Hoa cúc sắc hương còn ấm mãi

12:08, 04/08/2022
Dược sĩ, nhà văn Chu Bá Nam là anh cả về truyện ngắn và tuổi tác của giới văn sĩ Lâm Đồng vừa “đi xa” ở tuổi bảy mươi chín… Sáng tác của ông nhiều người đọc, nhiều người thấu cảm bằng các bài viết, cuộc sống của ông nhiều người được sẻ chia san sớt yêu thương. 
 
Hai nhà văn Chu Bá Nam và Nguyễn Thanh Đạm (thứ nhất và thứ hai bên phải ngồi bàn chủ tọa Trại sáng tác Đại Lải, tháng 5/2019) nay đã về miền viễn du.
Hai nhà văn Chu Bá Nam và Nguyễn Thanh Đạm (thứ nhất và thứ hai bên phải ngồi bàn chủ tọa Trại sáng tác Đại Lải, tháng 5/2019) nay đã về miền viễn du
 
CÓ MỘT BẮC NINH ĐÊM ẤY…
 
Nhà văn Chu Bá Nam có quê mẹ Bắc Ninh, quê cha Bắc Giang, theo ông nói, gom lại những năm tháng ở quê, ông chỉ được khoảng 10 năm, bởi sinh ra vào cái thời chạy loạn đói kém và cả thời gian tu nghiệp ở nước ngoài. Rồi vào vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng ở mãi cho đến tuổi già. Thế mới biết vì sao ông náo nức, thao thức với chuyến hành hương như thế. (Trại sáng tác tổ chức tháng 5 năm 2019, tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm trưởng trại. Giờ thì cả anh Đạm và anh Nam về bên kia thế giới rồi!). Ngồi cùng hàng ghế trên xe ô tô qua đất Bắc Giang là đồng nghiệp, đồng hương của ông, nhà thơ Vương Tùng Cương, cũng một người chỉ bám được với quê 13 năm. Có lẽ thế mà hai vị cao niên chìm đắm vào những vần thơ của Vương Tùng Cương, cùng ngân nga đọc lên để nhớ làng, yêu làng “để trả nợ làng”. Những vần thơ đậm đặc thôn dã đã có chỗ đứng trong văn chương nước nhà: “Cần nước giếng nhà cánh tay đón đợi/Mảnh vườn xưa trăng sáng bồn chồn”; “Nâng bát cơm cháy mùi rơm rạ/Bếp mẹ cời lửa thức trước rạng đông”; “Rơm thóc oi nồng nhặm vào giấc ngủ/Làng ra đồng gặt với sao mai”; “Than gộc tre tan giá giấc khuya làng”
 
Nhà thơ Vương Tùng Cương cũng viết tặng riêng nhà văn Chu Bá Nam những dòng thơ đồng điệu tâm hồn: “Có một Bắc Ninh đêm ấy/Xôn xao gió sông Cầu/Run rẩy vầng trăng ngần ngại/Lời khuya thủ thỉ trao nhau”. Dịp dự trại, anh Chu Bá Nam tranh thủ nhoáng về Bắc Ninh, để gặp lại quê, gặp lại mình, để thăm họ hàng, rồi thắp hương nhà thờ họ, đi tảo mộ và thắp hương những người đã khuất… Anh còn đến thăm mấy thầy cô đã ở tuổi 90, thăm những bạn bè trang lứa còn sống. Anh chia sẻ với tôi, vẫn là điềm đạm thường có nhưng không dấu được hạnh phúc của tâm trạng trở về “ngày xưa ấy…”. Quả là chuyến đi dự trại đã giúp anh tác hợp được ý nguyện của mình, vơi đi nỗi nhớ niềm thương đằng đẵng của người ly hương xa xứ… Tôi còn nhớ mãi hình ảnh khi anh Nam hoàn thành chuyến hồi hương đón xe ô tô đoàn chúng tôi từ Lạng Sơn trở về. Anh Nam bắt xe thồ hai cây số ra quốc lộ chờ đoàn hơn 4 giờ đồng hồ. Anh ngồi yên một vị trí giữa bụi đường nắng nỏ và “chỉ nhìn về một hướng xe qua” như anh kể. Lên được xe, anh tòng teng bịch bánh tráng đặc sản nhà quê, chẳng thấy chút mệt mỏi, gương mặt anh viên mãn hạnh phúc khi anh mời mọi người thưởng thức quà quê. Tổ tiên, làng quê đã độ cho anh ý chí, nghị lực và hạnh phúc như thế đấy!…
 
Chuyến hồi hương của anh Nam càng cho tôi hiểu, anh là nhà văn luôn trắc ẩn với những sắc thái của vùng quê. Quê hương thứ hai của anh là thành phố Đà Lạt. Đi xa càng nhớ là tâm tưởng chung của mỗi người, nhất vận vào những tâm hồn giàu hoài niệm. Tại trại sáng tác Đại Lải anh Nam ở cùng phòng anh Cương, tôi và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thùy cùng một phòng. Mới ngày thứ 2, anh Nam chạy sang phòng chúng tôi nói, vừa ân cần vừa thật quyết liệt với tôi: “Cậu đang làm gì đó, dừng ngay đi. Cậu làm giúp tôi cái này. Tôi sẽ trả công cho cậu…”. Đó là tập bản thảo giấy mỏng úa vàng, chữ mờ khá nhiều do anh gõ từ mấy chục năm trước. Một câu chuyện về gia đình ở Đà Lạt với những vỉa văn hóa, nhất là tính khu biệt văn hóa ứng xử thông qua lời thoại của nhân vật được ghi nhận bằng giác độ thẩm mĩ tinh tế, độ lượng và cẩn trọng của người cầm bút. Bản thảo sau nhiều năm xếp kệ đây là dịp để nhà văn biên tập và xuất bản, vừa như là trả nợ đất trời và con người nơi anh sống vừa như anh nói, phải công bố những lời thoại này để làm chỉ dấu văn hóa vùng và văn phong của chính tác giả. Tôi cũng bị cuốn hút vào bản thảo qua lời giới thiệu ấy để gác bài viết của mình giúp anh gõ thành văn bản mới. Anh Nam đọc, tôi vừa nhìn vừa gõ, có những chỗ chữ mờ hai anh em cùng suy luận. Nhưng mất quá nhiều thời gian, tôi đành phải cầu cứu nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thùy, vốn là người có nghề làm sách và được anh ủng hộ ngay. Một thời gian sau khi về Đà Lạt, anh Thùy hoàn thành bản chính thức cho anh Nam để có tác phẩm kịch bản văn học “Duyên phận” ra đời. Anh Thùy gặp tôi đưa tiền bảo “ông Nam trả công cho hai anh em, tôi cũng từ chối nhận nhưng anh bảo không được, anh buồn”. Một lần sau cuộc họp tôi chở anh Nam về nhà anh. Hai chúng tôi vừa trà vừa hai ba loại rượu của dược sĩ Chu Bá Nam chưng cất. Anh bảo, đã gửi kịch bản “Duyên phận”, cậu nói chị Ngát lấy giùm tôi chỗ ông Chu Văn nhé (Chu Văn là anh trai, nhà văn, hàng xóm của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam). Một nhà văn Chu Bá Nam đau đáu tình yêu văn chương quện với tình quê hương như thế đấy…        
 
HOA CÚC ẤM MÃI SẮC HƯƠNG
 
Tin nhà văn Chu Bá Nam rời “cõi tạm” dù bạn bè đã biết bệnh nan y của anh nhưng ai cũng thảng thốt. Ngày anh mất (28/7) nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh sáng tác bài thơ tiễn biệt nhà văn Chu Bá Nam. Tác giả chia sẻ với tôi qua zalo, sau đó bài thơ được anh Hà Hữu Nết - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng đọc trong thời khắc vĩnh biệt hương linh anh Chu Bá Nam tại Đài hoàn vũ. Bài thơ lướt qua một số tên truyện ngắn trong số hàng trăm truyện ngắn của nhà văn Chu Bá Nam. Truyện ngắn của ông đăng tải trên nhiều tạp chí, báo Trung ương và địa phương. “Nhắc đến Chu Bá Nam, bạn đọc sẽ nhớ ngay đến một nhà văn với những áng văn xuôi súc tích, sắc gọn đầy chất tài hoa nhưng rất đỗi bình dị, chân tình và sâu sắc về nhân sinh quan sống” (Lê Hòa). Những sáng tác của anh: Ngoài phòng thí nghiệm (tiểu thuyết), Chốn sương mù (tập truyện ngắn và ký), Khúc nhạc chiều (tập truyện ngắn), Phép mầu (tập truyện ngắn), Khi hoa cúc nở (tập truyện ngắn), Duyên phận (kịch bản phim) và Mùa người (tập truyện ngắn). 
 
Nhà văn Chu Bá Nam từng bàn về chất lượng tác phẩm nghệ thuật: “Theo tôi ở đây chủ yếu là chất lượng nghệ thuật, khả năng lay thức, phát cảm công chúng khi thưởng thức, đón nhận đến đâu mới là thước đo của chất lượng tác phẩm. Tác phẩm hay như cô gái đẹp, không cần phải thuyết minh, phiên dịch. Cũng tương tự một giọng hát cất lên, đám đông nín thở lắng nghe”. Còn thơ của Vương Tùng Cương viết về văn và người Chu Bá Nam: “Anh đúng và thiêng như tinh dầu chưng cất/nơi tin yêu níu vịn của bao người/ấm áp sẻ chia gió sương năm tháng/tự khuất mình vào góc thảnh thơi”. 
 
Tập tuyện ngắn “Khi hoa cúc nở” của Chu Bá Nam là tác phẩm được trao giải C Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 (năm 2022). Tôi may mắn là thành viên Ban Sơ khảo và Chung khảo nên được trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi chấm vòng chung khảo, anh Khoa gọi điện nhận xét với tôi về tập truyện này: “Đây là tác phẩm có chất văn vượt lên tất cả trong số các tác phẩm. Đúng là truyện ngắn xét về mặt thể loại. Tác phẩm cho thấy tác giả có tài, viết cứng, đúng là văn chương”. “Khi hoa cúc nở” gồm hai mươi ba câu chuyện là những lát cắt gọn và sắc về nhân sinh. Có thể hiểu đây là sự chưng cất của tài hoa, kiến văn rộng, sự trở trăn mười năm chiêm nghiệm của một người sống tinh tế và nhân ái. Sự cuốn hút của truyện còn ở chỗ, ngôn ngữ linh hoạt, hình tượng sinh động, điềm tĩnh trong trần thuật, chân phương trong thể hiện. Những áng văn thấm đẫm triết lý nhân sinh mà vị tha cao cả. Người đọc văn Chu Bá Nam được phiêu qua nhiều tầng, nương theo thời gian đan cài và men theo không gian chồng lấn, và cả những dây nhợ trong quan hệ đời thường gần gũi, biến cải nhiều cung bậc tế vi, có yêu và ghét, có thương và giận, có trăn trở và ám ảnh…
 
Xin khép lại bài viết tưởng niệm nhà văn Chu Bá Nam với dấu lặng về câu nói của ông lúc sinh thời: “Tầm vóc tác phẩm nghệ thuật là tầm vóc tác giả”.
 
TĨNH XUYÊN