Ly trà atisô

09:01, 28/01/2016

Quán cà phê của gia đình tôi nằm gần giữa con hẻm phố, hơn 20 năm nay thường đông khách. Khách đến đa số là người quen, có độ tuổi cỡ 50 trở lên. Họ không thích chỗ ồn ào, chỗ mở nhạc to hoặc những bản nhạc rốc, pốp bốc lửa, chỉ thích những bản nhạc êm dịu nhưng vặn nhỏ vô lim. 

Quán cà phê của gia đình tôi nằm gần giữa con hẻm phố, hơn 20 năm nay thường đông khách. Khách đến đa số là người quen, có độ tuổi cỡ 50 trở lên. Họ không thích chỗ ồn ào, chỗ mở nhạc to hoặc những bản nhạc rốc, pốp bốc lửa, chỉ thích những bản nhạc êm dịu nhưng vặn nhỏ vô lim. 
 
… Ba tuần nay có một người khách lạ. Mới đầu, tôi không để ý đến ông, nhưng rồi một ngày hai lần, ông đều đến vào lúc 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Khách lạ chỉ ngồi đúng cái bàn ở cạnh cửa sổ mà ông đã chọn. Lý do thứ hai để tôi để ý đến ông là ông chỉ uống Atisô, pha chút đường. Thứ ba là ông mặc sắc phục công an đã cũ, không có phù hiệu. Áo lúc là ngắn tay lúc dài tay, ông ngồi một mình, không nói chuyện với ai. Mắt nhìn ra xa, chỉ nhìn một hướng về phía đông, nơi ngôi nhà gia đình tôi ở, cách quán cà phê một khoảng sân khá rộng. Thỉnh thoảng thấy miệng ông mấp máy như muốn nói điều gì.
 

Đà Lạt đang vào cuối mùa mưa, thỉnh thoảng vẫn có mưa to vào 5 giờ chiều hoặc 9 hay 10 giờ sáng. Dù mưa to hay nhỏ, ông vẫn đến, như cái đồng hồ chạy đúng, không chậm một giây.
 
Một hôm, khách đã vãn, tôi đến bên ông khẽ hỏi bác không uống được cà phê hay sao. Ông thở dài lắc đầu, không trả lời. Thấy vậy, tôi không hỏi nữa. Một lát sau, ông hỏi tôi: - Xin lỗi chị cho tôi hỏi một chút được không? 
 
- Được ạ!
 
- Quán cà phê này, gia đình chị thuê lại hay mua đất của người ta. 
 
Tôi trả lời của bố mẹ nhượng lại. Ông hỏi tiếp chắc là các cụ của nhà ta mua của chủ khác.
 
- Vâng đúng thế! Sao bác lại phỏng đoán như vậy?
 
Ông thở dài một lát rồi nói chuyện là thế này chị ạ… Vào tháng 3 năm 1971, chàng trai trẻ có tên là Thành, sau khi được đào tạo trong ngành an ninh, anh tình nguyện cùng các bạn đồng môn vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Đến nơi, anh được phân công làm việc ở Ban An ninh Khu VI. Giữa năm 1972, tổ chức cử anh vào Đà Lạt theo dõi phong trào học sinh, sinh viên.
 
Lần đầu tiên vào Đà Lạt, Thành ngỡ ngàng suýt kêu to trời ơi đẹp quá, cứ như là thiên đường ở trần gian: bạt ngàn những thông là thông. Thấp thoáng những khu biệt thự nằm dưới đồi thông. Đứng trên cao nhìn xuống thấy những ngôi biệt thự như bông hoa đẹp nổi giữa ngàn thông xanh thẫm. Và mây, mây như ngủ quên trên mặt hồ Xuân Hương, dưới các thung lũng rồi giật mình tản đi khi bình minh lên để rồi 5 giờ chiều lại rủ nhau về nhởn nhơ trên mặt hồ và dưới các thung lũng. Những buổi chiều nắng đẹp, ngồi dưới đồi thông, cứ như gió làm cho ngàn thông reo lên bản nhạc du dương mà chỉ ở Tây Nguyên đại ngàn mới có ở Đà Lạt. Và hoa, sao mà nhiều vậy. Đường phố nào cũng có hoa. Đủ loại hoa. Ngoài Bắc không nơi nào nhiều hoa như vậy.
 
Thành vào ở nhà một cơ sở của ta. Đó là ngôi nhà gỗ khá rộng rãi nằm khiêm nhường bên con đường nhỏ. Khuôn viên nhà có đến ba ngàn mét vuông. Thành đến, người của cơ sở kiểm tra mật khẩu, thấy đúng, họ ôm lấy nhau. Chủ nhà là hai ông bà gần 60, tên thường gọi là ông bà Sáu. Ông Sáu làm nghề đánh xe ngựa đưa du khách thăm những thắng cảnh như: Hồ Than Thở với Thung lũng Tình Yêu, rồi thác Cam Ly và một số chùa chiền. Thành được ông đánh xe ngựa đi thăm phố phường, anh luôn miệng khen Đà Lạt đẹp quá. Ông bà thân thiện gọi anh là con nuôi.
 
