Nặng lòng với khúc hát dân ca

06:11, 22/11/2022
Trong Liên hoan Dân ca, dân vũ và Nhạc cổ truyền Lâm Đồng lần thứ IV vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Lao động, hơn 400 nghệ nhân từ 26 câu lạc bộ (CLB) trong toàn tỉnh đã mang đến 87 tiết mục dân ca đặc sắc để lại ấn tượng tốt đẹp, tiếp tục khẳng định sức sống bền bỉ của các làn điệu dân ca trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
 
Tiết mục Khúc ca chèo “Tình quê mới” - CLB Trung tâm VHTT Lâm Hà xuất sắc đoạt giải A
Tiết mục Khúc ca chèo “Tình quê mới” - CLB Trung tâm VHTT Lâm Hà xuất sắc đoạt giải A
 
87 tiết mục là bản sắc của các dân tộc anh em từ mọi vùng, miền đất nước về đây hội tụ, đã cùng cất lên lời ca tiếng đàn thấm đượm nghĩa tình, mang đậm tâm hồn Việt, cốt cách Việt, khơi dậy xúc cảm, niềm tự hào cho người xem. Mỗi tiết mục một gam màu tươi sáng ngợi ca quê hương, ngợi ca Đảng, Bác Hồ, tình yêu đôi lứa, đạo lý truyền thống, ngợi ca con đường phát triển đi lên của đất nước. Mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên đã dốc hết tinh thần, nhiệt huyết làm nên một liên hoan đa sắc màu rực rỡ.
 
Các tiết mục quan họ, chèo, dân ca, ca trù, hát văn, hát xẩm Bắc Bộ mang đậm hơi thở đặc trưng của miền châu thổ sông Hồng, dễ nhận biết qua các từ đệm trong câu hát: rằng, thì, chứ, í ì i, ứ hự... kết hợp nhuần nhuyễn với dàn nhạc dân tộc trống, phách, nhị, nguyệt, bầu, mõ nhạc lễ và nhạc sân khấu đậm đà đặc trưng của miền di sản. Nơi bắt nguồn đa dạng vốn văn hóa cổ truyền, dòng chảy tình cảm của các liền anh, liền chị. Hòa quyện với những vũ điệu xuân tình hoan giao lúng liếng, hoặc những màn đối đáp hóm hỉnh trao duyên trong hội, lễ được dịp bung tỏa ngợi ca mùa màng bội thu với nhiều tiết mục như: Khúc ca chèo Tình quê mới (CLB Dân ca TTVH huyện Lâm Hà), Quan họ lời mời Khách đến chơi nhà (CLB Dân ca Lán Tranh, Hoài Đức, Lâm Hà), Khúc ca chèo Đường trường thu không (CLB Dân ca TTVH huyện Đạ Tẻh), Bà rằng bà rí (CLB Dân ca và Nhạc cổ truyền Đinh Lạc, Di Linh), Hát xẩm thập ân Trọn đời theo Đảng (CLB Dân ca xã Đông Thanh, Lâm Hà)…
 
Các làn điệu ví dặm miền Trung, âm nhạc không hề là những điệu thức đơn giản, bởi vùng đất và thời tiết chất chồng những khắc nghiệt, tạo nên những thăng trầm tư duy, in đậm trong tâm hồn. Bởi vậy, những âm sắc: răng, rứa, ni, nớ, mô… cho dù xuất hiện ở những bài dân ca trao duyên vẫn có những nét trầm buồn, mênh mông, man mác, tạo nên những âm bậc đặc trưng riêng qua các tiết mục “Điệu ví dặm là em” (CLB Dân ca ba thế hệ Tân Văn, Lâm Hà), Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (CLB Tiếng hát quê hương Mê Linh, Lâm Hà), Giận thì giận mà thương thì thương (CLB Hội Người khuyết tật Lâm Đồng), Khúc giã bạn, Mời rượu (CLB dân ca xứ Nghệ thị trấn Nam Ban), Về miền ví dặm (CLB Dân ca và Nhạc cổ truyền TP Đà Lạt)…
 
Tiết mục Vui bốn mùa - CLB Dân ca Đà Lạt đoạt giải A tại Liên hoan Dân ca, dân vũ và Nhạc cổ truyền Lâm Đồng lần thứ IV
Tiết mục Vui bốn mùa - CLB Dân ca Đà Lạt đoạt giải A tại Liên hoan Dân ca, dân vũ và Nhạc cổ truyền Lâm Đồng lần thứ IV
 
Sự phong phú của kho tàng nghệ thuật dân ca Việt Nam còn thấy ở các CLB hát then đàn tính đến từ Tân Thanh, Phi Tô (Lâm Hà), Lộc Ngãi (Bảo Lâm) mang đến hội diễn tiếng hát như hơi thở của rừng núi phía Bắc ngân nga trầm bổng cùng tiếng đàn qua phần trình diễn tình cảm, lôi cuốn của các nữ nghệ nhân với sắc áo chàm cùng dây xà tích lấp lánh ánh bạc cùng các tiết mục: Đường về bản em, Lâm Hà đổi mới, Lời then dâng Đảng, Lượn nàng ơi, Vui sao bản mình ơi, Múa chầu cổ, Lời then gửi bạn. 
 
Các làn điệu dân ca đến từ Nam Bộ mang theo sự phóng khoáng, đậm màu hương sắc Cửu Long cùng nét chấm phá cảnh sắc đất rừng phương Nam mênh mang sông nước. Các âm sắc: bậu, đặng, ầu ơ, ví dầu... mộc mạc hòa quyện với lối kể chuyện nhấn nhá tài tử của anh hai, chị ba miệt vườn qua các tiết mục: Ngựa ô thương nhớ (CLB Hội Người khuyết tật Lâm Đồng), Áo mới Cà Mau, Đoản khúc Nam Giang “Công ơn cha mẹ” (CLB Dân ca Đạ Đờn, Lâm Hà), Tình thắm duyên quê (CLB Dân ca Hòa Ninh, Di Linh). Đáng chú ý, sức lan tỏa mạnh mẽ của liên hoan đã truyền sang tỉnh bạn thu hút CLB Thơ văn Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận tham dự với 4 tiết mục làm cho liên hoan thêm đa dạng sắc màu.
 
Xen lẫn trong đó là cách làm mới dân ca bằng những ca từ mạnh mẽ toát lên vóc dáng nghệ thuật đương đại, ẩn chứa nhiều đột phá, cách tân. Đã tạo được ấn tượng mạnh chất chứa trong đó tình cảm dạt dào của các nghệ nhân với vùng đất mới: Hát văn Cảm tác về Festival Hoa Đà Lạt (CLB Dân ca Tân Văn, Lâm Hà), Lâm Đồng yêu dấu, Nông thôn mới (CLB Hát then, đàn tính xã Tân Thanh), Hát mừng Nam Hà đổi mới (CLB Dân ca xã Nam Hà, Lâm Hà)…  Trên bước đường mở đất, mang theo những làn điệu dân ca thuộc lòng từ thuở bé được ông bà truyền lại, các nghệ nhân tiếp tục gieo trồng trên vùng đất mới, dân ca tiếp tục nảy nở như điểm tựa tinh thần để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Các hoạt cảnh, trích đoạn tuồng, chèo cổ được dàn dựng công phu, biểu diễn cống hiến đã cho thấy hết nhiệt huyết của các nghệ nhân trong việc gìn giữ kho tàng nghệ thuật văn hóa dân gian như: chèo cổ Tấm Cám, Lưu Bình - Dương Lễ, Quân tử Vu Dịch… Những ca từ lời hay ý đẹp được đặt để trong các giai điệu ngọt ngào những kiệt tác dân ca, được các nghệ nhân dày công lưu truyền . 
 
Không thể diễn tả hết những xúc cảm qua từng tiết mục, từng làn điệu, từng tiếng nhạc điệu đàn. Tất cả như một kho tàng vô giá, rộng lớn, phong phú, gắn liền với đời sống lao động sản xuất, có sức sống lâu bền, thấm sâu trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Từ 5 năm qua, Liên hoan Dân ca được tổ chức hàng năm, qua 4 lần diễn ra, các nghệ nhân đã say mê, sưu tầm và từng bước làm sống dậy nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ bị thất truyền. Để làm nên một cuộc chơi đầy đam mê, nghệ sĩ Vũ Mạnh Đương - người dành tình yêu đặc biệt với dân ca đã dày công gây dựng phong trào, góp của để tạo nên những ngày hội ngộ, dưới sự ủng hộ của Nhà văn hóa Lao động. Trước khi diễn ra mỗi cuộc liên hoan, ông tự nguyện bỏ tiền túi đi khắp các huyện, thành trong tỉnh đến với các CLB, gặp gỡ các nghệ nhân, rong ruổi qua các thôn, làng để nắm bắt không khí luyện tập. Tham dự cả 4 lần liên hoan, nghệ nhân Nguyễn Thị Thức đến từ xã Mỹ Đức (Đạ Tẻh) liên tục bước lên sân khấu nhận phần thưởng đặc biệt dành cho nghệ nhân cao tuổi nhất từ khi cụ 79 tuổi, đến nay đã ở tuổi 83. Dù răng đã rụng, trong giọng nói đã phều phào âm gió, nhưng khi hát thì giọng hát chèo vẫn luyến láy, trong trẻo đến lạ thường. 
 
51 giải thưởng đã được trao cho các tiết mục xứng đáng, ghi nhận công sức tập luyện, biểu đạt nghệ thuật của các tiết mục nổi trội, nhưng hơn 400 nghệ nhân tham dự ai cũng là người chiến thắng vì tình yêu quê hương, vì tình yêu nghệ thuật dân tộc. Cũng chính họ đang ngày đêm bền bỉ lưu truyền những làn điệu dân ca trong cộng đồng, góp phần làm cho di sản văn hóa dân tộc cùng những làn điệu dân ca tiếp tục sống mãi với thời gian.
 
QUỲNH UYỂN