Triển khai công tác y tế năm 2023

AN NHIÊN 10:54, 24/02/2023

(LĐ online) - Sáng 24/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tham luận về công tác y tế tỉnh Lâm Đồng, cùng một số kiến nghị liên quan tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tham luận về công tác y tế tỉnh Lâm Đồng, cùng một số kiến nghị liên quan tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế

Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị  và có báo cáo tham luận về công tác y tế tỉnh Lâm Đồng, cùng một số kiến nghị liên quan.
Theo thông tin của Bộ Y tế, trong các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu đều thực hiện đạt và vượt là: Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 9,4 bác sỹ, đã thực hiện là 11,5 bác sĩ. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh, đã thực hiện là 31 giường bệnh. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số, đã thực hiện là 92,03% dân số. 
Trong các chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực theo nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao 16 chỉ tiêu, thực hiện vượt và đạt 13/16 chỉ tiêu. Còn 3 chỉ tiêu chưa đạt là: Tuổi thọ trung bình; tỷ số giới tính khi sinh và số điều dưỡng trên 10.000 dân.
Đánh giá chung, ngành y tế đã thực hiện thành công Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.  Tỷ lệ số ca chuyển nặng, nhập viện, tử vong ở mức thấp hơn rất nhiều so với năm 2021, so với khu vực và thế giới, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch. Hoạt động khám chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
 Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền, dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, chuyển đổi số... tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, truyền thông được tăng cường nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. 
Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về y tế trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Thể chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đang tồn tại. Tập trung hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án quan trọng cho phát triển trung hạn, dài hạn của ngành y tế. 
Bộ Y tế cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn hiện nay: Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. 
Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, khó dự đoán; một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số mắc tăng. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn chưa bảo đảm. Quảng cáo sai sự thật về thực phẩm, đặc biệt quảng cáo trên môi trường mạng, vẫn diễn biến phức tạp. 
Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối do chưa bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở và các thói quen, hành vi sử dụng dịch vụ y tế của người dân. Tình trạng chênh lệch các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng chưa được cải thiện. Chưa phát huy tốt lợi thế của y học cổ truyền. 
Công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, mới chỉ sản xuất được một số trang thiết bị y tế thông dụng, hàm lượng công nghệ còn thấp, độ tin cậy chưa cao. Kiểm định, kiểm chuẩn trang thiết bị chưa được chú trọng đúng mức. 
Hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện tuyến huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh do được đầu tư xây dựng từ lâu nên đã quá tải, xuống cấp, dẫn đến kết quả xử lý nước thải đầu ra chưa ổn định, có thời điểm xử lý chưa xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng

Công tác hậu kiểm giá thuốc kê khai còn hạn chế do bất cập về các tiêu chí rà soát hậu kiểm quy định, đang được đề xuất sửa đổi. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cơ sở y tế trên toàn quốc. Vắc xin cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, giá vắc xin chưa được điều chỉnh trong nhiều năm. Số lượng hồ sơ đăng ký thuốc lũy kế qua nhiều năm còn lớn, chưa được giải quyết dứt điểm. 
Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp. 
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu... 
Ngân sách nhà nước cho y tế và BHYT có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao (43% tổng chi y tế). Đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa bảo đảm. Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đối tượng tham gia BHYT. Phương thức chi trả dịch vụ y tế chậm đổi mới, chậm hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản; chậm điều chỉnh tính đủ chi phí dịch vụ y tế. 
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa bảo đảm yêu cầu, một số dự án kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. 
Ngành y tế xác định mục tiêu năm 2023 phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. 
Đồng thời, tại hội nghị, Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu được giao năm 2023 của Quốc hội và Chính phủ về: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh. 
Bên cạnh đó, thực hiện các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực y tế được Chính phủ giao năm 2023 bao gồm: Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh đạt 73,8 tuổi. Tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,2 bé trai/100 bé gái. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi đạt dưới 13,1 ca trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi đạt dưới 19,5 ca trên 1.000 trẻ. Tỷ lệ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) đạt dưới 18,6%. Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 80%. Số dược sĩ đại học trên 10.000 dân đạt 3,06 dược sĩ. Số điều dưỡng trên 10.000 dân đạt 13,0 điều dưỡng. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.