Trinh Ðường với ''Lý ngựa ô Ðà Lạt''

12:01, 06/01/2022
Trước đây tôi chỉ biết nhà thơ Trinh Đường qua những trang thơ, nhưng chưa một lần gặp mặt. Bỗng một ngày ông đến Đà Lạt và tôi đã gặp ông ở nhà anh Trương Xuân Huy. Sau này, tôi có dịp gặp ông mấy lần ở Hà Nội nhưng cũng là cuộc gặp của một người viết trẻ với người anh lớn tuổi.
 
Nhà thơ Trinh Đường (thứ ba từ trái sang) với văn nghệ sĩ Lâm Đồng tham gia sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc) tháng 5/1996.
Nhà thơ Trinh Đường (thứ ba từ trái sang) với văn nghệ sĩ Lâm Đồng tham gia sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc) tháng 5/1996.
 
Cách đây 25 năm, Nhà Xuất bản Văn học - Hà Nội cho ấn hành tuyển tập thơ về Đà Lạt nhân dịp thành phố tròn một trăm tuổi do nhà thơ Trinh Đường làm chủ biên.
 
Trong tuyển tập này, có bài thơ “Lý ngựa ô Đà Lạt” của ông. Đọc bài thơ này, tôi càng yêu thêm Đà Lạt, dẫu tôi đã có hơn bốn mươi năm gắn bó với thành phố mộng mơ này. Lại càng thầm cảm ơn ông đã cho tôi và những người yêu Đà Lạt những giây phút tuyệt vời về diện mạo của quê hương mình.
 
Đà Lạt đã từng hiện hữu trong thơ Hàn Mặc Tử với những dòng thơ rung động bao trái tim người: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để nghe trời giải nghĩa yêu”, hiện hữu trong “Đà Lạt một lần trăng” của Nguyễn Duy: “Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng/ Ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi/ Tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng/ Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi/ Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ/ Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người/ Tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng/ Siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi/ Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả/ Hòn than kia đang đỏ đến hết lòng/ Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói/ Mùi nhựa thông theo ngọn khói đi vòng”, hiện hữu trong “Một ngày Đà Lạt” của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Đôi lứa bên nhau trong chiếc ô màu/ Chú ngựa đen lắc bờm nghiêng cổ hí/ Tiếng chân ngựa gõ đều trên mặt phố/ Như tiếng đập của quả tim thời gian”... Và, hiện hữu trong thơ Trinh Đường, nghe là lạ mà tha thiết làm sao: “Bồng bềnh núi lững lờ mây,/ Đương trăng hay nắng đương ngày hay đêm./ Em ơi vén lại áo xiêm/ Ngựa ô đã khớp thiên nhiên đã chờ/ Rung bờm lục lạc đã khuya/ Ta đi vào nhạc vào thơ vào mùa/ Vào tuần trăng mật xa xưa/ Suối vừa reo ngọc trời vừa lên trăng/ Băng qua ngọn thác bảy tầng/ Ta giong nước kiệu lên thăm đồi Cù/ Nhẹ nhàng đánh thức hoang vu/ Đọc trang huyền thoại dưới hồ Xuân Hương/ Tiện tay vẫy bút thành chương/ Hé mây nguyên thủy thả sương u huyền” (Lý ngựa ô Đà Lạt). 
 
Nhà thơ Trinh Đường không sinh ra ở Đà Lạt, không sống cùng Đà Lạt qua những năm tháng chiến tranh, nhưng mạch cảm của ông dành cho thành phố này đã làm cho chúng tôi - những người Đà Lạt mộng mơ phải tự vấn về mình.
 
Đà Lạt trộn lẫn trong hiện thực cuộc đời là những trang huyền thoại quyến rũ, vì vậy mà nhà thơ Trinh Đường không ngần ngại cất lời ngợi ca:
 
“Từ những vần thơ của Nguyễn Thông Tam Phan “tây khứ tiếp cùng hoang” và dấu chân thám hiểm của nhà khoa học lớn, bác sĩ Yersin ngày 21/6/1893, thì trên một nghìn sáu trăm mét của cao nguyên Langbian - một thành phố được hình thành. Đó là Đà Lạt của chúng ta ngày nay, đã một trăm năm sống mà còn nguyên tuổi dậy thì.
 
Bài thơ "Lý ngựa ô Đà Lạt" của nhà thơ Trinh Đường trong tập thơ "Dalat thơ" xuất bản năm 1996
Bài thơ "Lý ngựa ô Đà Lạt" của nhà thơ Trinh Đường trong tập thơ "Dalat thơ" xuất bản năm 1996
 
“Dat aliis laetitium alii tempperriem” cho người này niềm vui, người kia sự mát lành. Đà Lạt có tiềm năng vô tận về đất đỏ dung nhan không ngừng gọi đến các giống cây trồng, các kỳ hoa dị thảo và một tiềm năng, vô tận không kém về thắng cảnh, khí hậu ôn đới cho khách du và khách thơ ở bốn phương trời.
 
Đã có những tranh chấp bộ lạc, những mưu đồ vương bá, những âm mưu cát cứ, nhưng ở đây trên hết là Đà Lạt thơ, tự họa chân dung mình bằng thắng cảnh và dạo nhạc bằng tiếng thông reo suối chảy... nhưng Đà Lạt cũng là ông thần hoàng cưỡi voi đi khai sơn phá thạch, một con cháu Phù Đổng thiên vương đánh đuổi quân thù xong lại quay về với bản chất tiên phong đạo cốt, mở rộng vòng tay với bằng hữu bốn phương và khi thưa vắng tri âm thì xướng họa cùng danh lam thắng cảnh...
 
Không phải chỉ đất bazan mà thắng cảnh ở đây cũng tràn đầy sinh lực. Thác thì thác bảy tầng, đá thì đá tê giác, núi mượn hình voi, thung lũng không của núi rừng mà của tình yêu, hồ này biết thở than hộ cho kiếp người phù du, hồ kia lắng đọng hồn thơ thi sĩ, vàng sa khoáng của Suối Vàng biến thành năng lượng, thành một trời sao mới ở cõi trần... Cho đến hoa cũng biết thủ thỉ xin đừng quên em hay cùng lúc là hoa lại rung mình thành bóng chim Đỗ quyên gọi hồn đất nước, cho đến sương mù cũng huyền hoặc như thơ Hàn Mặc Tử, mưa cũng mờ như mưa trong tranh thủy mặc... Bởi Đà Lạt là thơ, nên thơ Đà Lạt hồ như tự nó sinh thành từ những thắng cảnh, từ hiện thực như truyền thuyết, từ khí hậu trong lành tinh khiết như quanh thác Thiên Thai và từ một cao nguyên hiếu khách... Có cảm tưởng như ai đến Đà Lạt cũng thành nhà thơ nếu không là nhà hội họa, nhà soạn nhạc và được Đà Lạt di dưỡng tinh thần, dành sự thanh tịnh cho những tâm hồn uyên bác và làm thanh cao lại mọi sự vẩn đục trần gian diễm lệ và tuyết băng đến một hoa đồng thảo, huyền ảo khói sương từ một phong cảnh đến mỗi khuôn mặt người, tưởng như từ bóng xe ngựa gõ móng trên đường nhựa cùng đi ra từ điệu Lý ngựa ô, những chiếc ô màu xòe dưới rặng thông đều sắp sửa bay ra một con chim huyền vũ...”.
 
Ông đã nói hộ biết bao điều cho chúng ta - những người làm thơ hôm nay. Càng hiểu, càng quý mến ông hơn khi ông dành cả cuộc đời của mình bằng cả tâm huyết cho việc tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ, cho Đà Lạt 100 năm.
 
Đêm Đà Lạt đọc thơ Trinh Đường để nhớ về một con người, "hiệp sĩ" thơ không ngại đường sá xa xôi cách trở, trèo đèo, lội suối đến với cao nguyên, lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn, về với mũi Cà Mau để phát hiện, nuôi dưỡng, đãi cát tìm vàng và sợ mai một những viên ngọc quý cho đời.
 
Nhà thơ Trinh Đường đã vào cõi vĩnh hằng, mang theo bao ý nguyện chưa tròn với các thế hệ làm thơ nước Việt, nhưng trong một góc của trái tim mình, Đà Lạt luôn hiện hữu trong ông như là một cầu nối cho chúng tôi hôm nay đi tới - biết yêu những vần thơ ân nghĩa với cuộc đời, những gì mà ông muốn gởi lại mai sau.
 
TRẦN TRỌNG VĂN