Giao lưu giới thiệu tác phẩm ''Người đi qua cuộc chiến''

10:07, 28/07/2022
(LĐ online) - Chiều 27/7, Thư viện Lâm Đồng đã tổ chức giao lưu giới thiệu tác phẩm “Người đi qua cuộc chiến” với sự tham dự của ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Phan Lũy - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, đại diện lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, các phòng ban Công an tỉnh, các lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử cùng công chúng bạn đọc.
 
Các đại biểu tham dự giới thiệu
Các đại biểu tham dự giới thiệu
 
Tác phẩm “Người đi qua cuộc chiến” do các nhà báo, ký giả Trần Ngọc Trác, Đinh Thị Nga, Nguyễn Trọng Hoàng chủ biên là tuyển tập ký và ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá Vũ Linh đưa đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về những năm tháng đầy gian khó, cam go, ác liệt, những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Công an Lâm Đồng trong cuộc chiến chống Fulro để quê hương thực sự thanh bình, đất nước thực sự vẹn toàn thống nhất. 
 
Tại buổi giao lưu, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, cống hiến hết mình vì sự bình yên của Nhân dân của Đại tá Vũ Linh - tình báo, Phó ban Chuyên án F101 truy quét Fulro đã được tái hiện sống động qua những câu chuyện kể của đồng đội cũ, của các nhân chứng lịch sử, các nhà báo từng gặp ông. 
 
Đó là những câu chuyện từ những năm tháng ông còn là điệp báo của phong trào học sinh, sinh viên, phong trào đô thị Đà Lạt, những năm tháng hoạt động bí mật trong rừng; đến những chuyến đi cùng sự hy sinh mất mát trong cuộc đối mặt với Fulro, sự quyết tâm bóc dỡ lực lượng Fulro giữa rừng sâu, những kỷ niệm khó quên với Đại tá Vũ Linh… 
 
Nhà tình báo, Đại tá Vũ Linh tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh năm 1927, tại Phú Yên. Năm 1953, ông là một trong 5 cán bộ công an làm công tác phản gián ở tỉnh Phú Yên được Trung ương chọn đưa ra Bắc để học tập nâng cao nghiệp vụ tại Trường Công an (tiền thân của Học viện An ninh ngày nay). 
 
Nhiều câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp về Đại tá Vũ Linh được chia sẻ
Nhiều câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp về Đại tá Vũ Linh được chia sẻ
 
Năm 1954, từ chiến khu Việt Bắc ông được Bộ Công an tăng cường cho Công an Hà Nội về tiếp quản thủ đô. Năm 1964, ông được Bộ Công an tuyển chọn, bí mật đưa về chiến trường khu VI làm tổ phó tổ điệp báo A2, năm 1969 làm tổ trưởng. 7 năm liên tục ông bám trụ trên núi Voi cho đến ngày tiến về Đà Lạt giải phóng Lâm Đồng (3/4/1975). 
 
Sau ngày đất nước giải phóng, lực lượng Fulro tập hợp xây dựng hậu cứ chống lại chính quyền gây bao đau thương, chết chóc ở khắp các buôn làng Tây Nguyên. Ở cương vị là Phó trưởng ty Công an Lâm Đồng, Đại tá Vũ Linh lại tiếp tục lăn vào cuộc chiến mới. 
 
Năm 1976, ông Nahria Ya Duck, người Chu Ru, sinh tại huyện Đơn Dương, nguyên là Trưởng ty sắc tộc Lâm Đồng của chế độ Việt Nam cộng hòa được đưa lên làm “Phó thủ tướng” kiêm “Tư lệnh quân khu 4” Fulro (bao gồm Tuyên Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận), sào huyệt “Trung ương Fulro” chuyển về vùng núi rừng Bidoup thuộc khu vực Đầm Ròn - Lâm Đồng. Là Phó ban thường trực ban chuyên án F101, trực tiếp chỉ huy đánh án, Đại tá Vũ Linh đã lập nên những chiến công xuất sắc, đập tan “Quân khu 4”, xóa sổ “Trung ương Fulro” do Nahria Ya Duck “Hùm xám Tây Nguyên” cầm đầu. Từ đó tạo thế và lực mới tạo tiền đề cùng các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ truy quét, bóc dỡ toàn bộ hệ thống Fulro đến tận buôn làng. 
 
Tác phẩm Người đi qua cuộc chiến
Tác phẩm Người đi qua cuộc chiến
 
Chuyên án F101 là chiến công huyền thoại của Công an Lâm Đồng, trong đó linh hồn của chuyên án là Đại tá Vũ Linh - một con người nhân ái, tài trí, táo bạo trong đấu tranh, lấy nhân đức làm sức mạnh thuyết phục kẻ thù trở về nẻo thiện, trở về với chính nghĩa, dân tộc.
 
Thời gian đã lùi xa gần nửa thế kỷ, Đại tá Vũ Linh đã về với thế giới người hiền. Có những hiểu lầm, chịu những oan trái, nhưng vượt lên tất cả, hình ảnh đẹp của ông cùng những cống hiến, hy sinh cho quê hương đất nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ và trên mặt trận giải quyết tàn dư Fulro thời hậu chiến sẽ còn lưu mãi trong lòng đồng bào, đồng đội và trong tác phẩm dày dặn “Người đi qua cuộc chiến”. 
 
QUỲNH UYỂN