Ngành Y tế tiếp tục phục hồi và phát triển

AN NHIÊN 00:40, 03/02/2023

Thời gian qua, Sở Y tế Lâm Đồng đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về “Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội” thuộc lĩnh vực y tế.

Ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế
Ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, công tác phòng, chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và chính quyền, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu. Các biện pháp phòng, chống dịch được đưa ra triển khai kịp thời, hiệu quả, đặc biệt, đã kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và đạt kết quả tích cực. 

Một năm qua, trên cơ sở đã kiểm soát tốt dịch bệnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; tích cực xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi tỉnh. Ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch về phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 - 2023 để phù hợp với diễn biến tình hình dịch tại địa phương và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế làm căn cứ để các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế Lâm Đồng đã khẩn trương ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các văn bản phối hợp với các đơn vị liên quan phù hợp với từng thời điểm. Triển khai thực hiện tốt vai trò và các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc tham mưu, xây dựng và triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch theo các giai đoạn. 

Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến ngày 26/1/2023, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 138.759 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, hiện đang điều trị 6 ca, kết thúc điều trị 138.589 trường hợp, về địa phương khác 16 ca, tử vong 148 ca (trong đó, năm 2021 có 10.522 ca mắc, 28 ca tử vong; năm 2022 có 128.215 ca mắc, 120 ca tử vong). Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, đang điều trị 6 trường hợp, kết thúc điều trị 16 trường hợp, không có ca tử vong.

Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tính đến ngày 31/12/2022, tỉnh Lâm Đồng đã tiêm 4.219.037 liều (đạt 101%). Trong đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin trên dân số 1 mũi đạt 92,79%; 2 mũi đạt 91,20%. 

Tỷ lệ bao phủ vắc xin trên dân số 18 tuổi trở lên 1 mũi đạt 100,14%; 2 mũi đạt 99,75%; tiêm liều bổ sung đạt 92,23%; tiêm mũi 3 đạt 96,5%; tiêm mũi 4 đạt 95,2%.     

Tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi 1 mũi đạt 101,26%; 2 mũi đạt 100,18% và tiêm mũi 3 đạt 94,2%. Tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi 1 mũi đạt 99,93%; 2 mũi đạt 95,60%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2 với công suất là 6.000 mẫu/ngày. 

Sở Y tế Lâm Đồng đang triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Cụ thể, trong tháng 12/2022, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt các dự án: Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 72 trạm y tế, 5 phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đồng; dự án Đầu tư xây dựng mới 9 trạm y tế tuyến xã và mở rộng Trung tâm Y tế huyện Đam Rông với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng; dự án Đầu tư cải tạo nâng cấp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 52 trạm y tế tuyến xã và 5 phòng khám đa khoa khu vực với tổng mức đầu tư hơn 57 tỷ đồng. Các dự án này nhận nguồn vốn đầu tư của ngân sách Trung ương thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, thời gian thực hiện năm 2022 - 2023. 

Qua một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, ngành Y tế Lâm Đồng đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc như: Nhân lực ngành Y tế mỏng, đặc biệt là cán bộ y tế tuyến cơ sở phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc: vừa thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, công tác tiêm chủng thường quy, công tác khám bệnh, chữa bệnh... trong thời gian dài làm cán bộ y tế kiệt sức, tuy nhiên, chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế còn thấp chưa đáp ứng và động viên kịp thời. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, điều tra, truy vết, đánh giá cấp độ dịch còn chưa được triển khai thống nhất; việc sử dụng quá nhiều phần mềm ứng dụng quản lý phòng, chống dịch và thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn cho người dân trong quá trình sử dụng.

Trong thời gian tới, Sở Y tế Lâm Đồng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng, bền vững, đáp ứng các yêu cầu về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; y tế cơ sở phát triển theo quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh. 

Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ bệnh nhân, Sở Y tế đã ban hành Chương trình hành động nâng cao chất lượng bệnh viện giai đoạn 2020 - 2025 và triển khai thực hiện. Các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng của bệnh viện hàng năm và tổ chức đánh giá hàng quý, 6 tháng và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng. Các quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc, phác đồ điều trị... tiếp tục được rà soát cập nhật hàng năm.