Ông kể ông quê gốc Hà Đông. Năm 1938, bố mẹ cùng hơn chục gia đình ngoài ấy vào Đà Lạt khai phá đất trồng hoa, trồng rau, lúc ấy ông mới 14 tuổi. Sau thêm người đến ở, lập nên ấp Hà Đông. Ông bà có 2 con, 1 trai, 1 gái. Mãi đến 30 tuổi ông mới lấy vợ nên thằng cả năm nay mới 27 tuổi, con em nó 24 tuổi, cả hai đều “nhảy núi” vô quân giải phóng. Chuyện nó đi giải phóng như một vở kịch được dàn dựng do chính ông làm đạo diễn. Ông lên gặp trưởng ấp xin cho con đi lính ông Thiệu, nhưng trước đó, ông đã báo tổ chức tỷ mỷ kế hoạch cho con vào lính, sau đó thì đào ngũ bằng việc khi ra trận lần đầu, tìm cách bỏ trốn về với cách mạng. Chuyện con em vào núi cũng ngoạn mục lắm, Thành à! - ông Sáu tâm sự tiếp: - Ba năm trước, chú tổ chức đám cưới giả cho nó. Chú rể cũng là người của ta, người ở Di Linh. Đồng chí này nhận lời đóng giả. Cứ như thật. Thuận lợi lắm, vì gia đình ấy cũng là cách mạng. “Cưới” xong, là nó vô cứ luôn.
 
Bố, mẹ ông Sáu sinh những 7 người con, 2 trai, 5 gái, trên là 5 chị gái, sau đến người anh, ông là út. Anh trai của ông hy sinh năm 1950, ông ấy vào vệ quốc đoàn lúc đó 34 tuổi, lúc hy sinh là 38 tuổi, hai con gái, một con trai của ông ấy cũng đang hoạt động cách mạng ở mạn Bình Thuận.
 
Ông Sáu không nói việc chính của mình là gì trong tổ chức cách mạng ở Đà Lạt, ông chỉ nói là cơ sở bình thường, nhiệm vụ giúp cán bộ cách mạng từ ngoài này vào nội thành, thế thôi. Thành cũng không hỏi thêm gì ở ông. Nhưng có một điều anh thắc mắc trong lòng là, ông đánh xe ngựa nhưng ít làm việc này mà chủ yếu là ở nhà làm vườn. Hơn một vạn mét vuông vườn, có đến hai phần ba diện tích ấy ông trồng Atisô. Ngày đầu tiên Thành đến, ông đãi Thành món hoa Atisô hầm xương heo. Lần đầu tiên anh được ăn một bữa đặc biệt, ông nói đây là một trong những đặc sản của Đà Lạt. Sau bữa ăn, ông cho uống nước trà hoa Atisô. Ông cũng giải thích cặn kẽ cách trồng loại cây dược liệu có nguồn gốc từ Pháp sang; thu hoạch ra sao, sản xuất trà Atisô như thế nào. 
 
... Thành dần nghiền Atisô, từ nước uống đến xương heo hầm với hoa của nó. Ông Sáu nói thằng Thành là người của Đà Lạt rồi. Một tuần lễ tôi bỏ ra một ngày giúp ông. Mãi sau này tôi mới biết sau mỗi mùa thu hoạch, ông Sáu dành phần lớn số tiền thu nhập để gửi ra R. 
 
Sau hơn một năm, Thành được cấp trên gọi về cứ, tăng cường cho nơi khác. Ngày chia tay, bà Sáu, mẹ nuôi Thành khóc, cố nhét vào tay tôi mấy chục bạc, dặn hết giặc nhớ về với ba mẹ. Ba Sáu nói để cho nó đi, nước mắt khác gì cái sợi dây giữ người. Đi thôi con… Ông ôm Thành thật chặt một lát, bàn tay vỗ vào vai anh dặn đi mạnh giỏi nha con.
 
Tạm biệt Đà Lạt, thành phố sương mù, thành phố đẹp như tranh cổ tích, mà năm qua Thành đã thuộc từng ngõ ngách. Thành tự hứa với lòng mình khi hết giặc sẽ về Đà Lạt lập nghiệp nhưng những trận đánh, những miền quê lôi cuốn anh và đồng đội cho đến đại thắng mùa Xuân 1975. Rồi lại biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bao nhiêu việc người chiến sỹ, cán bộ an ninh phải làm. Dẫu canh cánh trong lòng về ba, mẹ nuôi ở trong Nam mà Thành không thể nào liên lạc được, mặc dù đã viết 20 lá thư nhưng không có hồi âm. Một vài thư trả lại có dấu Bưu điện “Không có người nhận, hoàn trả lại”. Anh nhớ mãi lời ông bà Sáu: Con gái ba đẹp người, ngoan nết. Hòa bình rồi nếu gặp nhau, mày ưng nó, thì làm rể tao, nghe con.
 
