Đồng đội

09:02, 03/02/2016

Dạo này Nguyễn Kỵ, Giám đốc Công ty chế biến gỗ gia dụng - ván ép thường ngồi trầm ngâm, dáng suy tư và luôn đốt thuốc lá, điếu nọ nối điếu kia, khói thuốc lan tỏa, bay lơ lửng khắp căn phòng, mùi thuốc lá nồng nặc.

Dạo này Nguyễn Kỵ, Giám đốc Công ty chế biến gỗ gia dụng - ván ép thường ngồi trầm ngâm, dáng suy tư và luôn đốt thuốc lá, điếu nọ nối điếu kia, khói thuốc lan tỏa, bay lơ lửng khắp căn phòng, mùi thuốc lá nồng nặc.
 
Thùy biết công ty của chồng đang gặp trắc trở, khó khăn nhưng cô không thể và chưa nghĩ ra được cách gì để giúp Nguyễn Kỵ tháo gỡ.
 
Kỵ, cũng qua thông tin mạng biết rằng, đâu đó trên thế giới đang diễn ra khủng hoảng kinh tế - tài chính, giá dầu thô đang giảm xuống mức thấp nhất. Anh nghĩ, cơn bão táp ấy còn lâu mới đẩy được “giông tố” đến nước mình, đến công ty của Kỵ. Không ngờ nó ập đến nhanh như cơn lũ quét hung dữ cuốn phăng đi tất cả. Sáu tháng nay, công ty không hoạt động vì thiếu vốn. Nhìn dàn máy móc phủ đầy bụi, bán thành phẩm nằm chỏng chơ, công nhân phải hưởng 70% lương chờ việc mà lòng đau như xát muối. Kỵ vò đầu, bứt tai vì không biết xoay xở thế nào đây!
 
Nếu không có vốn ắt sẽ phải sản xuất cầm chừng, chờ qua cơn giông bão kinh tế suy thoái, hoặc đóng cửa công ty. Cứ nghĩ đến đó là Kỵ lại thấy chết điếng, cay đắng quá. Công ty có đến năm bảy chục công nhân đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ việc. Cuộc sống mọi người dựa vào đồng lương, dựa vào công ty. Cuộc sống và gia đình họ rồi sẽ ra sao? Vả lại, các hợp đồng đã đến hạn giao hàng, không giao hàng đúng theo hợp đồng sẽ phải đền bù, lấy đâu ra tiền. Để hoàn thành các hợp đồng ấy phải nhập thêm phụ liệu, nhưng… vốn? Từ “vốn” luôn nhảy múa trong đầu, nó khiến anh ăn ngủ không yên.
 
Minh họa: P.NHÂN
Minh họa: P.NHÂN

Có lúc Kỵ định mạo hiểm vay nóng với lãi suất cao, nhưng Thùy nhất quyết can ngăn:
 
- Vay nóng, vay ở “xã hội đen” là tự sát. Có thể dẫn đến mất cơ nghiệp, khuynh gia bại sản và có khi nguy hiểm đến tính mạng.
 
- Không chấp nhận vay nóng thì ngồi mà nhìn cơ ngơi phá sản, trắng tay à? Hơn nữa còn cán bộ, công nhân viên, anh em đã cùng đói no, vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi là một cựu chiến binh. Giờ, họ dựa vào mình… 
 
Hai vợ chồng tranh luận gay gắt, gần như cãi vã to tiếng… Bỗng có tiếng chuông điện thoại, Kỵ nhấc ống nghe:
 
- A-lô! Tôi, Kỵ đây! Vâng! Tôi đang nghe.
 
- Ồ! Xin chào ông! Bệnh hả? Sao nghe tiếng yếu thế?
 
- Đau ốm quái gì. Tôi đang “đau vốn”. Nếu không xoay được vốn, có lẽ ốm thật, chết nữa là đằng khác.
 
- Gì mà bi quan quá vậy. Tôi gọi điện cho ông cũng chính là vì vấn đề ấy. Chỗ bạn bè từng đứng chung một chiến hào mà. Thôi! Ông đến chỗ tôi đi. Ta trao đổi. Nói trên điện thoại sợ không hết ý.
 
- Ôi! Cảm ơn! Cảm ơn anh!
 
Kỵ như người sắp chết đuối vớ được cọc, liền đánh xe đi ngay. Đặt tách trà xuống bàn, ông bạn kia mới chậm rãi:
 
- Khó khăn của công ty ông, tôi cũng đã biết. Ông có quen ai trên tỉnh không?
 
- Quen thì nhiều nhưng việc này sợ các anh ấy chẳng giúp được gì.
 
- Thế này nhé! Nhân có các anh bên truyền thông kết hợp với Hội Khuyến công và Ngân hàng tỉnh xuống công tác tại huyện ta để nắm tình hình “làm ăn” của các xí nghiệp nhỏ và vừa. Ông đến đặt vấn đề, mình sẽ nói thêm, nhờ các anh ấy đưa tin, nói cho một tiếng những khó khăn hiện nay của đơn vị. Truyền thông nói cho một tiếng bằng vạn lời của mình. Không biết chừng “ông khuyến công” còn “mở lượng hải hà”, ra tay giúp cậu cứu công ty đấy.
 
- Hay! Hay! Tôi hiểu! Cảm ơn gợi ý của anh! - Kỵ vội quay xe về trao đổi với Thùy.
 
Nghe chồng kể chuyện, Thùy vui vì có thể đó là lối thoát cho công ty hiện nay:
 
- Có thể lắm. Nghe đâu Hội Khuyến công đã hỗ trợ cho nhiều đơn vị sản xuất nhỏ và vừa rồi đấy. Nhờ đó, các xí nghiệp ấy có điều kiện “ăn nên làm ra”. Có bệnh thì vái tứ phương thôi.
 
