Căn cước văn hóa

06:12, 19/12/2021

(LĐ online) - Biết tôi thường tìm đến những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư mỗi khi thấy lòng chống chếnh...

(LĐ online) - Biết tôi thường tìm đến những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư mỗi khi thấy lòng chống chếnh, một đồng nghiệp vài lần “khuyến cáo” là tìm sách khác đi vì đọc Tư, có khi lại bận lòng thêm. Chữ của Tư, đúng là đọc thấy lòng mình buồn mênh, nhưng là những nỗi buồn đẹp, vì nó không khiến mình trĩu xuống. Những con chữ luôn gọi yêu thương…
 
Ảnh minh họa, nguồn: ALAMY/ telegraph.co.uk
Ảnh minh họa, nguồn: ALAMY/ telegraph.co.uk
 
Văn của Tư, nhiều người đã nói. Điều mà tôi thích, là vẻ đẹp và chiều sâu của văn phong dung dị. Đọc Tư, cảm nhận rất rõ về những con người ở một vùng đất đặc trưng, có thể gọi là đặc biệt được phác họa, được gọi tên từ nắng, từ gió, từ những thân phận cuộc đời trong dòng chảy nhân thế. Đọc nhiều, thấm nữa, nên yêu luôn mảnh đất của nhà văn…
 
Nhiều lần ngẫm nghĩ, mới nhận ra là sách của ai đó, không chỉ là văn phong, là con người mà còn là căn cước văn hóa của chính họ. Trong cái nhìn bao quát, được đúc kết từ thực tiễn trang viết của nhân loại, tác giả/nhà văn được gọi là thư ký của thời đại. Vấn đề là ở chỗ, những gì đã được ghi chép và thể hiện lại không chỉ là những gạch đầu dòng về các sự kiện, vấn đề. Sẽ không có văn học, nếu các trang viết không chuyển tải được tâm hồn, trình độ, sự cảm thấu và tính nhân văn trong con chữ. Điều này tôi một lần nữa tìm thấy khi nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ khi trả lời trên Báo Đầu tư, rằng: “Nếu những trang viết không hướng tới những điều đẹp đẽ của con người, không truyền cảm cho con người tình yêu thương và lòng tin, không gieo vào bạn đọc những giấc mơ đẹp đẽ thì văn chương để làm gì. Không trả lời được câu hỏi đó, nhà văn sẽ không để lại điều gì cho bạn đọc và có thể trở thành kẻ phản bội cái đẹp, phản bội con người…”.
 
Hôm qua, tôi cũng đã khuyên một người bạn nên đi nhà sách lần nữa, khi anh than thở về việc ít sách đọc quá. Tôi đã nghĩ, để trả lời câu hỏi chính xác về việc ở đó có những sách gì đáng để đọc, còn phải trò chuyện thêm để biết gu của bạn. Cũng vì thế nên đã ít nhiều bất ngờ khi bạn nói rằng, người ta làm sách nhiều, nhưng để đọc được thì không thế. Bạn nói sau nhiều lần lựa chọn để đọc, cứ có cảm giác về sự dễ dãi trong việc in ấn, thẩm định.
 
Đó có thể chỉ là một góc nhìn. Vì chúng ta đang có rất nhiều lựa chọn và không phải lần lựa chọn nào cũng đúng. Có lẽ, để bàn về sách chắc cũng còn nhiều vấn đề, và có thể có nhiều tranh cãi, vì đâu phải ai cũng là nhà thông thái. Nhất là khi chúng ta ngoại đạo và tìm đến sách, dù ở nhiều thể tài khác nhau cũng bằng những góc nhìn cá nhân. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, việc tìm sách, đọc sách và có thể bàn luận về nó, cũng là một sự thể hiện của “căn cước văn hóa” từ phía người đọc rồi.
 
Lại nhớ một chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi nêu vấn đề về việc có ý kiến cho rằng, sách thiếu nhi dịch từ nước ngoài rất nhiều, rất hay và có thể chiếm khoảng 60% đến 70% số sách có trong nhiều gia đình hiện nay. Ông đồng thời cũng nêu ra một nguy cơ mà chưa nhiều người cảm thấy: “Đó là một đứa trẻ Việt phải lớn lên trong tinh thần văn hóa Việt. Khi thấu hiểu được điều đó, chúng ta mới tạo dựng được căn cước văn hóa Việt cho những công dân Việt trong tương lai”. Khi mà theo ông, việc gieo vào lòng những đứa trẻ mang dòng máu Việt những vẻ đẹp văn hóa Việt là điều sống còn.
 
YÊN MINH