khó khăn mới cần đến nhau. Thương em chắc anh không để em đêm ngày gánh nỗi lo nghĩ về em, cháu mình.
 
Anh đốt điếu thuốc mới. Hơi thuốc đắng nghét vì đã hút quá nhiều nhưng anh vẫn hút. Hoa đã nói thế thì anh còn biết nói gì? Anh không thể phản đối khi người vợ biết tôn trọng anh đang cần ở anh sự chia sẻ. Nhưng chấp nhận thì... Thật xấu hổ khi nói đến tiền bạc để nuôi cháu. Nhưng... nói dại, nếu xảy ra chuyện gì nguy hại đến sức khỏe của cháu thì liệu vợ chồng anh có gánh nổi trách nhiệm không? Và vợ chồng anh đang chia sớt khó khăn cho em hay vô tình tạo cơ hội cho lối sống của đôi vợ chồng trẻ leo thang khi con nhỏ đã có người bảo dưỡng? Rồi sẽ còn bao điều rắc rối nảy sinh mà anh chưa lường hết được?
 
- Mẹ đã biết chuyện chưa? - Anh hỏi.
 
- Em đã thưa chuyện với mẹ và xin lỗi mẹ vì em nó dại không dám nói. Mẹ nói giúp người thì dễ nhưng nhờ người khó nói. Người khó nói khi nhờ vả là người có lòng tự trọng. Mẹ nói đừng đắn đo khi làm việc thiện. Mẹ bảo em kể rõ sự tình cho anh nghe để xem ý anh thế nào.
 
***
 
Được nựng nịu con là hạnh phúc của anh. Con bé luôn quấn quýt bên cha mỗi khi anh ở nhà. Vậy mà ba ngày nay nó và bé Phượng cứ xoắn lấy nhau. Anh đi dạy về nó chỉ “thơm” vào má anh hai cái rồi quay sang với em nó chơi trò dạy học. Nó làm cô giáo. Cũng phấn, cũng thước, cũng giọng điệu như một cô giáo chính hiệu. Bà nội nhìn cháu trìu mến, nói với con trai: “Nó sẽ nối nghiệp nhà con ạ!”. Chắc anh sẽ vui lòng nhìn con tập làm cô giáo nếu không có sự hiện diện của bé Phượng trong nhà. Anh đã quen xem trọng đến độ cuồng nhiệt mái ấm gia đình mình. Bây giờ sự hiện diện của cháu vợ như là một sự xúc phạm đến cõi riêng của anh. Phải chi anh nói toạc ra được thì đã được giải tỏa. Mà sao Hoa lại vô tâm thế nhỉ? Sáu năm qua trong tình vợ chồng anh nói nửa câu Hoa đã hiểu kia mà! Anh cảm thấy cô đơn, tù túng, bực dọc với chính bản thân mình.
 
Chiều nay sau tiết dạy cuối cùng, anh và vài đồng nghiệp ra quán bia. Với đồng nghiệp, đây là lần đầu tiên họ thấy anh đến quán. Bao năm dạy chung trường họ thấy anh chẳng có điều gì đáng để họ chê trách. Anh quá mực thước trong giao tiếp, quá hoàn mỹ trong mọi mặt công tác và sinh hoạt. Nhưng với anh, họ chỉ “kính như viễn chi”. Nên hôm nay được anh “hạ cố” cùng đi nhậu, họ bấm nhau không để anh góp tiền, xem như chúc mừng anh hòa nhập với họ.
 
Nhưng mới uống hết một chai anh vội kiếu từ. Anh thấy mình vừa làm một điều ngược lại với thói quen, trái với nếp nhà. Mấy mươi năm sống bên mẹ, anh được mẹ răn dạy cách sống làm người có nhân cách, trong đó uống rượu bia ngoài quán là một điều cấm kị. Về đến nhà, anh chột dạ thấy mẹ anh ngồi trên ghế chăm chăm nhìn anh. Trên bàn, mâm cơm được đậy bằng lồng bàn. Chết nỗi! Cả nhà đang chờ cơm! “Bữa cơm gia đình rất quan trọng. Tình cảm yêu thương quí trọng nhau thể hiện rất rõ ở bữa cơm gia đình. Ai xem nhẹ bữa cơm gia đình thì người đó không đủ tư cách nói về tình cảm thiêng liêng của con người”. - Mẹ đã dạy thế.
 
