Bác về Đền Hùng

05:04, 07/04/2022
Kháng chiến chín năm, giặc Pháp chạy rồi
Đường về Thủ đô, Bác vào thăm đền Tổ
Bồi hồi bước lên từng bậc đá
Hoa đại trải vàng sân nắng thu
 
Nắng vẫn nắng ngàn xưa
Rừng lảnh lót tiếng chim vẫn rừng cây cổ thụ
Sông Hồng ngoài xa vẫn buông mềm dải lụa
Thêm ngọn cờ bay, gió thổi khác xưa nhiều 
 
Dưới mái đền lấm tấm xanh rêu
Bộ đội ngồi quây quần quanh Bác
Bao gạo chéo trên lưng áo bạc
Súng tựa vai, mũ lưới nhấp nhô
 
Chuyện hôm nay lẫn với chuyện ngày xưa
Dẹp giặc vừa yên, Bác Hồ lại nhắc:
“Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”
Bộ đội ngồi nghe thương tóc Bác bạc rồi
 
Đất nước mới hòa bình. Lời nhắc ngỡ xa xôi
Anh bộ đội bấy giờ còn mãi ngồi ngắm Bác
Lời ngỡ thoảng thời trẻ trai bồng bột
Anh thuộc lòng bằng máu những năm qua
 
24 năm, anh bộ đội ấy bây giờ
Mái đầu đã nửa xanh, nửa bạc
Buỗi tiễn con lên đường đánh giặc
Lại nhớ trưa Đền Hùng. Lời Bác dặn năm xưa...
 
VŨ ĐÌNH MINH
 
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong 308 tại Đền Giếng (Phú Thọ), sáng ngày 19/9/1954. Ảnh tư liệu
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong 308 tại Đền Giếng (Phú Thọ), sáng ngày 19/9/1954. Ảnh tư liệu
 
•  Lời bình:
 
Hình ảnh Bác Hồ ngồi trên bậc thềm Đền Hùng với Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường về Thủ đô Hà Nội (Ngày 19/9/1954) đã in đậm trong tâm trí mọi người với câu dặn dò nổi tiếng của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ  lấy nước”. Đó như là một thông điệp lịch sử nối quá khứ với hiện tại, tương lai thật thiêng liêng biết bao trong không khí linh thiêng trầm mặc của Đền Hùng. Nhà thơ Vũ Đình Minh đã tái hiện lại bức ảnh lịch sử bằng cảm xúc tâm trạng rung động với nhịp điệu thơ ân tình trong bài thơ “Bác về Đền Hùng” chính là về với cội nguồn dân tộc.
 
Bài thơ tuần tự như nhịp bước chậm rãi của Bác bước lên từng bậc đá. Một sự nghiêm cẩn vừa ung dung thanh thoát vừa nặng nghĩa ân tình: “Đường về Thủ đô Bác thăm Đền Tổ - Bồi hồi bước lên từng bậc đá - Hoa đại trải vàng sân nắng thu”. Hình ảnh Bác trong khung cảnh đẹp tôn nghiêm của Đền Hùng thoảng hương thơm hoa đại thật tinh khiết như “lọc” lại vẻ đẹp thanh cao mà cổ kính nhưng cũng rất gần gụi thân thiết biết bao.
 
Cái hay của tứ thơ là “thổi” vào bức tranh tĩnh thành sống động khi hòa vào thiên nhiên dào dạt với “rừng lảnh lót tiếng chim” và phóng khoáng tầm mắt nhìn ra xa có một sông Hồng “buông mềm dãi lụa” và trở lại nơi đây khi có hồn Tổ quốc “thêm ngọn cờ bay” và cả ngọn “gió thổi khác xưa nhiều” - Tất cả như rạo rực sức sống mới trong khung cảnh cổ xưa - Bút pháp đan chen sắc màu tâm trạng tạo ra những cung bậc thiết tha. Ống kính tâm hồn của thi sĩ quay cận cảnh đặc tả: “Dưới mái đền lấm tấm xanh rêu - Bộ đội ngồi quây quần quanh Bác - Bao gạo chéo trên lưng áo bạc - Súng tựa vai, mũ lưới nhấp nhô”. Ở đây, sự thấu thị của nhà thơ chính là những “nhân ảnh” thật tinh tế khi nhận ra màu rêu xanh cổ kính trên mái đền và  màu áo bạc người lính. Chỉ 2 chi tiết thi ảnh đó thôi mà nói lên được rất nhiều ký ức và trải nghiệm thời gian. Có một câu thơ cứ lay thức tôi xúc động bồi hồi: “Bộ đội ngồi nghe thương tóc Bác bạc rồi”. Mái tóc Bác bạc vì thao thức bao đêm lo việc nước và màu áo bạc của người lính xông pha chiến trường hy sinh gian khổ. Màu bạc nhưng không phai, không nhạt mà cứ đậm lên, thắm lại sắt son và bền chí, bền lòng.
 
2 khổ thơ cuối là những chiêm nghiệm trãi lòng thật chân thành da diết với sự tiếp nối thế hệ giữ trọn lời dặn dò của Bác ở Đền Hùng mà: “Anh thuộc lòng bằng máu của ngày qua”. Bài thơ “Bác về Đền Hùng” ít tả mà chỉ gợi, vừa bay bổng vừa thân thiết tỏa những vòng sóng giao thoa cộng hưởng, đồng cảm chứa chan từ “ăng - ten” thi sĩ.
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