Huyền thoại nối tiếp những huyền thoại (Kỳ II)

08:01, 15/01/2015

Suốt mấy ngày nhu sar pu, chị năm Lôi luôn "bắt" tôi lúc nào cũng "hai sừng đầy" để cho trọn cái nghĩa cái tình của kon Duôn (người Kinh) với kon Chau (người thiểu số) Mạ ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng. Tình thật, tôi đến là túy lúy nhưng vẫn cứ muốn "khơi cần" bởi "cái tình chứa trong cái rnơm (rượu cần)" của dân làng...

Kỳ II: Ngồi trên vai người khổng lồ
 
[links(right)] Suốt mấy ngày nhu sar pu, chị năm Lôi luôn “bắt” tôi lúc nào cũng “hai sừng đầy” để cho trọn cái nghĩa cái tình của kon Duôn (người Kinh) với kon Chau (người thiểu số) Mạ ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng. Tình thật, tôi đến là túy lúy nhưng vẫn cứ muốn “khơi cần” bởi “cái tình chứa trong cái rnơm (rượu cần)” của dân làng. Và, không chỉ mình tôi mà cả “mấy cái anh cán bộ người Kinh” của xã Đồng Nai, huyện Cát Tiên cũng đều thế cả!
 
Tỉnh dậy, tôi bắt gặp ngay nụ cười có phần móm mém của chị năm Lôi. Lúc này, chị đã thay bộ quân phục bằng bộ quần áo ngày thường. Chị bảo “Cái kon Duôn nhà báo đã thức dậy rồi kìa! Đến nhu cái rnơm này hai sừng đầy cho tỉnh táo!”. Tôi tiến đến ché rượu và cầm lấy cần từ tay chị năm Lôi trao. Rồi sau đó, đến lượt anh Đỗ Đình Bốn - Trưởng Công an huyện Cát Tiên - cầm cần. 
 
Tổng già làng Điểu K’Lộc điều hành lễ ăn trâu
Tổng già làng Điểu K’Lộc điều hành lễ ăn trâu
 
Ngồi lên vai người lớn
 
Anh Bốn cầm cần chưa kịp rít hết một sừng thì một người đàn ông trung niên người Mạ leo lên vai ngồi một cách hết sức tự nhiên đến là... chễm chệ. Anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi tỏ ra ái ngại nói nhỏ vào tai tôi: “Sao lại... hỗn hào vậy?”. Tôi cười: “Tục lệ đấy! Ai biết ngồi lên vai người lớn là người đó sẵn sàng làm được việc lớn hơn! Không phải lo lắng điều gì cả!”. Bạn đồng nghiệp vẫn tỏ ra ngạc nhiên: “Sao anh Bốn trưởng công an huyện mà lại để người đó ngồi trên vai?”. Tôi lại cười: “Thì hãy cứ quan sát cách ứng xử của đồng chí trưởng công an huyện xem nào!”. Anh Bốn vẫn bình thản cầm cần rượu với trên vai mình là một người đàn ông dân tộc Mạ.
 
Quả thực, nhìn cách một người trẻ tuổi ngồi... chễm chệ trên vai một người lớn tuổi, nhiều người cảm thấy “sốc”. Ví như hình ảnh anh chàng K’Đôi khoảng 35 tuổi đang ngồi chễm chệ trên vai ông Trưởng Công an huyện Cát Tiên Đỗ Đình Bốn lúc này. Bạn đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi cảm thấy... sờ sợ. Mấy người Kinh ít quen với lối sinh hoạt của người Mạ chứng kiến cảnh này cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi thì không. Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh này rồi nên quá quen. Quay sang anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, tôi nói: “Anh Bốn trưởng công an huyện Cát Tiên thừa biết phong tục này. Yên tâm! Anh ấy là người từng trải, hiểu biết đến tường tận sinh hoạt và quan niệm của bà con người Mạ ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng nên hãy cứ chờ xem, anh ấy sẽ uống hết “hai sừng đầy” rồi trao cần cho người đàn ông đứng trên vai mình!”. Quả đúng là như thế! Uống xong phần mình, anh Bốn chuyển cần cho người “đứng trên vai mình”. K’Đôi, người đứng trên vai Trưởng Công an huyện Cát Tiên, nâng cần và tu một hơi dài. Men rừng chảy dọc sống lưng K’Đôi. Trưởng Công an huyện Cát Tiên Đỗ Đình Bốn vẫn ngồi yên như thế. Chị năm Lôi lúc này trở thành người trụt đạ (rót nước). Hai sừng đầy nhóc! Không một ai trong số bà con người Mạ cảm thấy bất thường về hành động “ngồi trên vai” của K’Đôi. K’Đôi tĩnh tại nâng cần. “K’Bốn” bình thản với người ngồi trên vai mình đang rít những hơi dài men rừng chảy vào huyết quản. 
 
