Biển chiều

05:01, 06/01/2022
Buổi chiều cuối năm. Trên đường phố tấp nập dòng người hối hả đi mua sắm tết, lẫn trong dòng người háo hức ấy, một người phụ nữ dáng mảnh mai, khuôn mặt u buồn lầm lũi bước những bước chân vô định. Chị cứ lang thang trên những con phố như muốn kiếm tìm những kỷ niệm của dĩ vãng. Chiều dần buông, bước chân vô tình đưa chị ra biển khi nào chị cũng không hay. Hoàng hôn tắt nắng, biển vẫn ầm ào những con sóng bạc đầu. Đứng sát mép nước, mặc cho những con sóng xô ngập ống chân, gió biển thổi tung mái tóc, đôi mắt chị đăm đắm nhìn hút phía ngoài khơi. Xa xa, nhấp nhô trên sóng, bóng con tàu hải quân mờ ảo mong manh như chiếc lá dập dềnh ẩn hiện. Một hồi còi chợt vang lên mơ hồ, ngắt quãng.
 
Nghe tiếng còi tàu quen thuộc, trong lòng chị, nỗi nhớ anh lại dâng đầy nơi khóe mắt. Đã hơn hai mươi năm, kể từ ngày ngôi nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1) bị bão quật đổ, hất chín chiến sĩ xuống biển giữa lúc cơn bão Fathes đang điên cuồng quần đảo, biển thét gào chồm lên những con sóng như trái núi nhấn chìm mọi vật trên đường đi của nó. Chín chiến sĩ cố kết nối với nhau, gồng mình chống chọi với sóng dữ, nhưng rồi, ba chiến sĩ đã không thể… Sóng đã cướp các anh ra khỏi tay của đồng đội, vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương bao la, trong đó có Vinh - chồng chị.
 
Chị khẽ rùng mình nhớ lại cái ngày định mệnh đau thương ấy. Khi bản tin thời sự trên VTV kết thúc, toàn thân run rẩy, chị quỵ xuống, gào khóc tuyệt vọng, thảng thốt gọi tên anh trong mê sảng, khiến trái tim những người có mặt như bị bóp nghẹt, đau đớn.
 
Thời gian dần dần trôi, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, song cứ tới ngày giỗ của anh, khi hừng đông vừa rạng chị đã lặng lẽ ra biển, đứng lặng hàng giờ trước biển, dõi mắt ngoài khơi xa, chị có cảm giác như thấy anh cùng đồng đội của mình vẫn ngày đêm canh giữ biển, bảo vệ nhà giàn nhỏ nhoi giữa dập dồn sóng nước. Mỗi khi đứng trước biển, nỗi nhớ anh càng da diết. Chị nhớ cái dáng cao lớn của anh, nhớ khuôn mặt rạng rỡ, hai tay giơ cao, vẫy chào tạm biệt chị khi con tàu kéo còi rời bến đưa anh ra nhà giàn. “Kì nghỉ phép sau, anh sẽ về ăn tết cùng em và con”. Chị không thể ngờ, đó là câu nói cuối cùng chị được nghe từ anh.
 
Giọt hoàng hôn cuối cùng đã tắt, chị vẫn đứng, im lìm như pho tượng trước biển, đôi mắt nhòa lệ, bao ký ức lại ào ạt ùa về…
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
* * *
 
