Nhớ mãi Tết Mậu Thân năm ấy

02:02, 27/02/2013

Ngày cuối năm, trời se lạnh. Chúng tôi tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Đức Phong ở số nhà 12B, đường Phan Chu Trinh, thành phố Đà Lạt, một trong những cán bộ chỉ huy nổi tiếng của Trung đoàn Ba Gia anh hùng trên chiến trường Khu 5 kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày cuối năm, trời se lạnh. Chúng tôi tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Đức Phong ở số nhà 12B, đường Phan Chu Trinh, thành phố Đà Lạt, một trong những cán bộ chỉ huy nổi tiếng của Trung đoàn Ba Gia anh hùng trên chiến trường Khu 5 kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đại tá Nguyễn Đức Phong
Đại tá Nguyễn Đức Phong

Mặc dù đã bước sang tuổi 85, nhưng trông ông còn rất phong độ, nhanh nhẹn. Giọng nói sang sảng của một chỉ huy quân sự trên chiến trường vẫn còn hiện rõ trong ông. Ông tâm sự: Mình sinh ra ở Quảng Ninh, tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945, công tác ở Huyện uỷ Đông Triều. Năm 1949, Đảng điều sang làm Chính trị viên Trung đội Bộ đội địa phương Quảng Ninh, sau đó chiến đấu trong đội hình Đại đoàn 316 Khu Đông Bắc. Năm 1964 thì đi B, chiến đấu trên chiến trường Khu 5. Sau hai lần bị thương, năm 1970, Bộ điều về làm cán bộ giảng dạy ở Học viện Lục quân cho đến lúc nghỉ hưu năm 1990.

- Trong cuộc đời cầm quân chiến đấu giải phóng dân tộc, ông nhớ nhất những trận đánh nào? Tôi hỏi ông.

- Hơn 40 năm tòng quân chiến đấu giải phóng dân tộc, tôi đã có nhiều năm chiến đấu trên chiến trường miền Nam, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hàng trăm trận. Có rất nhiều trận đánh là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình, trong đó có những trận đánh vào dịp tết Nguyên đán. Giọng ông trầm xuống.

Trước khi bước vào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, đơn vị tôi đã đánh một trận “nhớ đời”, mà cả trăm năm sau, quân xâm lược và bọn lính chư hầu (lính đánh thuê) vẫn còn khiếp đảm. Đó là trận tấn công cứ điểm Quang Thạnh ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) của lính Pắc Chung Hy (lính đánh thuê Nam Triều Tiên) vào dịp Tết năm 1967.

Lính đánh thuê Pắc Chung Hy khá thiện chiến, là những kẻ rất khát máu và độc ác, chúng đã gây nên tội ác tày trời, vô cớ giết hại hàng trăm dân thường và trẻ em ở Ba Làng An (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Lúc đó, cả miền Nam dấy lên phong trào “Tìm lính Pắc Chung Hy mà diệt, trả thù cho đồng bào Ba Làng An”. Đích thân Trung tướng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh Quân khu 5 (sau này là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân việt Nam) xuống giao nhiệm vụ cho Sư đoàn BB2, mà trực tiếp là Trung đoàn BB1 (Trung đoàn Ba Gia): “Bằng mọi cách, dù khó khăn đến mấy cũng phải tiêu diệt cứ điểm Quang Thạnh để trả thù cho đồng bào Ba Lang An. Đồng thời để rèn luyện cho bộ đội thành thạo cách đánh địch trong cứ điểm…”. Đây cũng là dịp tập dượt chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Ta chọn thời điểm nổ súng tấn công vào dịp Tết Nguyên đán 1967. Lúc này ông Nguyễn Đức Phong là Tham mưu trưởng Trung đoàn Ba Gia. Từ trước tết, và trong suốt mấy ngày ngừng bắn để ăn tết, ta tung nhiều tổ trinh sát vào căn cứ địch để nắm tình hình. Khi đó ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên đóng quân dày đặc. Quang Thạnh là căn cứ quân sự có hơn 500 quân lính Pắc Chung Hy (một tiểu đoàn) chốt giữ, án ngữ giữa vùng địch chiếm đóng và vùng giải phóng, là bàn đạp để bọn lính chư hầu này nống ra càn quét, cướp bóc, giết hại dân lành. Cứ điểm có hệ thống công sự kiên cố, trang bị vũ khí hiện đại với 4 lớp hàng rào kẽm gai bùng nhùng xen kẽ giữa những bãi mìn dày đặc, đến một con chuột cũng khó lọt qua. Nhưng lạ thay, các chiến sĩ trinh sát của ta cứ ra vào như cơm bữa. Khi đã nắm chắc địa hình, lực lượng bố trí của địch, Trung đoàn đắp sa bàn, lên phương án chiến đấu và cho bộ đội luyện tập tiến công.

Đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 Tết, trời rét ngọt, sương xuống ướt đẫm quần áo. Bộ đội ta vẫn lặng lẽ bò vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong theo ba hướng. Oái oăm thay, do đêm tối, mũi hành quân chiếm lĩnh trận địa của Tiểu đoàn BB40 đi lạc xuống quốc lộ 1; tổ bộc phá của hướng thứ hai do Tiểu đoàn BB60 đảm nhiệm tiến công, khi áp sát hàng rào thì bị lộ, hoả lực địch bắn ra như vãi đạn, chiến sĩ bộc phá hy sinh, không có người phá hàng rào. Nguy cơ trận tiến công có thể bị thất bại. Đảng uỷ Trung đoàn lập tức họp bất thường, hạ quyết tâm: Vì đồng bào Ba Làng An, bằng mọi giá phải tiêu diệt Cứ điểm Quang Thạnh, đập nát thói ngông cuồng, tàn bạo của quân Pắc Chung Hy, không cho chúng tiếp tục gây tội ác. Phương án tác chiến được điều chỉnh. Tham mưu trưởng Trung đoàn Ba Gia Nguyễn Đức Phong xuống trực tiếp chỉ huy hướng tiến công của Tiểu đoàn BB90. Trung đoàn phó Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng trinh sát đi bắt liên lạc, dẫn đường cho Tiểu đoàn BB40 vào chiếm lĩnh trận địa. Đồng thời bổ sung khí tài, bộc phá và lực lượng cho hướng tiến công của Tiểu đoàn BB60. Tổ chức nghi binh lừa địch, cho một lực lượng hành quân di chuyển đi hướng khác, làm địch lầm tưởng “Việt cộng” đã rút quân.

Đêm về khuya, trời tối đen như mực. Mưa xuân vẫn rắc đều trên những lùm cây. Bọn địch rút vào công sự. Những tên lính tuần tra được Mỹ trang bị đến tận răng, vẫn lăm lăm súng hướng ra hàng rào. Sau tiếng súng, không gian tĩnh mịch lạ kỳ. Các chiến sĩ được nguỵ trang cẩn mật áp sát hàng rào. Ông Phong cùng các chiến sĩ ôm chặt súng vào lòng chờ lệnh nổ súng tiến công. Giờ “G” đã điểm. Đúng 3 giờ 30 phút sáng, hàng trăm tia chớp bỗng loé sáng. Pháo binh, súng cối, hoả lực của ta trút lửa vào cứ điểm Quang Thạnh. Bộc phá từ ba hướng đồng loạt nổ, phá tung những lớp hàng rào và bãi mìn. Các chiến sĩ trinh sát và lực lượng tiên phong nhanh chóng đánh chiếm các lô cốt đầu cầu, quật ngã những tên lính gác. Lực lượng xung kích ào qua “cửa mở”. Từng mũi, từng mũi được giao tiêu diệt từng lô cốt, công sự địch. Cuộc chiến đấu, vật lộn diễn ra ác liệt trong từng lô cốt, từng đoạn chiến hào. Quân địch phản kích, chống trả quyết liệt. Những tiếng thét “Trả thù cho Ba Làng An, giết sạch bọn ác thú Đại Hàn” vang lên khắp nơi. Những ánh chớp thủ pháo, lựu đạn, những đường lê loang loáng đâm phập vào ngực những kẻ đã gây ra cái chết của hàng trăm đồng bào, trẻ thơ Ba Làng An. Có lẽ hào khí Trần Quốc Toản năm xưa - “sát thát” đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông giải phóng bờ cõi đất Việt đã thấm vào từng đường gân thớ thịt của người chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam.

Đến 5 giờ sáng, quân ta cơ bản đập tan cứ điểm Quang Thạnh, tiêu diệt gần 400 tên địch, xác địch nằm la liệt khắp trận địa, bọn sống sót co cụm lại khu vực Hòn Đá. Bộ đội ta hy sinh 30 và bị thương 42 đồng chí, đã được lực lượng cứu thương của địa phương nhanh chóng chuyển về tuyến sau cứu chữa. Sau chiến thắng Quang Thạnh, đồng chí Hoàng Văn Thái rất vui, ông điện xuống “Mình biết chắc chắn là các cậu sẽ chiến thắng!”. Rạng sáng, quân ta chủ động rút khỏi trận địa. Trinh sát kỹ thuật cũng  báo cho biết các trận địa pháo của Mỹ ở Quảng Ngãi sẽ bắn huỷ diệt Quang Thạnh. Khi những chiến sĩ cuối cùng của ta rút ra khỏi trận địa thì cả cứ điểm Quang Thạnh chìm trong đạn pháo Mỹ. Xác quân địch, những tên lính đã chết và còn sống bị hất tung lên đập xuống trong mù mịt bom đạn Mỹ. Vậy là những tên lính chư hầu còn sống sót hoặc bị thương lại bị chính ông chủ của nó giết nốt. Để phi tang hay là để trả thù vì những tên lính chư hầu đã không làm tròn bổn phận là giữ đất cho Mỹ!?

Trong trận đánh này, ông Phong bị một mảnh đạn M79 của địch xuyên vào ngực (hiện mảnh đạn vẫn còn nằm trong phổi) khi đang chỉ huy bộ đội mở cửa mở (phá hàng rào, mở đường cho bộ đội xung phong), máu chảy ướt đẫm chiếc áo len. Ông vẫn nén đau, cùng đồng chí Nguyễn Chơn chỉ huy bộ đội chiến đấu.

Hơn một tháng nằm điều trị ở Bệnh viện B21, Quân khu 5, vết thương của ông Phong tạm ổn định. Ông trở lại Đoàn Ba Gia cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu. Vốn là giáo viên chiến thuật của Trường Sĩ quan Lục quân nhiều năm ở miền Bắc lại có kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu ở chiến trường, nên ông được Bộ Tư lệnh sư đoàn điều về làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Sư đoàn BB2. Tổ chức đào tạo, huấn luyện cán bộ chuẩn bị cho những chiến dịch tiến công mới.

Ngừng lại, nhấp ly trà Thái Nguyên đặc sánh, ông đưa cho tôi xem nhiều kỷ vật một thời binh nghiệp. Rồi ông kể tiếp.

Ngày 22 tháng chạp, nghĩa là trước Tết Mậu Thân 8 ngày, tôi cùng anh Lê Thượng Đỉnh (hiện đã hơn 90 tuổi, cũng đang sinh sống ở phường 9, Đà Lạt), Chính uỷ Trường Quân chính Sư đoàn đi kiểm tra thao trường bãi tập, về tới nhà ở, anh Đỉnh đưa cho tôi Quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều động tôi về làm Trung đoàn phó Trung đoàn BB21, chuẩn bị cho những trận đánh mới. Anh Đỉnh động viên “Giữ gìn sức khoẻ nhé, ra mặt trận hãy chiến đấu xứng đáng với lòng tin của cấp trên, của bạn bè”. Tôi gấp rút chuẩn bị lên đường. Vẫn với chiếc ba lô con cóc, cây súng và cuốn nhật ký chiến trường. Lần này có thêm con gà rang lá sả, mấy nắm cơm thơm, anh Đỉnh chu đáo chuẩn bị cho tôi và tiễn chân ra tới tận bìa rừng.

Trên đường về đơn vị mới, tôi tình cờ gặp anh Đoàn Khuê, Tham mưu trưởng Quân khu 5 (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng ra mặt trận. Bữa trưa dừng lại bên bờ suối ăn cơm nắm, thấy tôi có thịt gà rang, anh Khuê nói vui: Giáo viên nhà trường ăn sang quá nhỉ, tớ chỉ có cá khô thôi? Tôi cũng vui theo: Nhà trường phải hơn đơn vị chứ ạ, anh Đỉnh liên hoan tiễn tôi ra mặt trận đấy. Rồi mấy anh em cùng ngồi quây quần ăn cơm với nhau. Vừa ăn, anh Khuê vừa nói: Đợt này mình xuống trực tiếp làm Tư lệnh sư đoàn 2 thay anh Nguyễn Hữu Chữ, Tư lệnh sư đoàn vừa mới hy sinh trong lúc đi trinh sát trận địa. Tết này, nhiệm vụ của Sư đoàn mình rất quan trọng, nặng nề và rất gian khổ ác liệt đấy, về đơn vị nhận nhiệm vụ sẽ rõ.

Về tới Trung đoàn, đi nhận nhiệm vụ, tôi mới biết được ta đang chuẩn bị cho một chiến dịch tiến công quy mô lớn. Mọi thứ đều được giữ bí mật tuyệt đối, nhiệm vụ của đơn vị nào đến đâu, chỉ đơn vị đó biết. Lúc đó không thấy gọi là Tổng tiến công hay tập kích chiến lược mà là Chiến dịch mang bí số T26. Anh Xuân, Trung đoàn trưởng chỉ huy bộ phận đi trinh sát, chuẩn bị chiến trường. Tôi chịu trách nhiệm tổ chức bộ đội hành quân và làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Nhiệm vụ của Trung đoàn tôi là cùng với Trung đoàn BB31 tiến về tiêu diệt địch ở khu vực Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam).

Đêm 29 Tết Mậu Thân, toàn Trung đoàn bí mật vượt sông Thu Bồn. 20 giờ tối, chúng tôi hành quân ra tới bờ sông Thu Bồn đã thấy lực lượng giao liên của Sư đoàn và dân quân du kích địa phương với gần 100 thuyền bè của nhân dân chờ sẵn. Chỉ sau 2 giờ, toàn bộ Trung đoàn với cả ngàn người và một khối lượng lớn binh khí kỹ thuật, đạn dược, lương thực đã vượt sông (rộng hơn 500 mét) an toàn. Hành quân tiếp 3 giờ nữa, chúng tôi tới khu vực tác chiến ở các xã Điện Hồng, Điện Thắng, Điện Chính (huyện Điện Bàn).

Đúng giao thừa đêm 30 Tết Mậu Thân, quân và dân ta trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng Tổng tiến công và nổi dậy. Trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam cả bầu trời rực sáng bởi đạn lửa. Đến lúc này thì chúng tôi hiểu ra, không phải chỉ Quảng Nam mà toàn miền Nam nổi dậy tổng tiến công. Trung đoàn BB31 tiến công căn cứ Đại Lộc, mặc dù địch chống trả quyết liệt, nhưng do chuẩn bị chu đáo nên các mũi, hướng tiến công của ta phát triển tốt. Đánh chiếm xong, Trung đoàn BB31 tổ chức chốt giữ Đại Lộc, không cho địch chiếm lại. Chúng tôi đã tổ chức cho bộ đội ăn tết sớm nên thời gian còn lại của đêm 30 Tết, cả Trung đoàn tập trung chuẩn bị trận địa phục kích. Đúng như dự đoán của cấp trên, ở khu vực tác chiến của chúng tôi, sáng mồng 1 Tết, một tiểu đoàn địch nống ra, lùng sục hòng ngăn chặn quân ta tiếp tục tiến công và giải vây cho Đại Lộc. 7 giờ sáng, chờ cho địch tới gần, rơi vào trận địa phục kích của ta, Trung đoàn trưởng Xuân hạ lệnh nổ súng. Tiểu đoàn 4 chặn đầu, Tiểu đoàn 6 khoá đuôi chia cắt đội hình hành quân của địch. Tiểu đoàn 5 chủ công do anh Tụng chỉ huy đánh thẳng vào trung tâm cuộc hành quân. Sau 3 giờ quần lộn quanh từng gốc tre, ruộng lúa, hơn 300 tên địch bị tiêu diệt, những tên sống sót bỏ chạy tán loạn. Ta hy sinh 7, bị thương 12 đồng chí. Vậy là Đại Lộc được giữ vững. Cả ngày mồng 2 Tết địch không dám phản ứng gì. Sáng mồng 3, chúng tung “át chủ bài”, gần 100 lần chiếc trực thăng vũ trang đổ bộ một tiểu đoàn lính Mỹ xuống đồi Dâu phía sau đội hình ta. Theo phương án tác chiến đã chuẩn bị, chúng tôi tổ chức cho Trung đoàn bao vây, chốt chặn quân địch lại.

Đêm xuống, tôi và anh Xuân, Trung đoàn trưởng cùng các trinh sát bò vào trinh sát đội hình bố trí của quân Mỹ. Bọn này xảo quyệt hơn, không co cụm mà liên tục di chuyển, phân tán rải rác trong các ruộng khoai lang của dân, lợi dụng rãnh luống khoai làm công sự. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, đến 24 giờ đêm, các trinh sát của ta đã báo cáo khá chi tiết các vị trí ẩn nấp của lính Mỹ. Một phương án tác chiến chớp nhoáng của Trung đoàn được thông qua, anh Xuân trực tiếp chỉ huy trận đánh, tôi tổ chức phối hợp với lực lượng dân quân du kích, bộ đội địa phương tác chiến bao vây vòng ngoài. Triển khai chiếm lĩnh trận địa xong, toàn bộ hoả lực súng cối 82 ly, 62 ly của Trung đoàn đồng loạt nã đạn vào các vị trí của quân Mỹ. Dứt tiếng pháo, hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 xung phong đánh thẳng vào đội hình của địch. Các chiến sĩ ta quần lộn, đánh giáp lá cà với từng tốp quân Mỹ. Mà tác chiến ban đêm ngoài công sự đối với những tên lính xâm lược mắt xanh mũi lõ là một ác mộng. Chúng như bị bịt mắt, và rồi kêu rống lên như những con heo bị chọc tiết.

Sáng mồng 4 Tết, máy bay chiến đấu Mỹ quần lộn dữ dội xung quanh khu vực quân Mỹ bị tập kích đêm qua. Mấy chục máy bay trực thăng lên xuống liên tục chở những bao ly nông bọc xác những tên xâm lược và cả những tên Mỹ còn sống sót… Có lẽ đây sẽ là bài học nhớ đời đối với đế quốc Mỹ cũng như với bất kỳ kẻ xâm lược nào khi có dã tâm nhòm ngó xâm lấn vùng đất - trời - biển cả thiêng liêng của Việt Nam, một dân tộc thiết tha yêu chuộng hoà bình, không hề muốn chiến tranh nhưng cũng sẵn sàng “hy sinh tất cả vì Tổ quốc thân yêu”. Sau “Mậu Thân”, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, mà những học giả Mỹ gọi là “Thay màu da trên những xác chết”.

Thế nhưng dù có “thay màu da” kiểu gì thì bọn xâm lược vẫn phải chấp nhận một chân lý bất hủ “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”- “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Kít Sinh Gơ, nhà chiến lược gia nổi tiếng của Mỹ trong cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, khi đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, đọc được Bản Tuyên ngôn cách đây cả ngàn năm của dân tộc Việt Nam, ông ta thốt lên “Hoa Kỳ thua là phải!”.

Ghi chép: Nguyễn Chí Long