Nhạc sĩ Đức Trí: Tôi sẵn sàng để làm nhạc sĩ ''nghiệp dư''

12:11, 23/11/2022
(LĐ online) - "Đức Trí live concert - Hoa nắng tôi" đã bắt đầu ở một nơi ít ai nghĩ đến, một khu rừng cách Đà Lạt hơn 25km. Khoảng 1.000 khán giả đã cùng nhạc sĩ Đức Trí nhìn lại chặng đường 25 năm kể từ bản thu âm "Ta chẳng còn ai". Một show diễn quan trọng của một nhạc sĩ nổi tiếng được mang đến một khu rừng xa đã khiến nhiều người không khỏi tò mò, không chỉ là người Đà Lạt mà cả giới văn nghệ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. 
 
Nhạc sĩ Đức Trí.
Nhạc sĩ Đức Trí.
 
Đêm nhạc của Đức Trí "tập hợp" được gần như những đồng nghiệp, những người bạn chơi nhạc và làm việc lâu năm cùng anh, đều là những tên tuổi trong giới biểu diễn, như nhạc sĩ Hồng Kiên (saxo), Thanh Tân (bass), Dũng Đà Lạt (guitar), Vũ Quốc Bình (trống), Trung Đông (trumpet)... hay dàn dây (Saigon Pops Orchestra).
 
Và đêm diễn 19/11, mưa rừng tầm tã, lạnh thấu xương, 1.000 người vẫn ngồi đến cuối cùng. Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Đức Trí ngay sau đêm diễn.
 
Đức Trí sinh năm 1973, tốt nghiệp ngành biên soạn và sản xuất âm nhạc đương đại tại Berklee College of Music ở Boston, Mỹ. Anh từng thực hiện album cho các ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Đức Tuấn, Lê Hiếu, Phạm Anh Khoa, Phương Vy, Quốc Thiên… Anh có nhiều ca khúc được giới trẻ yêu mến, như: Giấc mơ chỉ là giấc mơ, Ta chẳng còn ai, Khi giấc mơ về, Có nhau trọn đời, Lúc mới yêu... Anh từng lập Công ty Music Faces, chuyên đào tạo ca sĩ, trong đó có Hồ Ngọc Hà, Phương Vy, Lê Hiếu, Suboi…
 
•  "GIẤU ĐI MƯA RỪNG”
 
Chào nhạc sĩ, anh có bị cảm lạnh vì trận mưa suốt ngày đêm ở show diễn của anh?
 
Cảm lạnh thì không, nhưng cảm động thì đến giờ vẫn còn nguyên. Trước đêm diễn, mọi thứ tuyệt vời. Chúng tôi đã chuẩn bị để mọi người vừa ngắm hoàng hôn, nghe ballad và uống rượu vang. Chúng tôi đã chuẩn bị cho sự bùng nổ cảm xúc ở một nơi hoang vắng. Nhưng… mưa. Chúng tôi đã lo lắng, nhiều người trong ban tổ chức đã hốt hoảng. Nhưng rồi chỉ sau một thời gian rất ngắn chúng tôi đã trấn tỉnh. Tôi thống nhất với cả đoàn rằng chuyện chúng ta có thể lo là âm nhạc và sẽ làm tốt điều đó. Còn chuyện chúng ta không thể lo là mưa, đó là chuyện của ông trời. Chúng tôi ra sức che chắn để bắt đầu đêm nhạc dưới mưa, nhưng mọi sự che chắn đều quá mỏng so với sự khắc nghiệt của thời tiết.
 
 Lân Nhã, giọng ca đắt show, cũng có mặt trong đêm nhạc ngập mưa của nhạc sĩ Đức Trí
Lân Nhã, giọng ca đắt show, cũng có mặt trong đêm nhạc ngập mưa của nhạc sĩ Đức Trí
 
Và 1.000 người đã không bỏ chúng tôi để rời khỏi rừng và cơn mưa. Nhiều người còn bảo “âm nhạc đã giấu đi mưa rừng”. Còn chúng tôi thì biết, chúng tôi đang sống trong vòng tay của những người bạn, tri kỷ trong nghệ thuật. Tôi đã bắt đầu buổi biểu diễn trong cơn mưa lạnh bằng lời cảm ơn, và đến giờ, tôi vẫn muốn nói lời đó, dẫu biết không bao giờ là đủ. 
 
Giới văn nghệ ở các thành phố lớn tò mò vì anh đã chọn Đà Lạt cho một đêm diễn quan trọng của cuộc đời mình. Lựa chọn này là vì sao, thưa anh?
 
