Lưu dấu hiền nhân

THÀNH NAM 07:04, 27/01/2023

Một ngày cuối năm, chúng tôi trở lại với thôn Ka Đô cũ, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương để gặp già làng Tou Prong Dzung - người được xem là hiền nhân của buôn làng Nam Tây Nguyên. Qua câu chuyện của mình, những việc già Tou Prong Dzung làm cho buôn làng, xứ sở cứ thế ngọt lịm những thương yêu...

Già làng Tou Prong Dzung - hiền nhân của buôn làng
Già làng Tou Prong Dzung - hiền nhân của buôn làng

Về với huyện Đơn Dương khi mùa đông đã cạn ngày nhưng mùa xuân thì vừa chạm ngõ. Dù là ngày cuối tuần và đã có hẹn trước nhưng tôi đành phải chờ vì già Prong Dzung đi vắng. Trong lúc chờ già Prong Dzung, anh Gia Vĩnh - hàng xóm của già Prong Dzung nói rằng: “Gặp ông Dzung khó đấy, sáng nay tôi thấy ông ấy lên xã làm việc rồi. Chắc chú phải chờ”. Đúng như lời anh Gia Vĩnh, tôi phải chờ một lúc sau già Prong Dzung mới về. Sau lời xin lỗi khách, ông bảo: “Hôm nay tôi lên xã làm mấy việc ở Hội Người cao tuổi, nhân tiện xuống địa bàn nhắc nhở người dân dọn dẹp vệ sinh, đường làng, ngõ xóm”. Đem thắc mắc của mình, tôi nhấn mạnh: “Ông có thể nói rõ hơn những công việc hằng ngày của mình?”. Ông trả lời: “Những ngày trong tuần thì làm việc ở Hội Người cao tuổi của xã Ka Đô, cuối tuần thì đi vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường; nắm bắt tình hình thôn, xóm để vận động bà con làm theo chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhắc nhở bà con đi chào cờ...”. Ra thế, qua từng lời kể của già Prong Dzung, chúng tôi cảm nhận rằng trong từng công việc lớn, nhỏ dường như đều có một phần trách nhiệm và sự đóng góp của cá nhân ông. 72 mùa trăng đi qua nơi bản làng, xứ sở, già Prong Dzung trải qua nhiều nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Từ cán bộ thu thuế nông nghiệp, sau đó là cán bộ thống kê và Trưởng Ban Tài chính xã Ka Đô rồi đến Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, bí thư chi bộ thôn. Dù ở vị trí nào ông cũng phát huy tinh thần trách nhiệm và làm việc năng nổ, nhiệt tình.

Ngày trước, khi ông còn đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã Ka Đô, người dân nơi đây biết đến ông chủ tịch hay chữ bằng những chủ trương hợp lòng dân. Chính ông là người đề xuất, xin chủ trương với cấp trên đo đạc lại diện tích đất và cấp sổ đỏ để người dân yên tâm sản xuất, tiến hành xây dựng công trình đập tràn thủy lợi, chuyển đổi diện tích trồng lúa, bắp sang trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao...

Già làng Prong Dzung trong một lần đi Trường Sa
Già làng Prong Dzung trong một lần đi Trường Sa

Từng là Bí thư Chi bộ thôn Ka Đô cũ với 212 hộ và 860 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào Churu nên việc vận động người dân thay đổi tập quán, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới là điều già Prong Dzung tâm huyết. Đến nay, già Prong Dzung đã thành công khi thấy nhận thức của bà con thôn mình thay đổi. “Trước đây, diện tích bắp và lúa của người đồng bào Churu là 140 ha, năng suất, sản lượng còn thấp nên cái đói nghèo vẫn còn bám lấy đời sống của người dân. Hiện nay, diện tích trồng lúa, bắp của người dân trong thôn chỉ còn lại hơn 20 ha thôi, họ đã chuyển qua trồng hoa màu nên đời sống ổn định hơn nhiều. Để làm gương cho bà con, gia đình tôi cũng tiên phong chuyển đổi 4 sào lúa sang trồng hoa màu”, xuôi miền ký ức, già Prong Dzung nhớ lại. 

 Gặp già Tou Prong Dzung trong lần này, chuyện về ông không phải là câu chuyện ậm ừ, qua loa mà nó cứ cuốn hút tôi một cách tự nhiên khó cưỡng. Theo già Prong Dzung, muốn vận động người dân thì mình phải có kiến thức, phải nắm rõ chủ trương, chính sách. Nếu như ngày trước, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương vẫn còn tục thách cưới, hôn nhân cận huyết thống thì nay những hủ tục đó không còn. Một phần kết quả đó có sự đóng góp của già Prong Dzung trong công tác tuyên truyền, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để nói cho họ nghe, họ hiểu và họ làm theo lời ông. Điển hình là những năm gần đây, thôn Ka Đô cũ nổi bật với Phong trào Vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thông qua việc vận động của già Prong Dzung, người dân trong thôn đã có cách làm hay và thiết thực. “Ông Dzung đi vận động thì mình làm theo. Cứ Chủ nhật của tuần đầu tháng là tôi cùng bà con đi dọn vệ sinh, cắt cỏ hai bên đường”, ông Ya Yóu, thôn Ka Đô cũ chia sẻ. 

Già làng Prong Dzung kể về chuyến đi Trường Sa cho con cháu cùng nghe
Già làng Prong Dzung kể về chuyến đi Trường Sa cho con cháu cùng nghe

ĐƯA TRƯỜNG SA ĐẾN VỚI BUÔN, LÀNG

Chiều đã loang nắng mà câu chuyện về già Prong Dzung vẫn còn đượm màu yêu thương. Già bảo, tôi đi đây đó nhiều nhưng chuyến đi để lại nhiều cảm xúc nhất là hải trình đến với Trường Sa năm 2015. Với 15 ngày ở quần đảo Trường Sa, nơi ông đến là các đảo Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa... “Chuyến đi ấy, tôi là đại biểu duy nhất người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương được ra thăm bộ đội Trường Sa. Ra đó mới thấy hết được sự kiên cường, biết được đời sống của cán bộ chiến sĩ. Có những tấm hình chụp ở Trường Sa đến bây giờ tôi còn giữ, mục đích là để khi về đất liền tôi kể cho con cháu và đồng bào mình nghe”. Với ý nghĩa đó, khi trở về địa phương, già Prong Dzung được huyện Đơn Dương, xã Ka Đô, thôn Ka Đô cũ mời kể chuyện về Trường Sa. Bên cạnh đó, để nhân lên niềm tự hào, khi có dịp, già Prong Dzung vẫn tiếp tục kể những câu chuyện về Trường Sa cho con cháu trong gia đình và bà con chòm xóm cùng nghe. 

Chiều buông xuống sau những sườn đồi, miền đất Ka Đô êm đềm như dải lụa. Là một địa bàn với 9 thôn trong đó có 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, đời sống của người dân đã từng bước thay đổi. Hiện, xã Ka Đô không có hộ nghèo, chỉ có 75 hộ cận nghèo, số hộ giàu, khá tăng nhanh, thu nhập bình quân của người dân đạt 80 triệu đồng/ người/năm. “Thời gian qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ka Đô từng bước thay đổi, các hủ tục được bỏ đi rất nhiều, an ninh trật tự được ổn định. Có được kết quả này, những người như già Prong Dzung đóng vai trò rất quan trọng”, ông Huỳnh Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô phấn khởi khi nói về những đóng góp của già Prong Dzung đối với vùng đất này.

Chia tay già Tou Prong Dzung để về phố núi Đà Lạt khi những nếp nhà của người Churu đã nồng đượm ánh lửa hồng. Trên đường về, tôi miên man nhiều thứ nhưng hình ảnh về già Prong Dzung, những việc mà ông đã làm cho bản làng, xứ sở cứ làm cho tôi đong đầy miền nhớ. Với những cống hiến dặm dài của mình, già Prong Dzung đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích thực hiện các chính sách dân tộc năm 2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong Phong trào thi đua Tuổi cao - Gương sáng năm 2009. Có lẽ, chuyện đời, chuyện về già Prong Dzung là những xúc tác để thôi thúc bước chân tôi một lần nữa hò hẹn với vùng đất này...

Ngày mới bắt đầu, nắng còn ngổn ngang. Công việc qua lời kể của già Prong Dzung lúc nào cũng khiến cho người nghe nồng nàn cảm xúc.