- Chuyến này, em gắng giúp anh. Trước kia em từng là cán bộ trên tỉnh, quen biết nhiều. Với lại phụ nữ vốn tinh tế, dịu dàng, khéo léo trong giao tiếp.
 
- Anh đừng khéo nịnh. Thôi được, của chồng công vợ đi đâu mà thiệt. Được hay không chưa biết. Nếu thất bại anh đừng có trách em đấy!
 
- Đâu có! Đâu có! Công ty phá sản thì vợ chồng mình cũng trắng tay. Bố mẹ hai bên giờ xem chừng chẳng giúp được gì.
 
… Thùy lên tỉnh. Có tiếng gõ cửa.
 
- Mời vào! Ồ! Chào chị! Mời chị ngồi ! Chị đi công tác, tiện thể ghé thăm hay có việc gì? Anh Kỵ vẫn khỏe chứ, đã lâu không gặp đồng đội chiến trường Tây Nguyên! Chị uống nước!
 
- Anh Kỵ nhà tôi chẳng đau ốm gì nhưng kẹt đủ chuyện trong làm ăn nên em đi thay. Với lại, chẳng cần trình bày, chắc anh đã biết cả rồi. Trong đoàn cán bộ tỉnh xuống làm việc tại huyện em hôm ấy có cả anh cùng tham gia mà.
 
- Đúng là tôi có tham gia đoàn công tác. Quyết việc gì là do các anh ấy nhưng chị cứ nói lại tôi nghe thử xem có thể giúp được gì không.
 
Thùy lục túi xách, nâng tập hồ sơ trân trọng đưa cho ông bạn. Sau khi xem xét hồ sơ, ông nói:
 
- Như vậy là công ty đang gặp khó khăn, nhưng tình hình tài chính được “bạch hóa” rõ ràng. Đầu ra sản phẩm đã có, nghĩa là đã có thị trường, có các hợp đồng xuất hàng. Công ty tạo công ăn việc làm cho 50-70 lao động tại chỗ. Khá đấy, chưa kể số hộ liên kết trồng rừng kinh doanh. Chúng tôi có thể giúp. Nhưng, trong vòng hai năm công ty phải hoàn vốn. Lãi xuất vay ưu đãi theo quy định của nhà nước. Ý tôi như thế, liệu anh chị có chấp nhận được không?
 
- Được các anh hỗ trợ như thế là tốt quá rồi. Chúng tôi xin hứa thực hiện đúng cam kết.
 
- Chị cứ về bàn kỹ lại với anh Kỵ, liệu cơm gắp mắm. Đừng phát triển “quá nóng”. Mình phải xem chừng cái “thằng thị trường”.
 
Được sự hỗ trợ của khuyến công tỉnh, công ty gỗ gia dụng, ván ép của vợ chồng Nguyễn Kỵ hồi sinh. Tiếng máy, tiếng cưa xẻ gỗ, tiếng xe hàng ra vào cứ rộn ràng... Công ty thật sự đang sống lại.
 
Chỉ sau vài tháng nhận được vốn vay, công ty của Kỵ đã xuất được vài ba “công”. Đồng tiền đã chu chuyển, sinh sôi, mang lại niềm vui và lòng tin cho toàn thể công ty. Anh em vui mừng vì lại có công ăn việc làm, có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, còn dành dụm được chút ít. Tết Nguyên đán cũng sắp đến rồi, biết bao thứ phải lo toan, mua sắm, nhất là phải lo cho đám trẻ. “Khuyến công” giúp công ty nhưng chính là đã cứu anh chị em lao động vượt qua được khó khăn.
 
Tối hôm ấy vợ chồng Thùy - Kỵ ngồi bên mép giường trao đổi công việc trong ngày. Hướng ánh mắt trìu mến về phía chồng, Thùy nhỏ nhẹ:
 
- Công ty đã vượt qua được khó khăn, đang làm ăn thuận lợi. Giờ thì anh thưởng cho em cái gì nào? Anh còn nhớ lời hứa với em chứ? 
 
- Em đã có công lớn trình bày khó khăn của công ty để các anh ấy thông cảm, giúp đỡ. Em muốn anh thưởng gì nào?
 
- Một chuyến du lịch, đi Thái hay Singapore…
 
- Cái đó không khó khăn gì. Em hãy đợi đến kỳ nghỉ Tết Bính Thân có nhiều ngày nghỉ. Có thể tổ chức cho cả nhà cùng đi. Anh còn phải lo tết cho người lao động. Anh em đã làm việc hết mình vì công ty.
 
- Vẫn còn một việc nữa.
 
- Việc gì thế, em?
 
- Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn. Anh không quên “đồng đội” đấy chứ?
 
- Công ty được hồi sinh là do cố gắng của tập thể công ty và, một phần quan trọng là do các anh ấy tạo điều kiện, giúp đỡ. Anh vẫn nhớ mà.
 
Tết Bính Thân này tổng kết công việc sản xuất - kinh doanh, Công ty gỗ gia dụng, ván ép sẽ tổ chức rôm rả. Anh em hớn hở, vui mừng ra mặt. Khách đến chúc mừng đông vui. Những lẵng hoa tươi, những lời chúc tụng…
 
Trời sắp sang xuân. Cây cối đâm chồi nẩy lộc.
 
Một mùa xuân mới lại về trên cao nguyên Langbian, trên thành phố ngàn hoa, thành phố của tình yêu và hy vọng.
 
Truyện ngắn: Nguyễn Tùng Châu