Tôi viết ở khắp nơi. Tôi bắt đầu đi vào đời sống âm nhạc ở Sài Gòn. Tôi tu nghiệp tại Mỹ và dựng sự nghiệp ở Sài Gòn. Cho nên tôi chọn Đà Lạt cũng khiến nhiều người bất ngờ. Thực ra trong 2 năm trước buổi diễn tôi đã so sánh rất nhiều nơi và khi tìm đến một khoảnh rừng cách trung tâm Đà Lạt 25km, tôi đã chọn nó. Tôi thích rừng nên chắc chắn lựa chọn đó có bắt nguồn từ sở thích này. Cũng là cái duyên. 
 
1.000 khán giả đội mưa trong đêm nhạc
1.000 khán giả đội mưa trong đêm nhạc "Đức Trí live concert - Hoa nắng tôi"
 
Cái duyên hay có "dan díu” gì khác không anh?
 
Tôi hiểu anh đang nói đến việc quê vợ tôi ở Đà Lạt. Nhưng nói thật là không hẳn vậy đâu. Quê vợ tôi ở đây nên tôi thường xuyên có cơ hội đến Đà Lạt. Nhưng tôi cũng đi nhiều nơi mà, nếu nơi chốn không tạo cảm hứng thì tôi có quyền lựa chọn nơi khác. À, tôi làm nhiều show cho nhiều người rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm show cho tôi. Nên, âm nhạc cũng đặc biệt và nơi chốn cũng phải đặc biệt. 
 
Nhưng khu rừng ấy xa quá?
 
Khi tôi chọn khu rừng ở tận Làng Cù Lần, ai cũng bảo với tôi khó. Không ai nói không thể, chỉ dám nói khó. Thực ra thế này, với địa điểm đó mình có thể tìm thấy người tri kỷ. Địa điểm cũng là một bộ lọc tốt. Tôi đã bán ra 1.000 vé, nhưng tôi tính toán nếu chỉ vài trăm người tôi cũng làm được đêm nhạc với quy mô nhỏ hơn. Đêm đó, dẫu mưa đã khiến tôi và người yêu nhạc của tôi mất đi nhiều thứ nhưng nhờ vậy mà chỉ có tri kỷ âm nhạc với nhau. Những người trong ban nhạc, các ca sĩ (trừ rất trẻ) thì đa số đã gắn với tôi trên 10 năm, có người gắn với tôi khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp. Thế đấy, vui mà….
 
Ca sĩ Lê Hiếu hát trong màn mưa dày đặc
Ca sĩ Lê Hiếu hát trong màn mưa dày đặc
 
• ÂM NHẠC HỒN NHIÊN VÀ NHẠC SĨ NGHIỆP DƯ
 
Tôi thấy nhạc của anh có nhiều chi tiết lãng mạn và liêu trai?
 
Tôi thích núi hơn thích biển. Tôi hay đi lang thang ở vùng núi để nhiều năng lượng tốt nạp vào tôi, nung nấu nhiều chi tiết để một ngày cảm hứng sẽ kết nối các các chi tiết thành nhạc. Sở thích quay về rừng núi có lẽ đã mang nhiều chi tiết liêu trai, mong manh vào nhạc của tôi. Thiên nhiên cũng có tiết tấu của nó, rất nhẹ nhàng, có thể ngân nga.
 
Anh nói chuyện như thể anh sắp bắt đầu một việc gì đó với vùng núi Đà Lạt?
 
Tôi cho rằng không nên nghĩ như vậy. Duyên tới thì sẽ tới tôi. Tôi sợ nói trước thì sẽ không thành. Với Đà Lạt, tôi chưa có bài hát nào có thể khẳng định tôi viết cho Đà Lạt, nhưng có ảnh hưởng của nơi chốn này thì có nhiều. Tôi cũng muốn viết một bản nhạc thật hay về Đà Lạt, nhưng đó là muốn, còn khi nào đủ cảm hứng thì sẽ viết.
 
Phương Thanh làm sống lại ký ức của nhiều người trong đêm nhạc Đức Trí
Phương Thanh làm sống lại ký ức của nhiều người trong đêm nhạc Đức Trí
 
Tôi không muốn nghĩ rằng mình viết nhạc như trả bài cho một nơi chốn nào đó. Khi tôi viết nhạc, có khi sắp xong rồi đấy nhưng có ai đặt hàng đúng cái ý của bản nhạc đang viết thì bản nhạc ấy không thể thành được. Bỗng dưng… gượng. Cho nên, nhạc cho Đà Lạt chờ cái duyên vậy. Còn làm nhạc ở Đà Lạt thì tôi đã bắt đầu, như đã thấy rồi đấy.
 
Thông thường thì các ca nhạc sĩ sẽ có show diễn kỷ niệm 10 năm, 20 năm sự nghiệp, anh lại chọn 25 năm, có hàm ý gì không thưa anh?
 
