Vòng hoa trên biển

09:07, 09/07/2015

Về Trường Sa hôm nay, chúng ta vui mừng trước những đổi thay trên từng điểm đảo; song, có lẽ còn ít người biết về những hy sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ttrong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo… của Tổ quốc.

Về Trường Sa hôm nay, chúng ta vui mừng trước những đổi thay trên từng điểm đảo; song, có lẽ còn ít người biết về những hy sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ttrong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo… của Tổ quốc.
 
“Dấu lặng” Trường Sa
 
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, ông cha ta đã đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách. Bên cạnh thiên nhiên cuồng phong vô cùng khắc nghiệt là các thế lực ngoại bang ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta hết sức trắng trợn. Trong lòng biển khơi, hàng trăm anh hùng liệt sĩ của đất mẹ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại. Máu của họ đã hòa nước biển Đông và thân xác họ đã hóa những rạng san hô trầm tích. Ngàn năm sau, tiếng hô “hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc” của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương trong trận quyết tử để bảo vệ đảo đá ngầm Gạc Ma (ngày 14/3/1988) còn vọng mãi trong tiếng sóng biển Trường Sa…
 
Những vòng hoa tươi tưởng niệm trên biển
Những vòng hoa tươi tưởng niệm trên biển
 
Trong chuyến công tác về Trường Sa, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với một sĩ quan Hải quân - ông là một trong số ít những nhân chứng sống sót sau lần “đụng độ” quyết tử trong trận chiến đấu bảo vệ cụm đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin với quân đội Trung Quốc (tháng 3/1988). Đó là Trung tá Phạm Văn Hưng, Trưởng tàu HQ 957 đưa đoàn đại biểu liên bộ ngành Trung ương và tỉnh Lâm Đồng ra thăm Trường Sa lần này. Dù trận chiến ác liệt đã lùi xa hơn 1/4 thế kỷ rồi, nhưng trong giọng kể của vị sĩ quan Hải quân có thâm niên trên 30 năm gắn bó với biển sạm màu sương gió cứ chùn lại, nghẹn ngào…
 
Trung tá Hưng kể lại: những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam như: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ và Xu Bi. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc tiếp tục tăng số tàu chiến, hạm đội gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ và một số tàu hỗ trợ khác… ở khu vực Trường Sa.
 
Hải quân Việt Nam xây dựng thế trận phòng thủ ở các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan và Núi Le. Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam xác định các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao có vị trí rất quan trọng, nếu nước ngoài chiếm đóng sẽ gây khó khăn cho việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của ta. Do vậy, chúng ta phải quyết tâm bảo vệ các đảo này. Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều tàu vận tải HQ 605 từ đảo Đá Đông đến giữ đảo Len Đao; tàu HQ 604 và HQ 505 từ đảo Đá Lớn cũng được lệnh về Gạc Ma, Cô Lin để bảo vệ hai đảo này. Chúng ta bố trí lực lượng phòng thủ và treo cờ Tổ quốc trên các đảo. Các tàu chiến của Trung Quốc đã áp sát và bao vây tàu HQ 604 tại đảo Gạc Ma và dùng loa khiêu khích. Các chiến sỹ Hải quân Việt Nam hết sức kiềm chế, kiên trì neo giữ đảo. 
 
Không xua đuổi được chiến sĩ ta rời đảo, ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Lính Trung Quốc xông vào định giật cờ của ta, cướp đảo, Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng kháng cự, lập thành đội hình “vòng tròn bất tử”. Quân Trung Quốc đã dùng lê đâm và bắn Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh trọng thương, Thiếu úy Phương lao vào cứu đồng đội đã bị chúng bắn hy sinh… Khi thấy tàu HQ 604 bị quân Trung Quốc bắn chìm dần, tình thế mất đảo trong gang tấc, Trưởng tàu HQ 505 đã chỉ huy lao hết tốc độ ủi được hai phần ba thân tàu lên bãi đảo Cô Lin thì bị trúng đạn bốc cháy. Tại đảo Len Đao, tàu HQ 605 của Việt Nam cũng bị đạn pháo Trung Quốc bắn dữ dội bốc cháy và bị chìm…
 
Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988, ta giữ được đảo Len Đao và Cô Lin nhờ tinh thần quả cảm, mưu trí và thông minh của chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã cho tàu “ủi bãi” quyết hy sinh giữ lấy đảo. Trong trận chiến giữ đảo này, Hải quân Việt Nam có 3 chiến sĩ hy sinh, 9 chiến sĩ bị quân Trung Quốc bắt và 61 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Thân xác các anh mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi…
 
