Tiếp lửa cho nhà văn trẻ trên hành trình sáng tạo

05:03, 26/03/2022
(LĐ online) - Từ ngày 25 đến 29/3, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức trại sáng tác dành cho hội viên trẻ tại Đà Lạt (Lâm Đồng). 
 
Nhà thơ - dịch giả Mỹ Bruce Weigl cùng các nhà văn trẻ tại trại sáng tác
Nhà thơ - dịch giả Mỹ Bruce Weigl cùng các nhà văn trẻ tại trại sáng tác
 
Sáng 26/3, các nhà văn trẻ đã có buổi giao lưu cùng nhà thơ, dịch giả Bruce Weigl trao đổi về nghề. Buổi trao đổi do nhà thơ Trần Lê Khánh làm phiên dịch. Đây là buổi đầu tiên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu giữa hội viên trẻ với chuyên gia nước ngoài, cũng là lần đầu tiên Hội tổ chức Trại sáng tác dành cho những người trẻ - lứa nhà văn tuổi 8X. 
 
Đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ sáng tác và quảng bá tác phẩm của các hội viên trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trong năm 2022. Hội viên trẻ sẽ có cơ hội tham gia vào những trải nghiệm thực tế ở thành phố sương mù nổi tiếng trong thi ca, nhạc họa và trao đổi văn chương từ các nhà văn thế hệ đi trước, trao đổi kinh nghiệm sáng tạo cùng nhau.
 
Nhà văn trẻ nhất trại viết Trần Đức Tín (tác giả tập thơ Ở đậu trong nhau, đạt giải Nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh 2021) cho biết: Theo tôi, để gắn bó với văn chương ngoài việc có duyên còn cần có lửa mới phát huy tốt. Đối với tôi, tham gia trại viết lần này, được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi mọi người là cơ hội được tiếp lửa trong nghề viết.
 
Nhà thơ, biên kịch Ngô Hạnh đã nhiều lần dự trại ở Nhà sáng tác Đà Lạt. Chị kể, nơi đây chúng tôi đã hoàn thành nhiều sáng tác, nuôi mới nhiều cảm hứng sáng tạo. Đà Lạt với vẻ đẹp thiên nhiên, tấm lòng con người thân thiện… là nơi tiếp lửa để Hạnh tiếp tục hào hứng sáng tạo sau khi cạn kiệt sức mình với những bận rộn ở TP Hồ Chí Minh.
 
Trưởng trại viết trẻ TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) cho biết, lần đầu Hội Nhà văn tổ chức một trại viết chỉ có trại viên trẻ 8X. Trại sáng tác lần này được kỳ vọng tạo tiền đề để ghi nhận sự trưởng thành của thế hệ nhà văn sinh ra và lớn lên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hiện đang sống và viết tại TP Hồ Chí Minh. 
 
Nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh Lâm Đồng đã đến tham gia buổi giao lưu này: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết, họa sĩ, nhà thơ Vi Quốc Hiệp, nhà thơ Lê Trọng (trưởng CLB sáng tác trẻ)… Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng) chia sẻ, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng cũng rất cần thiết phát triển đổi ngũ nghệ sĩ trẻ vì tuổi trung bình của hội viên hiện đang hơn 50 tuổi. Để giúp nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh có nhiều chất liệu sáng tác về Đà Lạt, ông Hà Hữu Nết sẽ dẫn đoàn đi tham quan, giao lưu tại làng Cù Lần, đến Lang Biang thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng…
Điểm nhấn của trại sáng tác trẻ lần này là buổi nói chuyện với nhà thơ - dịch giả Mỹ Bruce Weigl về Thơ Việt ở nước Mỹ nói riêng, trên thế giới nói chung và tọa đàm “Người viết trẻ trên hành trình sáng tạo”. Tại buổi giao lưu với nhà thơ - dịch giả Mỹ Bruce Weigl, các trại viên được gợi mở cách để đưa tác phẩm văn học ra thế giới, hiểu hơn về việc sáng tạo tác phẩm văn học từ những nhà thơ đi trước.
 
Dịch giả - nhà thơ Bruce Weigl từng là một cựu binh tham gia chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1967. Hiện ông được coi là “sứ giả hòa bình” bằng văn chương, thi ca. Hai mươi năm qua, ông dịch thơ Việt Nam ra tiếng Mỹ để người Mỹ và nhiều nước trên thế giới có thể hiểu hơn về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Bản thân ông từng là giáo sư dạy đại học Mỹ, tác giả của tập thơ “Sau mưa thôi nã đạn” (Nguyễn Phan Quế Mai dịch ra tiếng Việt) và là tác giả tập hồi kí Vòng tròn của Hạnh - viết về con gái nuôi người Việt của mình.
 
Theo dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl, sự đóng góp của những nhà văn, nhà thơ trẻ rất quan trọng vì họ đưa tới những kinh nghiệm mới, ca từ mới. “Khi tôi viết những bài thơ đầu tiên về Việt Nam, tôi viết về chiến tranh trong kí ức của tôi. Khi tôi trở lại Việt Nam năm 1996, tôi viết về nét đẹp của quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Tôi muốn nói với mọi người rằng, Việt Nam không chỉ có chiến tranh, Việt Nam là đất nước với nhiều vẻ đẹp. Tôi may mắn có nhiều người bạn là nhà thơ, nhà văn, nghiên cứu văn hóa Việt. Họ đã chia sẻ cùng tôi về Việt Nam để tôi thấu hiểu và yêu đất nước này” - dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl chia sẻ.
 
Đối với dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl, thơ đã cứu rỗi ông. Trở về sau thời gian tham chiến ở Việt Nam, ông có vết thương lớn ở đầu và một trái tim u ám. Viết thơ về chiến tranh, về Việt Nam giúp ông trải lòng mình, giải tỏa cảm xúc tiêu cực trong mình. 
 
Đã từng có những buổi nói chuyện của dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl về thơ Việt Nam ở Mỹ lên tới 500 người ngồi nghe. Hầu hết trong số họ không biết về thơ Việt Nam. Kết quả sau buổi trò chuyện, nhiều người phản hồi thơ Việt Nam rất hay, làm sao tìm đọc thơ Việt Nam? Tác giả Bruce Weigl làm việc vất vả hàng chục năm, miệt mài với công việc dịch thơ Việt ra nước ngoài. Ngoài việc làm cầu nối mang vẻ đẹp thi ca, văn hóa Việt ra thế giới, ông còn thôi thúc từ chính mình phải làm gì đó để trả nợ Việt Nam.
 
Nhiều lần, dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl chia sẻ với những nhà thơ nhà văn trẻ: Thơ ca là nghệ thuật của cảm xúc có kỷ luật. Khi tôi là cây viết trẻ, tôi nghĩ không có gì để viết. Thầy giáo tôi nói, thế giới mỗi người đầy những điều thú vị và khác biệt. Thế giới xung quanh mình và trong chính mình tưởng là bình thường nhưng thực chất rất nhiều điều thú vị. Hãy tin vào bản năng của mình, lắng nghe chính mình, chúng ta sẽ có những cảm xúc để viết. “Việt Nam đã dang rộng vòng tay đón tôi. Tôi yêu Việt Nam” – ông xúc động chia sẻ tình cảm của mình.
 
Trong buổi tọa đàm chiều 27/3, nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cùng nhau trao đổi xung quanh các vấn đề cốt lõi: Vì sao cầm bút; con đường mà mỗi người chọn lựa khi viết từng thể loại; những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sáng tác mà cá nhân đang quan tâm; tác động của sự phát triển mạng xã hội đến văn chương... 
 
KHÔI NGUYÊN THẢO