Nhiều năm trước, tôi có lần viết ra điều này trên báo. Có người bảo: “Làm gì có chuyện đó!”. Tôi... đốp chát: “Các anh chị không hiểu gì sất! Ấy là quan niệm vô cùng tiến bộ của các tộc người mà các anh chị cho rằng lạc hậu đấy!”. Chả là thế này, hồi đó, khoảng năm giữa 80 của thế kỷ trước, tôi về Đạ Huoai và lần đầu tiên chứng kiến cảnh một thanh niên lực lưỡng ngồi trên vai một già làng uống rượu, tôi hỏi: “Sao lại phải ngồi trên vai già làng?”. Một già làng khác giải thích: “Thằng K’Men sẽ là già làng thay thế già K’Móp, chỉ vài cái mùa rẫy nữa thôi. Ấy là thằng K’Men nhận cái nhiệm vụ rất lớn của già làng K’Móp giao cho. Nó phải bản lĩnh, phải xông pha trên mọi “mặt trận” của dân làng này đấy! Nhiệm vụ của nó to lớn lắm!”. Chuyện đứng trên vai già làng khiến tôi nhớ đến thiên tài Isaac Newton từng nói rằng “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Nghĩa của nó là người đứng trên vai đó biết sử dụng những gì đã có để học tập và sáng tạo ra những điều tốt đẹp hơn để vươn xa hơn, tiến bộ hơn và có ích hơn cho cộng đồng.
 
Bên ngoài, trời vẫn còn tối mù tối mịt. Đêm rừng ở xứ sở thần linh vẫn đang rất lạnh. Men nóng của hương rừng vẫn chưa thể đốt ấm mái nhà sàn của những Điểu K’Đoi, Điểu K’Jắc, Điểu Thị Lôi... Bên ngoài, con trâu hiến tế vẫn lặng lẽ đứng bên cọc knưng. Nó biết rồi tí nữa thôi, kiếp sau của nó sẽ là gì, nó vui vẻ chấp nhận về với yàng để không còn là nó, để người dân xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng này cầu an mùa màng, cầu an sức khỏe...
 
Như những mũi nhọn
 
Người dám ngồi trên vai người khổng lồ chính là người biết rõ rằng mình phải là người làm nên cái mới, là “mũi nhọn” trong cuộc sống cộng đồng. Ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng, từ trước đến giờ, có nhiều người như thế. Họ là những “cặp đôi” Kinh - Thượng sinh ra để mà “có nhau”. Họ tạo nên những bước ngoặt có tính quyết định cho cộng đồng, cho buôn làng.
 
Ngồi trên vai người khổng lồ
Ngồi trên vai người khổng lồ
 
Mấy hôm ở Đồng Nai Thượng, tôi có nhiều lần đến nhà anh hai Quy. Cứ có thời gian rảnh là anh sáu Đẩu Bí thư Huyện ủy Cát Tiên rủ tôi đến nhà anh K’Quy ở gần trụ sở UBND xã Đồng Nai Thượng - nơi đang diễn ra lễ phục dựng tách năng nhu sar pu. Ngôi nhà anh hai Quy bây giờ được xây kiên cố rồi chứ không còn tranh tre nứa lá như cách nay hơn hai chục năm tôi vào. Anh hai Quy còn bảo với tôi, hôm nào rảnh, vào đây ở lại nhiều ngày mà câu cá. Cá trong hồ nhà anh bây giờ nhiều loại lắm, cứ thả cần xuống là giật. Tôi cười: “Thế thì chỉ cần vác rổ xuống mà xúc chứ câu làm gì cho... mang tiếng!”. Anh cũng cười: “Biết làm sao được, cá mẹ đẻ cá con, cá lớn cá bé cứ gọi là nhóc cả ao mà!”. Anh sáu Đẩu nói vui: “Cá nhà ông hai Quy nặng đến năm, bảy chục ký, chỉ để chưng thôi!”. Nghe anh sáu Đẩu nói vui, tôi giật mình nhận ra mái đầu anh hai Quy mới đó mà đã trắng phếu. Hồi lần đầu tiên tôi vào xứ sở thần linh của người Mạ Đồng Nai Thượng, hai Quy vẫn còn sung trẻ lắm. Dạo đó, chắc anh chỉ mới trên dưới bốn mươi. Chuyện của K’Quy (tên thân mật được dân làng đặt cho anh Nguyễn Văn Quy) ngày cũ hiện về trong tôi: Sau khi định cư nhóm dân miền Trung vào Cát Tiên, anh hai Quy lội rừng vào với thôn 5 Đồng Nai Thượng rồi lập trại xây nhà và... làm bí thư xã. Một già làng thấy bỗng dưng có một kon Duôn lừng lững ngạo mạn khẳng định chủ quyền của mình ở xứ sở thần linh đã vác xà gạt đến gặng hỏi: “Kon Duôn kia là ai, ai cho phép đến xứ sở này làm nhà? Kon Duôn này xem ra không sợ cọp beo, cũng không sợ cái xà gạt này?”. Hai Quy vốn là dân cách mạng nòi và võ nghệ đầy mình nên đã múa mấy đường quyền bằng cây xà beng rồi hỏi lại già làng: “Tôi vào đây là để giúp bà con mình trồng cái cây điều để đổi lấy gạo, giúp bà con mình đào cái giếng là để lấy cái nước nấu cơm, cọp beo nào dám ăn thịt tôi, cái xà gạt nào dám lia ngang cái đầu tôi?”. Nhìn hai Quy đi mấy đường võ, già làng cảm phục. Hôm sau, già làng sai mấy chục thanh niên trong làng đến dựng giúp nhà cho hai Quy. 
 
Ngày ấy, anh hai Quy là Bí thư Chi bộ, chị năm Lôi là Phó Bí thư. Công cuộc vận động bà con trồng cây điều gian khó vô cùng. Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Trần Đình Nhung lúc bấy giờ gần như van bà con dân làng rằng hãy trồng lấy cây điều mà cải thiện đời sống chứ cứ bám riết cái nương thì biết đến khi nào mới đủ ăn. Ban đầu, chẳng mấy ai nghe theo. Anh hai Quy nói với bà con: “Cái bắp trên nương chỉ là tạm thời. Cái hạt cây điều mới đổi đủ gạo để mà còn nhu rnơm!”. Mà, trồng cây điều là phải bón phân. Ban đầu, nghe lời ông cán bộ người Kinh K’Quy, bà con phát đồi dọn nương trồng cây điều nhưng không chịu bón phân. Vì, nếu xem cây điều giống như cây lúa thì bón phân sẽ làm dơ bẩn cái cây đổi hạt gạo, nên không được phép. Đã đến lúc chị năm Lôi “ra tay”: “Cái phân của con bò con trâu cho cây điều cũng giống như thức ăn thức uống hằng ngày cho con người vậy. Kon Chau mình hằng ngày phải ăn, phải uống. Cái cây điều đổi gạo cũng thế, nó cũng phải uống, phải ăn hằng ngày chớ!”. Vừa nói, chị năm Lôi vừa làm mẫu để bà con noi theo. Và cuối cùng, hơn sáu trăm hecta điều ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng như một phép màu... Rồi, đến lúc đào cái giếng để lấy nước sinh hoạt, dân làng bảo làm như thế thì động đến thần rừng, sợ thần quở phạt. Anh hai Quy giải thích cho bà con: “Có cái nước gần nhà để đỡ vất vả cho phụ nữ phải đi lấy nước ở xa. Có cái giếng, nước ngay sát nhà lúc nào cũng có. Trước khi đào cái giếng, mình làm con gà xin phép thần rừng, thần rừng đồng ý thì không còn gì phải lo lắng cả! Yang Bri (thần rừng) lúc này cũng phù trợ cho dân làng mình mà!”. 
 
Có thể nói, cây điều và cái giếng nước ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước thực sự là một cuộc cách mạng. Đó có thể xem như là một huyền thoại trong đời thường nối tiếp những huyền thoại trong chiến tranh của người Mạ, người Stiêng ở xứ sở Đồng Nai Thượng. Và, những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng ấy là những “mũi nhọn” K’Quy, Điểu Thị Lôi... Tôi bất giác nhìn hai mái đầu một bạc phếu và một xanh mượt của hai anh hai Quy và Bí thư đương nhiệm Đào Duy Mai và cảm thấy thật vui khi liên tưởng đến tục lệ “ngồi trên vai người khổng lồ” của bà con ở xứ sở thần linh này... 
 
Kỳ cuối: Lúa đã đầy bồ
 
Phóng sự: Khắc Dũng