Tiếng trống năm xưa vang mãi đến giờ…

08:09, 08/09/2016

Trong Bảo tàng Xô - Viết Nghệ Tĩnh có một hiện vật khiến cho khách tham quan trong và ngoài nước ai cũng chú ý. Đó là bộ trống của phong trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh. Năm tháng qua đi đã 86 năm, nước thời gian đã phủ màu trên mặt trống, nhưng âm vang của tiếng trống năm ấy vẫn còn vang vọng mãi…

Trong Bảo tàng Xô - Viết Nghệ Tĩnh có một hiện vật khiến cho khách tham quan trong và ngoài nước ai cũng chú ý. Đó là bộ trống của phong trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh. Năm tháng qua đi đã 86 năm, nước thời gian đã phủ màu trên mặt trống, nhưng âm vang của tiếng trống năm ấy vẫn còn vang vọng mãi…
 
Khi đọc lại những vần thơ trong “Bài ca cách mạng”, tôi hình dung ra khí thế biển người với lá cờ đỏ búa liềm, với những vũ khí thô sơ như gậy gộc, giáo mác: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Yên/ Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi”. Có thể nói màu đỏ là màu rạo rực bầu máu nóng của muôn con tim. Màu của nền cờ, màu của máu đỏ đổ xuống trước những loạt đạn của quân thù vẫn không thể ngăn được khí thế bừng bừng của đoàn quân. Ta vẫn còn nghe lời của Bác Hồ kính yêu khi nói về cách mạng Xô- Viết Nghệ Tĩnh: “Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng lớn mạnh xưa nay chưa từng có ở nước ta… Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong biển máu, nhưng Xô - Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam”. Màu đỏ biểu tượng tô thắm ấy đã được đặt tên cho các địa danh: Thành phố Vinh là “Thành phố đỏ”; làng Phù Việt là “làng đỏ”...
 
Trong những ngày ấy ca khúc của người chiến sĩ cách mạng Đình Nhu “Cùng nhau đi Hồng binh” đã thành điệp khúc quân hành như một lời thề tự nguyện: “Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…”. Và vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” được Đoàn Ca múa Trung ương dựng lần đầu năm 1960 mô tả phong trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh vẫn sống mãi trên sấn khấu đến bây giờ. Ngọn lửa ngày ấy tiếp thêm sức mạnh cho ngày hôm nay từ quê hương Xô - Viết, từ mảnh đất nghèo đã vươn dậy với bao đổi thay. Tôi lại nghĩ về hai chữ công nông, về lá cờ búa liềm của những người nông dân áo nâu Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, rồi ngã ba Nghèn Can Lộc… Những người công nhân áo xanh của xóm thợ Trường Thi, của những nhà máy diêm, máy điện Bến Thủy, của tiếng còi tàu xe lửa thành Vinh. Linh khí đất đai, huyết mạch sông núi đã nuôi dưỡng tôi luyện những khí chất tiêu biểu của con người nơi đây kiên gan và thủy chung gắn bó tình làng, nghĩa nước, đồng lòng, đồng chí, đồng tâm. Nếu không thế thì làm sao hàng vạn người kết nối với nhau dài hơn 4 cây số. Ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên kéo về thành phố Vinh với tay không, vũ khí thô sơ. Người trước ngã, người sau đứng lên hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập”. Nếu không thế thì làm sao với tiếng trống thay cho lời hiệu triệu. Tiếng trống mang âm vang của cả tiếng trống đồng thời Hùng Vương. Tiếng trống vang lên từ những tang trống bằng gỗ mít dẻo dai với thân tre ngà vườn quê nhà; và mặt trống làm bằng da trâu thuộc của con vật quen thuộc với nhà nông. Tiếng trống ngũ liên thôi thúc mang cả hào khí Đông A thời Trần trên sóng Bạch Đằng Giang. Tiếng trống là tiếng lòng muôn người như một, nghe như xưa hồn non nước vọng về. Tiếng trống còn là vượng khí tâm linh của những mái đình ngọn đao vút cong trong ngày lễ hội. Và sau này, trong những trận công đồn đánh Pháp, tiếng trống giục giã người chiến sĩ xung kích xông lên. Tiếng trống báo động những ngày nước lũ tràn về cho mọi người tựa lưng vào nhau vươn ngực trần giữ đê, bảo vệ xóm làng. Và trong những ngày này tiếng trống lại thong thả điểm nhịp cho ngày khai trường vào năm học mới với bao sắc màu tươi mới… 
 
Tiếng trống Xô - Viết năm 1930 còn vọng mãi, ngân vang mãi đến bây giờ…
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