Di Linh: Nhiều trường học chờ vốn xây dựng

09:07, 23/07/2015

Nhiều ngôi trường ở Di Linh có chủ trương xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn đang chờ vốn.

Nhiều ngôi trường ở Di Linh có chủ trương xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn đang chờ vốn.

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tại thị trấn Di Linh vừa hoàn thành thêm dãy phòng học mới
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tại thị trấn Di Linh vừa hoàn thành thêm dãy phòng học mới


70% trường lớp đã được kiên cố hóa

Là một huyện có diện tích khá rộng của Lâm Đồng, Di Linh hiện có 81 trường học trên địa bàn do Phòng Giáo dục (GD) Di Linh quản lý, trong đó có 28 trường mầm non (6 trường tư thục, còn lại là công lập), 31 trường tiểu học, 20 trường trung học cơ sở (THCS) và 2 trường vẫn còn 2 cấp gồm tiểu học và THCS. Tổng số học sinh của ba cấp học từ mầm non, tiểu học đến THCS tại Di Linh trên 33 nghìn, trong đó chiếm trên 35% là học sinh người dân tộc thiểu số (khoảng 12 nghìn).

Theo ông Phan Đình Đồng - Trưởng phòng GD Di Linh, mạng lưới trường lớp của huyện hiện nay đã được phân bố khá hợp lý trên các địa bàn, các khu dân cư. Hầu hết 19 xã, thị trấn của huyện đến nay đều có trường mầm non, trường tiểu học và THCS, nhiều xã, thị trấn đông dân cư có đến 2 trường cùng cấp. Riêng xã Tân Lâm do mới thành lập nên vẫn còn 2 trường có cả 2 cấp tiểu học và cấp THCS đang chờ được xây dựng cơ sở mới để tách hai cấp học ra thành hai trường riêng. Di Linh đến nay theo ông Đồng đã kiên cố hóa khoảng 70% số lớp học hiện có, trên địa bàn đã không còn hiện diện các lớp học “tạm” dù ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc; chỉ còn một số trường có các lớp học cũ xuống cấp đang chờ được thay thế.

Trường lớp được xây dựng là một điều kiện cơ bản để GD Di Linh nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Huyện đến nay đã huy động ra lớp 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi và trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, huy động 100% học sinh vào lớp 6, thực hiện tốt việc duy trì sĩ số, giảm nhanh tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi trong ngày ở cấp học mầm non đạt 100%, cấp tiểu học đạt khoảng 80%.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Di Linh khá chậm. Đến nay, huyện mới chỉ có 24 trường học đạt chuẩn trong đó có 2 trường thuộc Sở GD quản lý là THPT Di Linh và Dân tộc Nội trú Di Linh; 22 trường còn lại thuộc Phòng GD huyện quản lý gồm 4 trường mầm non, 16 trường tiểu học, 2 trường THCS. “Tiến độ chậm chủ yếu vì thiếu cơ sở vật chất” - ông Đồng cho biết. Theo ông, nhiều trường trên địa bàn hiện đã nâng được chất lượng dạy và học, đội ngũ giáo viên đạt và vượt chuẩn đào tạo, các tiêu chuẩn khác đều đạt nhưng cơ sở vật chất chưa được đầu tư, nên đành… chịu. Do ưu tiên đầu tư xây dựng lớp học trước nên rất nhiều trường vẫn còn thiếu các công trình đi theo như khu hiệu bộ, phòng bộ môn, phòng thực hành, đang chờ được đầu tư tiếp.

Những công trình đợi vốn

Để chuẩn bị cho năm học mới 2015 - 2016 sắp đến, ngay trong hè, như ông Đồng cho biết, Phòng GD đã chỉ đạo cho các trường học trên địa bàn tiến hành sửa chữa, sơn lại tường lớp học, làm hàng rào, sửa lại bàn ghế học sinh, công trình vệ sinh, trồng thêm cây xanh trong sân trường… “Chúng tôi không có công trình nào xây mới trong 2 năm gần đây, chủ yếu là các công trình chuyển tiếp từ những năm trước còn lại. Để tu sửa, hầu hết các trường phải tự xoay xở từ nguồn xã hội hóa” - ông Đồng cho biết.

Trong năm học tới (2015 - 2016), Di Linh đang hoàn tất các công trình chuyển tiếp từ những năm trước để đưa vào sử dụng như Mẫu giáo Tân Thượng (tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng), xây thêm phòng học mới ở Tiểu học Trần Quốc Toản (3 tỷ đồng), xây 4 phòng bộ môn cho THCS Tân Châu (khoảng 3 tỷ đồng), xây mới cơ sở vật chất cho THCS Hòa Trung (12 tỷ đồng)…

Phòng GD huyện cũng triển khai công tác hè đến các trường học trên địa bàn, yêu cầu các trường học phối hợp với địa phương tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh, tổ chức các hoạt động TDTT - trò chơi dân gian, tổ chức các hội thi văn nghệ “Tiếng hát hoa phượng đỏ” trong hè. Với các vùng dân tộc thiểu số, Phòng yêu cầu các trường tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1; Phòng cũng lên chương trình bồi dưỡng chính trị và chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong hè (toàn huyện có trên 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành GD).

Chủ trương chung của GD Di Linh là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện. Phòng cũng chỉ đạo các trường rà soát việc mua sắm trong năm học mới, cần sử dụng hiệu quả sách, các trang thiết bị đồ dùng dạy học hiện có, đồng thời phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong trường.

Khó khăn nhất hiện nay, theo ông Đồng là nhiều ngôi trường xuống cấp, dù đã có chủ trương xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Cụ thể đó là Mẫu giáo Sơn Điền (tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng), Tiểu học Kim Đồng (15 tỷ đồng), Tiểu học Đinh Trang Hòa 3 (12,5 tỷ đồng) và THCS Tân Lâm (14,5 tỷ đồng), trong đó THCS Tân Lâm được đầu tư để tách 2 trường học có 2 cấp tiểu học và THCS trên địa bàn hiện nay thành 2 trường riêng. “Chúng tôi đã chờ vốn cho các công trình này trong 2 năm nay, rất mong những công trình này sắp đến được cấp vốn để xây dựng như kế hoạch” - ông Đồng nói.

GIA KHÁNH