Thành nhẩm tính, từ năm ấy đến nay đã hơn chục năm, cô gái con ba Sáu cũng ngoài 30, có chờ được mình không, mà sao chờ được khi không có tin đi tin lại? Thành lấy vợ là nữ thanh niên xung phong Trường Sơn, lúc thành vợ chồng vào năm 1984, cô ấy cũng đã 30 tuổi. Vợ chồng Thành có 2 con, con đầu theo ngành công an như bố, con thứ hai dạy học. Nhưng số Thành vất vả, khi vợ sinh con gái, được một tuần lễ không hiểu bị bệnh gì mà chán ăn, thèm ngủ, sữa không có cho con bú, đồng lương của Thành chia cho 4 người trong nhà còn thiếu. Trong cơ quan, người cho 2 hào, người cho một đồng, người cho bát gạo và cũng may, con bé thật ngoan, uống nước cháo loãng với tí muối, tí mì chính mà vẫn lớn, không bệnh tật gì. Chỉ khổ cho vợ ông, hơn một chục năm đau bệnh rồi ra đi, không thấy được các con trưởng thành. 
 
Con gái lúc lớn lên, nghe bố kể chuyện về Đà Lạt, nó thích quá, xin bố cho thi sư phạm Đà Lạt. Ông Thành đồng ý với điều kiện phải tìm bằng được ông bà Sáu. Thật không may, khi nó tìm đến địa chỉ ấy, người ta nói đây là nhà của một viên đại úy ngụy quyền, đã có chủ khác ở. Ông viết thư bảo nó tìm đến Sở LĐ-TB &XH hỏi thăm thì…
 
… Thành rút vào căn cứ 3 ngày, có một tốp cảnh sát nguỵ đến bắt ông bà Sáu. Chúng tra tấn bắt hai người khai ra đường dây cách mạng, tổ chức cách mạng ở thành phố này mà ông là một trong những người cầm đầu. Chúng vặn vẹo hỏi thằng thanh niên Bắc kỳ hay ra vào nhà một năm nay, nó đi đâu rồi. Tất nhiên chúng không mọi được gì nên đã lén đem thủ tiêu ông bà Sáu. Nguyên cớ bọn chúng sát hại ông bà chỉ đơn giản là trong ấp này cũng có một người trồng rau. Người này có tính đố kỵ, thấy nhà bên rau quả tốt tươi, đắt hàng gấp bội nhà mình thì ghen ghét...
 
... Và rồi sự hiềm khích biến thành tội ác chỉ trong khoảnh khắc mong manh như sợi khói thuốc lá. Ông bà Sáu bị bắt, chính gã chứ không ai khác đã tàn phá mấy héc ta Atisô sắp thu hoạch của ông bà. 
 
… Ông bà Sáu ra đi, không kịp biết tin đau đớn trong đời đó là cả hai con của mình đã hy sinh trong những ngày quân ta tổng tấn công mùa Xuân 1975. Ông bà không được chứng kiến kẻ tiểu nhân ác tâm hàng xóm đã bị cách mạng tử hình…
 
… Đọc thư con gái kể, ông Thành ứa nước mắt, thầm hứa sẽ phải đi Đà Lạt. Nhưng rồi cứ lấn bấn vì trông cháu nội nên mấy lần định đi lại dừng. Con gái ông học xong, xin dạy ngay ở Đà Lạt, chồng nó cũng là người ngoài Bắc, làm việc ở công an thành phố. Thời gian trôi, khi cháu ngoại thứ hai 5 tuổi, ông mới vào Đà Lạt. Đà Lạt bây giờ nhộn nhip gấp trăm lần bốn mươi năm trước. Hoa cũng nhiều gấp bội…
 
… Ông cùng con gái và con rể đến nghĩa trang thành phố, tìm đến hai ngôi mộ có tên là Trương Văn Thật và Lê Thị Hiên nằm song song cạnh nhau. Ông hiểu đây chỉ là mộ gió, bởi ông bà đã bị chúng thủ tiêu. Ngày ấy, tổ chức có phân công người đi tìm nhưng không thấy. 
 
- Thế đấy chuyện là vậy. Giờ thì chị hiểu vì sao tôi không uống cà phê chứ ạ?
 
Giật mình khi ông hỏi câu ấy, bởi tôi đang nghĩ đến chuyện ông kể, trong lòng dâng lên nỗi niềm khó tả. Lứa tuổi tôi sinh sau 1975, không chứng kiến được những hy sinh mất mát của đồng bào mình. Câu chuyện của ông Thành đã làm tôi nghĩ ngợi. Đất nhà tôi đang ở bây giờ đã thấm máu của người đi trước. Chính vậy mình phải sống tốt hơn, trong buôn bán kinh doanh đừng nhỏ nhen và đố kị!
 
- Lần uống Atisô này, tôi chào chị, mai tôi ra Bắc rồi. 
 
Tôi thẫn thờ hỏi lại mai bác ra Bắc à và kèm theo tiếng thở dài. Ông nói ừ, mai tôi phải ra rồi.
 
Ông Thành đi ra ngõ, tôi đi ra và nhìn theo cho đến lúc ông khuất sau góc khuất của con đường. Mưa chợt tạnh. Nắng hừng lên, hồng hào cả một khoảng trời Đà Lạt. Mùa xuân đang đến!
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG