Hồi sinh từ chuyển giao kỹ thuật cao

DIỆU HIỀN 02:39, 18/01/2023

Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng mở rộng hợp tác với các bệnh viện tuyến trên chuyển giao khoa học - kỹ thuật hàng năm để từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật cao tiên tiến, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. 

Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và BVĐK Lâm Đồng ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch
Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và BVĐK Lâm Đồng ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch

TRIỂN KHAI KỸ THUẬT TIM PHỔI NHÂN TẠO 

Đầu tháng 11/2022, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng Lê Văn Tiến cho biết, Bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật ECMO - tim phổi nhân tạo do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao giúp cứu sống một bệnh nhân 17 tuổi bị dập phổi nặng. Đây là kỹ thuật cao lần đầu tiên thực hiện thành công tại BVĐK Lâm Đồng. Kỹ thuật tim phổi nhân tạo - ECMO là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. 

Bệnh nhân T.X.V. (nam, 17 tuổi, ở Đức Trọng) được đưa vào BVĐK Lâm Đồng trong tình trạng lơ mơ, đa xây xát, dập phổi và được chuyển Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Theo dõi sau vài giờ nhập viện, bệnh nhân diễn tiến nặng dần, khó thở nhiều, được xử trí đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân vẫn không cải thiện dù được điều trị nội khoa tích cực và được cài máy thở hỗ trợ tối đa.

Bác sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã hội chẩn với bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh để xin ý kiến về chỉ định áp dụng kỹ thuật ECMO. Một ekip của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến ngay BVĐK Lâm Đồng để triển khai chuyển giao kỹ thuật ECMO cho các bác sĩ BVĐK tỉnh thực hiện để cứu sống bệnh nhân nguy kịch này. Lúc 23 giờ đêm 23/10, các bác sĩ của 2 bệnh viện đã thực hiện chạy ECMO cho bệnh nhân. Qua 10 ngày nhập viện, trong đó có 4 ngày thực hiện kỹ thuật ECMO, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Sau khi điều trị, bệnh nhân không còn mệt, khó thở, không cần hỗ trợ thở oxy, có thể tự ăn uống, vận động.

Ê kip thực hiện kỹ thuật Khảo sát và triệt đốt rối loạn nhịp bằng năng lượng tần số radio tại BVĐK Lâm Đồng
Ê kip thực hiện kỹ thuật Khảo sát và triệt đốt rối loạn nhịp bằng năng lượng tần số radio tại BVĐK Lâm Đồng

THAY KHỚP GỐI NHÂN TẠO 

Cuối tháng 11/2022, ca đầu tiên thay khớp gối nhân tạo được thực hiện thành công tại BVĐK Lâm Đồng cho một bệnh nhân cao tuổi. Kỹ thuật thay khớp gối nhân tạo do Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh chuyển giao cho các bác sĩ tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Lâm Đồng trong chương trình hợp tác hỗ trợ chuyên môn. Các bác sĩ đã phẫu thuật cho một trường hợp có chẩn đoán thoái hóa khớp gối 2 bên bằng phương pháp phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Bệnh nhân nữ (74 tuổi, ở Đà Lạt) trước đó nhập viện vì sưng đau khớp gối 2 bên đi lại khó khăn, sau khi thăm khám, hội chẩn với Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân đã được chỉ định thay khớp gối nhân tạo.

 Đây là kỹ thuật mới được đội ngũ bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh chuyển giao cho BVĐK Lâm Đồng. Kỹ thuật thay khớp gối nhân tạo được đánh giá là phương pháp điều trị có hiệu quả cao để thay thế khớp gối bị hư hại, bị bào mòn bởi các bệnh lý về xương khớp gối thường gặp như viêm khớp hay thoái hóa khớp. Phương pháp này được xem là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân bị hư hại khớp nặng mà trong quá trình điều trị không có tiến triển. Việc áp dụng kỹ thuật mới này tại BVĐK Lâm Đồng, giúp cho các bệnh nhân bị bệnh lý về khớp gối có cơ hội được điều trị tại tuyến tỉnh, đỡ chi phí tốn kém khi chuyển tuyến, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế và BVĐK Lâm Đồng cùng phối hợp triển khai kỹ thuật nội soi niệu quản tán sỏi ngược dòng bằng laser
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế và BVĐK Lâm Đồng cùng phối hợp triển khai kỹ thuật nội soi niệu quản tán sỏi ngược dòng bằng laser

NỘI SOI TÁN SỎI NGƯỢC DÒNG BẰNG MÁY LASER

Trước đó, trong tháng 9/2022, lần đầu tiên BVĐK Lâm Đồng đưa vào sử dụng Hệ thống tán sỏi bằng laser được tỉnh đầu tư để triển khai kỹ thuật nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser. Trực tiếp chuyển giao kỹ thuật mới này, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Kim Tuấn - Phó Trưởng Khoa Ngoại - Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng máy laser để tán những viên sỏi, phương pháp này có ưu điểm hiệu quả, ít xâm lấn và đem lại thẩm mỹ cao, thời gian nằm viện ngắn (2 ngày), rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân cũng như tiết kiệm về chi phí chữa bệnh, rất thuận lợi cho bệnh nhân. Sỏi niệu quản đa số là do sỏi từ thận rơi xuống và trên chỗ hẹp của niệu quản nên viên sỏi không ra được, không tự đào thoát được nên phải can thiệp. Phương pháp can thiệp tối ưu nhất hiện nay là tán sỏi nội soi ngược dòng.

Trước khi triển khai kỹ thuật này, các bác sĩ BVĐK Lâm Đồng được huấn luyện đào tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Huy -Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Lâm Đồng cho biết, ở Lâm Đồng, bệnh lý sỏi đường tiết niệu rất nhiều, lâu nay tại BVĐK tỉnh đã có nhiều phương pháp mổ hở và mổ nội soi sau phúc mạc và đợt này triển khai phương pháp mới được Sở Y tế tỉnh và BVĐK tỉnh đầu tư máy để nội soi tán sỏi ngược dòng. BVĐK Lâm Đồng cũng đã cử ekip bác sĩ ra Huế học về kỹ thuật mới này. Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao cho BVĐK Lâm Đồng thực hiện trên 30 ca thì BVĐK tỉnh có thể tự chủ thực hiện kỹ thuật này trên bệnh nhân. 

BVĐK Lâm Đồng đang triển khai thí điểm nhiều kỹ thuật mới như: Đặt ống thông niệu quản qua nội soi; nội soi bàng quang chẩn đoán (nội soi bàng quang không sinh thiết); nội soi tán sỏi niệu quản (búa khí nén, siêu âm, laser); nội soi bàng quang sinh thiết; nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser hoặc bằng xung hơi. Trong đó, có 1 kỹ thuật vượt tuyến là đặt ống thông niệu quản qua nội soi mà trước đây phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHỊP TIM

Cũng trong tháng 10/2022, BVĐK Lâm Đồng đã làm việc với Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh ký kết hợp tác chuyển giao 2 kỹ thuật mới thuộc lĩnh vực can thiệp tim mạch gồm: Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần và thăm dò điện sinh lý trong buồng tim thực hiện tại Đơn vị Can thiệp tim mạch BVĐK Lâm Đồng.

PGS-TS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, thực hiện Đề án 1816 về cử cán bộ y tế hỗ trợ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Thống Nhất đã cử nhiều bác sĩ, chuyên gia đến hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho BVĐK Lâm Đồng, giúp BVĐK Lâm Đồng phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch can thiệp, từ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho đến điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần và thăm dò điện sinh lý trong buồng tim. Trong can thiệp tim mạch, còn nhiều kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Thống Nhất sẽ từng bước chuyển giao kỹ thuật giúp các bác sĩ của BVĐK Lâm Đồng làm chủ kỹ thuật mới. Với chương trình hợp tác này, Bệnh viện Thống Nhất sẽ cử chuyên gia đến hỗ trợ các bác sĩ Lâm Đồng thực hiện kỹ thuật cao về điều trị loạn nhịp ngay tại BVĐK Lâm Đồng, là đơn vị đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên triển khai các kỹ thuật về điều trị loạn nhịp giúp bệnh nhân đỡ tốn kém thời gian, chi phí khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. 

Thạc sĩ - BS Nguyễn Hải Cường - Trưởng Đơn vị Can thiệp Tim mạch của BVĐK Lâm Đồng cho biết, sau một thời gian chuẩn bị máy móc, con người qua 2 năm đào tạo, hiện BVĐK Lâm Đồng đủ ekip tiến hành một mảng mới trong điều trị tim mạch can thiệp cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp. Đây là kỹ thuật mới, rất khó, cần thời gian lâu dài để đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật và lần đầu tiên triển khai tại BVĐK Lâm Đồng. 

Giám đốc BVĐK Lâm Đồng Lê Văn Tiến cho hay: “Trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - công nghệ cùng với việc triển khai Đề án 1816 và sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của tuyến trên, chúng tôi đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật thần kinh, sọ não, cột sống có sử dụng hệ thống định vị thần kinh Navigation, thay khớp; phẫu thuật ung thư tuyến giáp, ung thư vú; điều trị tái thông trong bệnh lý đột quỵ não, can thiệp nhồi máu cơ tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn trong các bệnh lý tim mạch… Các kỹ thuật này được các bác sĩ thực hiện tại BVĐK Lâm Đồng mà không cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và cứu sống được nhiều bệnh nhân”.