Mùa hè cuối cùng của lớp đại học sư phạm Đà Lạt, chị cùng đám bạn rủ nhau đi du lịch - Vũng Tàu là điểm đến của cả nhóm. Khi bình minh vừa ló dạng, mặt biển như tấm lụa xanh khổng lồ với lớp lớp những đợt sóng nối nhau xô vào bờ cát. Dưới ánh bình minh, những ngọn sóng lấp lánh như ánh bạc, bầy hải âu tung mình vào không trung dưới nắng sớm. Trên mặt biển, những cánh buồm căng phồng no gió rẽ sóng ra khơi. Một thiếu nữ sinh ra trên cao nguyên lần đầu tiên ra biển, trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ khiến chị cứ tròn mắt, ngây người đứng ngắm, không hề biết một cặp mắt không rời khỏi chị. Cảm nhận như có ai nhìn mình, chị quay lại. Trước mặt, một chàng trai tuấn tú nghiêm trang trong bộ quân phục lính thủy khiến chị lúng túng, mặt nóng bừng. Anh nhìn chị, cười tươi rồi lên tiếng: “Xin tự giới thiệu, tôi tên Vinh, xin lỗi vì sự xuất hiện đường đột. Tôi có cảm giác như biển đã hút hết hồn của cô”. “Vâng, lần đầu tiên tôi được ra biển, thật thú vị. Trước đây tôi chỉ biết biển và những cảnh đẹp thiên nhiên của biển qua sách vở, hôm nay được tận mắt thấy mới thực sự hiểu, biển thật là đẹp…”. Cuộc chuyện trò về biển giữa cô sinh viên và anh lính hải quân diễn ra vô cùng sôi nổi như họ đã từng quen. Tuy mới gặp nhưng tính cách cởi mở, chân thành của anh cho chị cảm giác thân thiết, tin tưởng.
 
Sáng hôm sau, nhóm của chị ra bờ biển rất sớm, mọi người đang cười đùa vui vẻ, những lâu đài cát được khéo léo xây lên, mấy kẻ tinh nghịch bất ngờ hắt nước vào. Công trình vừa hoàn thành bỗng chốc sụp đổ trong nháy mắt, bao công sức xây thành đắp lâu đài bỗng hóa công dã tràng, kẻ xây đắp co giò đuổi theo kẻ phá hoại, những cú đấm thùm thụp vào lưng, những cái nhéo tai bẹo má… tiếng kêu cứu của kẻ lãnh đòn hòa lẫn tiếng cười của cả nhóm vang khắp bãi biển… Chợt Vinh xuất hiện, tiến lại phía chị. Mai - bạn thân của chị, tính sôi nổi và bạo miệng, thấy hai người bắt tay thân mật, Mai chạy tới chen vào giữa, nhìn thẳng mắt Vinh hỏi dồn: “Anh là ai, từ đâu tới, quen bạn tôi từ hồi nào, tại sao lại xuất hiện đột ngột như từ lỗ nẻ chui lên vậy? Nhìn thấy cũng đẹp trai nhưng không biết Từ Hải hay Mã Giám Sinh?”. Bản mặt của Mai lạnh tanh khi hỏi khiến cả bọn không nhịn được, phá lên cười. Quá bất ngờ với đám bạn của chị, anh đứng ngây người, mặt đỏ bừng. Thấy vậy, chị lên tiếng nạt bạn mình: “Con ranh, anh Vinh là bạn tớ, cậu hỏi gì như hỏi cung vậy”. Quân - lớp trưởng, thầm yêu chị từ những năm đầu đại học, những buổi đi pic-nic, dã ngoại, có chị là có Quân. Thấy chị thân mật với Vinh, Quân lặng lẽ rời khỏi bãi biển, nhóm bạn của chị lần lượt theo Quân. Chị chào anh chạy theo cả nhóm, nhưng Vinh nắm tay chị kéo lại, ánh mắt như thôi miên khiến chị không thể cưỡng lại, răm rắp nghe lời. Chị ở lại cùng anh khi bãi biển chỉ còn hai người cùng những con sóng ồn ào xô bờ cát.
 
Những ngày tiếp sau, anh thường xuyên tìm gặp chị, tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch, đưa chị đi khắp những con đường, những địa chỉ nổi tiếng trong thành phố Vũng Tàu khiến chị rất thích thú. Với tính cách mạnh mẽ nhưng không kém dịu dàng tình tứ của anh, trái tim chị đã run lên.
 
