Trống trường sẽ vang lên...

06:08, 25/08/2022
Nguyên lùa bốn chú bò vào chuồng, cài then, khóa cửa cẩn thận rồi mới ôm bó củi dựng gọn gàng trong bếp. Năm rưỡi chiều, mọi người trong nhà vẫn chưa đi làm đồng về vì ngoài trời vẫn còn vài khoảng nắng. Mùa hè trời thường nắng sớm và tối muộn, nên cuối ngày mát mẻ, ông bà, bố mẹ đều tranh thủ làm thêm. Nguyên vo gạo cắm cơm, nhóm lửa kho lại nồi tép đồng rồi ra vườn hái rau cho bữa tối. Gần bảy giờ thì cả nhà đã về đông đủ, Nguyên đi pha nước ấm cho bà và mẹ tắm. Cả bà và mẹ đều yếu nên không tắm được nước lạnh ngay cả trong mùa hè nắng nóng. Bà dễ bị cảm, còn mẹ thì chỉ cần ngấm nước lạnh là lên cơn ho rạc cổ cả đêm. Bà khen “nước Nguyên pha ấm quá, bà tắm xong sảng khoái cả người”. Bà là người hay khen Nguyên nhất trong nhà. Bữa cơm nào bà cũng bảo: “Nguyên nấu ăn ngon quá. Bà ăn no bụng mà vẫn đói con mắt đây này. Mấy hôm nữa cháu bà đi học rồi là cả nhà lại thêm vất vả vì không có ai thả bò, cơm nước”. Bà nhắc làm Nguyên lại càng thêm nôn nao nhớ tiếng trống trường. Mấy tháng nghỉ hè không được gặp bạn bè, thầy cô sao nhớ quá chừng. Sáng nào thức dậy Nguyên cũng thấy nhớ cái cảm giác được cắp sách tới trường. Có khi còn nghe thấy tiếng bạn bè vang lên trong trí óc. Tiếng của cây lá lao xao ngoài sân trường. Tiếng của bảng đen, phấn trắng...
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Nhà Nguyên nghèo không có gì ngoài một kho sách hay. Khi Nguyên lớn lên đã thấy những cuốn sách nằm yên trên giá gỗ. Phòng nằm cuối dãy nhà, được khóa cửa cẩn thận. Chỉ thỉnh thoảng bà mới mở cửa phòng quét mạng nhện, lau những lớp bụi mỏng phủ trên mặt sách. Đó là phòng của cô Nhiên ở trước khi đi lấy chồng. Một năm cô về nhà vài lần, giá sách trong phòng lại có thêm nhiều cuốn sách hay. Cô bảo: “Nguyên gắng chăm đọc sách. Có biết bao điều hay nằm cả trong này. Sách sẽ giúp cho cháu hiểu biết thêm về đời sống tự nhiên, về văn hóa vùng miền, những vùng đất xa xôi”. Hôm nào đi thả bò, Nguyên cũng cầm theo một cuốn sách nào đó. Mùa hè năm nay Nguyên đã đọc xong Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi; Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán; Cánh buồm đỏ thắm của Alexander Grin. Mỗi trang sách đều mang đến cho Nguyên biết bao điều thú vị. Nhiều hôm mê mải để con chữ dẫn vào miền đất lạ, Nguyên để mất dấu đàn bò. Tối muộn mới rời mắt khỏi trang sách Nguyên hốt hoảng chạy khắp nơi tìm bò. Có khi vừa chạy vừa khóc vì sợ mất bò hoặc sợ chúng dẫn nhau vào vườn nhà người ta phá phách. Cả làng này ai cũng thương thằng Nguyên ngoan ngoãn, chịu khó nên con bò có lỡ ăn một vài khóm sắn cũng chẳng nỡ mắng mỏ lời nào. Nhưng bố Nguyên thì nghiêm khắc lắm. Bố luôn nói: “Làm việc gì thì phải chú tâm vào việc đó. Xong xuôi đâu đấy mới được làm việc khác. Trồng được một khóm sắn cũng mất biết bao giọt mồ hôi. Con để bò phá của người ta là phải thấy xót thì lần sau mới không lặp lại”. Nên dạo này chỉ khi nào kiếm được chỗ nhiều cỏ buộc đỗ bò thì Nguyên mới mang sách ra ngồi đọc. Mấy ngày nay, Nguyên đọc “Không gia đình” của Hector Malot tự nhiên nước mắt cứ rơi. Nguyên thương cậu bé mồ côi Rêmi phải rong ruổi mưu sinh trên khắp các nẻo đường nước Pháp. Có nhiều ngày lang thang cùng đoàn xiếc mà không có miếng gì vào bụng. Đọc đến đoạn Rêmi suýt chết rét, Nguyên phải gập sách lại vì không chịu đựng được cảm giác xót thương người bạn nhỏ. Nguyên cứ suy nghĩ mãi về cậu bé Rêmi để rồi em nhận ra mình may mắn biết nhường nào khi có một gia đình. Có bố, có mẹ, có một người bà hết mực yêu thương chăm chút cho Nguyên. Có một tuổi thơ được cắp sách tới trường. 
Đêm đó nằm gần bên mẹ, Nguyên thủ thỉ:
 
- Mẹ ơi, những em bé mồ côi không có gia đình thật tội nghiệp biết bao. Các bạn ấy sẽ làm gì để sống hả mẹ?
 
- Một vài bạn may mắn được nhà chùa cưu mang hoặc các mái ấm tình thương, trại trẻ mồ côi đón nhận. Cũng có nhiều bạn phải lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Bán vé số dạo, đánh giày, bán báo, hát rong. Có nhiều bạn còn phải đi xin ăn con à. 
 
-Thế mà có lúc con từng nghĩ mình thật là cực khổ. Đi học về còn phải làm biết bao việc nhà trong khi bạn bè được rảnh rang vui chơi.
 
 -Tội nghiệp con trai mẹ. Nếu mẹ không hay đau yếu thuốc thang thì nhà mình không phải túng bấn nợ nần. Con cũng sẽ không phải vất vả nhiều như thế. 
 
-Không mẹ ạ. Con không sợ vất vả nữa đâu. Thả bò, nấu cơm, kiếm củi đâu có vất vả gì. Con chỉ mong mẹ khỏe mạnh thôi. Mẹ biết không, cậu bé Rêmi mà con gặp trong cuốn sách chiều nay đã bất hạnh biết bao khi không có mẹ. 
 
Mẹ xoa lưng Nguyên nhè nhẹ vỗ về. Mẹ lúc nào cũng dịu dàng như thế chỉ trừ khi đau ốm trong người. Mẹ nhiều bệnh lắm, những cơn đau dạ dày thường vẫn hành hạ mẹ ngày đêm. Mẹ đi khám nhiều nơi, uống đủ thứ thuốc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Chỉ có nhịn ăn mới giúp mẹ bớt đau. Hoặc có khi mẹ chỉ ăn ít bỏng gạo, cái bánh mì lép kẹp để hút dịch dạ dày. Ăn chua, cay, nóng hay đồ cứng, đồ tanh đều khiến bụng mẹ lên cơn đau âm ỉ và dai dẳng. Nhưng đâu chỉ có thế, mẹ còn hay bị đau đầu do thiếu máu lên não. Lúc Nguyên còn bé, mẹ trèo lên cây khế chặt những cành củi khô, chẳng may bị ngã. Cú ngã khiến mẹ chệch khớp tay và xẹp một đốt sống lưng. Dây thần kinh bị chèn ép gây ra các cơn đau dữ dội ở lưng và cả vùng vai gáy. Có nhiều khi từng ấy cơn đau cùng hành hạ mẹ. Nghĩ đến những ngày mẹ vịn vào giường cũng không thể đứng dậy nổi vì hoa mày chóng mặt và tê bì đau đớn khắp người làm Nguyên thấy sợ. Người mẹ vốn gầy lại càng thêm tiều tụy. Tiếng chó sủa, tiếng mèo kêu, tiếng gà mái nhảy ổ cũng khiến đầu mẹ đau như muốn nổ tung. Những khi ấy, mẹ thường hay cáu gắt trong người khiến Nguyên không dám lại gần. Bố thì rất nóng tính lại bận bịu suốt ngày, chẳng mấy khi có thời gian dành cho Nguyên như những ông bố khác. Nhìn bạn bè được bố đưa đi chơi, đẽo con quay, dán diều giấy, tự nhiên Nguyên thấy chạnh lòng. Thậm chí chỉ vì một câu nói đùa của người lớn mà đã có lúc Nguyên nghĩ chắc bố mẹ nhặt mình ngoài chợ về nuôi.
 
- Những cuốn sách mà cô để lại đã khiến mùa hè của con không nhàm chán chút nào bà ạ. 
 
- Thằng nhỏ này hệt như cô nó vậy. Ngày nhỏ, cô của con ngày nào cũng cầm sách trốn lên chiếc ổ trên cây, bỏ cả ăn cơm.
- Một chiếc ổ trên cây ư bà?
 
- Phải! Cô con kết ổ trên bụi tre sau nhà. Cứ cành này vít vào cành kia thành cái ổ chắc chắn. Ngày nào cũng leo lên đó nằm đọc sách và không thích bị ai làm phiền cả. 
 
- Chắc bà tự hào về cô lắm đúng không ạ?
 
- Bà tự hào về tất cả những người con của mình cháu à. Cô cháu công thành danh toại đã đành, nhưng bố cháu cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng khiến bà tự hào đấy chứ. Vì bố cháu chịu thương chịu khó chăm lo cho gia đình. Nhưng muốn không phải khổ như bố thì cháu phải gắng học hành. Cô để lại tủ sách ở nhà là dành cho cháu đấy. 
 
Nguyên yêu những cuốn sách của mình. Chúng đã vỗ về tuổi thơ nghèo khó của Nguyên. Kể từ ngày được bà giao lại chìa khóa phòng sách Nguyên chăm chỉ vào đó dọn dẹp. Cũng có khi vào nằm đọc sách rồi ngủ quên trong đó. Nguyên thấy mình đang lội bì bõm ở đồng ruộng “Đất phương Nam”, gặp bạn Cò, bạn An đi bắt rắn, bắn chim, hái những chùm nhãn đầu mùa. Có khi lại thấy mình chu du cùng gánh xiếc chó, khỉ và cụ Vitalis. Cụ già ấy hiện ra hệt như miêu tả trong trang sách “một ông già, cao lớn, râu bạc, mặc một bộ quần áo kỳ dị chưa từng trông thấy bao giờ. Đầu đội một cái mũ phớt cao màu xám có cắm những chiếc lông xanh đỏ; mấy chùm tóc dài thõng xuống tới vai. Một thứ áo trấn thủ bằng da cừu lông quay vào trong, bó chặt lấy người. Chiếc áo đó không có tay, ở hai lỗ hổng trên vai thò ra hai ống tay bằng nhung lam đã bạc màu. Đôi ủng lớn bằng len cao lên đến tận đầu gối, buộc những dây vải đỏ quấn chéo nhiều lần chằng chịt”.(*) Nguyên mơ thấy con chó xù Capi liếm vào mặt mình thì bừng tỉnh giấc. Cũng có hôm, tiếng con Decbino sủa ầm ĩ quá cũng làm Nguyên thức dậy. Thế giới trong những trang sách làm Nguyên thấy thú vị biết nhường nào. 
 
- Bà ơi, ngày mai đi học, con có thể mang sách cho các bạn mượn được không ạ?
 
- Tất nhiên là được chứ cháu yêu. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thích đọc sách giống cháu đâu. 
 
- Đấy là các bạn chưa thử bước vào thế giới mà những con chữ tạo ra. Con sẽ có cách dẫn các bạn đi thăm thú khắp nơi và gặp gỡ nhiều bạn nhỏ trên khắp thế giới này bà ạ.
 
- Ôi, thằng cháu của bà. Nhớ là nhắc các bạn phải biết giữ gìn sách nghe chưa?
 
Nguyên nhìn theo dáng bà lẫn vào trời chiều nhập nhoạng. Trong lòng dâng lên từng nhịp vui khó tả. Mai là ngày khai trường, áo trắng quần xanh bay phấp phới trên dây phơi trước sân nhà thơm mùi nước xả vải. Trống trường sẽ vang lên, Nguyên sẽ vào lớp bảy với bạn bè thân thương và những bài học mở đường cho bao điều thú vị...
 
 (*) Trích tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Malot
 
Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG