Khai mạc Ngày hội Văn hóa Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng lần 5

08:03, 30/03/2022
(LĐ online) - Đêm 29/3, Ngày hội Văn hóa Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng lần 5 - năm 2022 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Đơn Dương tổ chức đã khai mạc tại thôn Sao Mai, xã Ka Đơn, Đơn Dương.
 
Đám rước vật thiêng của người Chu ru mở đầu đêm hội
Đám rước vật thiêng của người Chu ru mở đầu đêm hội
 
Tham dự lễ có ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo huyện Đơn Dương và lãnh đạo các huyện, thành cùng trên 300 nghệ nhân người dân tộc thiểu số K’Ho, Mạ, Chu ru, M’Nông của 12 đoàn nghệ nhân đại diện 12 huyện, thành trong tỉnh. 
 
Vũ điệu cồng chiêng
Vũ điệu cồng chiêng
 
Với chủ đề Âm vang cao nguyên, Ngày hội Văn hóa Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5 nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’Ho, Chu ru, Mạ - một bộ phận không thể thiếu của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời, tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Qua đó giới thiệu đến đồng bào các dân tộc trong tỉnh, du khách trong và ngoài nước một Lâm Đồng thân thiện, hiện hòa, hiện đại, mạnh mẽ và giàu bản sắc văn hóa.
 
Tôn vinh 12 đoàn nghệ nhân
Tôn vinh 12 đoàn nghệ nhân
 
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định:  Văn hóa cồng chiêng vẫn đang được các thế hệ người K’Ho, Chu ru, Mạ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở Lâm Đồng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, trong những buôn làng hiện nay, số lượng người biết đánh cồng chiêng không nhiều như trước, tuổi tác phần lớn đã cao và quan trọng hơn cả là những dịp để diễn tấu cồng chiêng ngày càng ít đi. Thế hệ tương lai, con cháu chúng ta đang lớn lên giữa một cuộc sống hiện đại hơn, đầy đủ hơn cả về cái ăn, cái mặc và những phương tiện hiện đại khác, cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự thay đổi đó là điều đáng phấn khởi và tất nhiên phải diễn ra. Nhưng điều làm nên sự khác biệt và đáng tự hào của buôn làng chúng ta lại không chỉ có những của cải, vật chất đó. Quan trọng hơn cả là bản sắc văn hóa. Đó là những nét riêng biệt của từng buôn làng mà cồng chiêng là một đại diện tiêu biểu nhất. Đó chính là những tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
 
Trao cờ lưu niệm tri ân 2 doanh nghiệp tài trợ Ngày hội là Công ty TNHH La Ba và Công ty Mỹ phẩm Xuân Trang
Trao cờ lưu niệm tri ân 2 doanh nghiệp tài trợ Ngày hội là Công ty TNHH La Ba và Công ty Mỹ phẩm Xuân Trang
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân dân gian tiếp tục kế thừa, trao truyền di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại; đặc biệt là tích cực tham gia đóng góp cho thành công của Ngày hội hôm nay; và hơn nữa, không chỉ trong Ngày hội này mà trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, các giá trị văn hóa ấy vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy gắn với khai thác phát triển du lịch, dịch vụ; để không gian văn hóa cồng chiêng thực sự lòa một cầu nối văn hóa, trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào của mỗi người dân vùng đất Nam Tây Nguyên. 
 
Hiến sinh trong lễ cúng thần đập nước
Hiến sinh trong lễ cúng thần đập nước
 
Đêm hội Âm vang cao nguyên đã diễn ra với đám rước vật thiêng, giai âm cồng chiêng, vũ điệu xoang và rượu cần. Màn đại hòa tấu cồng chiêng và múa xoang của hơn 300 nghệ nhân tạo nên không gian chất chứa men say của ngày hội. Các nghệ nhân đến từ xã Lạc Xuân – Đơn Dương đã tái hiện lễ hội Pơmung – cúng thần đập nước của người Chu ru đã cho cái đập luôn ăm ắp nước để tưới tiêu cho lúa bội thu. 
 
Những đôi chân trần hòa nhịp cồng chiêng
Những đôi chân trần hòa nhịp cồng chiêng
 
Ngày hội này là một minh chứng sống động nhất cho những giá trị văn hóa đó. Trên vùng đất Đơn Dương - Lâm Đồng hôm nay, âm vang cồng chiêng chính là sự nối kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai. Ngọn lửa được đốt lên, rượu cần khai ché, những vòng xoang và âm điệu cồng chiêng nối dài mãi nắm chặt tay trong tình đoàn kết các dân tộc anh em. 
 
Nhịp chiêng Chu ru
Nhịp chiêng Chu ru
 
Ngày hội diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/3, sau khai mạc, nhiều hoạt động như hội thi ẩm thực, hội thi diễn tấu cồng chiêng, diễu hành xe cổ động, hội thao trò chơi dân gian.
 
QUỲNH UYỂN