Một ngày với già làng buôn Con Ó

04:04, 16/04/2015

Buôn Con Ó nằm ngay dưới chân đập thủy lợi Đạ Tẻh, cách trung tâm thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) chỉ chừng hơn mười cây số. Đó là một khu quy hoạch dân cư mới. 

Buôn Con Ó nằm ngay dưới chân đập thủy lợi Đạ Tẻh, cách trung tâm thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) chỉ chừng hơn mười cây số. Đó là một khu quy hoạch dân cư mới. Nói là “mới” để so sánh với nơi ở cũ của bà con người Mạ “ở trên buôn Con Ó xa kia, giáp với vùng Lộc Bắc của huyện Bảo Lâm, ở trên núi cao” theo cái chỉ tay của già làng K’Tỏi, chứ trong thực tế thì bà con dời về đây đã mấy chục năm nay rồi. Buổi sáng, mặt trời chỉ đến một phần tư lưng chừng cao xanh nhưng nắng nóng ở Đạ Tẻh đã đổ lửa. 
 
Lúc tôi đến buôn Con Ó, già làng K’Tỏi đang đánh trần vô đất mấy bao cát để trồng nghệ phía sau nhà. Tôi nói “Thôi, khỏi vô nhà làm gì, nắng nóng lắm, con với già ngồi dưới tán cây này nói chuyện cũng được!”. Rồi cứ thế, già làng K’Tỏi cứ đánh trần ngồi bên mấy bịch đất trồng gừng dang dở kể cho tôi nghe nhiều thứ của làng, của nhóm dân tộc Mạ buôn Con Ó... 
 
Già làng K’Tỏi đang vô đất trong bao để trồng gừng
Già làng K’Tỏi đang vô đất trong bao để trồng gừng

Không sợ đói
 
Khoảng đầu giờ buổi chiều, có lẽ vì muốn cho tôi biết chuyện đang “thời sự” của buôn làng, của vườn tược, rừng rú dân buôn Con Ó nên già làng K’Tỏi khoác nhẹ chiếc áo vào người rồi dắt tôi đi thăm thú nhiều nơi. Chỉ tay vào mấy cây cao su đang độ tốt tươi trên rừng xa (giáp với xã Lộc Bắc), giọng già làng có vẻ buồn: “Không biết sang năm, sang năm nữa, cái mủ cao su ra làm sao, chứ còn bây giờ, cứ cái kiểu thế này, cái mủ nó rớt giá thế này, bà con mình buồn lắm. Mấy cán bộ nó vào đây chỉ cho dân Mạ mình làm cái cây cao su nó cũng buồn! Nhưng mình tin là cái giá nó không như thế này mãi...”. Rồi, ông như tự an ủi chính mình: “Dân làng mình nghèo thì nghèo chứ giờ thì không sợ đói như xưa đâu! Dưới cái rừng cao su này, cái hạt bắp, hạt đậu... cũng đủ để cho bà con sống. Có điều, nghe bảo cái mủ cao su rớt giá, bà con mình không thể đoán trước đoán sau được. Nhiều hộ không còn muốn chăm sóc. Cán bộ lâm trường vào động viên, mấy cán bộ ngành nông nghiệp của huyện cũng động viên, mình là già làng cũng đứng ra động viên bà con, động viên mãi...”. 
 
Hơn hai chục năm trước, tôi với Khai (Nguyễn Bá Khai, hiện là Phó GĐ Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đạ Tẻh, lúc đó anh còn là trưởng phòng của Lâm trường Đạ Tẻh) phóng xe máy vào đây, con đường còn lầy lội kinh khủng. Hồi ấy, đến được một buôn làng nào đó của người dân tộc thiểu số ở Đạ Tẻh đã là một... chiến tích! Lần ấy, nhìn thấy chúng tôi lấm lem bùn đất, già làng K’Tỏi bảo đi ra phía trước, nơi có cái mương nước thủy lợi chảy ngang qua “rửa cái mặt cái mũi cho nó sáng sủa chút đã rồi vào đây nhu rnơm (uống rượu cần)”. Tôi thực sự ấn tượng với “cái mương nước thủy lợi chảy ngang qua làng”. Hồi đó, cây điều được cấp phát đến tận mấy chục hộ gia đình người Mạ của buôn Con Ó này. Mỗi nhà, trồng đến cả hecta. “Nhưng, bà con mình có ai biết cây điều là cây gì đâu. Xưa giờ, ở buôn cũ, tỉa lúa, tỉa bắp, trồng cái bầu, cái bí trên nương trên rẫy là chính. Giờ về đây làm cái cây điều, chẳng ai buồn ngó đến nó” - già làng K’Tỏi trầm ngâm. Nhưng cuối cùng, được cán bộ lâm trường hướng dẫn, vườn điều của bà con cứ thế mà tốt tươi trên vùng đất mới. Cái gạo ăn trong nhà được đổi bằng hạt điều, bụng người già, trẻ con đều vui. Cây điều dần dần được bà con không còn cho là lạ nữa. Tôi nhắc đến cây điều mấy chục năm trước để so sánh với cây cao su hiện giờ. Vì, với người Mạ ở buôn Con Ó, cây cao su hiện giờ có điều gì đó khá giống với cây điều lúc mới được người Mạ ở đây làm quen. Nó cũng xa lạ, nó cũng chưa phù hợp với kiểu canh tác nương rẫy của bà con. Bởi vậy, theo lời của Phó GĐ Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đạ Tẻh Nguyễn Bá Khai là, cán bộ các cơ quan ban ngành chức năng của huyện phải vừa hướng dẫn cho bà con làm đường ranh cản lửa phòng chống cháy rừng và cũng vừa hướng dẫn bà con bón phân làm cỏ cho cây cao su; hơn thế, còn hướng dẫn bà con trồng trỉa cây bắp, cây màu, cây lúa... để lấy cái ăn trước mắt, trong khi chờ thành quả của cao su. Già làng K’Tỏi đưa tay chỉ một vòng: “Cao su ở đây nhiều lắm! Mỗi nhà làm trung bình 1ha. Buôn Con Ó mình có gần 100 nhà làm cây cao su. Còn lại, 30 nhà lên trên Đạ Pal lập làng, lập xã mới - xã Đạ Pal, làm cà phê, mỗi hộ cũng được trung bình 1ha”.
 
Buổi chiều, tôi với già làng K’Tỏi quay về nhà. Trời vẫn oi nồng. Ông lại đánh trần với mấy bao đất chuẩn bị trồng gừng. Tôi hỏi: “Già học cái cách làm gừng này ở đâu vậy?”. Già làng K’Tỏi cười: “Mình học được ở người bà con trên tận Di Linh. Người bà con đó học lại của người Kinh. Nghe nói, làm như thế này có kinh tế lắm. Mình làm thử. Nếu bán được nhiều tiền, sẽ bày bà con trong buôn cùng làm”.
 
Già làng làm gương
 
Già làng K’Tỏi năm nay đã 85 tuổi. Ông có khá đông con - 8 người. Trong đó, K’Túc là anh con trai hiện là thôn trưởng thôn 8 (buôn Con Ó là thôn 8 của xã Mỹ Đức). Không phải vì con trai làm thôn trưởng mà già “ỷ thế” đâu. Ông bảo “Đứa K’Túc làm thôn trưởng là để “học việc” làm già làng. Mai kia, khi mình yếu hai cái chân, hai cái tay, cái đứa con trai K’Túc nếu được bầu làm già làng thì nó có cái kinh nghiệm làm thôn trưởng bây giờ”. Ấy là ông lo xa chuyện tương lai. Còn lúc này, mặc dầu tuổi đã cao nhưng mọi thứ trong buôn đều được già chung tay với anh con trai thôn trưởng lo một cách chu toàn. 
 
Trẻ con người dân tộc thiểu số bây giờ đã tha hồ lựa chọn món ăn tinh thần
Trẻ con người dân tộc thiểu số bây giờ đã tha hồ lựa chọn món ăn tinh thần

Ví như cái ngày cán bộ huyện vào vận động bà con đi lên Đạ Pal lập làng lập xã chẳng hạn: Lúc đầu, không mấy ai đồng ý đi. Vì, Đạ Pal là vùng đất mới, bà con sống không quen. Già làng bảo: “Ở đó cũng giống như buôn Con Ó xưa của mình thôi. Lên đó, được cấp đất làm cà phê; đổi cái cà phê lấy tiền mua gạo...”. Để làm gương, mặc dầu không phải là người có trong danh sách tách hộ lập làng mới nhưng già làng K’Tỏi xin huyện đi tiên phong lên Đạ Pal nhận đất làm cái cây cà phê trước tiên để dân làng theo đó mà làm. Lên Đạ Pal, ông làm 6 sào cà phê và gần 2 sào chè. Cà phê và chè của ông tốt vụt sau một năm. Thấy vậy, hơn 30 hộ dân Con Ó sẵn sàng đi Đạ Pal. “Giờ thì ở đó nhà nào cũng có 1ha cà phê” - già K’Tỏi nói.
 
Cái ngày cán bộ huyện vào đây vận động bà con (số dân còn lại của buôn Con Ó hiện nay) lên trên đất quy hoạch trồng cây cao su cũng vậy, không mấy người mạnh dạn cơm nắm cơm đùm đi theo cái chân của anh cán bộ kỹ thuật của huyện. Già làng K’Tỏi bảo: “Trồng cái cây cao su nó cũng giống như ngày trước bà con mình trồng cái cây điều này thôi mà! Thôi, để mình làm trước rồi bà con làm theo”. Miệng nói tay làm, ông theo chân cán bộ kỹ thuật lên đào hố, xuống giống, bón phân... đúng theo hướng dẫn. Lần này thì bà con chóng vánh nối gót già làng K’Tỏi.Giờ, gần trăm hecta cao su của dân làng buôn Con Ó tốt tươi lắm rồi. Với lại, cái ăn ở “phía dưới” (rau màu trồng xen) có một sức níu để đôi chân trần người thiểu số Mạ ở Con Ó không thể tách rời gốc cao su, mặc dầu cao su trong thời gian gần đây đang rớt giá. Tình hình “thời sự cao su” có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm tư của bà con buôn Con Ó nhưng già làng K’Tỏi vẫn tỏ ra lạc quan: “Cây cao su của bà con mình chừng hơn hai năm nữa, hoặc khoảng ba năm nữa là có thu hoạch rồi. Đến lúc đó, cái mủ này sẽ làm ra tiền. Đến lúc đó, cái giá mủ cao su không còn thấp như bây giờ...”. Đó cũng là câu động viên của già làng mang ra nói với bà con trồng cao su ở buôn Con Ó.
 
Ở Đạ Tẻh, số lượng người dân tộc thiểu số bản địa không nhiều - chỉ khoảng 700 hộ với 3.000 khẩu, sống tập trung ở ba buôn lớn là Đạ Nha, Tố Lan và Con Ó (nay có thêm Đạ Pal). Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng này, từ nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo huyện luôn trung thành với mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng và gắn bà con với một mô hình cây trồng nào đó; ví dụ như cây tre tầm vông, cây cao su, cây cà phê... Cách làm của Đạ Tẻh cũng khá bài bản: Đảm bảo cho bà con mỗi hộ có ít nhất 1ha trồng tre, hoặc cà phê, hoặc cao su...; mỗi hộ nhận rừng khoảng 20ha để bảo vệ. Như vậy, cùng với cây điều trước đây, người dân tộc thiểu số ở Đạ Tẻh đảm bảo được cái ăn hằng ngày từ vườn điều, từ cây ngắn ngày xen canh và tiền quản lý bảo vệ rừng. Còn thứ cây “lớn” như cà phê, cao su, tre... là cây chuẩn bị cho tương lai. Có điều, dường như lạ cái là mấy thứ cây ấy đôi lúc bị thất bại với nguyên nhân hoàn toàn khách quan; nên cứ ngỡ sẽ ăn chắc chuyện đổi đời cho bà con dân tộc thiểu số nhưng cuối cùng lại “vuột khỏi tầm tay với” của các nhà hoạch định chính sách. Điều đó dẫu sao đi nữa thì cũng bị ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của bà con, việc vận động bà con làm kinh tế bởi vậy mà có phần khó khăn. 
 
“Trong lúc khó khăn do nguyên nhân khách quan đưa lại như vậy, vấn đề già làng là hết sức quan trọng! Già làng sẽ là tác nhân lớn nhất để động viên bà con dân làng” - một cán bộ có trách nhiệm của huyện Đạ Tẻh nói như vậy! Và, già làng K’Tỏi của buôn Con Ó là một ví dụ khá sinh động!
 
Phóng sự: Khắc Dũng