Tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh dịch mới nổi

AN NHIÊN 18:46, 31/01/2023

(LĐ online) - Ngày 31/1, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh dịch mới nổi.

Cán bộ y tế giám sát, hướng dẫn diệt loăng quăng (bọ gậy) tại nhà dân ở Thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm)
Cán bộ y tế giám sát, hướng dẫn diệt loăng quăng (bọ gậy) tại nhà dân ở Thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm)

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, đến ngày 29/1, tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh là 127 ca. Các địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ như: Bảo Lâm 35 ca, Di Linh 24 ca, Đức Trọng 20 ca, Đạ Tẻh 16 ca, Bảo Lộc 12 ca. 
Để kịp thời kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh dịch mới nổi, Sở Y tế tỉnh yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố khẩn trương tham mưu UBND các huyện, thành phố tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Tăng cường công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế và thực hiện lấy mẫu phân lập vi rút cho 100% các ca bệnh tay chân miệng độ 2b. 
Tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. 
Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh; tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết và tay chân miệng với nhiều hình thức để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như: Lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng (bọ gậy), nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị y tế trong toàn ngành triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh mới nổi trên địa bàn theo đúng quy định. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn lại công tác điều tra, giám sát các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… cho các cán bộ tham gia điều tra, giám sát bệnh truyền nhiễm.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn dự trù đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư… để phục vụ cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khi tới khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng… cho các y, bác sĩ tham gia điều trị…
Thực hiện báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế.