Nợ đọng bảo hiểm ở Di Linh: “Có tiền mà không biết đường thanh toán”

03:07, 01/07/2012

Khác với thành phố Bảo Lộc và các địa phương khác, tình trạng “nợ” tiền bảo hiểm (BH), gồm bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) ở huyện Di Linh phần lớn lại… “rơi” vào các xã, thị trấn và các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Khác với thành phố Bảo Lộc và các địa phương khác, tình trạng “nợ” tiền bảo hiểm (BH), gồm bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) ở huyện Di Linh phần lớn lại… “rơi” vào các xã, thị trấn và các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Theo cơ quan BHXH huyện cho biết, đến thời điểm tháng 6/2012, con số nợ đã xấp xỉ lên tới 14 tỷ đồng.
 

Công nhân lao động tại Công ty CP gạch ngói Hiệp Thành (Di Linh). Ảnh Bùi Trưởng
Công nhân lao động tại Công ty CP gạch ngói Hiệp Thành (Di Linh). Ảnh Bùi Trưởng

Một thực tế cho thấy, tại huyện Di Linh đã có không ít đơn vị thường xuyên nợ BH. Và, món nợ đó cứ kéo dài, trả xong nợ cũ thì nợ mới lại phát sinh. Những đơn vị liên tục nợ và số nợ BHXH của cán bộ công chức (CBCC) tồn đọng từ 6 tháng trở lên còn cao, gồm: UBND xã Đinh Trang Hòa nợ 80 triệu đồng. UBND thị trấn Di Linh và UBND xã Đinh Lạc, mỗi đơn vị nợ BH trên 45 triệu đồng. UBND xã Sơn Điền nợ hơn 43 triệu đồng. Ban Quản lý Dự án phát triển Lâm nghiệp Di Linh nợ trên 30 triệu đồng. Quỹ tín dụng nhân dân Tân Châu nợ 16,5 triệu đồng… Còn đối với các doanh nghiệp, đơn vị còn nợ BHXH nhiều nhất là Công ty TNHH Thương mại Gia Thịnh. Đơn vị này nợ BHXH 29 tháng với số tiền trên 46 triệu đồng. Kế đến là Công ty TNHH Duy Minh nợ BHXH 20 tháng với số tiền gần 30 triệu đồng…

Đối với các xã, theo bà Hoàng Thị Hợi - Phó Giám đốc BHXH huyện Di Linh: “Có tiền mà không biết đường thanh toán. Bởi vì kế toán ngân sách xã phần lớn nghiệp vụ yếu. Trong khi đó, chủ tịch UBND xã lại không đôn đốc, nhắc nhở!”. Hàng tháng, ngân sách đã chi lương và chi tiền đóng BH, nhưng một số kế toán thiếu trách nhiệm, không làm thủ tục chuyển đóng BH hoặc làm thủ tục sai. Có những trường hợp, Kho bạc trả hồ sơ và hướng dẫn làm lại thủ tục, nhưng kế toán làm ngơ, không chịu làm lại.
 

Hiện nay, cơ quan BHXH huyện Di Linh đang quản lý hơn 95 ngàn người tham gia đóng BHXH, BHYT và BHTN (bảo hiểm thất nghiệp). Trong đó, BHXH gần 5 ngàn người, BHYT hơn 90 ngàn người. Đây là con số đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng “nợ” BH cũng hết sức đáng lo ngại, vì ảnh hưởng trực tiếp đến người được hưởng quyền lợi

UBND xã Đinh Trang Hòa hiện có số dư nợ BHXH của CBCC xã cao nhất, cũng do nguyên nhân nói trên. Theo anh K’Breo - Phó Bí thư Đảng ủy xã: “Trong các cuộc họp trước, Đảng ủy đã nhắc UBND xã kiểm tra và cần có hướng khắc phục kịp thời việc thanh toán nợ BHXH để bảo đảm quyền lợi cho CBCC”. Tuy nhiên, đến nay tình trạng nợ BHXH của xã vẫn chưa được giải quyết. Cán bộ kế toán (cũ) của xã Đinh Trang Hòa do vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính đã bị kỷ luật và đã buộc thôi việc. Đây là nguyên nhân chính khiến việc đọng nợ BHXH bị kéo dài. Còn theo chị NRòng Thoải, cán bộ kế toán (mới): “Từ đầu năm 2011 đến nay, khi được phân công làm kế toán, tôi đã trích nộp BHXH đầy đủ. Còn số nợ tiền BHXH hiện nay là do nợ tồn đọng trước đó”.

Huyện Di Linh có số lượng người tham gia đóng BHYT khá đông, bao gồm CBCC, các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách BHYT, người nghèo, người DTTS, học sinh, trẻ em dưới 6 tuổi… Tuy nhiên, theo đó, số nợ BHYT cũng rất cao, do việc thanh toán nợ cũ và nộp BHYT mới phát sinh trong kỳ không kịp thời. Chỉ tính riêng nợ BHYT cựu chiến binh và BHYT theo chế độ bảo trợ xã hội (do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chịu trách nhiệm), hiện còn gần 1 tỷ đồng. Khi tìm hiểu thì được biết nguyên nhân rất giản đơn, là “do ngân sách tỉnh chưa chuyển về!”.

Có nhiều nguyên nhân, cho dù nguyên nhân nào đi nữa, thiết nghĩ, vì đây là chế độ, chính sách (đã có luật) liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia BH, các cấp và ngành liên quan cần quan tâm giải quyết để sớm khắc phục tình trạng nợ BH tồn đọng, kéo dài.  

BÙI TRƯỞNG