Hai chàng rể

08:11, 05/11/2015

Cô chú tôi sinh được hai người con gái. Đó quả thật là hai thiên thần vừa dịu dàng, xinh xắn và đều rất giỏi giang, ngoan hiền. Hai em học hành chăm chỉ từ tiểu học cho đến trung học phổ thông luôn là học sinh giỏi của Trường Bùi Thị Xuân. Tốt nghiệp đại học, đều có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá cao và lần lượt lấy chồng...

Cô chú tôi sinh được hai người con gái. Đó quả thật là hai thiên thần vừa dịu dàng, xinh xắn và đều rất giỏi giang, ngoan hiền. Hai em học hành chăm chỉ từ tiểu học cho đến trung học phổ thông luôn là học sinh giỏi của Trường Bùi Thị Xuân. Tốt nghiệp đại học, đều có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá cao và lần lượt lấy chồng. Chị lấy chàng kỹ sư cùng làng, em lấy chồng là thương gia có tiếng ở Đà Lạt. Rể út kinh doanh thành đạt, sắm hẳn chiếc Toyota Camry mới cóng. Mỗi khi nhà cô chú nhân có giỗ hay ngày tết, xe lại nghênh ngang chạy vào làng, trước sự vênh vang của ông chú với xóm giềng. Tôi biết chú đang hỷ hả, trước những người đã từng cho ông ngồi chiếu dưới vì chỉ biết sinh toàn “vịt trời”. Nay hết chê bai rồi nhé, nhất là các anh chàng vẫn thường kháy chú “năng lực yếu kém”, chẳng kiếm nổi tý con trai nối dõi.
 
Minh họa: H.T
Minh họa: H.T

Ở cái làng bé xíu của tôi, từ trước đến nay đã có ai sắm được chiếc xe xịn như xe rể út kia đâu. Chiếc Camry bóng loáng, máy chạy cứ êm ru, đứng bên cạnh, nếu không để ý cũng chẳng nghe tiếng nổ. Có lần, nhân nhà có đám giỗ, ông chú bảo con rể: “Hải, mày chở ba ra phố kiếm can rượu”, dù trong làng cũng có người nấu rượu. Thế là ông chễm chệ ngồi trên xe, và yêu cầu rể út hạ kính xe xuống để mọi người có thể thấy ông oai vệ ngồi trên chiếc xe sang trọng. Hình như chiếc xe đã làm tăng “độ oai” của chú trước mọi người. Và có lẽ vì vậy, mà tình cảm của ông đối với Hải đã có phần hơn hẳn rể đầu.
 
Rể đầu tính tình thật thà, ít nói. Anh “mất điểm” hơn Hải chỉ vì không phải là người thành phố, lúc nào cũng ăn mặc bảnh bao, chải chuốt và yếu thế hơn là anh chỉ có cái xe máy cà tàng… Anh là kỹ sư chuyên ngành nuôi cá nước ngọt, ở cách nhà bố mẹ vợ chừng dăm phút đi bộ.
 
Còn nhớ, hồi con gái đầu đi lấy chồng, ông chú đã từng tự hào vì chàng rể này lắm. Nói gì thì nói, nhà tuy nghèo, nhưng cũng là người có chí tiến thủ. Vừa làm việc nhà không ngơi tay nhưng học hành thì năm nào cũng đạt loại giỏi. Làng ngày ấy đang có phong trào nuôi cá nước ngọt. Với vốn kiến thức học được, anh liều mở một trại ươm cá giống cung cấp cho các vùng lân cận. Tiếng lành đồn xa, người dân ở các nơi xa như Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lộc… tìm đến mua cá giống. Lúc này ông chú đi đâu cũng khoe khoang: “Cảnh, con rể tao là kỹ sư giỏi nhất vùng này”. Nhưng đến khi cô út đưa người yêu cùng đi xe hơi về ra mắt thì chú cho Cảnh ra rìa.
 
Đúng như các cụ đã từng đúc kết: “Xa thơm, gần thối”. Điều này vận đúng vào hai chàng rể của chú tôi. Hải ở mãi trên Đà Lạt, cho nên ít phải va chạm với bố vợ, mỗi khi về thăm lại quà cáp, biếu xén khắp họ hàng, khiến chú nở mặt, nở mày. Còn Cảnh làm ăn tại làng, mỗi khi xảy ra chuyện khúc mắc gì giữa anh với người làng thì họ lại đến gặp ông để phàn nàn, kể lể đủ điều. Điều đó làm cho ông nảy sinh những điều không hài lòng và càng để ý, xét nét nhiều đến rể đầu: “Kỹ sư gì mà quần cứ ống thấp, ống cao, mặt mũi lấm lem như nông dân. Suốt ngày quần quật với các cá mú”. Đã có lần chú phàn nàn với tôi là Cảnh còn chê ông hút thuốc lào hôi hám cả nhà. Anh từng thẳng thắn khuyên: “Bố hút thuốc dễ mắc nhiều bệnh tật nguy hiểm lắm đấy”. Lời khuyên chân tình đã làm chú khó chịu thực sự. Trong khi đó thì Hải, chẳng những không một lời can mà còn mua hẳn cho ông một kg thuốc lào hảo hạng hiệu Tiên Lãng. Ông nức nở: “Thằng này có quý và quan tâm nên mới biết sở thích của mình là gì. Chẳng như thằng Cảnh, hễ cứ nhìn thấy bố vợ là cứ lải nhải về sự nguy hiểm của việc hút thuốc. Nghe mà nhức cả đầu”.
 
Bỗng một hôm ông chú xồng xộc sang nhà tôi ca cẩm: “Cái thằng Cảnh, không biết làm ăn thế nào mà đợt vừa rồi bán cá giống người ta về nuôi bị chết hàng loạt. Họ sang nhà tao mắng vốn, không ra làm sao cả. Tao góp ý với nó, thì nó còn đổ lỗi cho người ta là đã được hướng dẫn phương pháp nuôi và chăm sóc, nhưng nào có ai chịu nghe đâu. Thôi, tao từ quách nó đi cho rảnh nợ”…
 
Càng nói mặt chú càng đỏ, vội lôi chai rượu trong tủ, rót một chén đầy, ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Tôi biết là ông bực mình lắm.
 
Một lần khác, vừa về đến nhà tôi đã bị bà cô túm lấy nhờ can thiệp chuyện mâu thuẫn giữa Cảnh và ông chú. Chả là bà bị thấp khớp, chân sưng tấy. Cảnh không biết kiếm đâu được hộp thuốc đặc trị thấp khớp của Mỹ, nghe cũng thuộc vào loại quý hiếm lắm. Khi bà cô đem ra xoa bóp, ông chú liền chất vấn. Sau khi biết là quà của Cảnh, ông bắt bà phải đem trả, rồi vội vàng tìm mua mấy gói thuốc nam của thầy lang trong làng đem về sắc cho uống. Chưa thấy kết quả gì thì đầu gối cô lại sưng vù thêm. Cảnh đến nhà, biết chuyện anh trách bố vợ quá tin vào lang băm, cho bà uống thuốc vớ vẩn. Chẳng ngờ ông vừa từ nhà sau lên, biết chuyện, nổi khùng đuổi Cảnh ra khỏi nhà. Ông giận dữ quát: “Nhà này, đất này, bỏ rẻ đi cũng được vài, ba tỷ. Tao sẽ di chúc hết cho thằng Hải. Nên nhớ là chẳng có tý gì cho vợ chồng mày đâu”. Cảnh đã quá quen với tính cách của bố vợ, chỉ cười, rồi rút êm về nhà.
 
Ai cũng nghĩ rằng, giận thì nói thế thôi, chứ ông lại quên ngay thôi mà. Thế nhưng ngày hôm sau, ông tức thì lập di chúc, mời người làm chứng và đến ủy ban đóng dấu đàng hoàng. Gặp Cảnh, tôi hỏi: “Sao có chuyện kỳ lạ thế !”. Anh chỉ thở dài và nói: “Chẳng hiểu sao ba ngày càng ghét em. Mà em có làm gì quá đáng đâu, ngoài mong muốn cho ba, mẹ ngày càng khỏe mạnh. Thằng con em bị hen phế quản, nó hay sang nhà ngoại chơi, cứ hít phải khói thuốc lào thì y như rằng, đêm đó cứ ho sù sụ. Góp ý thì ông bảo là rủa cho ông chết sớm. Và rồi ông cứ suốt ngày lấy cậu Hải làm gương cho em. Thế nhưng anh thấy đấy, hễ nhà có việc, dù lớn hay nhỏ thì toàn là em gánh vác, chứ nó ở xa thì giúp được gì!”.
 
Cảnh nói đúng. Ông chú đã bị cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của Hải làm cho ông choáng ngợp. Mỗi lần vợ chồng về ngoại thì tiếp như khách quý, nhiều khi cô chú tôi còn phải thu dọn hành lý hộ. Thậm chí có lần ông ra tay kỳ cọ đôi dép nhựa thật sạch để Hải tháo giầy ra có cái sử dụng. 
 
Rồi gia đình chú tôi xảy ra chuyện. Bà cô chân yếu bị trượt té ngay bờ giếng, đầu đập vào chậu cây cảnh. Đứa cháu ngoại thấy bà nằm im thì sợ quá, la toáng lên, vội chạy ra ao cá giống gọi ba về. Cảnh chạy về thấy bố vợ và bà con hàng xóm đã có mặt. Anh vội lấy xe máy nhờ người giữ để đưa bà đi cấp cứu, nhưng ông chú ngăn lại, bảo rằng đã gọi điện thoại cho Hải và nó bảo nếu không chảy máu thì không sao, cứ xoa đầu rồi để bà nghỉ một chút, giải quyết xong công việc là nó sẽ đánh xe về chở bà vào viện chuyên khoa ở Sài Gòn. Nó còn bảo ở đó có cái máy “công cộng” (Máy cộng hưởng từ - MRI) gì đó hiện đại lắm. Vì thế phải đợi thằng Hải về đưa mẹ nó bằng ô tô”.
 
Rồi chú cứ bắt mọi người ngồi đợi Hải trong sự suốt ruột. Thỉnh thoảng ông lại lấy điện thoại ra gọi: “Con đến đâu rồi? Thế à! Vẫn chưa xong việc, chưa đi được à?”. Mãi đến khi thấy mặt cô tôi sưng to như bị phù, rồi nôn ói ra cả áo quần, mọi người nói mãi, ông mới đồng ý cho Cảnh và một người nữa ngồi kẹp giữ bà lên bệnh viện huyện cấp cứu.
 
Bác sĩ khám và quyết định chuyển bà lên tuyến trên bằng xe cấp cứu. Sau khi hội chẩn, họ đã phẫu thuật sọ não cho kịp hút máu tụ và cho biết chỉ chậm chút nữa thì bà không qua khỏi. Ông chú, hết đứng lại ngồi, vừa lo lắng cho bà, vừa bực tức Hải bởi cho đến lúc này chẳng thấy tăm hơi. Ngày sau, cậu ta mới cùng chiếc xe bóng loáng, chạy thẳng vào viện thăm mẹ. Với tác phong rất Tây, Hải đặt bó hoa rất đẹp ngay đầu giường, khi mà trên người mẹ vợ chằng chịt những dây là dây. Anh thanh minh rằng có công việc đột xuất cực kỳ quan trọng với “Sếp” nên không thể về ngay được.
 
Trong tâm trạng vẫn chưa hết bực bội, ông chú hằm hằm tiến đến cầm bó hoa và kéo tôi ra ngoài hành lang trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông ném toẹt bó hoa vào thùng rác rồi nói khẽ, chậm rãi và giọng điệu dứt khoát với tôi: “Tao nghĩ lại rồi cháu ạ. Khi nào cô mày ra viện, tao sẽ lập lại bản di chúc khác. Mấy lâu nay, tao cứ bị cái vẻ hào nhoáng bên ngoài đánh lừa. Đúng là: “Thức lâu mới biết đêm dài”, ông cha bảo thế mà đến tận hôm nay tao mới hiểu”.
 
Ngoài kia, trên những ngọn thông cổ thụ, gió vẫn cứ đuổi nhau hoài không nghỉ và phía xa nơi chân trời đằng đông, màu hồng đang hừng sáng. Một ngày mới đang bắt đầu.
 
Truyện ngắn: HOÀNG KIM NGỌC