Chăm lo, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS

TUẤN HƯƠNG 00:58, 24/02/2023

Các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đang đồng loạt triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm thúc đẩy chăm sóc phụ nữ và trẻ em DTTS. 

Hội LHPN huyện Lâm Hà ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học vùng khó khăn
Hội LHPN huyện Lâm Hà ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học vùng khó khăn

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần. Trong đó, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn.

Lâm Hà là 1 trong 7 huyện trên địa bàn tỉnh được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án 8. Hiện, Hội LHPN huyện Lâm Hà đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 2/3 trường học vùng khó khăn của huyện cùng với 14 “Tổ truyền thông cộng đồng” tại 14 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn của 8 xã, thị trấn trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Thùy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Hà cho hay: “Đây là các thôn đặc biệt khó khăn với phần lớn đồng bào DTTS, việc ra mắt các mô hình nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa lạc hậu và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh triển khai tại 72 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS thuộc 32 xã của 7 huyện, thành phố: Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương và TP Bảo Lộc. Giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 thực hiện 4 nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng... Trong đó, chú trọng thành lập các mô hình: “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Tổ sinh kế”... tại cơ sở. 

Hội LHPN tỉnh đã ra mắt Câu lạc bộ điểm “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường TH-THCS Gia Bắc (huyện Di Linh), ra mắt 3 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại huyện Lâm Hà, Đam Rông và Di Linh, ra mắt “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Gia Bắc (huyện Di Linh). Hội LHPN các huyện, thành phố thành lập 47 “Tổ truyền thông cộng đồng”, 6 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, 8 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; đồng thời, tổ chức 1 lớp nâng cao kỹ năng ứng dụng facebook để kinh doanh cho 30 hội viên, phụ nữ DTTS và hội thảo “Nâng cao vị thế quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ (huyện Di Linh), xây dựng Mô hình Địa chỉ an toàn tại xã Tà Năng (huyện Đức Trọng)... 

“Triển khai thực hiện Dự án 8, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ và nhiệm vụ của địa phương, lĩnh vực là căn cứ để xác định nội dung, hình thức hoạt động. Từ đó, vận động đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia phong trào Hội, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, hội viên và toàn thể Nhân dân. Cùng với việc lựa chọn hoạt động phù hợp với từng đối tượng phụ nữ, chất lượng hoạt động Hội ngày càng được nâng lên, đặc biệt, quan tâm xây dựng mô hình mới tại các thôn đặc biệt khó khăn. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ trong vùng đồng bào DTTS tiếp tục được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ.