Hai người bạn

06:03, 17/03/2022
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
1.
 
Đưa mẹ vào phố khám bệnh, Phong tình cờ gặp lại bạn cũ. Hai thằng một thời chơi chung, giờ mỗi đứa một cảnh.
 
Phong mẹ góa con côi, học chưa xong Đại học phải bỏ ngang, gác giấc mơ trai trẻ, về đầu quân cho ủy ban xã. Làm được hai năm, xoay xở đi học thêm lớp Cao đẳng, hiện đang làm công an xã, sắp tới sẽ về huyện công tác. Thằng Hùng học xong Đại học kinh tế, từ hồi sinh viên đã biết hùn hạp làm ăn, hiện làm chủ một cửa hàng điện máy to vật vã. Cũng phải thôi, hồi đi học, Hùng đã tỏ ra rất lõi đời so với chúng bạn rồi. Thằng quê thằng phố, khác trường nhưng hồi sinh viên, hai đứa có duyên gặp và kết nối với nhau qua một người bạn. Chơi chung ba năm, không hợp nhiều nhưng chưa va chạm nên tương đối thân. Hồi đó, những lúc yếu lòng, Phong đã xem Hùng là chỗ để thở than những điều bẽ bàng nhất. Cũng có đứa cảnh báo, coi chừng, Hùng - nó là một tên đểu có hạng. Có thể Hùng mếch lòng ai đó, nhưng chưa làm việc gì có lỗi với tình bạn nên Phong bỏ ngoài tai. Ngần ấy năm không gặp, đứa nào cũng khác. Hai người tranh thủ nói chuyện lúc mẹ Phong đang trong phòng khám.
 
- Tuổi thơ được bọc trong nhung lụa là áp lực. Ở cái tuổi con người ta được quyền làm những chuyện bậy bạ, mình vẫn còn được bà vú dỗ ăn cơm. Không thể tha thứ cho bố mẹ - bỏ rơi con trong hố bạc, nói cho cùng cũng là bỏ rơi, kết quả mình bị ức chế nặng. 
 
Ngừng một lát rồi nói tiếp:
 
- Nhiều lúc thèm được như bạn. Đó là niềm khổ cực huy hoàng. Nên trong sâu thẳm, lòng luôn có khao khát muốn thoát khỏi cái bóng của bố mẹ. Mình không cần gia tài đó. Nên lòng luôn muốn được chứng minh cái ý nghĩ “ kiếm tiền cho con” của bố mẹ là sai lầm. Giọng Hùng càng lúc càng cay đắng, Phong không thể không xót xa. 
 
- Nhưng đó là ý nghĩ của hôm qua, nóng như lửa ở Hỏa Diệm Sơn, nhưng nay có xu hướng muốn yên tĩnh rồi. - Hùng đổi giọng, nói thật chậm, thật sâu.
 
- Đang có kế hoạch gì hả ?
 
- Làm kinh doanh, lúc nào cũng phải căng não. Phải khéo léo, luồn lách như một con lươn. Lúc nào cũng thấy bất an và cô đơn giữa thành phố ồn ào. Dự sẽ về một làng quê, hay một xóm núi, túm lại là một xó xỉnh nào đó. Hẻo một chút càng tốt. Đại bàng mỏi cánh rồi, muốn dừng.
 
Phong hơi kinh ngạc khi nghe Hùng thổ lộ. Nhưng không thắc mắc. Thân nam nhi, muốn đi nhiều nơi, ngụ nhiều chỗ, đó cũng là cách thể hiện ý chí. Tại Phong cũng từng muốn bỏ quê lên phố mà. Đã một lần thổ lộ với mẹ:
 
- Giờ nhà mình không thể tiếp tục việc học, con muốn đi làm, ở thành phố. Con hợp với nơi năng động.
 
- Kiếm việc gì gần nhà mà làm. Mẹ đã qua tuổi sống một mình. Mẹ cũng không rời khỏi căn nhà gốc này đâu. Mẹ sẽ chết ở đây.
Nói ra thì có tội với nơi chôn nhau cắt rốn chứ thực tình, Phong, dù đã tìm cả ngàn lí do thì vẫn thấy mình thích hợp với cường độ làm việc của phố hơn. Nhưng không thể làm trái tâm nguyện của mẹ. Đi làm, về với mẹ - phải biết bằng lòng. Chỉ cần mẹ thấy ổn thì Phong cũng ổn.
 
2.
 
- Cây xoài nhà Y Hùng trái to, nặng như con heo rừng, ăn đã lắm, vô hái đi! - Y Đậm nói to.
 
- Sợ bị đánh đít lắm. Ông đó không giống người mình, sao mày gọi Y Hùng? - Hờ Nhẹn thắc mắc.
 
Y Mài giải thích: - Hắn bảo cứ gọi Y Hùng, cho giống chúng ta. Bữa trước tao mới bước vô, hắn biết đi xin xoài liền, bảo coi chừng té. Mà cây xoài đó hắn mua nhà trúng mánh, chớ có phải tự trồng đâu.
 
Nói rồi Y Mài kéo hai bạn cùng vào sân. Hờ Nhẹn cứ khựng, bước miễn cưỡng nhưng khi nghe: “Đi hái xoài hả, cẩn thận nghen?” thì mỉm cười, đi thẳng ra gốc cây. 
 
Khi ba đứa thu dọn xong thì chủ nhà từ trong bước ra, cầm theo ca nước:
 
- Lại uống nước mát rồi về!
 
Như sợ hai bạn chạy trốn, Y Mài kéo tay Y Đậm và Hờ Nhẹn lại.
 
- Bạn Y Mài thì chú biết rồi, còn hai bạn kia, mình học lớp mấy?
 
Y Đậm nhanh nhảu: - Ba đứa học cùng lớp.
 
Hùng khơi gợi :
 
- Thế bạn nào học giỏi nhất?
 
Rất nhanh, Hờ Nhẹn đáp: - Y Mài là đứa giỏi từ lớp 1.
 
- Thế ai nghịch nhất?
 
Lại Hờ Nhẹn: - Y Đậm đấy, tuần nào hắn cũng bị cô giáo la.
 
- Đánh nhau hả?
 
Y Đậm lúng túng, vò đầu:
 
- Không phải!
 
- Nói tục ?
 
Y Đậm lại lắc đầu. Hờ Nhẹn tưởng bạn khó nói thì trả lời lí nhí “ hút thuốc”. Ai ngờ, Y Đậm trừng mắt, quạu: - Ai biểu mày nói!? Cái miệng hớt hỏng, coi chừng sưng mỏ giờ!
 
Hờ Nhẹn thấy bạn không hiểu thành ý của mình, nổi giận cãi: - Có đúng ngày nào mày cũng hút thuốc không ? 
 
Y Đậm bị bóc mẽ trước mặt chú Hùng, nó tẽn tò quá, đành nói cùi:
 
- Mấy đứa cũng hút đầy ra đấy.
 
- Đừng hút thuốc nữa, không tốt. - Chú Hùng nói.
 
Hờ Nhẹn lại lí nhí:
 
- Cô giáo cũng nói như vậy.
 
- Tao thấy có ai hút thuốc mà lăn đùng ra chết như uống thuốc cháy đâu.
 
- Thuốc lá cũng chết người, có điều chết từ từ. Nhưng nó nguy hiểm hơn thuốc cháy ở chỗ, mình hút mà người bên cạnh cũng bị bệnh.
 
- Từ từ thì có gì mà sợ?
 
- Chú sợ mấy đứa mua nhầm.
 
- Nhầm với thứ gì ?
 
- Ma túy.
 
Y Đậm nói rất dõng dạc:
 
- Ở đây người ta toàn bán thuốc lá thôi.
 
- Vì mấy đứa nghĩ như vậy nên chú mới lo. Người ta bán ma túy dưới dạng những điếu thuốc. Hút một lần, lần sau sẽ lại hỏi mua loại thuốc lá đó. Mà ma túy nguy hiểm thế nào chắc thầy cô đã nói.
 
Hờ Nhẹn tái mặt, nói khẩn trương:
 
- Y Đậm ơi, mày bỏ thuốc đi!
 
- Không được, tao cũng thử bỏ nhiều lần rồi. Bỏ được một hôm thôi.
 
- Mày hỏi chú Hùng có cách nào bỏ thuốc không ?
 
- Chú Hùng sao biết được ?
 
- Người lớn bảo chú cái gì cũng biết đấy, chẳng phải mình tới hỏi chuyện học, chú cũng chỉ được đấy! Để tao hỏi cho.
 
*
 
- Chú có người bạn làm nghề y, ông ấy bảo đây là thuốc gia truyền, nó sẽ giúp bỏ thuốc hiệu quả.
 
- Uống hả ?
 
- Không, chỉ cần đưa mũi vào hít, mình sẽ quên mùi thuốc lá, làm một hai lần, sẽ bỏ được. Nhưng…
 
- Nhưng sao ?
 
- Thuốc này không phải chú tự làm, mà chú được cho cũng không nhiều. Nên một hai liều đầu chú tặng nhưng những liều sau, phải bỏ tiền mua. Chú sẽ liên hệ vào thành phố, nhờ người bác sĩ đó gửi về.
 
Y Đậm tỏ ra phấn chấn:
 
- Yên tâm. Gì chứ xin tiền để bỏ thuốc là ba mẹ cho liền.
 
*
 
Y Mài hỏi:
 
- Mày có thấy Y Đậm dạo này khang khác không?
 
- Ban đầu thấy lanh lợi, tưởng bỏ được thuốc nó mừng nhưng dạo này thấy như con gà rù. Nó ngáp như chó.
 
Bỗng Hờ Nhẹn hoảng hốt:
 
- Sao tao thấy giống như lời cô giáo nói. Hay là nó…
 
3.
 
Cuộc sống vốn bất toàn. Biết vậy, nhưng tự trong sâu thẳm, khát vọng tuổi trẻ vẫn âm ỉ nên những ngày đầu nhận công tác, Phong làm việc rất chừng mực. Nhưng tình hình đã cải thiện theo chiều tăng tiến. Những việc làm nhỏ bé nhưng ý nghĩa với xung quanh, dù là nhỏ nhất - Phong cũng thấy vui. Sinh ra và lớn lên ở vùng kinh tế mới, cũng biết toàn huyện có nhiều buôn của người thiểu số nhưng trước giờ, Phong chưa bao giờ hình dung hết sự phức tạp đằng sau văn hóa, phong tục của mỗi dân tộc. Đi làm rồi mới biết. Xử cũng khó, không xử càng khó hơn. Vấn đề nằm ở chỗ dân trí thấp quá. Phong chọn phương án thường xuyên thâm nhập các thôn, buôn.
 
Tháng trước, về buôn Ken, tình cờ gặp chỗ đổ xăng, mới hay Hùng đã định cư ở đây từ sau cuộc gặp ở Sài Gòn. Hai người gặp nhau tại nhà Hùng. Suốt buổi, Hùng nói nhiều về những đóng góp mà anh đem đến nơi này, nhiều lắm, nhiều đến nỗi dân ở đây xem anh như ông Bụt. Tự nhận mình là một người siêu tốt bụng nhưng Hùng một hai khẳng định cực kì ngưỡng mộ công việc của bạn, trông nom sự bình an cho cuộc sống. Thời gian không quá nhiều cho cuộc gặp tranh thủ, Phong ra về, không tiếc lời cảm ơn Hùng, đã mang điều tốt đẹp đến với vùng kinh tế mới đa sắc tộc, đa văn hóa, là một trong những địa bàn phức tạp bậc nhất của huyện. Hùng tỏ ra vui vẻ, cầm tay Phong thật chặt, bảo sau này, có việc gì khó khăn mong nhận được sự giúp đỡ. Phong cười không kiểu cách, bảo một việc chứ mười việc cũng chẳng sao. Nhưng trực giác báo hình như có cái gì đó hơi gượng gạo nên trong lời nói, Phong vẫn cố gắng giữ mức trung dung, không tỏ ra đặc biệt hài lòng hay khó chịu.
 
Ngay sau cuộc gặp đó, công an xã được mật báo hành trang của Hùng có điều đáng nghi. Lời của học trò. Xin được từ chối tin vào điều đó. Quả là điều khủng khiếp nằm ngoài tưởng tượng của Phong. Không nên xem đó là chứng cứ, cũng chưa làm cơ sở để suy luận được. Nhưng phải thật bình tĩnh, không được bỏ qua – Phong tự nói với mình như vậy. Nói cứng nhưng lòng cũng có chút khó xử. Dù gì cũng chỗ bạn bè. Dù không vào sinh ra tử thì cũng đã xem nhau như bạn bè. Nhưng quân pháp bất vị thân!
 
***
 
Ngày hôm đó, bà con có phần kinh ngạc khi thấy xe cơ động của công an ập về xã, đi thẳng đến nhà Y Hùng. Hai người bạn đứng đối diện nhau, một khoảng lặng đầy lúng túng. Nếu đó là một người nào khác, mọi sự có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Cả hai ánh mắt đều bi thiết - theo cách riêng của họ.
 
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN