Đà Lạt trong thơ Đăng Sương

05:05, 12/05/2022
Cách đây mấy năm, tôi tình cờ đọc được một số bài thơ của nhà thơ Đăng Sương đăng trên Báo Lâm Đồng. Một giọng thơ đằm thắm nghĩa tình, gần gũi, dung dị. Lúc bấy giờ, chỉ có mười bài thơ anh viết về Đà Lạt. Mỗi bài có những nét riêng mà tác giả đã từng bắt gặp, từng cảm nhận khi có những chuyến ngao du về miền đất này.
 
Nhà thơ Đăng Sương và bìa tập thơ Đà Lạt em & hoa
Nhà thơ Đăng Sương và bìa tập thơ Đà Lạt em & hoa
 
Và, trong một lần, qua giới thiệu của một người bạn ở Thanh Hóa - nhà thơ Lê Quang Sinh, cựu Phó Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam - tôi mới được biết rõ hơn về nhà thơ Đăng Sương. Trước khi trở thành nhà thơ, anh từng họa sĩ. 
 
Nhà thơ, họa sĩ Đăng Sương sinh năm Giáp Ngọ (1954), quê Thanh Hóa, nhưng sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Dáng người đậm chắc, khuôn mặt phúc hậu dễ gây ấn tượng tốt với người đối diện. Tôi đi tìm anh qua những bài thơ viết về Đà Lạt, hy vọng nhận được những câu thơ thấm đẫm tình yêu thương về một vùng đất, về những con người của xứ sở ngàn hoa này. Và, tôi đã bắt gặp vần thơ gợi mở của anh: “Chiều nào phố đẫm mưa tuôn/ Se se Đà Lạt lạnh hơn cõi lòng/ Môi hôn càng đượm, càng nồng/ Bờ vai ai dựa, mắt trông rạng ngời” (Chiều).
 
Cũng như nhiều du khách khác đến với Đà Lạt, Đăng Sương cũng không ngoại lệ. Anh nhận ra một thành phố trong sương lãng đãng mây ngàn; nhận ra tâm hồn trẻ trung khi hòa mình trong không gian yên lắng, một chút hoài niệm ưu tư và lòng như tĩnh lặng: Với Đà Lạt tôi là người lữ khách/ Theo mông lung, lãng đãng đồi Cù/ Đến Thung lũng Tình Yêu, hồn còn để lại/ Chút mủi lòng hoang hoải, chút ưu tư (Đà Lạt).
 
Chờ mong
 
Đà Lạt ơi! Hồ Xuân Hương đầy gió
Ai đến tìm ai trong mưa bụi giăng mành
Thủy Tạ xanh, mây mù che lối vắng
Ngào ngạt hương hoa, chờ đợt ngọt lành!
 
Sau những phút ngỡ ngàng bất chợt
Là dâng trào cảm xúc ngày xanh
Chìm đắm, sẻ chia ngập hồn yêu mến
Em hòa mình vào sâu thẳm lòng anh!
 
Đêm lành lạnh thông vươn mình che chở
Cho mây nương, cho hoa đỡ lạnh lùng
Nghe đất thở dồn nén nhiều cảm xúc
Mơn man hương đời, Đà Lạt mãi chờ mong! 
 
ĐĂNG SƯƠNG
 
Dẫu qua Đà Lạt biết bao lần, lần nào cũng làm anh xao xuyến. Anh hòa mình rất nhanh trong trái tim Đà Lạt. Và Đà Lạt cũng hòa trong thơ anh một cách tự nhiên, một cách nhẹ nhàng: Em đắm chìm trong sâu thẳm hồn anh/ Dìu nhau lên đỉnh trời đầy gió/ Chan chứa ngọt ngào như điệu múa/ Dập dồn, xao động cồng chiêng! (Đà Lạt một lần thương). 
 
Nắng, mưa, bình minh, hoàng hôn, trăng, ngày, đêm... cứ ùa vào thơ anh mà không dễ gì ngăn cản nổi. Anh nhận ra: Mưa xối xả cho con đường thêm vắng/ Gió, lay cành hoa rụng mà thương/ Ai len lén ướt đầm tà áo mỏng/ Hay là em dầm dãi tha phương?/ Mưa và nắng vẫn vô tình vậy đó/ Còn anh thì trăm nhớ, ngàn thương/ Em cũng đến ầm ào như gió/ Để lòng anh bao nỗi vấn vương! (Mưa).
 
Bằng cách cảm nhận của mình, anh nghĩ về một cõi tiên trên trần thế. Đó là Đà Lạt. Đà Lạt gợi nhớ biết bao điều cho lữ khách và chính Đà Lạt là hồn cốt cho những vần thơ hay xưa nay. Nhà thơ, họa sĩ Đăng Sương cũng đắm mình trong niềm tin yêu ấy: Với tay chạm dải voan mây/ Bâng khuâng tưởng đã nơi đây Cửu trùng/... Tưởng mình lên được tầng cao/ Mà nghe tâm tưởng chênh chao cõi thiền/ Đây rồi Đà Lạt cõi tiên/ Hoa thơm, cỏ lạ ưu phiền tiêu tan (Ưu tư).
 
Đợi em về Đà Lạt
 
Anh đợi em, mưa miên man Đà Lạt
Anh đợi em, gió thổi dọc triền thông
Như mong nắng về ấm từng khoảng lặng
Vời vợi thương yêu, khắc khoải chờ mong!
 
Em sẽ đến, thế nào em cũng đến
Như ngày nơi đây vẫn cứ bốn mùa
Trong giá lạnh mà hoa kia vẫn nở
Em dịu dàng như thể ngày chưa… 
 
Ôi! Sương vẫn ướt đầm đêm hoang hoải
Lan nở rồi hương tỏa mơn man
Em sẽ đến đằm thêm niềm hạnh phúc
Ta lại dập dìu như thuở hồng hoang!
 
ĐĂNG SƯƠNG
 
Xúc cảm trước một mùa thu, anh vẫn tìm ra được những câu chữ hay để diễn đạt: Miết man chi lắm mưa ơi!/ Phong phanh đêm lạnh đổi lời liêu phiêu/ Khấp khểnh đan giữa chín chiều/ Khúc xưa còn đọng rất nhiều dở dang/ Đã từng khô khát lá vàng/ Thu về/ Thêm những ngỡ ngàng/ Thu ơi! (Lại thu).
 
Phải yêu lắm, thương lắm, nhà thơ mới viết được nên hai câu thơ gợi cảm: Đà Lạt mưa. Đà Lạt mưa/ Em tôi ướt áo mà chưa ráo buồn/ Và, rồi: Ước ao anh được ở gần/ Để hong khô áo, để cầm tay tiên (Đà Lạt mưa). 
 
Khi gặp thông Đà Lạt, khi gặp mây dưới bầu trời xanh Đà Lạt cũng làm cho trái tim anh động tình: Đà Lạt thông, Đà Lạt mây/ Không dưng đến cả cỏ cây cũng tình/ Phố thương ai chỉ một mình/ Lặng thầm nghe tiếng thậm thình con tim/ Ôi cô liêu, hỡi cô liêu/ Đơn côi dồn nén những điều thắm xa/ Chuốt từng sợi gió quanh ta/ Se săn sợi nắng giữa tà dương... say... (Tương tư chiều).
 
Trong các tập thơ của mình, hoàng hôn, chiều… thường được anh quan tâm và đưa vào thi ca. Anh viết: Hoàng hôn đâu phải là chiều/ Mình em đâu phải cô liêu dặm dài (Đâu phải là chiều); hay: Chiều nào tay lại cầm tay/ Niềm vui chen lẫn tình say đượm buồn (Chiều).
 
Đến với thành phố muôn sắc hoa, anh cũng có nhiều bài thơ viết về hoa. Với “hoa bất tử”, anh vẫn tìm cho mình một cách viết riêng: Rồi một ngày kia người sẽ bỏ ta đi/ Không thể kiên gan như hoa bất tử/ Ta lục tìm những điều trong quá khứ/ Hẳn bàng hoàng - hoa vẫn còn đây/ Cũng một thời hương sắc mê say/ Phảng phất những tinh anh nhập nhòa lan tỏa/ Cũng có một thời sắc hoa hòa sắc lá/ Tưởng đời mình cây mãi vẫn thường xanh (Chồi nụ thời gian).
 
Những ngày ở Đà Lạt anh lại nhớ về Hà Nội, nhớ về Thăng Long, nhớ về những tháng đầy kỷ niệm và tự vấn: Hà Nội ơi! Đà Lạt vẫn mộng mơ/ Và nắng vàng ru đồi thông xanh biếc/ Nhớ Hà Nội chìm trong giá rét/ Thương đến nghẹn ngào những tiếng rao đêm/ Đêm về thầm thào nghe gió chung chiêng/ Tiếng đất thở thấy lòng nôn nao lạ/ Có phải giờ ta xa cách quá/ Mà nỗi niềm day dứt với Thăng Long (Nhớ về Hà Nội).
 
Nhớ Hà Nội là thế, nhưng anh vẫn dành cho Đà Lạt một tình cảm đặc biệt: Sau những phút ngỡ ngàng bất chợt/ Là dâng trào cảm xúc ngày xanh/ Chìm đắm, sẻ chia ngập hồn yêu mến/ Em hòa mình vào sâu thẳm lòng anh!/ Đêm lành lạnh thông vươn mình che chở/ Cho mây nương, cho hoa đỡ lạnh lùng/ Nghe đất thở dồn nén nhiều cảm xúc/ Mơn man hương đời, Đà Lạt mãi chờ mong! (Chờ mong).
 
Tuy là lữ khách, nhưng anh tự nhận mình là người Đà Lạt: Em sẽ đến, thế nào em cũng đến/ Như ngày nơi đây vẫn cứ bốn mùa/ Trong giá lạnh mà hoa kia vẫn nở/ Em dịu dàng như thể ngày chưa... (Đợi em về Đà Lạt).
 
Một điều rất dễ nhận thấy trong thơ anh, là dẫu ở nơi nao, anh vẫn nghĩ về Đà Lạt. Trong bài thơ “Em yêu Đà Lạt”, anh thổ lộ: “Em sẽ trở về Đà Lạt cùng anh/ Thung lũng Tình Yêu vẫn chờ ta đó/ Ta cùng lên Langbiang đầy gió/ Thăm đồi thông Hai Mộ nặng tình!/ Thác Prenn trăng xóa lung linh/ Nghe tiếng chuông nhà thờ Con Gà vang trong sương sớm/ Xem đàn bướm dập dìu bay lượn/ Giữa vườn hoa thành phố đẹp như mơ...”.
 
Đến với Sapa hữu tình, anh lại nhớ về Đà Lạt: “Chiều nay ta đến Sapa/ Thương sao Đà Lạt ngàn hoa đợi người?/ Bắc thang lên tận cõi trời/ Để xem hương sắc hai nơi đượm tình!/ Cũng là mây phủ bồng bềnh/ Cũng xanh xa núi nông nênh tím mờ/ Ngọt ngào hương sắc nên thơ/ Xưa ai thương nhớ? Bây giờ nhớ ai?” (Hai miền thương nhớ)...
 
Đà Lạt có một sức hút đặc biệt, quyến rũ anh, hòa quyện hồn anh vào với thiên nhiên, đất trời, con người Đà Lạt; vắt kiệt sức anh để có những câu thơ cháy hết lòng. Không dừng lại với hơn một bài thơ viết về Đà Lạt, anh sẽ tiếp tục cuộc hành trình “Bâng khuâng và ước vọng. Rung cảm và phiêu lãng. Thiết tha và mộng mơ. Lãng đãng và chân thực” mà nhà thơ Vương Anh từng viết về anh, về Đà Lạt mà anh vẫn tiếp tục khát tìm.
 
TRẦN TRỌNG VĂN