Âm vang ''Bản sắc Nam Tây Nguyên''

06:12, 02/12/2022
Một không gian văn hóa đậm màu sắc truyền thống, hội tụ những nét độc đáo của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Đức Trọng vừa được trình diễn tại Ngày hội Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao và gặp mặt các vị già làng, người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đức Trọng lần thứ I năm 2022. Đây là sự kiện do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức vào cuối tuần qua.
 
Thi diễn tấu cồng chiêng, văn nghệ dân gian
Thi diễn tấu cồng chiêng, văn nghệ dân gian
 
Với chủ đề “Bản sắc Nam Tây Nguyên”, ngày hội đã thu hút đông đảo nghệ nhân và Nhân dân đến từ 15 xã, thị trấn trong toàn huyện. Các nghệ nhân đã cùng nhau vẽ nên một bức tranh văn hóa đặc sắc, với các chủ thể là dân tộc K’Ho, Chu Ru, Thái, Tày, Nùng, Hoa... Đó có thể là tiếng cồng, tiếng chiêng của người dân K’Ho đang sinh sống trên địa bàn xã Hiệp An - là đơn vị chủ nhà, và cũng là đơn vị mở màn cho ngày hội. Đồng bào quan niệm, khi âm thanh của cồng chiêng vang lên có thể giúp con người gửi thông tin đến các đấng thần linh, là chiếc cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên không được sử dụng bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội của gia đình, buôn làng, trong những dịp tiếp khách quý. Hay đó còn là nét văn hóa mang đậm chất truyền thống với những nét độc đáo riêng của người Churu đang sinh sống tại xã Đa Quyn - là xã vùng sâu nhất của huyện Đức Trọng, qua trang phục truyền thống mà họ trình diễn tại ngày hội. Trong đó, người nam phần váy quấn khăn (Avắt) trắng, phần áo vách khăn S’rieng chéo bên vai kết hợp khăn quấn đầu màu trắng. Phụ nữ thì nổi bật với chiếc khăn Avắt trắng quấn từ trước ra sau, vòng qua vai, tạo thành chiếc áo với những đường chỉ rủ xuống 2 ống tay. Trang phục của người Churu có nhiều nét tương đồng với các dân tộc Chăm, K’Ho và Mạ. Từ xa xưa, dân tộc Churu đã sử dụng chất liệu, các loại vải là sản phẩm dệt của người Chăm, người K’Ho rồi tự biến tấu theo kiểu dáng trang phục truyền thống của dân tộc mình... Cứ như thế, những nét văn hóa tiêu biểu với nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng làm nên nét đặc trưng riêng của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện Đức Trọng đã lần lượt được các nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tái hiện và phục dựng lại tại ngày hội này.
 
Cũng thông qua ngày hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn, phát huy và nâng cao, với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn khác như: Biểu diễn canaval; hội thi diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, văn nghệ dân gian; thi tái hiện không gian truyền thống ngày hội; cùng thi các trò chơi dân gian, thi chế biến và giao lưu ẩm thực bản địa... Hình ảnh của cuộc sống đời thường đã được tái hiện cùng những bài chiêng, điệu múa xoang hay những bài dân ca quan họ, nghệ thuật múa xòe của người Thái, nghệ thuật hát then - đàn tính của dân tộc Thái, trống hội của người Hoa... góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn.
 
Dịp này, Ban tổ chức đã gặp gỡ, trao tặng quà cho các vị già làng và người có uy tín trong vùng đồng bào các DTTS của huyện. Bà Quang Thị Hồng Mai - người có uy tín vùng đồng bào DTTS tại thị trấn Liên Nghĩa cho biết: “Tôi cảm thấy vui và xúc động khi được góp mặt tại ngày hội này. Đây một ngày hội thật sự ý nghĩa. Với tôi, ấn tượng nhất tại ngày hội đó là mỗi một dân tộc đều đã thể hiện được bản sắc riêng của mình một cách tốt nhất và ấn tượng nhất. Ngày hội là cơ hội để chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và hiểu nhau hơn, hiểu về văn hóa của từng dân tộc hơn”.
 
Theo ông Lê Công Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng, Trưởng Ban tổ chức, Ngày hội Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao và gặp mặt các vị già làng, người uy tín của đồng bào các DTTS huyện Đức Trọng lần thứ I năm 2022 được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện và chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt năm 2022. Đây cũng là dịp để các vị già làng, người có uy tín và các nghệ nhân, diễn viên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, qua đó giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, để từ đó cùng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn huyện Đức Trọng. Ngày hội sẽ được duy trì tổ chức hai năm một lần và luân phiên cho từng xã, thị trấn đăng cai.
 
NHẬT MINH