Kết thúc chuyến pic-nic, trở về Đà Lạt, vừa bước chân xuống bến xe anh đã xuất hiện cùng chiếc taxi, ngỏ ý muốn đưa chị về trường. Chị muốn từ chối, nhưng một lần nữa, lý trí của chị không thắng con tim. Bước lên taxi cùng anh, hai người tới Thung lũng Tình Yêu. Mặc dù mới gặp, song anh đã tìm đủ thông tin về chị, lên Đà Lạt trước đón chị với lí do - muốn đi du lịch xả stress trước khi nhận nhiệm vụ ra nhà giàn. Với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của anh cùng màu áo lính hải quân chị vốn yêu mến từ nhỏ nên chị đã yêu anh, một tình yêu chị cho là “sét đánh” nhưng chị tin anh và thấy hạnh phúc. Mấy ngày làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cho anh tại Đà Lạt, tình cảm giữa hai người càng trở nên thân thiết. Sau một tuần ở Đà Lạt, anh tạm biệt chị trở về Vũng Tàu, nhận nhiệm vụ ra nhà giàn. Kể từ đó, những cánh thư từ đất liền của chị thường xuyên theo những con tàu ra nhà giàn và ngược lại, chị đều đặn nhận được thư của anh từ nhà giàn gửi về. Trong thư anh kể những vất vả gian khổ của người lính hải quân canh giữ biển đảo, kể về những nhà giàn, về những lần đối đầu với những con tàu lạ hung dữ bảo vệ ngư dân… Mặc dù gian khổ hiểm nguy, nhưng anh và đồng đội luôn lạc quan, thường xuyên tổ chức văn nghệ, các anh cũng trồng rau, nuôi lợn ngay trên nhà giàn, và anh hẹn chị, đầu xuân năm mới sẽ về tổ chức đám cưới…
 
***
 
Tốt nghiệp khóa học sư phạm, chị xin về dạy tại Vũng Tàu và mỗi chiều chị lại ra biển, dõi mắt ngoài khơi xa mong được thấy con tàu hải quân rẽ sóng trở về và có anh trong đó. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, thoáng đó đã hết năm, sự mong chờ của chị cũng thỏa ước nguyện, chuyến tàu mang quà tết của đất liền ra Trường Sa và các nhà giàn đã trở về trong đó có anh. Ôm chặt anh trên cầu tàu, nước mắt chị nhòe đi trong hạnh phúc khi nghe giọng anh thủ thỉ bên tai: “Chúng mình sẽ làm đám cưới khi những bông mai bắt đầu nở nghe em…”. Và đúng như lời anh nói, một đám cưới giản dị, ấm cúng và thật vui được tổ chức khi những cánh mai vàng đã nở rộ khắp nơi, bầy chim én ríu rít bên khung cửa cùng cái lạnh se se của những ngày đầu xuân.
 
Sau tuần trăng mật, anh xuống tàu trả phép. Hai mươi ngày phép anh dành cho chị cứ như một giấc mơ vậy. Chị hãnh diện với đồng nghiệp, tự hào với gia đình, bạn bè bởi có anh, một người chồng, một người lính hải quân mạnh mẽ, yêu thương chị hết lòng. Ngày tiễn anh trả phép, đứng trên cầu tàu nhìn những con sóng bạc đầu xô bờ chị chợt nhận ra, chị rất yêu biển và anh, song trong chị, một cảm giác lo lắng, bất an chợt hiện lên, bởi biển cả luôn cất giữ trong nó vô vàn bí ẩn, có khi hiền hòa, có lúc dữ dội, có cả những nỗi đau quặn lòng.
 
Chưa một lần tận mắt nhìn những ngôi nhà giàn nhỏ nhoi giữa hung dữ của sóng biển, nhưng qua màn ảnh truyền hình chị hiểu, nó mong manh đơn độc, nhỏ bé lắm giữa mênh mông biển cả.
 