Anh đến bên mẹ:
 
- Con xin lỗi mẹ vì để cả nhà phải đợi cơm.
 
Bà Giáo ngồi đối diện với con trai đang bơ phờ nhìn hai tấm thiệp để trên bàn. Bà im lặng nhìn đứa con trai duy nhất đã lớn lên đúng như mong ước của bà. Bà hiểu con người chứ không phải thánh, cần phải tu dưỡng thường xuyên để tránh sai một ly đi một dặm. Tâm tình của con dâu và con trai trong ba ngày nay bà rất hiểu. Bà đã ngăn không cho con dâu can thiệp vào tâm tính khác lạ của chồng nó. Dù hiền ngoan nhưng con dâu bà còn trẻ người non dạ, chị em nó lớn lên không có sự bảo bọc của cha mẹ nên rất thương nhau, biết đâu vì thương em, thương cháu nó bùng ra lời nói không kiềm chế được sẽ làm tổn thương hạnh phúc của vợ chồng nó. Bà muốn nhân cơ hội này dạy cho con trai, đồng thời gián tiếp dạy cho con dâu một bài học. Tối này bà nghĩ đã đúng lúc để giúp con trai giải tỏa nỗi lòng và hoàn thiện nhân cách. Bà vẫn im lặng nhìn con.
 
Sự im lặng và ánh nhìn của mẹ làm anh bồn chồn. Anh ngước nhìn mẹ thì bà Giáo nói:
 
- Con có nhớ ngày mốt là ngày giỗ cha con không?
 
Anh thấy nhẹ nhõm trong lòng, vội đáp:
 
- Dạ nhớ.
 
- Và cha con chết như thế nào?
 
- Dạ con nhớ.
 
- Và khi mẹ ở tù con sống với những ai?
 
Làm sao anh quên được tuổi thơ và người cha anh hùng khi đã ngàn lần anh nghe mẹ kể: “Người thanh niên đến cái làng ven biển này đã đói lả người. Anh được ngư dân cho ăn, cho tá túc. Hỏi ra mới biết anh chạy giặc và cũng là trốn lính vào đây.
 
Thuở ấy xóm chài chỉ có gần ba mươi gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt sản vật của biển. Anh biết bơi nhưng chỉ hiểu lơ tơ mơ về nghề biển giả. Nhưng anh có một thứ quí giá mà những ngư dân ở đây không có. Đó là CHỮ! Thôi thì một sự trao đổi vậy. Ngư dân cấp cho anh cơm ăn, áo mặc, anh dạy chữ cho mọi người. Nghiễm nhiên anh làm thầy hầu hết dân trong xóm. Cái chữ đưa anh từ một kẻ ngụ cư thường bị xem khinh thành một người được tôn trọng. Bằng mọi cách bà con ngư dân bảo vệ thầy giáo của con em họ (cũng là thầy của họ dù học gián tiếp qua con cháu) tránh mọi rắc rối với bọn tề xã. Thời gian đã để cho cô học trò lớn tuổi nhất bén duyên cùng thầy giáo, và nhiều gia đình ngư dân trở thành cơ sở của cách mạng. Hóa ra thầy giáo không phải chạy giặc mà là một cán bộ hoạt động bí mật theo sự phân công của tổ chức đến đây tuyên truyền và gầy dựng cơ sở cho cách mạng. Trong một trận địch càn, người thầy giáo chưa qua một khóa sư phạm nào, người cộng sản trung kiên đã lấy thân mình đè lên quả lựu đạn đang lăn vào lớp để cứu học trò của mình. Thầy hy sinh để lại người vợ trẻ và đứa con trai ba tuổi. Thầy hy sinh nhưng mầm chữ nghĩa và cơ sở thầy gầy dựng cho cách mạng vẫn sống và lớn mạnh từng ngày. Chiến tranh bạo tàn lại tiếp tục vai trò của nó. Mộ chồng mới đắp thì người vợ bị gán tội làm Việt cộng, bị bắt đi tù. Đứa con ba tuổi được bà con xóm chài cưu mang vì người mẹ là con côi từ nhỏ lưu lạc đến đây. Mầm chữ nghĩa của người cha ươm bấy lâu giờ được những người học trò trung hậu thực hiện với đứa con”.
 
Tiếng bà Giáo cắt dòng hồi tưởng của anh:
 
- Mẹ ở tù con được nuôi dưỡng trong những gia đình giàu lòng nhân ái. Không họ hàng ruột thịt mà họ vẫn cưu mang con là vì sao? Vì mầm chữ nghĩa của cha con đã xua tan u tối trong lòng những người chỉ biết cưỡi trên ngọn sóng để biết nghĩ đến những điều xa hơn cơm áo thường ngày, xa hơn bốn bức vách nhà mình; vì tấm gương dũng cảm của người thầy đã hy sinh mạng sống của mình vì trẻ thơ. Chữ nghĩa làm cho con người thông hiểu lẽ phải trái, giàu thêm lòng vị tha, diệt lòng vị kỷ. Con có biết vì sao mẹ nhắc việc này?
 
Anh cúi đầu im lặng chưa biết trả lời mẹ thế nào. Lẽ nào mẹ đã hiểu?... Như vợ anh cũng không nhận biết kia mà. Hay việc anh uống bia chiều nay? Nhưng anh hiểu tính mẹ, đúng sai cũng phải trả lời chứ không được im lặng. Anh đáp:
 
- Dạ việc con uống bia ngoài quán.
 
Bà Giáo nhấn giọng:
 
- Không chỉ vậy! - Giọng bà Giáo chùng xuống - Con ạ, mẹ con ta sống chung với nhau hơn ba chục năm, mỗi diễn biến nhỏ nhặt của tâm tính con mẹ đều biết. Việc con uống bia là hệ quả của lòng vị kỷ của con. Khi lòng con không rộng lượng thì đến cả mẹ và vợ con của con cũng bị con quên lãng. Bằng chứng là chiều nay con đã quên. Con đừng cho đó là việc nhỏ không đáng quan tâm khi chung quanh con có rất nhiều người xem nhẹ chức danh nhà giáo của mình mà la cà quán xá đến say sưa. Có thể họ biện minh với con là họ không vi phạm giờ làm việc, họ có quyền tự do ngoài phạm vi nhà trường. Nhưng con ạ, nhân cách của người thầy giáo thì không có hạn định trong một thời gian nào, không có giới hạn trong một không gian nào. Là suốt đời! Những người ấy cứ để cho cuộc sống thức tỉnh họ. Còn con là con của mẹ, mẹ phải chữa bệnh cho con, chữa tận gốc! Hãy nghĩ đến những người khổ cực hơn con bây giờ vẫn cưu mang con khi còn bé dại mà mở rộng lòng mình ra với cháu. Rồi con sẽ thấy lòng con thanh thản, phát sinh tình yêu thương không những với người thân trong gia đình mà là với tất cả mọi người. Khi tâm trí không còn u tối bởi lòng vị kỷ hẹp hòi, con sẽ giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống được thông suốt.
 
Bà Giáo ngừng nói để cho những lời của bà có đủ thời gian ngấm sâu vào tâm trí con trai. Bà tiếp:
 
- Dù dạy cấp tiểu học con vẫn được người đời tôn vinh là nhà giáo. Nhà giáo! Chữ nhà mang một tầm vóc con ạ. Hãy sống xứng đáng với chữ nghĩa con đã học. Dạy học là dạy làm người. Muốn dạy người khác làm người thì con phải là người chân chính. Con phải luôn tâm niệm để thực hiện cho đúng điều này: Người theo nghề dạy học không phải chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà thôi, mà còn phải sống đúng nhân cách của một thầy giáo. Nghĩa là con phải biết yêu thương con người, chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm, có lòng bao dung với kẻ lầm lỗi. Nhà giáo! Con phải sống sao cho xứng đáng để khỏi thẹn với lòng khi mọi người gọi con như vậy.
 
Bà Giáo đứng dậy đi lại thắp nhang trên bàn thờ chồng. Anh ngồi đó nhìn mẹ thắp nhang. Âm hưởng của lời mẹ như mùi hương trầm len vào chiếm lĩnh từng tế bào thần kinh của anh. Hương nhang trầm về đêm tạo một cảm giác dễ chịu.
 
TRẦN XUÂN THỤY