Cam go giữ những cánh rừng

04:07, 28/07/2015

Hai năm ròng rã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chính sách ưu đãi, nhưng rừng vẫn bị dân phá, đất rừng ngày một bị lấn chiếm. Cấp thiết ngăn chặn vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng là mệnh lệnh chính trị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan...

Kỳ 1: Từ dai dẳng đến nóng bỏng

Hai năm ròng rã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chính sách ưu đãi, nhưng rừng vẫn bị dân phá, đất rừng ngày một bị lấn chiếm. Cấp thiết ngăn chặn vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng là mệnh lệnh chính trị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan. Bốn đợt theo đoàn công tác làm việc, hết hiện trường đến nơi cư trú của người dân, tôi càng thấm thía nỗi cam go của hành trình gìn giữ rừng đến thế nào.

Những căn nhà được phân lô bài bản mọc lên trên đất lấn chiếm
Những căn nhà được phân lô bài bản mọc lên trên đất lấn chiếm


Hai năm… “nước đổ lá môn”

Diễn biến: Ngày 18/3/2013, 109 người dân thôn 4 của xã Đạ Long, huyện Đam Rông thuộc 95 hộ, do những người có uy tín trong cộng đồng dẫn đầu, vượt hàng chục km đường rừng trở về chiếm đất rừng Đạ Long xưa (tiểu khu (TK) 26 và 27 thuộc địa bàn xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương). Chính quyền, đoàn thể Đạ Long, các ngành Đam Rông tổ chức tuyên truyền, vận động bà con rời rừng về lại Đạ Long mới. Ngày 20, vận động tại hiện trường họ đồng ý quay về xã làm việc, nhưng vẫn không buông TK 26, 27. Từ ngày 9 đến 13/4, huyện, xã phối hợp với chủ rừng tiếp tục vận động tại hiện trường, dân lại đồng ý về xã bàn. Kết cục dân vẫn không đồng tình, có người còn chống đối. Từ 14 đến 18/4, tăng cường vận động các hộ dân đăng ký nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Kết quả: 69 hộ đăng ký, trong đó có 34 hộ phá rừng tại TK 26, 27.

Từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2015, huyện, xã, chủ rừng, các ngành chức năng tỉnh phối hợp hơn 10 cuộc tuyên truyền, vận động tại hiện trường và nơi cư trú của dân. Bàn thảo với bà con linh hoạt hơn: tiếp xúc theo đoàn thể; qua giới chức sắc, người có uy tín trong thôn; bằng hỗ trợ cây con giống má, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Vẫn chưa một lần thành công. Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Bùi Văn Hởi cho biết: Dân lập luận không nhận đất vì không thích trồng cây công nghiệp, chỉ trồng lúa nước và trả lại giống bò, cây và phân... cho huyện để quay lại đất cũ.

Ngày 31/12/2014, UBND tỉnh ban hành Văn bản 7207 chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để bố trí đất sản xuất cho một số hộ thiếu đất ở thôn 4 Đạ Long. Tổng diện tích đất sẽ cấp cho bà con là 20ha, gần trung tâm xã. Nhưng, các hộ dân kiên quyết không hợp tác nhận đất, chỉ một mực quay về làng cũ. Sau 2 năm tuyên truyền, vận động, 124 hộ Đạ Long chấp nhận nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, trong đó hộ phá rừng TK 26 và 27 vẫn dừng lại con số 34.
Rừng mất thêm, đất rừng ngày một bị lấn chiếm rộng ra. Chủ rừng lập 6 biên bản vi phạm cũng chẳng thể răn đe. Thời điểm tháng 4/2015, tổng diện tích đất rừng bị chiếm 27,76ha, riêng 3 tháng đầu 2015 phát mới 17,18ha.

Hỏa tốc vào hiện trường

6 giờ ngày 1/4/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng lãnh đạo các ngành và 2 huyện Đam Rông, Lạc Dương xuất phát từ Đà Lạt. Đến 8 giờ, tất cả tập trung tại trụ sở xã Đưng K’Nớ để hành quân tiếp cận hiện trường. Đoàn công tác thành lập theo Thông báo 1044 của Tỉnh ủy, nhiệm vụ kiểm tra thực tế hộ dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy tại TK 26 và 27. Tỉnh ủy chỉ đạo “kiên quyết vận động không để dân trở về buôn làng cũ, xây dựng nhà ở, các công trình khác trên đất lấn chiếm”. Tinh thần này được UBND tỉnh quán triệt bằng Văn bản “hỏa tốc” số 120 chỉ đạo các ngành, các địa phương liên quan thực thi.

Dích dắc theo dốc cùi chỏ lởm chởm đá, chúng tôi tuột xuống gần suối để vào nơi cư trú của dân thôn 3 xã Đạ Long thuộc địa bàn Đưng K’Nớ. Chiếc xe máy của K’Nga thôn 1, xã Đưng K’Nớ chở tôi quăng quật như muốn hất 2 người xuống vực thẳm. Phía dưới là dòng sông K’Rông Nô xoắn nước xiết quanh những tảng đá như con voi lớn phủ phục. Ngoằn ngoèo, dốc đứng, chênh vênh. Có những đoạn, tôi phải lội bộ qua suối cạn trơn trượt, rón rén qua những mỏm đá sắc nhọn. Lại có những đoạn cả 2 ngồi xe phải cúi rạp người để luồn qua những lùm tre giăng mắc chằng chịt quất mạnh vào người hay né nhanh vô số ngọn cây tre lủng lẳng nhọn hoắt đâm chỉa xuống như những mũi giáo. Rồi cả chục chiếc cầu tạm kết bằng thân tre nhỏ hoặc mấy thân gỗ tròn ghép hở hoác... Đó là tuyến độc đạo vào TK 26, 27 do những người dân thôn 4 phá rừng tạo nên. Khó là vậy, từ Đạ Long qua hơn 20km, họ vẫn thường ngày lui tới, quyết liệt về làng cũ.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là liên trạm kiểm lâm số 10 của Hạt Kiểm lâm Chư Yang Sin, Đắc Lắc và Trạm Kiểm lâm Đưng K’Nớ, Lâm Đồng. Trưởng đoàn Phạm S quán triệt nhanh phương án tác chiến. Vượt một quãng đường rừng hiểm trở nữa, thấp thoáng phía xa một trảng rừng lớn trên cao màu đen nhẻm vì cháy rụi. Trên bãi đất bằng phẳng trải dài bên dòng suối là 35 căn nhà nhỏ cùng các loại cây lương thực, hoa màu do các hộ dân lấn chiếm tạo ra. Xã Đạ Long cho biết, có 45 hộ dân thôn 4 vào đây sinh sống và sản xuất, trong đó hộ anh Dơng Gur Hoang và hộ anh Cil Ha Kar mới “nhập cư” vài tháng nay.

Theo triền dốc, chúng tôi leo lên nơi có bình độ cao nhất. Cảm giác đất dưới chân như còn nóng, xộp xoạp một lớp dày tro than. Dường như văng vẳng đâu đây dư ba tiếng thở than khẩn cứu của Thần Rừng. Thỉnh thoảng, những cây to sạp xuống, nham nhở vệt cháy đen đúa với những cành chơ vơ bong tróc từng mảng vỏ chẳng khác gì cánh tay con người bị bỏng nặng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ngoái lại nói với tôi trong hơi thở thấm mệt và ánh mắt đong đầy nỗi buồn giữa không gian khét lẹt của hơi cháy:

- Phải kiên quyết và đồng bộ mới bảo vệ được. Nguy quá!

Đứng giữa thảm thực vật chỉ còn tro, chốc chốc ngọn gió thốc bùng tàn bay lả tả. Gương mặt ai cũng thảng thốt. Đầu này, chủ rừng bung bản đồ lâm phần cùng một nhóm dò khu vực mất mát. Đầu kia, nhóm khác chỉ tay sang mỏm đồi đằng xa lo âu rừng sẽ bị phá tiếp... Tôi và anh Bùi Văn Hùng - thành viên đoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đi xuống trảng thấp có mấy cành cây rủ héo quắt queo. Anh Hùng tư lự, rồi thõng lời chia sẻ với tôi:

- Anh thấy đấy, bài bản như thế là có tổ chức rồi. Phân lô đàng hoàng từng hộ một, nhà nào cũng ngang 12 mét đất, chiều dọc kéo từ suối lên đến đỉnh đồi. Trên này còn tính toán các vị trí làm sân bóng đá, bóng chuyền nữa...!