Một hồi còi tàu rộn rã kéo lên, con tàu chào đất liền rời bến. Anh đứng trên boong tàu, hai tay giơ cao, khuôn mặt rạng rỡ chào tạm biệt chị. “Hẹn em hai năm, anh sẽ trở về ăn tết cùng em và con”. Chị hét lên giữa ầm ầm gió biển: “Em và con sẽ đợi anh”. Vậy nhưng, lời hẹn ấy, anh mãi mãi không bao giờ thực hiện!...
 
Cái ngày cuối tháng mười hai năm chín tám ấy (1998) khi cơn bão Fathes có sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 kèm theo những vòi rồng lốc xoáy dữ dội đổ bộ vào biển Đông, tâm bão quét qua nhà giàn Phúc Nguyên 2A, nơi anh và các đồng đội đang làm nhiệm vụ. Trên nhà giàn khi ấy có chín chiến sĩ. Ngay từ chập tối, đồng chí chỉ huy trưởng nhà giàn đã chỉ đạo những chiến sĩ của mình ra sức chống chọi với cơn bão mỗi lúc một hung dữ. Tới rạng sáng, ngôi nhà giàn bị bão xô nghiêng. Chiến sĩ rađa liên lạc với đất liền lần cuối cùng. Cuộc nói chuyện giữa chỉ huy trưởng nhà giàn và đất liền vừa kết thúc cũng là lúc ngôi nhà giàn không thể trụ vững trước cơn thịnh nộ của biển. Cơn bão đã giật đổ, nhấn chìm toàn bộ nhà giàn cùng chín chiến sĩ xuống biển, họ gồng mình chống chọi giữa cơn cuồng phong, cố kết nối với nhau. Chín con người lúc trên đầu sóng, khi bị sóng nhấn chìm. Gần mười tiếng đồng hồ bị cơn cuồng phong của biển nhồi dập, hai chiến sĩ không còn đủ sức lực để chống chọi, buông khỏi những cánh tay đồng đội đang cố níu giữ, mọi cố gắng của đồng đội đã bất thành bởi tất cả sức đã cùng lực đã kiệt. Trước tình cảnh ngặt nghèo ấy, Vinh nhường chiếc áo phao, chút lương khô cuối cùng cho chiến sỹ yếu nhất khi sức lực của anh cũng đã cạn kiệt, và… anh đã ra đi! Khi con tàu cứu hộ tìm được các anh, chỉ còn lại sáu người. Vinh và hai chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển bao la. Mới đó vài ngày chị còn nhận được thư của anh, anh nói rằng, được thủ trưởng cho nghỉ phép về ăn tết trong đất liền. Khi con tàu mang quà tết ra Trường Sa trở về sẽ có anh trong đó. Anh sẽ đón xuân năm mới cùng con và em. Đọc xong thư, chị mừng rơi nước mắt. Chị đã xa anh gần hai năm. Gần hai năm nên nghĩa vợ chồng nhưng chị chỉ được gần chồng trong hai mươi ngày ngắn ngủi. Ngày anh ra nhà giàn, con gái còn nằm trong bụng mẹ, nay con đã hơn một tuổi, chưa một lần anh được ôm con vào lòng. Thế rồi cái ngày định mệnh đau thương ấy ập đến, con gái chị vĩnh viễn không bao giờ được gặp cha.
 
Hơn hai mươi năm đã trôi qua, nỗi đau dần nguôi ngoai, nhưng cứ mỗi dịp xuân về tết đến, hình ảnh anh trên boong tàu và câu nói “anh sẽ về ăn tết cùng em và con” như còn văng vẳng bên tai. Chị có cảm giác vẫn thấy anh đang cùng đồng đội ngày đêm bảo vệ nhà giàn. Chị cứ đứng lặng hàng giờ trước biển cho tới khi biển chiều tắt nắng. Chị cầu nguyện cho linh hồn của anh được thanh thản nơi biển cả, cầu nguyện cho những đồng đội của anh đang ngày đêm làm nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa và những ngôi nhà giàn luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc thân yêu.
 
Truyện ngắn: DUY LƯU