25 năm là con số tương đối. Khi ý tưởng thực hiện một show nhạc, một cuốn sách nhạc đến thì cái mốc 25 năm là gần nhất, nên tôi lấy con số đó. Một cái mốc đáng để nhìn lại chứ. Thực ra tôi không tính làm một show diễn quá lớn đâu. Tôi cũng không muốn truyền thông chạy tít rằng Đức Trí bỏ tiền tỉ làm show thế này thế nọ. Không, không, tôi không muốn thế.
 
Nhưng thế này, lúc ở nhà trú dịch trong 2 năm, tôi thay đổi nhiều trong tư duy. Cũng giống mọi người thôi. Nghĩ nhiều lắm, về những giá trị, âm nhạc nguyên bản... Tôi là người viết nhạc và sản xuất âm nhạc. Ca khúc viết ra không quan tâm đến yếu tố thương mại nhưng có liên quan vì viết để ra đĩa, cho một dự án đã định trước. Gần đây, việc đó được tôi gác lại, ít chi phối tôi và tôi nhận ra nhạc tôi viết ra hồn nhiên hơn nhiều.
 
Tôi cho rằng tôi đã nghĩ đủ cho một sự thay đổi trong tôi và âm nhạc, kể cả việc sản xuất nhạc. Tôi quyết định phải đóng gói lại một chặng đường, một chương để làm một chương mới. Cho nên mới có một show diễn như thế. Giờ tôi bắt đầu thích người ta nhìn tôi như một nhạc sĩ nghiệp dư. Là viết cho mình. 
 
Trở thành một nghệ sĩ nghiệp dư tôi  không bị cái vòng kim cô của bất kỳ chuẩn mực. Tôi nghĩ tôi đã làm xong cái việc viết bài "hit” rồi, giờ ko làm bài “hit” cũng không sao. Được phép viết bài hát dở, ít người thích nhưng bạn bè thích. Tôi tin rằng nó thỏa mãn được nhu cầu âm nhạc của tôi. Người nghệ sĩ đang viết là họ đang tồn tại. Tôi cần phải có sự thôi thúc tự thân, không muốn những thúc ép khác.
 
Tôi muốn qua âm nhạc người ta thấy nhân sinh quan của người viết. Tôi thích cách đem năng lượng tốt vào trong âm nhạc để người nghe có được năng lượng tốt. Có lẽ đã đến lúc thôi kháng cự cuộc sống để hòa mình vào. Làm hay nghĩ đều phải tích cực. Ngay cả yêu không thành cũng không than vãn kêu ca. 
 
Cảm ơn “nhạc sĩ nghiệp dư”, nhưng tôi lại biết anh mới làm một việc rất chuyên nghiệp là đóng gói thành công một show diễn và sẽ đưa đi nhiều nơi.
 
À, tôi học sản xuất âm nhạc tại Mỹ. Tôi biết cái cần của một show diễn là gì. Tôi thấy rất vô lý khi tổ chức một show diễn mà dùng một lần rồi… tắt đèn. Các nước trên thế giới đều hiểu khi ra một album thì cần một show diễn khắp nơi để quảng bá, đưa không khí của từng ca khúc trong album vào cuộc sống. Để nó được sống. Ở Việt Nam, việc này có vẻ ít, thậm chí không có. Trước có show Nghe mưa của anh Dương Thụ, Bảo Chấn; các show của nhóm Đen Trắng (Phương Thảo - Ngọc Lễ). Hoặc cùng lắm người ta nghĩ đến diễn ở Sài Gòn, Hà Nội là hết. 
 
Gần đây đã bớt những show diễn nghệ thuật chi phối bởi nhà tài trợ. Đã rất nhiều năm nghệ thuật lệ thuộc vào nhà tài trợ và người nghe nhạc không phải mua vé đến thành quen. Người ta chờ vé miễn phí từ ban tổ chức hoặc mua sản phẩm để đổi lấy vé. May mắn sao gần đây người ta quay lại mua vé để được thưởng thức âm nhạc mà không bị chi phối bởi nhãn hàng. Nhưng vẫn còn mờ nhạt, chúng tôi đang cố gắng làm cho việc đó rõ nét hơn. Nếu có nhà tài trợ, thì cũng bổ sung cho show diễn chất lượng hơn hoặc giảm giá vé. 
 
Chúng tôi đóng gói một show để lưu diễn để tối ưu chi phí tổ chức để giá vé rẻ hơn, nghệ sĩ có "lương” nhiều hơn, nhiều người ở nhiều nơi tiếp cận được những show diễn thuần nghệ thuật. Vòng tuần hoàn kinh tế âm nhạc khỏe hơn, tái tạo nhanh hơn, nhiều giá trị đẹp trong âm nhạc được xây dựng vững vàng. Nghệ sĩ sống được bằng biểu diễn mà không lệ thuộc vào nhãn hàng thì sẽ biểu diễn nhiều, viết nhạc nhiều, ra album nhiều. Đời sống âm nhạc sẽ hồn nhiên.
 
MAI VINH