Đừng cạn nhé, suối mẹ Ka Kong

02:02, 23/02/2015

Suối bắt đầu từ đâu, chẳng còn ai nhớ nữa. Câu chuyện ấy được bắt đầu bằng huyền thoại, tồn tại trong tâm thức, trong những nhớ quên của người già nơi Đạ Duk Ka Kong (dòng suối K'Kong)…

Suối bắt đầu từ đâu, chẳng còn ai nhớ nữa. Câu chuyện ấy được bắt đầu bằng huyền thoại, tồn tại trong tâm thức, trong những nhớ quên của người già nơi Đạ Duk Ka Kong (dòng suối K’Kong)…
 
Suối vẫn cạn mình chảy, như thưở sinh ra… vẫn chở che, tắm táp, nuôi dưỡng cho lũ làng qua hai mùa mưa nắng.
 
Già Cill Ha Lê tạc bóng mình trầm mặc bên khung cửa nhỏ, trong cái nắng chiều đỏ ối hắt lên từ phía sau đỉnh Mê Ka, ông ngồi đó nghe gì? Có lẽ là lời ru từ suối mẹ Ka Kong, mơn man và nhẹ nhàng, sâu thẳm mà ấm áp, lời ru của người mẹ trẻ có tên Ka Kong trong ngày trở dạ.
 
Chuyện bắt đầu rằng: “Đã từ lâu, rất lâu rồi, khi mặt trời không có nhiều lửa như bây giờ để sưởi ấm thế gian. Trên đỉnh núi Mê Ka có người mẹ trẻ đang kỳ vượt cạn, không chồng, không người thân ở bên. Bốn bề hiu quạnh, khí trời lạnh lẽo, nên người đàn bà ấy gom vội mớ củi khô đặt trên ba hòn đá cuội để nhóm lửa, mong tìm chút hơi ấm cho đứa con chưa rõ hình hài chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời. Lạ thay, bếp lửa vừa mới nhóm lên, ngọn suối chảy ra từ chân núi bỗng ấm lên, thành suối nước nóng cho đến tận bây giờ”.
 
Suối mẹ vẫn ấm áp chảy, nuôi dưỡng cho những đứa trẻ lớn lên mỗi ngày
Suối mẹ vẫn ấm áp chảy, nuôi dưỡng cho những đứa trẻ lớn lên mỗi ngày
 
1. Quá khứ
 
Cùng với Đưng K’nớ (Lạc Dương), Đồng Nai Thượng (Cát Tiên), Sơn Điền - Gia Bắc (Di Linh), Phước Lộc (Đạ Huoai); vùng đất nhỏ chật hẹp nằm trong thung lũng Đầm Ròn - Đạ Long (huyện Đam Rông) là một trong những “rốn nghèo” của mảnh đất Nam Tây Nguyên, cả trong quá khứ và hiện tại.
 
Đạ Long (cùng với hai xã Đạ M’Rông và Đạ Tông của vùng Đầm Ròn) không chỉ nổi tiếng bởi “rừng thiêng nước độc” khắc nghiệt mà nơi đây còn được biết đến như là một địa danh đã từng gây ra những nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho rất nhiều người bởi tội ác dã man của lực lượng Fulro.
 
Sau khi Y Ghơk Niê KĐăm và Nay Guh tổ chức đảo chính giết chết Y Djao Niê (Thủ tướng tự phong cũ) và Y Ghơk Niê KĐăm lên làm “Thủ tướng” Fulro; sau khi sắp xếp lại cơ cấu quân sự, nhân sự từ trung ương đến các quân khu, lực lượng phản động này đã lấy khu vực Đầm Ròn làm “Đại bản doanh”, nơi đây gần như là “cơ quan trung ương” của Fulro Dega.
 
Sau giải phóng, khu vực Đầm Ròn, trong đó có Đạ Long gần như trở thành “ốc đảo”, cách biệt với thế giới bên ngoài bởi trùng điệp rừng núi. Nơi đây chỉ có những buôn nhỏ, người Cill bản địa sống cằn cỗi trên đất ông cha từ ngàn đời qua, quanh năm nghèo đói bủa vây. 
 
Tuyến đường gần nhất và cũng gian khổ, nguy hiểm nhất để đến với Đạ Long, với Đầm Ròn trong những năm tháng ấy, có lẽ là tuyến băng cắt rừng xuất phát từ Langbiang với chiều dài hơn 70km. 
 
Anh hùng Lao động ngành Bưu điện Cill Múp Ha K’riêng có lẽ là một trong những người in dấu chân của mình nhiều nhất trên cung đường này. Với thời gian ròng rã 13 năm và chiều dài đoạn đường quy đổi tương đương gần 4 vòng trái đất, hơn ai hết là người hiểu rõ điều đó. Anh đã từng chia sẻ: Để có thể duy trì việc “đi về” đều đặn của những nghị quyết, lá thư, công văn, chỉ thị… anh và những nhân viên bưu tá của ngành Bưu điện Lâm Đồng phải mất hơn 24 giờ đồng hồ, vượt qua những con suối rộng chảy xiết, những dốc núi dựng đứng mới hoàn thành được một chiều của chuyến đi.
 
2. Hiện tại
 
Đạ Long của hiện tại đã thay đổi rất nhiều, dẫu vẫn là một xã nghèo với những khó khăn cố hữu chẳng dễ đổi thay trong thời gian ngày một, ngày hai. 
 
Cái đói không còn, nhất là những mùa giáp hạt, dẫu những bữa cơm vẫn còn thiếu chất, phải thêm khoai, mì, bắp để no cái bụng; những nếp nhà cũng đã không còn dột nát, gió lùa qua vách bởi rất nhiều chương trình đầu tư đã được trung ương và địa phương tập trung về đây.
 
Sẽ chẳng mấy ai ấn tượng với những con số thống kê trong báo cáo tổng kết của một xã nghèo như Đạ Long, nhưng chính những phần trăm ít ỏi tăng trưởng trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội lại là hy vọng cho mảnh đất, từng được nhiều người đánh giá là “không thể nào khá lên được”. Mười năm trước, khi thành lập huyện Đam Rông, cả xã Đạ Long gần như 100% hộ dân đều nằm trong diện chẳng ai muốn, “Nghèo”. Mười năm sau, hộ nghèo của “tâm nghèo” Nam Tây Nguyên chỉ còn 17,38%; con số đáng mơ ước, vì cũng chỉ mới một năm trước đó con số này vẫn còn nằm ở mức cao với 25,5%.
 
Đạ Long của những năm trước, là Đạ Long của những xa xôi, cách trở; là Đạ Long quẩn quanh trong cái vòng của đói nghèo, của sự gia tăng dân số; của những mùa điều xác xơ không trái. Hiện tại, vẫn là một Đạ Long với những triền đất hẹp men theo những dải đồi thấp, xấu và cằn cỗi. Nhưng người dân đã biết phá bỏ điều để chuyển sang trồng cà phê, ca cao, những loại cây trồng ổn định đem lại giá trị kinh tế cao; bên cạnh đó, bò thịt cũng được người dân tập trung phát triển chăn nuôi mạnh; giờ đây để kiếm các gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm ở xứ tận cùng của phía Bắc Nam Tây Nguyên, cũng không phải là điều khó tìm.
 
Đạ Long của ngày hôm nay không phải là một vùng đất để người ta có thể bi quan mà là nơi để có thể nghĩ khác về những điều tốt đẹp hơn ở phía ngày mai.
 
 Vũ khúc mùa xuân. Ảnh: MAI VĂN BẢO
Vũ khúc mùa xuân. Ảnh: MAI VĂN BẢO
 
3. Chân dung ông chủ tịch sinh năm 1987 
 
Nếu như “gam màu” thay đổi của Đạ Long được định vị, tôi sẽ phết lên bức tranh ấy, màu sắc của những người trẻ và đương nhiên mang ánh sáng của hy vọng. 
 
Tôi không có thời gian và cũng chưa mệt công để kiểm chứng, nhưng tôi dám chắc Lơ Mu Ha Póh - Chủ tịch của Đạ Long là một trong những chủ tịch xã trẻ nhất nước. Ha Póh tốt nghiệp ngành Tài chính - Kế toán của một trong những môi trường đào tạo uy tín khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt. Ha Póh tham gia Đề án 600 với cương vị Phó Chủ tịch của xã Rô Men, kinh nghiệm hẳn nhiên không nhiều, nhưng “thâm niên” 3 năm làm quản lý ở đơn vị hành chính cấp xã, nhỏ nhưng không hề thiếu những áp lực, đã là “chiếc vé” đảm bảo độ tự tin cho một người trẻ như anh khi được giao trọng trách Chủ tịch xã Đạ Long.
 
Là một người gốc Đạ Long, Ha Póh hiểu được từng thớ đất, tính nết của con người trên đất mẹ Ka Kong. Anh nói chắc nịch: “Người Đạ Long chăm chỉ, hiền lành và thật sự chịu khó. Họ cần mẫn hơn những người ở vùng khác, có lẽ một phần vì đất đai nơi đây cằn cỗi, không phì nhiêu như những nơi khác của Tây Nguyên. Tốc độ giảm nghèo của xã là một minh chứng”.
 
“Cái khó của một người trẻ như anh khi làm quản lý cả một xã là gì?”, tôi hỏi. Anh trả lời ngắn gọn, theo đúng tư duy của một người trẻ: “kinh nghiệm”. “Vậy làm thế nào để anh có thể điều hành được công việc một cách hiệu quả?”, “Đó là giữ được sự cân bằng và điều hòa. Mọi vấn đề đều nằm ở tư tưởng, tư tưởng thông, mọi vấn đề sẽ được giải quyết”, anh khẳng định!
 
Ở Đạ Long, không chỉ có “ông” Chủ tịch xã là người trẻ có trình độ. Lũ trẻ ở buôn lớn lên cũng đã biết theo đuổi con chữ để làm hành trang cho tương lai. Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… đều có cả. Xã có 3 bác sĩ chuyên khoa đang công tác tại bệnh viện huyện, cả 10 hồ sơ nộp chờ xin việc tại xã, các em đem tri thức về và muốn cống hiến cho quê hương mình.
 
Đáng để hy vọng lắm chứ!
 
4. Đi tìm lời ru cho suối mẹ Ka Kong
 
Đã đi qua 70 mùa nương rẫy, Già Ha Lê vẫn nghĩ về một giấc mơ mãi chưa thành hiện thực, bao giờ suối mẹ được đánh thức (?!). “Dòng suối ấm áp có một truyền thuyết đẹp và nhân nghĩa, sao cứ mãi nằm im trong giấc mơ của những phận nghèo…”, giọng ông như lạc vào lời ru của suối mẹ tan lẫn trong hư vô.
 
Nhiều năm trước, đã có nhiều người muốn vào đây đầu tư, nhưng chẳng dự án nào thành công, suối vẫn nằm đó im lìm, lặng lẽ, ngày lẫn đêm cạn mình chảy, tưới tắm, sưởi ấm cho lũ làng trong những ngày trở gió.
 
Ha Póh cũng giống như Già Ha Lê, có một mong ước tương tự. Nhưng ước mơ của anh có phần sát với thực tế hơn, có kế hoạch hơn. “Nếu suối nước nóng được đánh thức, trở thành khu du lịch, chắc chắn Đạ Long sẽ phát triển hơn rất nhiều các xã khác có cùng xuất phát điểm, nhanh nữa là khác. Nhưng để làm được điều đó, Đạ Long không thể là “ốc đảo” cách trở, cần có một con đường”, anh tự tin nói. Và vị chủ tịch trẻ ấy cũng hy vọng, con đường nối Đạ Long với Đưng K’nớ, nơi có đường Đông Trường Sơn vắt qua sẽ được mở. Lúc ấy, suối nước nóng Đạ Long sẽ là một điểm dừng chân lý thú trên con đường du lịch Tây Nguyên xanh.
 
Ừ, thì là ai đi nữa, chẳng phải riêng tôi, khi về với Đạ Long, với suối mẹ Ka Kong vẫn hy vọng và vẫn kiên nhẫn để đợi hơi ấm bếp lửa trong ngày trở dạ của người mẹ cô độc trên núi cao từ thưở hồng hoang có thể sưởi ấm cho tất cả.
 
Tôi cũng giống như những người đàn ông chân trần vạm vỡ sau một ngày lên rẫy, giống như những người phụ nữ tảo tần mắt còn vương khói bếp ở xứ nghèo xa ngái này, trong mỗi lần về đây, xa vợ con, xa hơi ấm của gia đình, xa cái cảm giác ồn ào phố thị… đều hòa mình vào suối, để cảm nhận hơi ấm, để gột rửa và thấy mình được chở che. Cảm giác yên bình đến kỳ lạ!
 
Ký sự: ĐẶNG TUẤN LINH