Miền ký ức

04:07, 29/07/2015

Tôi gặp anh trên đường phố vào một buổi sáng trời Đà Lạt không sương, nắng ấm và bầu trời xanh rất cao. Con dốc Hai Bà Trưng lượn ven mép đồi Đa Nghĩa dẫn từ nhà anh lên tới chùa tổ, Linh Quang Tự. Vẫn giày bata trắng, áo sơ mi, quần tây đóng thùng nghiêm chỉnh như thời còn là học sinh trung học Trần Hưng Đạo ngày xưa...

Tôi gặp anh trên đường phố vào một buổi sáng trời Đà Lạt không sương, nắng ấm và bầu trời xanh rất cao. Con dốc Hai Bà Trưng lượn ven mép đồi Đa Nghĩa dẫn từ nhà anh lên tới chùa tổ, Linh Quang Tự. Vẫn giày bata trắng, áo sơ mi, quần tây đóng thùng nghiêm chỉnh như thời còn là học sinh trung học Trần Hưng Đạo ngày xưa. Hầu như sáng nào cũng thế, anh vẫn đạp xe đi dọc con đường này như một môn thể dục mà anh vẫn giữ đều hơn chục năm nay, thỉnh thoảng anh ghé vào chùa uống cốc trà, ngồi đàm đạo cùng quý thầy về chuyện đạo, hoặc ghé nhà bạn bè uống cốc cafe nói chuyện đời với nhau.

Tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: VĂN BÁU
Tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: VĂN BÁU


Ngồi trước sảnh căn biệt thự mini trang nhã, thanh cảnh, một nhóm bạn lớp trước, lớp sau đều là những sinh viên, học sinh của Đà Lạt một thời xuống đường tranh đấu, có người bị bắt, bị tù; có người bị lộ phải thoát ly ra rừng; có người bám trụ được cho tới ngày khởi nghĩa giải phóng Đà Lạt; có người là thương binh, trong đó anh là thương binh nặng nhất, thương binh hạng một! Anh nói về những người bạn chí thân, những người cùng học một lớp, cùng sát cánh nhau trong một nhóm hoạt động bí mật hay cùng một chi đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam... đã bị bắn chết ngay trên đường phố, hoặc đã hy sinh trong những trận đánh trên đường vào ấp, trong những trận địch càn vào căn cứ... Anh kể tên tuổi, lớp học, tính tình, kể cả những mối tình thánh thiện lứa tuổi học trò, của những người ở thế hệ của anh đã ngã xuống. Từ anh Nguyễn Văn Đực bị cảnh sát chính quyền Sài Gòn bắn chết trên đường Phan Đình Phùng, trước cửa Rạp hát Ngọc Hiệp, đến các anh Nguyễn Châu Kỳ bị đạn xuyên giữa trán, anh Nguyễn Văn Triệt, Hoàng Văn Dậu, Nguyễn Doãn Chánh, bị bắn ngã tức thì trước cửa Tòa hành chính tỉnh và ở đầu đường Bá Đa Lộc tức Hà Huy Tập bây giờ và khoảng 40 người bị thương, chủ yếu là bị bắn gãy tay, gãy chân... với hàng trăm người bị bắt đi tù trong những tháng ngày của cao trào đấu tranh năm 1966, nhất là sau đợt đấu tranh nhà cầm quyền bấy giờ mở nhiều đợt lùng sục, khủng bố nhằm xóa trắng cơ sở nội thành của Thị ủy Đà Lạt. Năm 1966 hầu như cả miền Nam xuống đường, các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng đều có hàng vạn người xuống đường, riêng Đà Lạt có đến 2 vạn người tham gia đợt đấu tranh. Ngòi nổ bùng lên vào ngày 28/3/1966, xuất phát từ Trường Trung học Trần Hưng Đạo đã nhanh chóng lan ra đến Trường Đại học Đà Lạt và các trường trung học trên toàn Đà Lạt. Cuộc đấu tranh kéo dài cho đến giữa tháng 5/1966, lực lượng đấu tranh dưới hình thức “Nhân dân, sinh viên học sinh...” tuyên bố giải thể để chuyển sang cuộc đấu tranh mới dưới màu sắc Phật giáo. Ngày 30/5, một Sa di tự thiêu, rồi 23/6 một nữ sinh 19 tuổi Đặng Thị Ngọc Tuyền lại tự thiêu để lại 6 lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ Johnson, Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, gửi nhân dân Mỹ, gửi lãnh đạo giáo hội và gửi những người yêu chuộng tự do hòa bình trên khắp thế giới. Cứ mỗi cái chết của sinh viên học sinh trong đấu tranh, mỗi sự kiện tự thiêu của những người yêu nước lại bùng lên ngọn lửa đấu tranh lớn hơn với những đám tang có hàng vạn người tham gia biến thành những cuộc biểu tình khổng lồ, làm rung chuyển thành phố trên cao nguyên, gây tiếng vang trên báo chí quốc tế và khiến chính phủ Trung ương ở Sài Gòn vô cùng lo lắng. Địch ra sức truy lùng, một số bị bắt, một số chạy về Sài Gòn tiếp tục hoạt động, một số ra rừng cầm súng chiến đấu. Cơ sở nội thành gần như trắng, ta tiếp tục thâm nhập, phát hiện nhân tố rồi gầy lại cơ sở mới. Lại xuống đường, lại đấu tranh lại bị đàn áp, truy lùng, bắt bớ, tù đày hoặc bị bắn ngay trên đường phố; và lại thoát ly ra rừng! Rồi bị ngã xuống bên bìa rừng, nằm lại trên đường Hai mươi, đường Mười một hay đổ máu trên những thửa ruộng cày... Lớp trước, lớp sau nối tiếp nhau mãi cho đến khi hình như không còn cần nữa! Chúng tôi thử tính chưa đầy đủ thì cũng có hàng chục liệt sĩ, hàng chục thương binh và hàng trăm tù chính trị xuất thân từ các phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Đà Lạt ra đi. Chỉ riêng “phong trào sáu sáu” ra đi đã có trên chục liệt sĩ! Tất cả họ đều là bạn thời trung học của anh. Trong đó có mấy người bạn thân nhất, anh nói: “Chúng tôi hiểu nhau và quý nhau từ cuộc sống, tính tình, sức học và cả sự thông minh, gan lì trong công tác”. Anh Nguyễn Hữu Nguyện và Nguyễn Văn Triệt, họ học cùng lớp, cùng tham gia công tác bí mật trong một nhóm với nhau và rồi cùng kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam. Trong một buổi sáng mùa khô đầu năm 1966, theo thư hẹn của tổ chức, ba anh em quần soọc, áo kaki vàng ngắn tay, đầu đội mũ trái khế, ba lô trên lưng, đạp xe xuyên rừng như những hướng đạo sinh đi dã ngoại đến trưa thì đến điểm hẹn ở phía thượng nguồn thác Datanla gặp lãnh đạo Thị ủy Đà Lạt. Ngồi ăn bữa cơm trưa đạm bạc với cá khô, giữa khu rừng già nói chuyện với nhau về tình hình thế giới, tình hình trong nước và tình hình chính trị tại Đà Lạt trong tâm trạng đầy niềm tin ở tương lai và buổi lễ kết nạp Đoàn diễn ra đơn sơ, nhanh gọn nhưng trang nghiêm và nhiều cảm xúc.

Trong cao trào sáu sáu, khi đoàn biểu tình tiến lên Tòa hành chánh tỉnh, anh Triệt - một đoàn viên đã xông lên phía trước hứng chịu làn đạn đầu tiên khi xảy ra cuộc đụng độ giữa lực lượng đấu tranh không tấc sắt với cảnh sát và các sắc lính của chế độ Sài Gòn bao gồm cả lực lượng Sư đoàn 23 khét tiếng. Bà con và các bạn sinh viên học sinh đã giằng co với địch đưa được xác anh Triệt về tới trụ sở của lực lượng đấu tranh ở Hợp tác xã rau Đà Lạt nằm bên cạnh cổng chùa Linh Sơn. Cảnh sát lại tổ chức tấn công hợp tác xã rau để cướp xác, anh đã cùng vài anh em nhanh chóng ôm xác bạn chạy lên chùa Linh Sơn và được các thầy chỉ chỗ giấu trong kho trà của chùa an toàn. Hôm sau, lễ tang của anh Triệt diễn ra trên thành phố với hàng vạn người tham gia có đầy đủ pandrol, biểu ngữ, khẩu hiệu... đòi dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ cút về nước, đả đảo những kẻ tham nhũng bán nước cầu vinh… Anh Nguyện sát cánh cùng anh trong suốt những ngày tháng đấu tranh đã xây dựng được nhiều thanh niên tích cực tham gia tổ chức; đến cuối mùa tranh đấu, tên các anh đã vào sổ đen của cảnh sát, mật vụ, chúng truy lùng quyết liệt! Các anh phải thoát ra căn cứ. Anh không nhớ rõ lắm nhưng theo anh thì có khoảng vài chục anh em học sinh, sinh viên của phong trào sáu sáu đã lần lượt rời bỏ thành phố ra rừng chiến đấu. Trong đó có anh Nguyễn Nam và anh Nguyễn Hữu Nguyện là hai người bạn cùng lớp với anh. Anh Nam thuộc họ Bùi nhưng đi học anh lấy tên là Nguyễn Nam, một thành viên của đội bóng đá Trần Hưng Đạo, một thủ môn nổi tiếng trong giới học sinh toàn thành đến cả các bạn nữ sinh của Trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân cũng biết tiếng và ngưỡng mộ. Việc anh Nam xếp bút nghiên lên đường đi kháng chiến đã thành một sự kiện làm xôn xao cả Đà Lạt lúc bấy giờ! Các anh ra đi đã làm cho lớp trẻ ngày ấy nhận ra rằng Việt Cộng không phải ai xa lạ mà chính là những bạn bè cùng học, cùng làm thơ, cùng đá bóng, cùng ca hát với nhau, những đứa bạn thân thương và nhiều tài năng của họ.

Đến năm 1972 trong một chuyến đột ấp bị lọt vào ổ phục kích, anh Nguyện đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh dũng cảm. Sau đó một thời gian anh Nam cũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở vùng ven Đà Lạt. Kể về sự hy sinh của những người bạn thời học trò mà cũng là bạn chiến đấu, giọng anh bùi ngùi, từ con mắt bị thương của anh có giọt nước lăn dài xuống gò má.

Chiến tranh ngày càng ác liệt! Một viên tướng Mỹ từng tuyên bố rằng Việt Cộng không còn đủ sức để mở những trận đánh lớn! Vậy mà trước Tết Mậu Thân 3 ngày anh nhận lệnh bí mật vào thành để chuẩn bị cho tổng công kích và nổi dậy. Nhiệm vụ của anh là liên lạc với cơ sở nội thành để phối hợp với bên ngoài khi cần, đưa một lái xe ra rừng để lo việc tải đạn, tải thương và đưa một thông dịch viên tiếng Anh ra để làm nhiệm vụ phiên dịch. Sau đêm giao thừa quân ta nổ súng tấn công nhiều hướng vào Đà Lạt. Anh đã bắt liên lạc được với anh Bảy, một lính lái xe của quân đội Sài Gòn là cơ sở của ta. Theo kế hoạch, 2 anh sẽ đi tắt từ nhà cơ sở nội thành ở gần Rạp xi nê Ngọc Hiệp băng qua đường Hai Bà Trưng để vào Bệnh viện Dân y Đà Lạt tức Bệnh viện Đa khoa tỉnh bây giờ, ra phía cổng sau của bệnh viện, qua Nhà thờ Domaine de Marie rồi lên đồi Đa Cát để gặp một đơn vị của ta đang tiến vào từ hướng đó. Nhưng khi hai anh vừa ra khỏi con hẻm từ đường Hai Bà Trưng lên tiếp cận hàng rào bệnh viện thì bị địch phát hiện, một loạt súng nổ anh té sấp xuống lề đường cây súng ngắn văng ra, anh Bảy chỉ kịp chụp lấy cây súng của anh rồi vượt rào chạy vào bệnh viện thoát ra nhà thờ Domaine gặp một mũi chiến đấu của ta đã tiến vào tới đó. Các bác sĩ trong bệnh viện ra thấy người nằm bất động, máu nhuộm đỏ mặt đường! Họ đã cho nhân viên y tế đưa băng ca khiêng vào bệnh viện tiến hành một ca phẫu thuật được đánh giá là chín phần thua một phần thắng. Đạn xuyên từ phía sau mang tai trổ ra giữa mặt. Có lẽ vì bắn quá gần nên đạn chỉ xuyên thẳng một đường mà chưa đạt độ xoáy để phá nát khuôn mặt của anh. Bác sĩ Khiêm là người đã quyết định và trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật. Sau ca mổ thành công, đầu bị băng kín, bác sĩ lại phát hiện anh còn một dải băng trắng quấn ngang bụng, mở băng ra khám, phát hiện anh đang bị viêm ruột thừa cấp, bác sĩ Khiêm quyết định mổ gấp. Số là anh đã bị đau ruột thừa trước đó mấy ngày, anh đã dùng băng quấn lại chịu đau dự định sau chuyến công tác này về trạm xá của thị để chữa thì bị bắn. Anh nói: “Trong cái rủi có cái may, bác sĩ Khiêm giỏi thật, tôi mang ơn bác nhiều. Sau giải phóng ông vẫn tiếp tục làm việc tại Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng mấy năm nữa”. Buổi chiều hôm anh bị bắn, cảnh sát đã vào bệnh viện yêu cầu bác sĩ phải quản lý người này chờ lệnh của họ. Mấy ngày sau khi tỉnh lại, cảnh sát đã đưa anh lên băng ca chở về Ty để thẩm vấn nhưng anh đang rất yếu không nói được nên họ đưa trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị. Khi anh bắt đầu ăn và đi lại được thì vào một buổi trưa có hai viên cảnh sát mặc sắc phục mang súng rulo xệ bên hông bước vào bệnh viện yêu cầu đưa anh ra xe để đi thẩm vấn. Chiếc Honda 67 chở ba người, một cảnh sát cầm lái, một cảnh sát ngồi sau ôm anh ở giữa, họ chạy lòng vòng trên những con đường vắng người hướng về ấp Sào Nam, đưa vào một gia đình cơ sở giấu anh ở đó. Hai đêm sau đội mũi công tác đã xuyên đồn bốt địch, lọt vào ấp, bí mật đưa anh ra rừng. Hai cảnh sát đó là anh Ngô Tấn và anh Trần Văn Trung cảnh sát của chế độ Sài Gòn là cơ sở của an ninh thị Đà Lạt. Một ca cấp cứu thần kỳ của bác sĩ Khiêm, một vụ giải thoát độc đáo của đồng đội dành cho anh. Và, một mối tình đầu dễ thương của tuổi học trò mà anh nhớ mãi: “Cô ấy là nữ sinh Bùi Thị Xuân, hồi đó Đà Lạt chỉ có hai trường công, trường trung học Trần Hưng Đạo dành cho nam sinh và trường trung học Bùi Thị Xuân dành cho nữ sinh, học sinh giỏi mới thi vào được trường công”. Cô ấy duyên dáng trong chiếc áo dài màu xanh thẫm của bầu trời cao nguyên, nhẹ nhàng kín đáo của thiếu nữ Đà Lạt và xông pha hăng hái trong các hoạt động của phong trào học sinh, sinh viên đã lay động trái tim anh. Một lời tỏ tình và một nụ hôn nhẹ như nâng niu, như sợ vỡ một thứ quí giá nhất của đời mình. Họ đã hẹn ước... Nhưng: “Sau cao trào đấu tranh sáu sáu, cô ấy bị đuổi học vì tham gia biểu tình, cô phải xin vào học Trường Tư thục Văn Học và tiếp tục hoạt động, rồi bị lộ, bị truy lùng gắt gao, cô đã thoát ly ra rừng. Cuộc chiến đấu gian khổ hàng chục năm mỗi người một đơn vị khác nhau, rồi tôi được ra Bắc chữa bệnh không có điều kiện gặp lại...”. Những lời hẹn ước năm nào của anh chị cho đến bây giờ vẫn đẹp mãi!

Ngồi xoay xoay ly cafe nóng trong tay, anh Nguyễn Minh Thơ một trong số ít người còn sống sót của thời sáu sáu, trầm ngâm hồi lâu rồi nói tiếp như tâm sự với chính mình: “Cuộc đời ai mà chẳng có những kỷ niệm đáng nhớ! Lâu lâu gặp bạn bè, gợi lại miền ký ức cho vui chứ thực ra phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh Đà Lạt không chỉ có cao trào sáu sáu sáu tám mà còn nhiều lắm, kể cả cao trào bảy mươi bảy lăm của lớp đàn em sau này cũng không kém phần hào khí. Nhưng đó cũng chỉ là những đóng góp nhỏ nhoi của một thời!”. Rồi bỗng cao hứng anh cất tiếng hát bài “Kỷ niệm học trò” mà ngày xưa anh đã từng hát tặng cho người yêu của mình.

Ghi chép: HOÀNG NGUYÊN