Đường vào độc đạo và rất khó đi nhưng người dân vẫn tích cực lui tới bám trụ
Đường vào độc đạo và rất khó đi nhưng người dân vẫn tích cực lui tới bám trụ


Và kiên trì thuyết phục

Gần trưa, cái nắng càng ngột ngạt bức bối. Đoàn tập trung dưới bóng cây sót lại bên suối để gặp bà con lắng nghe tâm tư. Thành viên K’Mar - Phó Bí thư Huyện ủy Đam Rông cùng Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long Ha Jăch đi tìm mời dân. Đợi… một, hai, ba, bốn, còn lại nghe nói đang ở trong rừng. Càng bất ngờ khi Phó Chủ tịch Phạm S đang phân tích chia sẻ hết mực ôn hòa thì một người dân vùng vằng to tiếng, rồi xách xà gạt đứng dậy bỏ đi. Vừa đi anh này vừa tuyên bố quyết liệt: “Giải tán. Không đi đâu cả, không cần hỗ trợ gì cả, đất của ông bà chúng tôi ở!”.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Phạm S khuyên bà con không trở lại nữa vì đây là rừng, giữ rừng là giữ chung cho mọi người. Rồi anh quyết định ngay:

- Bà con định cư và sản xuất nơi thôn mới, ngoài việc giao từ 1 đến 1,5ha đất cho hộ còn thiếu đất sản xuất, tỉnh còn hỗ trợ bà con nhiều chính sách ưu ái nhất, như giao mỗi hộ quản lý bảo vệ rừng 50ha với mức tính giá cao nhất, (định mức chung chỉ 30ha); hộ nghèo khó khăn Nhà nước hỗ trợ 2 con bò trị giá 18 triệu đồng...

Các hộ dân tiếp thu lơ đễnh. Anh Phạm S vẫn kiên trì giải thích tiếp:

- Nếu bà con ký hợp đồng ngay trong tháng 4 này, chưa làm gì bà con đã có 35 triệu đồng từ quản lý bảo vệ rừng, chưa kể đất sản xuất bà con chuyển đổi cây trồng thì kinh tế còn cao hơn. Tôi nói tôi chịu trách nhiệm! Còn đất đây bà con vô trồng mùa mưa đi lại rất khó khăn, mới khai phá thì tốt nhưng trồng đến năm thứ 2 thì đất đâu còn tốt nữa... Rất mong bà con hiểu để ổn định cuộc sống, đừng vô phá rừng, lấn chiếm đất rừng nữa. Các hộ đây về nói lại cho các hộ khác biết để cùng thực hiện...

Hơn 1 giờ tiếp xúc, trưởng đoàn Phạm S quyết định đoàn sẽ gặp lại đông đủ bà con tại trụ sở xã Đạ Long sau 3 ngày. Cả đoàn di chuyển trở ra trụ sở Đưng K’Nớ họp. Anh Phạm S khái quát lại tình hình và chỉ rõ những nguyên nhân, vướng mắc để địa phương và các ngành, đơn vị liên quan khắc phục giải quyết dứt điểm. Tinh thần chung vẫn tuyên truyền, vận động bà con không vào lại TK 26 và 27. Công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân cần phải có hiệu quả cao hơn; sự phối hợp giữa chủ rừng và địa phương chưa tốt, chưa rốt ráo; việc triển khai giao đất sản xuất chưa thực hiện nhanh chóng... Phó Chủ tịch tỉnh chỉ đạo chủ rừng sớm xây dựng 2 ngàn ha rừng để giao cho 40 hộ dân nhận quản lý bảo vệ, đồng thời chuẩn bị công tác trồng lại rừng ngay sau giải tỏa. Địa phương và ngành liên quan khẩn trương có đất để giao bà con thiếu đất sản xuất; ngành chức năng cũng cần có biện pháp nghiệp vụ để củng cố hồ sơ đối tượng cố tình vi phạm pháp luật... Anh đề nghị tất cả địa phương và ngành liên quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Thông báo 1046 của Tỉnh ủy. “Mọi công việc trên đề nghị các cấp, các ngành và địa phương liên quan phải hoàn thành trước ngày 20/4. Cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị cao nhất để quyết tâm thực hiện”, anh Phạm S nhấn mạnh.

Kỳ 2: Quyết đưa lại màu xanh cho rừng

Ký sự: MINH ÐẠO