Nghĩ từ cánh diều tuổi thơ

09:06, 09/06/2016

Quê nội tôi ở Dran (Đơn Dương). Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Dran không phải là vùng chuyên canh rau như bây giờ, vẫn còn nhiều cánh đồng ruộng và những con mương lặng lẽ "cõng" nước chảy về tưới tắm cho lúa mùa hai vụ. 

Quê nội tôi ở Dran (Đơn Dương). Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Dran không phải là vùng chuyên canh rau như bây giờ, vẫn còn nhiều cánh đồng ruộng và những con mương lặng lẽ “cõng” nước chảy về tưới tắm cho lúa mùa hai vụ. 
 
Những năm ấy, các anh em tôi đều bị cha mẹ bắt học chữ Nho (chữ Nôm) do ông nội dạy. Ngày đó, chúng tôi xem việc học loại chữ này là một cực hình. Vì thật ra, ông tôi chỉ dạy chữ chứ không dạy nghĩa, nên chúng tôi chỉ lo học để đối phó mà không hiểu gì cả. Tuy nhiên, ngoài giờ học, được ngồi với nội cùng chẻ tre dán diều, được nghe ông kể nhiều chuyện về con vật này từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. 
 
Những năm cuối đời, ông tôi chuyển sang làm diều sáo. Diều sáo trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai làm cũng đều cất tiếng reo. Tôi nhớ, ông thường chọn những thân tre già, đủ độ cứng, vót nhẵn, to bằng ngón tay trỏ làm thân, sau đó dán giấy dầu xung quanh vừa nhẹ vừa chắc để khi lên cao gió không quật rách được. Dưới thân diều, ông gắn vào ba ống nứa đục sẵn lỗ để khi lên cao diều cất tiếng vi vu như lời ru của gió. Diều sáo của ông cháu tôi thả cả đêm lẫn ngày ngoài cánh đồng, âm thanh phát lên lúc khoan thai lúc réo rắt như tiếng gọi của hồn nước.
 
Thật khó có thể quên những buổi chiều Dran gió lộng, vài người đứng ngồi trên khoảng trống, gò đất hay cánh đồng cỏ tay cầm dây diều giật giật cho bay lên xuống. Thú vị hơn là những lúc ngồi dưới gốc cây rợp bóng ở giữa cánh đồng, lặng ngắm cánh diều chao nghiêng trong gió, xung quanh mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, mùi đất ruộng hòa quyện vào nhau, trở thành mùi quê hương quen thuộc. 
 
Thời tuổi thơ ở quê do thiếu thông tin và hình ảnh để so sánh, nên mọi người thường cho rằng vật gì của mình cũng hơn thiên hạ. Vì sự hiếu thắng, anh em tôi cho diều của mình bay cao nhất bằng cách ngồi chờ gió lớn rồi buông dây ra cho bay tự do. Mỗi lần như thế, diều chẳng những không bay lên cao được mà từ từ chao cánh lắc lư rơi xuống đất, trở thành những mảnh giấy đáng thương. Anh em chúng tôi bắt ông giải thích sự kiện này, phải đến 5 hoặc 7 lần như vậy, ông mới tập hợp vào lớp học vẽ hình bầu trời và con diều lên bảng. Ông nói: “Sở dĩ diều giấy bay được là nhờ con người giữ dây để nó đối mặt với hướng gió, chính nhờ sức cản ấy mới có thể bay lên không trung được. Nếu các cháu buông dây ra, con diều không còn điểm tựa để tồn tại nên nó sẽ phải rơi theo định luật. Cụ thể muốn con diều bay được phải có nhiều yếu tố tồn tại cùng lúc. Suy rộng ra con người cũng vậy, sau này các cháu lớn lên được đi học rồi đi làm kiếm sống cũng nhờ công ơn của cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, nhờ thầy cô truyền đạt kiến thức, nhờ chánh phủ tạo điều kiện để mình có thể tham gia đóng góp tài năng. Nếu các cháu nghĩ rằng mình là người có tài, tự mình vươn lên rồi xem thường người khác các cháu cũng sẽ bị rơi như con diều. Hai sự kiện ấy tuy giống nhau nhưng chỉ khác một điều, diều là vật vô tri vô giác có thể làm lại trong chốc lát còn con người sẽ bị tổn thương về liêm sỉ, về danh dự, không thể một hai ngày có thể phục hồi. Nói tóm lại, trên đời này không có ai tự mình có thể làm được điều lớn khi không có những người quanh ta giúp đỡ. Trong cuộc sống, người ta phải cần nhau như diều và gió”.
 
Sau này, ông tôi qua đời. Nơi ông nằm là cánh đồng ở vùng Dran suốt ngày gió lộng. Mỗi lần về quê chúng tôi đều đến thăm mộ ông, cúi đầu đứng lặng. Có lúc mơ hồ nghe văng vẳng tiếng ông dùng hình ảnh con diều để dạy dỗ chúng tôi về kỹ năng sống cũng như các mối quan hệ xã hội và trách nhiệm với đất nước.
 
Trần Đại