Tiếp tục cuộc hành trình đến đảo Trường Sa Đông; xuồng cứu hộ vừa cập cầu cảng, chúng tôi chựng lại trước ba ngôi mộ liệt sĩ nằm im lìm đầu hướng ra biển Đông. Mộ chí các anh được sơn trắng, hàng chữ ghi trên các bia như vừa mới viết; hoa quả, nhang khói dường như cũng vừa mới thắp đây thôi… Cả ba liệt sĩ tuổi đời còn rất trẻ đã hy sinh ngay trong những ngày đầu khó khăn xây dựng đảo. Liệt sĩ Quách Hoàng Lâm (sinh năm 1984, quê ở TP.HCM) hy sinh năm 2006 vừa tròn 22 tuổi đời; liệt sĩ Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1975 tại Thanh Hóa) hy sinh năm 2004, mới 26 tuổi đời và liệt sĩ Vương Viết Mão (người con Nghệ An, sinh năm 1975) hy sinh năm 2004… Trở lại đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi gặp hai mộ liệt sĩ cũng được ai vừa mới thắp hương nằm lặng lẽ bên chân tháp pháo đài giữ đảo cùng với gió ngàn…
 
Vòng hoa cho người nằm lại
 
Chúng tôi ra thăm Trường Sa và rồi trở về lại đất liền. Phía sau lưng biển cả mênh mông với những đảo nổi, đảo chìm, những nhà giàn DKI và những người chiến sĩ ở lại ngày đêm canh giữ biển trời. Ở đó, tuổi đời của các anh được tính qua từng mùa bão nổi và từng mùa cây bàng quả vuông nở hoa, kết trái. Ngoài hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh xương máu trong các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, còn có biết bao người con đã hy sinh trong các trận cuồng phong, bão dữ khắc nghiệt, vô tình. 
 
Trong hai cơn bão dữ (cơn bão số 10 năm 1990 và bão số 8 năm 1998) đã tràn qua khu vực nhà giàn DKI/6 và DKI/3 tại bãi Phúc Nguyên và Phúc Tần xô ngã các nhà giàn này và hất tung 17 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ khu vực thềm lục địa của Tổ quốc xuống biển khơi. Trong đó, 6 sĩ quan, chiến sĩ tuổi đời đang còn rất trẻ đã anh dũng hy sinh, thân xác các anh mãi mãi nằm lại giữa lòng biển cả của đại dương bao la. Đó là Anh hùng liệt sĩ - Đại úy Vũ Quang Chương (Trưởng nhà giàn DKI/6, bãi Phúc Nguyên); Chuẩn úy chuyên nghiệp Ra đa - liệt sĩ Lê Đức Hồng; Chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện - liệt sĩ Nguyễn Văn An (nhà giàn DKI/6, bãi Phúc Nguyên); Trung úy - liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng; Trung úy chuyên nghiệp - liệt sĩ Trần Văn Là; Hạ sĩ quân Y - Liệt sĩ Hồ Văn Hiền (nhà giàn DKI/3, bãi Phúc Tần)... Đây là những “dấu lặng” trong khúc tráng ca về tình yêu biển đảo Trường Sa, về tinh thần đấu tranh gian khổ và hy sinh để bảo vệ biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc của bộ đội Hải quân Việt Nam anh hùng!
 
Hàng năm, tất cả các đoàn công tác từ đất liền ra thăm các đảo, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa đều neo tàu dừng lại trang nghiêm làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên các đảo và thềm lục địa phía Nam. Mọi người lặng đi rất lâu trong tiếng nhạc buồn mênh mang, trong điếu văn truy điệu của người Trưởng đoàn. Đã có nhiều đại biểu xúc động không cầm được nước mắt. Và, những vòng hoa ngút ngàn hương khói, những bông hoa tươi… được thả xuống biển cùng với những lời khấn cầu hương hồn các liệt sĩ siêu thoát. Đoàn người lặng im và những vòng hoa cứ bồng bềnh trôi đi, trôi xa mãi đến vô cùng của đại dương mênh mông…
 
Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay, hồi ức những ngày có mặt cùng cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, qua bài viết này xin làm đóa hoa tươi của phố núi ngàn hoa gởi về hương hồn các liệt sĩ trên quần đảo Trường Sa lời tri ân sâu sắc…
 
Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG